Trồng Rau ăn Lá Thủy Canh

Trồng rau ăn lá thủy canh 25/04/2022
Ảnh minh họa: Trồng rau ăn lá thủy canh

     Thủy canh là phương pháp trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng pha sẵn mà không cần dùng đất. Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, kỹ thuật này hiện nay đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau ăn lá vì rất thích hợp. Trồng rau ăn lá thủy canh giúp rút ngắn thời gian thu hoạch, nâng cao số vụ trồng giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng đảm bảo hơn, độ an toàn cao hơn rau trồng theo truyền thống. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Thành phố giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc rau ăn lá thủy canh như sau:

  1. Chuẩn bị các điều kiện trồng

      Hiện nay, có 3 hệ thống thủy canh phổ biến: Hệ thống thủy canh hồi lưu, hệ thống thủy canh tĩnh, hệ thống thống thủy canh ngập, rút định kỳ.

     – Hệ thống thủy canh hồi lưu (thủy canh động): Dung dịch chuyển động trong quá trình trồng cây. Hệ thống này chi phí cao hơn nhưng rễ cây không bị thiếu oxy.

     – Hệ thống thủy canh tĩnh: Dung dịch thủy canh được cho vào thùng chứa và không chuyển động trong quá trình trồng cây. Một phần hoặc toàn bộ rễ được đặt trong dung dịch thủy canh.

      – Hệ thống thủy canh ngập, rút định kỳ: Dung dịch thủy canh được bơm vào khay trồng cây và rút ra theo chu kỳ điều chỉnh sẵn.

  1. Các điều kiện cơ bản để trồng rau theo phương pháp thủy canh:

      Để quyết định trồng rau thủy canh, người đầu tư cần cân nhắc đảm bảo các điều kiện tiên quyết như: Diện tích đất đai, vốn, hạ tầng kỹ thuật, lao động,… Do đó, trước khi quyết định trồng rau thủy canh, người trồng cần phải được tư vấn, tham quan một số trang trại đang trồng rau thủy canh hiệu quả, tham khảo, lựa chọn đơn vị có uy tín về cung cấp vật tư, lắp đặt nhà màng, hệ thống thủy canh.

  1. Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch rau ăn lá thủy canh

      Thứ nhất, chọn giống: Các loại rau ăn lá trồng thủy canh phù hợp với điều kiện khí hậu tại Thành phố như: Các loại cải, xà lách, rau muống, mồng tơi,…. Các loại hạt giống được sản xuất và nhập khẩu ở các đơn vị, công ty có uy tín, được kiểm tra chất lượng rõ ràng. Rau thủy canh có thể trồng quanh năm, từ 14 -16 vụ/ năm.

     Thứ hai, chọn giá thể: Giá thể trồng rau thủy canh có 2 loại là giá thể vô cơ (đất sét nung, perlite, mút xốp) và giá thể hữu cơ (mụn dừa, xơ dừa, mùn cưa, tro, trấu,…). Hiện nay, mút xếp và mụn dừa (đã xử lý chát) được sử dụng phổ biến nhất trong trồng rau thủy canh.

      Thứ ba, chuẩn bị rọ trồng: Được làm từ chất liệu nhựa (PVC) chịu nhiệt cao. Kích thước phổ biến 6,5 x 6,5 cm.

      Thứ tư, chuẩn bị các dụng cụ đo nhiệt độ, ẩm độ, Ph, EC: Dùng để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh các điều kiện phù hợp nhu cầu của từng loại rau.

      Thứ năm, chuẩn bị đưa cây con lên máng thủy canh

      – Gieo hạt vào rọ có chứa giá thể từ 01 – 03 hạt/ rọ tùy giống rau. Gieo độ sâu 01 cm, rồi phủ một lớp mụn dừa lên trên. Lưu ý đặt trong khu vực không có nắng. Phun sương ngày 02 lần để tạo độ ẩm.

      – Cây con cao khoảng 01- 02 cm, thì chuyển cây con ra giàn ươm có chứa dung dịch dinh dưỡng, có lưới che nắng khoảng 60 % để nhận ánh nắng mặt trời giúp cây quang hợp. Cây rau đặt trên giàn ươm từ 1-2 ngày, tùy theo loại rau. Sau đó, tiến hành điều chỉnh cho nắng chiếu trực tiếp vào cây trong thời gian từ 7-10 ngày và tiến hành chuyển cây vào hệ thống máng thủy canh.

      Thứ sáu, giai đoạn chuyển cây lên máng thủy canh: Chọn những cây đã được trồng trong rọ nhựa khỏe mạnh, rễ dài từ 3-5 cm, không có dấu hiệu bệnh hay cây còi cọc kém phát triển, … và chuyển lên giàn thủy canh cẩn thận để không làm cho cây bị gãy, dập lá, hoặc đứt rễ.

    Thứ bảy, pha dung dịch dinh dưỡng cây trồng

     – Dung dịch thủy canh gồm dung dịch mẹ (dung dịch gốc) và dung dịch con. Thường dung dịch mẹ được chia làm 2 phần: A và B được pha riêng biệt. Vì phần A chứa các thành phần đa lượng: N, P, K, phần B chứa trung và vi lượng Ca, Mg, Fe, Mn, pha chung với nhau sẽ dễ gây kết tủa.

      Cách pha dung dịch mẹ (theo công thức của Howard Resh): Với lượng cơ bản 01 lít dung dịch A, 01 lít dung dịch B, sử dụng các hóa chất với lượng như sau:

Dung dịch A Dung dịch B
Loại hóa chất Trọng lượng (g) Loại hóa chất Trọng lượng (g)
Chelated iron – Fe(EDTA) 3,077 Manganese sulfate MnSO4.7H2O 45,639
Calcium nitrate – Ca(NO3)2.4H2O 107,347 Manganese sulfate MnSO4.H2O 0,154
Potassium nitrate – KNO3 35,288 Boric acid – H3BO3 0,286
Copper sulfate

CuSO4.5H20

0,039
Zinc sulfate

ZnSO4.2H20

0,030
  Monopotassium phosphate KH2P04 24,198
  (NH4)2MoO4 0,010
  Ammonium sulfate

(NH4)2SO4

7,086

      – Cách pha dung dịch con: Dung dịch con được pha từ dung dịch mẹ. Để có 10 lít dung dịch con thủy canh bơm lên hệ thống máng thủy canh, lần lượt cho vào thùng chứa 9,8 lít nước sau đó thêm vào 100 ml dung dịch A và 100 ml dung dịch B.

       Thứ tám, thường xuyên bổ sung dung dịch thủy canh cho hệ thống

      Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, cây rau thủy canh có tiêu chuẩn dinh dưỡng khác nhau. Cần cung cấp dinh dưỡng cho cây rau ăn lá có thể thực hiện định kỳ 07 ngày/lần hoặc sau mỗi lần kiểm tra:

      – Giai đoạn cây còn nhỏ có hàm lượng dinh dưỡng biểu hiện qua chỉ số EC khoảng 1-1,2 mS/cm; bổ sung dung dịch thủy canh sao cho nồng độ dinh dưỡng (TDS) tương đương từ 640-768 ppm

     – Giai đoạn cây lớn có EC khoảng 1,2-1,5 mS/cm. Bổ sung dung dịch thủy canh sao cho TDS tương đương TDS từ 704-960 ppm.

      – Lưu ý: Có thể tăng giảm TDS qua quan sát sự phát triển của rau. Muốn tăng TDS thì ta bổ sung thêm khoáng chất (phân) vào dung dịch và ngược lại. Muốn giảm pH thì có thể sử dụng H3PO4 hay HNO3, muốn tăng pH thì dùng KOH để thêm vào dung dịch.

      Thứ chín, thường xuyên bổ sung nước cho hệ thống

     Trong quá trình trồng, tùy thuộc vào thời tiết và độ phát triển của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ bị bay hơi, do vậy cứ 2 ngày cần quan sát và bổ sung thêm nước sạch cho đầy thùng chứa vào buổi sáng để tránh bị cạn nước trong thùng chứa và trong hệ thống.

      Thứ mười, chăm sóc cây rau trồng thủy canh

     Trong quá trình trồng cần tiến hành tỉa lá già, sâu bệnh để nấm bệnh không phát triển, bắt sâu nếu thấy sâu hại xuất hiện, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

      Quá trình thu hoạch rau ăn lá thủy canh

      Cây rau sau khi trồng từ 3-4 tuần tuổi, tùy thuộc vào từng loại rau tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch vào buổi sáng, trước 9 giờ hoặc buổi chiều, sau 16 giờ để tránh cây khỏi bị héo khi thu hoạch.

      Thu hoạch: Phải thu hoạch nguyên rọ bằng cách lấy rọ rau đến ngày thu hoạch ra khỏi hệ thống, để vào một khay riêng mang vào khu vực đóng gói. Thu hoạch hết lứa để tránh chừa cây đặt lại vào hệ thống sẽ làm hư dung dịch dinh dưỡng và đồng thời lây bệnh cho các cây còn lại trong hệ thống. Tránh gây tổn thương cơ giới khi thu hoạch rau.

       Quá trình sơ chế và bảo quản sau thu hoạch

     – Phần rau thu hoạch sẽ được sơ chế bằng cách cắt bớt rễ, tỉa bỏ lá vàng và đóng gói trong bao bì, vận chuyển đi tiêu thụ hoặc được đặt vào ngăn mát tủ lạnh trước khi tiêu thụ.

      – Lưu ý: Vệ sinh nhà trồng và dụng cụ sau mỗi vụ thu hoạch.

PT.

(Tổng hợp từ Cẩm nang trồng rau ăn lá thủy canh của Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh)

Từ khóa » Trồng Trọt Thuỷ Canh