TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA JOHN DEWEY VÀ VẬN DỤNG DẠY HỌC ...

1. Bối cảnh và vấn đề nghiên cứu

John Dewey (1859-1952) là người đặt nền móng cho triết lý giáo dục của Mỹ thế kỷ 20. Tư tưởng giáo dục của ông là sự phát triển của chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học vào trong giáo dục, được ông gọi là chủ nghĩa thực dụng (hay chủ nghĩa hành động). Chúng ta tìm thấy trong nhiều ấn phẩm của Dewey như: Kinh nghiệm và giáo dục, Dân chủ và giáo dục, Cách ta nghĩ, Dewey về giáo dục, v.v… những tư tưởng về một nền giáo dục tiến bộ (giáo dục phải dựa trên nền tảng kinh nghiệm của người học) đối lập với nền giáo dục cổ truyền (quan niệm coi giáo dục là sự đào tạo từ bên ngoài; truyền dạy những nội dung gồm kiến thức, kĩ năng, chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử đã được phát triển trong quá khứ cho thế hệ mới). Trong nền giáo dục tiến bộ đó, giá trị của tự do được đề cao, học thông qua tự trải nghiệm, học tập phải gắn liền với lợi ích của cuộc sống, học là để thích ứng với môi trường cuộc sống luôn thay đổi. Vì vậy, kinh nghiệm của người học trở thành yếu tố trung tâm của nền giáo dục tiến bộ, giáo dục phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người học phát triển kinh nghiệm cá nhân.

Nghiên cứu triết lý giáo dục của Dewey cho thấy sự phù hợp với các quan điểm, tư tưởng trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Những quan điểm, tư tưởng đó được thể hiện trong đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Đảng – Nhà nước – Bộ Giáo dục và Đào tạo [1] [2]. Đó là: “đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục”; “đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp…) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học”; “giáo dục con người vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân”; “tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học”; “coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

Giáo viên với vai trò là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục thì quá trình dạy học nghiệp vụ sư phạm (NVSP) cho sinh viên sư phạm luôn chịu ảnh hưởng và gắn liền với các tư tưởng của nền giáo dục tiến bộ mà giáo viên tương lai sẽ đáp ứng. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định những luận điểm khoa học là cơ sở cho việc vận dụng triết lý giáo dục của John Dewey trong dạy học NVSP hiện nay.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Triết lý giáo dục của John Dewey

2.1.1. Chủ nghĩa thực dụng trong triết học của John Dewwey

Theo từ điển Wikipedia [7]: Chủ nghĩa kinh nghiệm là một khuynh hướng lý thuyết về tri thức trong triết học đối lập với trường phái tư tưởng của chủ nghĩa duy lý, gắn liền với tên tuổi của các nhà triết học tiêu biểu bao gồm: Aristotle (384-322 TCN), Thomas Aquinas (1225-1274), Thomas Hobbes (1588-1679), John Locke (1632-1704), George Berkeley (1685-1753), David Hume (1711-1776), và John Stuart Mill (1806-1873). Chủ nghĩa kinh nghiệm đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm, tri thức khoa học có quan hệ chặt chẽ với trải nghiệm, đặc biệt khi được tạo ra qua các sắp đặt thử nghiệm có chủ ý. Chủ nghĩa kinh nghiệm cho rằng, tri thức kinh nghiệm không có một cách tự động, thay vào đó, tri thức đó phải bắt nguồn từ trải nghiệm giác quan của cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà triết học không đồng tình với quan niệm, tư tưởng cực đoan của John Locke rằng, tâm thức con người là một trang giấy trắng, mà viết trên đó là các trải nghiệm rút ra từ các ấn tượng giác quan khi cuộc đời một con người tiến triển.

Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dụng (hay đúng hơn là chủ nghĩa hành động) được phát triển bởi William James (1842-1910), John Dewey (1859-1952), và George Santayana (1863-1952) mà tư tưởng chịu ảnh hưởng một phần của chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong đó, tư tưởng cơ bản của Dewey về chủ nghĩa thực dụng cho rằng, chân lý của tri thức được xác định bằng kinh nghiệm trong quá khứ. Do đó, con người sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ của họ để thực hiện thử nghiệm trên công việc và kiểm tra các giá trị thực tế của kinh nghiệm [8]. Các giá trị của kinh nghiệm như vậy được đo theo kinh nghiệm và khoa học và kết quả của các giá trị này sẽ tạo ra những ý tưởng mới làm công cụ để thử nghiệm trong tương lai.

Các tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng được cụ thể hóa trong các ấn phẩm của Dewey [3], [4], [5], [6], phản ánh niềm tin của ông rằng, người học sẽ học tập hiệu quả nhất trong một môi trường cho phép họ sử dụng kinh nghiệm để trải nghiệm và tương tác với môi trường học tập, và tất cả người học phải có cơ hội tham gia vào việc học của mình. Những tư tưởng về giáo dục dựa trên kinh nghiệm của ông là cơ sở rất quan trọng cho việc phát triển một lý thuyết học tập từ kinh nghiệm và đào tạo giáo viên đáp ứng nền giáo dục tiến bộ đó.

2.1.2. Triết lý giáo dục của John Dewey

Triết lý giáo dục của Dewey (mà trung tâm là một lý thuyết về kinh nghiệm) chính là sự hiện thực hóa các tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng trong triết học được vận dụng vào trong giáo dục. Trung tâm trong triết lý giáo dục của Dewey là mối quan hệ biện chứng giữa Dân chủ và Giáo dục, Kinh nghiệm và Giáo dục chi phối đến mọi khía cạnh của nội dung giáo dục. Sau đây là những nội dung chính về cốt lõi triết lý giáo dục của Dewey:

- Giáo dục không phải là sự chuẩn bị mọi thứ cho một tương lai mơ hồ mà ở đó học sinh được học các bài học về luân lý, giáo dục phải là cuộc sống, quá trình sống của học sinh, nội dung giáo dục phải gần gũi và quen thuộc với cuộc sống của họ. Trường học giống như là một cộng đồng dân chủ mà ở đó các giá trị của kinh nghiệm xã hội được chuyển giao từ nhóm sang cho cá nhân.

- Giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất cho người học kiến tạo tri thức dựa vào kinh nghiệm đã có của bản thân thông qua sự tham gia và tương tác với môi trường. Những kinh nghiệm mới sẽ cho phép học sinh thích ứng với môi trường cuộc sống luôn thay đổi. Họ chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội trong cộng đồng lớp, nhóm.

- Các khái niệm khoa học không phải là chân lý cuối cùng, mà nó được sử dụng như giả thuyết cho thực nghiệm khoa học để xác định những hệ quả do nó tạo ra khi học sinh hành động dựa vào chúng, những hệ quả đó cần được quan sát, suy xét cẩn thận để rút ra những ý nghĩa cuối cùng làm cơ sở phát triển các kinh nghiệm tiếp theo.

- Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích, động viên học sinh học tập khi cần thiết, tạo ra môi trường học tập năng động sáng tạo cho người học, chứ không phải là người có quyền lực ban phát kiến thức cho trò.

- Phương pháp dạy học của giáo viên phải hướng vào sự phân hóa người học và tích hợp trong nội dung học tập, phải phù hợp với năng lực và kinh nghiệm hiện có của học sinh, thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển, mở rộng vốn kinh nghiệm đó. Việc dạy học thường đặt ra các yêu cầu khác nhau với mỗi người học trong quá trình học tập.

Như vậy, triết lý giáo dục của Dewey phản ánh tư tưởng dân chủ trong giáo dục, gắn lý luận với thực tiễn, sự tiến bộ và nhân văn trong giáo dục, học tập là sự phát triển vốn kinh nghiệm cá nhân. Triết lý giáo dục của Dewey có giá trị rất lớn cho việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tìm kiếm con đường đưa nền giáo dục thoát khỏi tình trạng lạc hậu, sự kìm hãm bởi tư duy bảo thủ, trì trệ.

2.2. Những luận điểm khoa học cho việc vận dụng triết lý giáo dục của John Dewey vào dạy học NVSP trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay

1. Dạy học NVSP theo quan điểm kiến tạo là điều cần thiết để nâng cao vai trò của kinh nghiệm cá nhân trong học tập

Thuyết kiến tạo lập luận rằng, người học tạo ra kiến thức và ý nghĩa từ sự tương tác giữa kinh nghiệm và ý tưởng của cá nhân. Trong giáo dục, thuyết kiến tạo được nhìn nhận theo hai mặt: 1/ Kiến tạo như là việc người học sử dụng kinh nghiệm của họ để hiểu một bài giảng, bài học; 2/ Kiến tạo kết hợp với các phương pháp dạy học nhằm thúc đẩy quá trình học tập tích cực, học qua làm, học tập khám phá như là một chiến lược dạy học. Bởi vì, thuyết kiến tạo thừa nhận sự độc đáo và phức tạp của người học và khuyến khích, sử dụng nó như một phần không thể thiếu cho quá trình học tập. Bản chất của sự tương tác xã hội của người học với môi trường xung quanh (bạn bè, người lớn, người hiểu biết hơn, và thế giới vật chất) giúp người học phát hiện, tạo ra và đạt được các kiến thức trong quá trình học tập.

Khi di chuyển thuyết kiến tạo vào dạy học NVSP thì nhà giáo cần phải lưu ý một số đặc trưng sau:

a) Động lực cho việc học tập: Những cảm giác về năng lực và niềm tin vào tiềm năng để giải quyết những vấn đề mới, được bắt nguồn từ các kinh nghiệm cá nhân của việc làm chủ các vấn đề trong quá khứ và nó mạnh hơn rất nhiều so với bất kỳ sự thúc đẩy từ bên ngoài (Prawat và Floden 1994). Vì thế, giáo viên phải tổ chức các nhiệm vụ học tập có tính chất thách thức và hấp dẫn người học, kết nối các nhiệm vụ học tập đó đến chính cuộc sống hiện tại hoặc tương lai của họ.

b) Vai trò của giáo viên: Ở đây giáo viên có vai trò như một người hướng dẫn, nâng đỡ từ phía sau và tạo ra một môi trường có tính hỗ trợ và thách thức tư duy, cho phép người học đi đến kết luận của riêng mình trước mỗi một vấn đề học tập.

c) Sự hợp tác giữa những người học: Người học có kỹ năng và kinh nghiệm nền tảng khác nhau, nên cần hợp tác trong thực hiện các nhiệm vụ chung và thảo luận để đi đến một sự hiểu biết chung về chân lý trong một lĩnh vực cụ thể (Duffy và Jonassen 1992). Vì thế, học bằng cách dạy lại cho người khác là một phương pháp hiệu quả.

d) Tầm quan trọng của bối cảnh: Việc học tập được xảy ra ở môi trường cho phép người học tham gia vào các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc áp dụng của học tập, thực hiện các tương tác của học tập, từ đó, người học tạo ra các phản hồi về chất lượng của các kinh nghiệm học tập. Bối cảnh phải cho phép người học tạo ra kiến thức có tính tích hợp trọn vẹn bằng việc huy động các kinh nghiệm của cá nhân để khám phá, thưởng thức, tương tác, xác minh các mục tiêu học tập cụ thể.

2. Sự trải nghiệm trong suốt quá trình đào tạo đã cho sinh viên sư phạm vốn kinh nghiệm nhất định về NVSP làm phong phú quá trình học tập

Quá trình trải nghiệm, quan sát và phản ánh các hoạt động sư phạm của nhà giáo trên lớp đã cho sinh viên sư phạm vốn kinh nghiệm nhất định về các nguyên tắc, quy luật nhận thức của trí tuệ, làm cơ sở để chỉ đạo các nguyên tắc dạy học, những điều kiện để giúp người học đạt được mục đích học tập. Vì vậy, nhà giáo nên bắt đầu quá trình dạy học bằng việc khai thác những giá trị của kinh nghiệm mà bản thân sinh viên sư phạm đã đúc rút ra, sau đó dần dần chuyển sang những vấn đề có liên quan mà họ chưa giải quyết được, tiếp tục từng bước giúp đỡ, hỗ trợ người học lập kế hoạch và giải quyết vấn đề từ vốn kinh nghiệm đã có của bản thân, qua đó đúc kết thành kinh nghiệm mới cho bản thân. Trong quá trình đó, cá nhân thực hiện kiến tạo tri thức cho bản thân dưới sự giúp đỡ và hỗ trợ của giáo viên. Giáo viên có thể áp dụng một số giải pháp định hướng sau:

1/ Để giúp sinh viên trở lại kinh nghiệm đã có trước đó và suy ngẫm về nó, có thể sử dụng các hoạt động học tập như: nhật ký học tập, sử dụng bản ghi âm và video, đánh giá theo cặp, tự đánh giá, phỏng vấn lẫn nhau, động não về tất cả nội dung sẽ được phản ánh sau một chủ đề, tình huống học tập được đưa ra.

2/ Đối với việc cung cấp một tri thức sư phạm mới, có thể tổ chức cho sinh viên sử dụng một số hoạt động học tập như: nghiên cứu trường hợp, trò chơi, mô phỏng có vai trò của dẫn hướng, đánh giá, thông qua đó phát triển tri thức sư phạm, thay thế kinh nghiệm đã có.

3/ Đối với việc lập kế hoạch hành động, giảng viên tổ chức cho sinh viên xác định các mục tiêu cụ thể, xây dựng kế hoạch thực nghiệm, bài tập dự án, lập danh sách tất cả các sự kiện cần quan sát, xác định các tiêu chí thực hiện cho các hành động, các thỏa thuận dạy học với giảng viên.

4/ Để nâng cao việc đúc kết, hình thành và phát triển kĩ năng dạy học, giảng viên có thể tổ chức các hoạt động học tập cho sinh viên như: nhật ký học tập, câu hỏi, trải nghiệm trực tiếp, mô phỏng.

3. Dạy học NVSP dựa vào thực hành như là phương pháp sư phạm để phát triển kinh nghiệm cá nhân

Thực hành sư phạm được xem xét ở hai phương diện là: 1/ Thực hành sư phạm là đào tạo giáo viên để họ sử dụng thành thạo các kỹ năng dạy học nhằm đáp ứng các yêu cầu của công việc dạy học; 2/ Thực hành được sử dụng như là một phương pháp đào tạo thực nghiệm (Laboratory Training) để dạy lý thuyết một cách thật sự sinh động và hấp dẫn nhằm giúp sinh viên lĩnh hội những nội dung và những nguyên tắc giáo dục. Trong dạy học NVSP, thực hành phải thực hiện được cả hai mục đích trên, chúng có sự chi phối và lệ thuộc lẫn nhau.

Thực tế cho thấy, các nhà trường sư phạm phải cung cấp cho sinh viên một khối lượng tri thức rất lớn chỉ có thời gian hạn chế (4-5 năm) và cũng không thể đủ điều kiện vật chất cho việc học và thực hành kỹ năng một các tốt nhất. Vì vậy, nhà trường chỉ có thể chuẩn bị các nền móng khoa học và thực hành các kỹ năng cốt lõi cho sinh viên để giúp họ hoàn thiện kỹ năng trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình. Vì thế, giảng viên phải thiết kế và cung cấp cho sinh viên sư phạm các bài thực hành tiêu biểu cho kỹ năng dạy học của bài học chứ không phải là nhiều về số lượng. Như vậy, thực hành giúp sinh viên tự mình kiến tạo các tri thức sư phạm thông qua sự trải nghiệm của bản thân, qua đó rèn luyện thành thạo các kỹ năng dạy học và chuyển hóa thành kinh nghiệm mới.

4. Rèn luyện thói quen phát triển kinh nghiệm liên tục qua mỗi lần trải nghiệm dạy học là điều cần thiết để thích ứng với môi trường giáo dục kỹ thuật luôn thay đổi

Dạy học NVSP phải rèn luyện cho sinh viên sư phạm có lòng khát khao và sự phê phán của trí tuệ trong khi sử dụng các biện pháp dạy học tốt nhất của mình. Thói quen này sẽ được hình thành trong mỗi chủ đề học tập, sinh viên được quan sát, phản ánh các kinh nghiệm dạy học của mình và đi tìm kiếm sự giải thích, ý tưởng mới, cách làm mới, qua đó tiến hành lập kế hoạch và thử nghiệm ý tưởng mới, đúc rút thành kinh nghiệm mới cho bản thân. Quá trình này liên tục diễn ra trong mỗi bài giảng/ chủ đề học tập sẽ hình thành cho sinh viên sư phạm khả năng phát triển liên tục, khả năng sáng tạo dựa vào kinh nghiệm đã có.

Nếu không hình thành thói quen phát triển kinh nghiệm của bản thân dựa vào kinh nghiệm đã có ở sinh viên thì giáo viên tương lai có khả năng sẽ lệ thuộc vào lý thuyết, vào bài giảng mẫu, vào những chỉ dẫn dạy học, vào những thứ mới mẻ đến từ bên ngoài, hơn là sự sáng tạo của hoạt động trí tuệ độc lập của chính họ, trở thành những những giáo viên máy móc, vụn vặt, nghi thức và quy tắc trong nghề nghiệp.

3. Kết luận

Lý thuyết về kinh nghiệm đóng vai trò trung tâm trong triết lý giáo dục của Dewey, đó là sự vận dụng những tư tưởng chủ nghĩa thực dụng trong triết học của ông vào trong giáo dục. Cốt lõi triết lý giáo dục của Dewey là mối quan hệ biện chứng giữa Dân chủ và Giáo dục, Kinh nghiệm và Giáo dục chi phối mọi khía cạnh của giáo dục tiến bộ. Vận dụng triết lý giáo dục của Dewey trong dạy học NVSP chính là con đường hữu hiệu để đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay.

4. Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 4 tháng 11 năm 2013.

[2]. Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương khoa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 9 tháng 6 năm 2014.

[3]. Dewey, J. (1938, 1998 by Kappa Delta Pi), Kinh nghiệm và giáo dục: The 60th Anniversary Edition, bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Trẻ năm 2011, Tp. Hồ Chính Minh.

[4]. Dewey, J. (1916), Dân chủ và giáo dục, bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Tri thức năm 2014, Hà Nội.

[5]. Dewey, J. (2014), John Dewey – Cách ta nghĩ, bản dịch của Vũ Đức Anh, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.

[6]. Reginald D. Chambault biên tập (1974), John Dewey về giáo dục (John Dewey on Education), bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Trẻ năm 2012, tp. Hồ Chính Minh.

[7]. Chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học, nguồn từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Chủ_nghĩa_kinh_nghiệm.

[8]. Chủ nghĩa thực dụng (hay chủ nghĩa hành động) trong triết học, nguồn từ http://en.wikipedia.org/wiki/Empiricism.

Nguồn: Nguyễn Văn Hạnh (2015), Triết lý giáo dục của John Dewey và vận dụng dạy học nghiệp vụ sư phạm trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, tạp chí Giáo dục và Xã hội của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, số đặc biệt tháng 11/2015, tr. 13-16.

Từ khóa » Triết Lý Giáo Dục Là Gì Wikipedia