Triết Học Vật Lý Phật Giáo - Bài Viết Trên Blog 5xu

Triết Vật Phật tức là triết học vật lý phật giáo.

Lý do là số mới nhất của World Literature Today có giới thịêu 2 gương mặt tác giả nữ người Việt tên là Linda Lê với Lê Phạm Lê. Chả hiểu hai bà này thế nào nên mới lọ mọ google, lăng quăng một lúc đang từ nữ văn nhân việt kiều lại vớ được mấy website toàn triết với phật. Mới ngồi dùng google để làm một cái desk research về các sách dịch liên quan đến triết học. Kết quả bất ngờ lắm. Bất ngờ ở chỗ là hóa ra chả có bất ngờ gì về sách triết được dịch ở VN.

Đại khái là sách dịch phần nhiều là trước năm 75. Trong Nam dịch rất nhiều và đa dạng. Ngoài Bắc cũng nhiều nhưng đơn dạng.

Sau đó thấy ít hẳn. Gần đây lại thấy xuất hiện thêm nhiều cuốn mới được dịch.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, toàn dịch những cái cổ lỗ sỹ và tung hô là nền tảng với căn bản này nọ.

Trong khi đó, rất nhiều sách triết hiện đại, rất dễ đọc, dễ tiếp cận, có thiên hướng xã hội học nhiều hơn, lại không được dịch. Nhất là những cuốn sách do những triết gia có xuất thân là dân vật lý hoặc dân toán viết bằng tiếng Anh.

Kể từ khi Thuyết Tương Đối của Einstein ra đời (1905 và 1915 ) và đặc biệt là sau khi Cơ học lượng tử của Bohr, Heisenberg, Schordinger ra đời (1925) thì thế giới quan về tự nhiên và vũ trụ bị thay đổi dã man. Dẫn đến các vấn đề cơ bản nhất của triết học cũng bị thay đổi mãnh liệt. Nói nôm na là cái món Ontology (bản thể học) và Metaphysic (Siêu thể, siêu hình) là hai món đặt câu hỏi nhiều nhất về sự tồn tại của vật chất, của vũ trụ và của tinh thần cũng bị thay đổi mãnh liệt. Nhưng mà chả thấy cuốn sách quái nào được dịch.

Thuyết tương đối Einstein ra đời cho người ta thấy một thế giới tự nhiên khác hẳn ngày xưa, khi mà Thời Gian đã tham gia vào hệ quy chiếu Không Gian. Nó cũng cho thấy một điểm rất quan trọng nữa là vật chất tự nó tác động đến không gian xung quanh nó. Nó cũng cho thấy sự chuyển động làm thay đổi sự quan sát về cả không gian lẫn thời gian. Nó cho thấy sự biến đổi phi tuyến của vật chất trong vũ trụ. Nó cho thấy chính vũ trụ cũng biến đổi không ngừng nghỉ. Tóm lại là một vũ trụ quan hoàn toàn mới lạ và thú vị.

Cơ học lượng tử lại cho thấy tự nhiên vận hành không Tất Định mà là Bất Định, cái gì cũng có xác suất cả. Nó cũng cho thấy có cái gọi là nguyên lý bất định (Heisenberg) của tự nhiên. Ở đó trí tuê con người chỉ có thể xác định cái này (hoặc vận tốc hoặc vị trí) của vật chất còn thì sẽ phải mù tịt cái kia. Nôm na là tự nhiên ở quá xa tầm trí tuệ của con người. Rồi sau đó là lý thuyết của John Bell (bất đẳng thức Bell) ra đời năm 1964 và được kiểm chứng năm 1972 bằng thực nghiệm đã cho thấy tính chất phi cục bộ (non-locality) của tự nhiên. Tính phi cục bộ là một cái vượt quá khả năng trí tuệ của con người khi nó cho thấy vật chất ảnh hưởng với nhau tức thời bất chấp khoảng cách mà có vẻ như không cần signaling cho nhau qué gì cả. Riêng quả này thì thật là siêu nhiên, chả ai hiểu được tại sao.

Mặc dù Einstein vẫn cay cú cho rằng ông rất bực mình khi mấy cái chuyện xác suất và phi cục bộ lại tồn tại trong tư nhiên. Ông rất ấm ức phát biểu là không tin rằng God play dice trong vũ trụ. Nhưng ông vẫn cho rằng God, nếu có 1 vị God như vậy, chính là sự luân chuyển của vũ trụ. Và ông cũng cho rằng Phật Giáo cũng rất gần với lý thuyết vật lý hiện đại. Có lẽ là nhờ tính Vô Thường (giống Bất Định), Duyên Khởi (cái nọ tác động đến cái kia) và có thể cả Tính Không nữa.

Do vật lý hiện đại của thế kỷ trước có quá nhiều cái mới lạ cho nên những câu hỏi cơ bản của onthology, đặc biệt là câu hỏi liên quan đến vật chất – tinh thần, trở nên sáng tỏ hơn nhiều. Nhiều vấn đề triết học và tôn giáo trước đó đã phát triển rất cao tự nhiên thành sai toét, nhiều cái giản dị hơn kiểu như Phiếm thần của Spinoza và Lão Tử tự nhiên trở nên có lý (híhí, thật là quái dị). Đáng tiếc là các tác phẩm triết học với cơ sở lý luận là vật lý hiện đại của các tác giả hiện đại lại không được khai thác ở Việt Nam.

Dưới đây là một vài tác giả và tác phẩm có thể tự tìm đọc trên internet. Các tác phẩm này đều là tiếng Anh giản dị nên đọc cũng dễ hiểu (đoán vậy vì chủ yếu là search ra các trích đọan dài).

1. Alfred North Whitehead (1861 – 1947).

Ông này là nhà toán học thuộc loại xuất sắc của Anh. Ông cũng rất giỏi về vật lý lý thuyết. Chính ông cũng có thuyết tương đối của ông để đối chọi với Einstein (nhưng thất bại). Ông quan tâm nhiều đến triết học cổ điển và siêu hình học. Khi thế giới vật lý cổ điển Newton sụp đổ thì ông có nhiều suy nghĩ sâu sắc về triết học. Đến năm 63 tuổi thì đại học Havard mời ông qua dạy Triết học.

Cuốn sách Process and Reality (1929) của ông coi như là xuất phát điểm của trường phái triết học chuyển biến (process philosophy hoặc onthology of becoming) kiểu Whitehead. (Process ở đây dịch là chuyển biến vì nó sử dụng process (như là một quá trình changing liên tục có động lực nội tại) để hình thành và tạo nên quan sát và cảm nhận và cuối cùng dẫn đến tâm thức (thought): từ nhận thức đơn giản đến trạng thái tinh cần cao cấp. Trong vũ trụ của Whitehead quả thực có God, ông God này vận hành thế giới bằng cách tung ra các khả năng và cơ hội mà thế giới khách quan có thể nhận hoặc từ chối.

Các ý tưởng trong Proces philosophy của Whitehead đã làm thay đổi khá nhiều bản thể học (onthology). Từ đây có nhiều trường phái hẹp hơn với các ứng dụng phần nhiều liên quan đến Y, Tâm Lý, Thần Kinh, Toán.

2. David Joseph Bohm (1917-1992).

Ông này là nhà vật lý lượng tử người Mỹ gốc Do Thái – Hung. Ông tham gia dự án Manhattan là cái dự án làm bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ. Ông này có nhiều bạn bè là cộng sản nên bị cấm đoán rất nhiều, sau phải dạt vòm qua Brazil mặc dù ông được chính Eistein đề nghị giữ lại Princeton làm trợ lý riêng. Trước đó Bohm đã làm ở Princeton và thân cận với Einstein rồi, nhưng sau bị chính quyền chống cộng McCarthy nó đuổi rát quá, trường không ký hợp đồng nữa. Ngay cả trong dự án Manhattan ông cũng không được tham gia đầy đủ vì bị ngăn chặn. Sau này người ta mới công bố đóng góp lý thuyết của ông vào phần làm giàu uranium cho một trong hai quả bom ném xuống Nhật.

Bohm là người đưa ra rất nhiều công trình lớn trong vật lý lượng tử. Trong đó có lý thuyết tất định biến ẩn phi cục bộ (hay còn gọi là Giải thích Bohm). Lý thuyết này và nghịch lý EPR (Einstein Podolsky Rosen) là tiền đề để John Bell đưa ra bất đẳng thức Bell nổi tiếng, gần như hoàn thiện nốt cơ học lượng tử.

Bohm chơi thân với triết gia phật giáo Krishnamurti và nhiều gần gặp Dalai Latma. Kể từ khi gặp Krishnamurti, Bohm viết và giảng nhiều về cuộc sống, triết học và các vấn để xã hội. Các ý tưởng từ các cuốn sách của ông người ta đã đi xa hơn trong nhiều ngành khoa học con người, đặc biệt là thần kinh học. Nhiều nhà khoa học và triết học đã sử dụng các ý tưởng của Whitehead và Bohm để giải thích một trong những câu hỏi quan trọng nhất của triết học về quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Cũng giống như Einstein, Bohm có nhiều ý tưởng liên kết với Phật Giáo. Nhiều ý tưởng trong cuốn Wholeness and the Implicate Order của ông được sử dụng trong tập thiền. Cuốn sách này hình như có vũ trụ quan giống với vũ trụ quan của Phật Giáo

Ông có mấy cuốn sách sau, có cả viết chung với Krishnamurti: “Wholeness and the Implicate Order” (1980) và “Science, Order and Creativity” (1987).

Link gốc: https://5xublog.org/2008/06/02/triet-vat-phat/

(Dẫn theo trang vuihoctuvi.blogspot.com)

Từ khóa » Blog Góc Vật Lý