Trống đồng Pha Long - Cục Di Sản Văn Hóa

Trống đồng Pha Long

Chất liệu: Đồng - Kích thước: C: 12 cm; đường kính mặt: 74 cm - Trọng lượng: 3.200gram - Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2000 năm cách ngày nay - Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Lào Cai

Mô tả tóm tắt: Trống đồng Pha Long được xếp vào loại H1 - Heger (theo sự phân loại của học giả F.Herger người Áo vào năm 1902). Mặt trống có patin xanh ngả xám.

Trống chỉ còn nguyên vẹn phần mặt và 1 phần tang, do được phát hiện tại xã Pha Long, huyện Mường Khương nên thường gọi là trống Pha Long. Hoa văn mặt trống đồng Pha Long tính từ tâm ra rìa mặt trống có các vành hoa văn: hình ngôi sao 16 cánh tượng trưng cho thần Mặt Trời, vì người dân Văn Lang có tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, hình bông lúa thể hiện thành các hạt nhỏ đối xứng so le qua một đường tròn nổi ở chính giữa, hình 19 con chim Lạc mỏ dài, cổ dài, thân dài sải cánh bay quanh mặt trời, hình răng cưa, hình chấm tròn nhỏ nổi. Phần tang còn lại, từ trên xuống là các vành hoa văn chấm tròn nhỏ nổi, hoa văn hình răng cưa, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Phần dưới cùng bị gẫy mất, do đó, chỉ còn nhận thấy những nét hoa văn còn lại là hoa văn hình thuyền.

- Giá trị tiêu biểu: Trống đồng Đông Sơn là hiện vật đặc sắc của người Việt cổ trong thời văn hóa Đông Sơn, phản ánh nhiều mặt đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt cổ trong thời kỳ dựng nước đầu tiên của Việt Nam. Trống đồng xuất hiện ở đâu, tùy theo bối cảnh, vị trí sẽ có giá trị phản ánh chân thực các đặc trưng tộc người, lãnh thổ hay giao lưu văn hóa. Việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn ở khu vực Lào Cai, gần với Yên Bái - một khu vực tiếp cận gần với Vân Nam (nước Điền ngày xưa) có giá trị to lớn trong việc góp phần xác định vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam cũng là vùng giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền, qua đó cũng góp phần xác định lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc thời các vua Hùng, vua Thục trong khoảng vài ba thế kỷ trước Công nguyên. Các loại trống Đông Sơn ở vùng biên viễn khá hiếm, do vậy, trống đồng Pha Long tìm thấy ở Lào Cai có giá trị lịch sử - văn hóa cao trong việc tìm hiểu lịch sử Lào Cai, cũng như lãnh thổ Việt Nam thời dựng nước đầu tiên. Những chiếc trống Đông Sơn như vậy hiện đang được huy động vào việc biên soạn Lịch sử Việt Nam thời dựng nước tập 2, (thường gọi là Quốc sử)./.

Thúy Hà (theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Trống đồng Việt Nam ở đâu