Triết Lý Vị Kỷ - Sự Duy Ngã Độc Tôn Được Khuếch Đại Hay Chìa ...
Có thể bạn quan tâm
Triết lý vị kỷ - Sự duy ngã độc tôn được khuếch đại hay chìa khóa của thành công?
Thế nào là “Chủ nghĩa vị kỷ”?
Khái niệm của chủ nghĩa vị kỷ: “Tư tưởng chỉ biết lợi ích của cá nhân mình, đặt trên lợi ích của người khác, của xã hội, trái với Chủ nghĩa vị tha.” – Trích từ điển Tiếng Việt.
Người ta vẫn chưa thể hoàn toàn nhận định được chủ nghĩa vị kỷ này là đúng hay sai. Việc đặt lợi ích bản thân lên trên, luôn nghĩ đến bản thân trước, điều này là một dạng tâm lý dễ hiểu, vì ta chỉ là con người.
Thập kỉ 60, thuyết 3 não trong 1 của Paul McLean cho rằng con người có 3 lớp não. Lớp trong cùng được gọi là “não bò sát” – quyết định bản năng sinh tồn, khi đặt an toàn của bản thân lên trước nhất, tự vệ khỏi mọi nguy hiểm. Thế nhưng lớp não tiến bộ nhất, lớp “não người” – nơi quyết định chúng ta là lớp động vật bậc cao mới là nơi sản sinh những ý tưởng, lý luận, triết lý, và lòng vị tha cùng nhiều phẩm chất khác.
Người có tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa vị kỷ sẽ dễ mắc phải những sai lầm khi đưa ra quyết định không có tầm nhìn xa. Khuyết điểm và sự thiển cận trong các quyết định của chủ nghĩa vị kỉ thể hiện ở việc những người theo tư tưởng này thường tập trung vào lợi ích trước mắt, những cái tốt có thể đo, đếm được - thường là những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất, mà bỏ qua các giá trị lâu dài, phi - vật chất, phi - lượng hoá. Và những hệ quả sẽ nghiêm trọng hơn thế nào nếu như suy nghĩ này tồn tại trong mỗi người, khi cả tập thể chỉ nghĩ đến bản thân thay vì suy xét đến lợi ích chung.
Xét trên một khía cạnh xa xôi hơn, giả sử xảy ra những tai nạn như đám cháy hay các hiện tượng thời tiết cực đoan giữa nơi đông người. Mà mọi người đều trở nên náo loạn với an nguy của mình, mất đi sự tự chủ để xử lý tình huống thì hậu quả sẽ khó khắc phục hơn nhiều.
Đám đông chỉ trở nên hỗn loạn, khi ai cũng muốn mình là người đi trước.
Đặt trường hợp gần gũi hơn trong một doanh nghiệp. Nếu cá nhân đứng đầu tuân theo triết lý vị kỷ này, sẽ có xu hướng quá chú trọng đến lợi ích của công ty và nhân viên, trong khi hạ thấp nhu cầu được đáp ứng của khách hàng. Điều này tuy có thể đem lại lợi nhuận ban đầu, nhưng khó hình thành được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng.
Nếu những người vị kỷ mãi lo tìm kiếm gom nhặt lợi lộc về riêng mình mà bỏ quên mục tiêu dài hạn ban đầu của tập thể. Khi đó, nỗ lực của mỗi cá nhân dù có lớn song kết quả đạt được cho lợi ích chung lại không đáng kể. Đó chính là lí do dẫn đến việc các quyết định vị kỷ trở nên kém hiệu quả.
Một khía cạnh giao nhau giữa “Yêu bản thân” và “Chủ nghĩa vị kỷ”
Phải có điều gì đủ tàn nhẫn để thức tỉnh kẻ mê muội tự mãn “yêu” chính mình thái quá.
Có sự ích kỷ quẩn quanh trong khái niệm yêu bản thân nếu ta chỉ nghe điều mà mình muốn nghe, khước từ mọi thứ mà ta mặc định rằng không có lợi cho tâm trạng. Điều này không những không tốt cho bạn, mà còn có thể biến bạn thành kẻ "cứng đầu" trong tập thể.
"Bạn không nên để ý người khác nói gì", "Hãy yêu mình trước đã", "Đừng tự trách bản thân", "Hãy cứ làm những gì mình muốn", ... Bạn đã từng đọc hay nghe những lời khuyên này chưa?
Mật ngọt thì chết ruồi, bẩm sinh chẳng ai thích nghe lời trách móc cả. Ta thấy dễ chịu khi nghe được những lời ủi an nhẹ nhàng đó. Nhưng đã bao giờ bạn tự vấn rằng, thế giới này nếu vận hành như vậy thì sẽ ra sao? Đừng quá nuông chiều đôi tai của mình, và phớt lờ hay trốn tránh bất cứ thứ gì làm lòng ta thương tổn.
Hiểu sao cho đúng khái niệm “yêu bản thân” để vừa thành công vừa không đau khổ
“Chấp nhận” chính mình không có nghĩa là ngừng lắng nghe.
Chúng ta lớn lên bằng những sai lầm, và cần người nói thật những gì mà ta thiếu sót. Ta không nên giữ bên mình những lời nịnh hót và chỉ nghĩ đến cảm xúc cá nhân. Tôi biết các bạn sẽ hiểu rằng ý nghĩa của lời khuyên “phớt lờ lời người khác” nghĩa là ta sẽ nghe “có chọn lọc”. Nhưng liệu bạn có tự tin rằng chế độ "chọn lọc" đó không có thuật toán sai?
Tôi từng nghe một cô bé học sinh cấp 3 hỏi xin lời khuyên của đàn chị. “Người ta nói xấu mình thì phải làm gì hả chị?” Người chị đó đáp lại: “Người nói xấu mình thì chỉ mãi mãi ở sau lưng mình thôi.” Tôi lúc đó có chút đồng cảm, còn thấy rằng câu nói này thật ngầu. Nó có thể không sai, nhưng nó chưa đủ. Nên thêm vào một chút, rằng trước khi kết luận kẻ nói xấu đó chỉ đáng đứng sau, bạn có bao giờ lắng nghe lời nói đó và nhìn lại xem nó có hẳn là sai?
“Mỗi hành động mang lại cảm giác hài lòng đều có cái giá của nó.”
Tôi sẽ nói theo một cách nói đang thịnh hành trên mạng xã hội: Lời ca tụng ngọt ngào thì dễ nghe đấy, nhưng bạn có biết giá trị của những lời chê bai?
Cuộc sống muôn màu của chúng ta không có những công thức luôn sai hay luôn đúng, câu chuyện nào, tình huống nào cũng đều có hai mặt.
Giả sử người nói xấu bạn là một tiền bối làm cùng công ti, và sự thiếu kinh nghiệm của bạn làm cho hiệu suất công việc không tốt. Nhưng đàn chị đó thay vì khiển trách thẳng thắn trước mặt bạn, họ lại nhận xét điều đó với một đồng nghiệp khác. Tình huống cho thấy rằng người tiền bối này đã sai khi nói sau lưng thay vì trước mặt, nhưng điều đó không có nghĩa là người này ganh ghét, năng lực kém hơn bạn, và những điều họ nói đều sai. Chúng ta sao có thể yêu cầu rằng mọi người quanh mình đều là bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp? Người đó có thể có chuyên môn giỏi, nhưng lại không giỏi trong việc dẫn dắt đàn em. Thái độ khiêm tốn và biết lắng nghe sẽ giúp bạn không những xây dựng được hình tượng tốt trong mắt mọi người, mà còn giúp bản thân đối diện với khuyết điểm.
“Muốn có trà ngon, ta cần ly rỗng.”
Một cái ly đã lấp đầy bởi cái tôi và quan điểm cố hữu của bản thân, sẽ chẳng thể tiếp thu được thêm điều gì mới lạ, đáng học hỏi. Đừng để từ một ưu điểm được gọi là tự tin, mà phạm phải một trong 7 tội lỗi của loài người – Kiêu ngạo.
Nói đi cũng phải nói lại, tôi hiểu rằng quanh ta luôn có những lời chê bai sáo rỗng, người ta nói chỉ để sướng cái miệng của họ. Hay làm vậy chỉ để cho bản thân họ dường như quyền lực hơn, và người ta tự do phán xét bạn. Nhưng bạn tôi ơi, nếu có thể đạt được đến khả năng tĩnh tâm chọn lọc được những gì sử dụng được trong đống hổ lốn những ngôn từ khó nghe đó, thì bạn đã bản lĩnh hơn rất nhiều.
Không vị kỷ, cũng chẳng vị nhân sinh.
Tôi không viết tất cả điều này để khuyên bạn phải hi sinh bản thân, hay hạ thấp quyền lợi của chính mình. Mà tôi muốn tìm ra lối đi dung hòa tất cả. Hãy biến sự vị kỷ thành thế mạnh, khi bạn hiểu được cơ chế hoạt động của nó và tìm ra được cho mình ưu điểm có thể tận dụng.
“Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta.”- Trích “Suối nguồn” - Ayn Rand
Nhìn lại những cá nhân đi đầu để tìm tòi điểu mới mẻ về thế giới, họ luôn phải một mình chống chọi sự quay lưng, hay thậm chí là sự phản đối kịch liệt. Những nhà phát kiến, nhà phát minh, những nhà tư tưởng, hay gần gũi hơn là những người nghệ sĩ … đều phải đổ lớp bê tông đầu tiên cho nền móng mà chẳng có gì đảm bảo sẽ vững chắc ngoài niềm tin và tầm nhìn của chính họ.
Copernicus đã đặt tiền đề hoàn toàn trái ngược với quan điểm thời bấy giờ ở thế kỷ 16 - Trái đất đứng yên và nằm bất động ở trung tâm của một số mặt cầu xoay tròn, mang theo các thiên thể như Mặt trời, Mặt trăng, những hành tinh đã biết và các ngôi sao. Mãi đến thế kỷ 17, Galileo Galilei và Johannes Kepler mới hoàn thiện và phổ biến rộng rãi thuyết Nhật tâm của Copernicus. Kết quả của phát kiến vĩ đại đó đã khiến Galileo đối mặt với Tòa án dị giáo La Mã và vướng phải nhiều hoài nghi. Nhưng nếu không có những cá nhân vượt lên định kiến này, đến bao giờ ta mới thôi lạc lối trong vũ trụ nơi sự thật bị đảo lộn.
Động lực sáng tạo tiềm tàng và thúc đẩy những cá nhân vứt bỏ lối mòn và rẽ sang con đường hoàn toàn mới, có thể đơn thuần là sự thỏa mãn đi tìm sự thật của bản thân. Đừng vội áp đặp những tư tưởng vị nhân sinh lên đầu họ. Khi ý tưởng xuất hiện, quá trình tư duy và phát kiến đó hình thành trong từng cá nhân, từ đó mới tạo ra tài nguyên của cả tập thể.
Khiêm nhường, biết lắng nghe và khoan dung – Khi lợi ích của cá nhân và tập thể không còn mâu thuẫn.
Việc cân bằng giữa lợi ích của cá nhân và tập thể là điểu tối quan trọng nên cũng không kém phần khó khăn. Sự vị kỷ bị coi là hy sinh những người khác cho bản thân mình. Còn vị nhân sinh trở thành hy sinh thân mình vì những người khác.
Và điều tất yếu đã được đề cập ở trên, không có chủ nghĩa nào là toàn vẹn, là chân lý. Chính chúng ta phải phân định được điều đó, và tìm ra chân lý của chính mình.
Tuy quan điểm bác bỏ sự sáng tạo vị nhân sinh của Ayn Rand có nhiều điều chưa chính xác và thỏa đáng, theo suy nghĩ của cá nhân tôi. Tuy nhiên, ta cũng có thể đúc kết được rằng, vị nhân sinh không phải là mục đích tối thượng và chân lý mà chúng ta hướng tới.
Bởi “Hãy vì chính mình mà sáng tạo trước đã, để có rồi hẵng cho!”
Xét cho cùng, ta không nên tách rời lợi ích của riêng mình với lợi ích chung. Hãy lắng nghe, suy xét, trân trọng những ý tưởng của chính mình. Từ dữ liệu chung mà mọi người cùng đóng góp, cả tập thể sẽ kiến tạo nên được giá trị mang giá trị dài hạn. Cùng với quá trình đóng góp đó, mỗi cá nhân cũng có được cho mình sự trưởng thành, những kinh nghiệm và triết lý của bản thân chứ chẳng phải ai khác, bởi nó đã hòa thành dòng máu chảy trong huyết quản bạn rồi.
Tác Giả: Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nguyet871/
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Từ khóa » Sự Khác Biệt Giữa Thuyết Vị Kỷ Và Chủ Nghĩa Vị Kỷ
-
Sự Khác Biệt Giữa Chủ Nghĩa Vị Kỷ Và Chủ Nghĩa Vị Kỷ - Strephonsays
-
Sự Khác Biệt Giữa Chủ Nghĩa Vị Kỷ Và Chủ Nghĩa Vị Tha - Sawakinome
-
Sự Khác Biệt Giữa Chủ Nghĩa Vị Kỷ Và Chủ Nghĩa Vị Tha - Sawakinome
-
Sự Khác Biệt Giữa Thuyết Vị Kỷ Và Chủ Nghĩa Vị Kỷ
-
Gọi Tên Hai Chủ Nghĩa Sống Giúp Bạn Phát Triển “mạnh Mẽ” Trong Thời ...
-
ĐẠO ĐỨC Nhóm 5 Chiều Thứ 5 Câu Hỏi 2 19292202 - StuDocu
-
Chủ Nghĩa Vị Kỷ - Wikimedia Tiếng Việt
-
Vị Kỷ Nghĩa Là Gì - Học Tốt
-
6 TRIẾT LÝ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHỦ YẾU - Tài Liệu Text
-
Chủ Nghĩa Vị Kỷ đạo đức Là Gì?
-
Thái độ Của Vị Kỷ (II) - Văn Học & Nghệ Thuật
-
Chủ Nghĩa Vị Lợi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tâm Lý Vị Kỷ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Thuật Ngữ Chính Về đạo đức Kinh Doanh