Trường Sơn Miền Ký ức - Tập 1

Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
Trang chủ diễn đàn Trợ giúp Đăng nhập Đăng ký
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Mười Một, 2024, 11:44:23 pm
1 Giờ 1 Ngày 1 Tuần 1 Tháng Vô hạn Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Lịch sử Quân sự Việt Nam > Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Tài liệu - Hồi ký Việt Nam (Quản trị: macbupda) > Trường Sơn miền ký ức - Tập 1
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 Xuống « Trước Tiếp »
In
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1 (Đọc 40266 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Trường Sơn miền ký ức - Tập 1 « vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 06:56:11 am »
Tên sách: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dânNăm xuất bản: 2009Số hoá: ptlinh, chuongxedapTổ chức bản thảo:BAN LIÊN LẠC CỰU CHIẾN BINH BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN- Thiếu tướng VÕ SỞ- Đại tá BÙI THẾ TÂM- Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN- Đại tá NGUYỄN DUY TƯỜNGLỜI NHÀ XUẤT BẢNTuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX.Từ những Con đường mòn men theo dải Trường Sơn hừng vĩ; từ những đội quân "đi không dấu, nấu không khói", trong 16 năm (1959-1975) tuyến Trường Sơn đã phát triển đồng bộ, vượt bậc với hệ thống đường giao liên, đường cơ giới, đường sông, đường ống xăng dầu, hệ thống thông tin tải ba, hệ thống đảm bảo kỹ thuật, kho tàng, bệnh viện quân y... Lịch sử tuyến chi viện Trường Sơn phản ánh những bước tiến lên theo quy luật chung của chiến tranh giải phóng dân tộc - quy luật phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại; đáp ứng yêu cầu tác chiến lớn hiệp đồng quân binh chủng của Quân đội ta.Trong 16 năm ấy, với mưu đồ cô lập cách mạng miền Nam nhằm chia cắt, xâm lược lâu dài đất nước ta, đường Trường Sơn luôn là trọng điểm đánh phá với mức độ hủy diệt, là chiến trường thực nghiệm các loại hình chiến tranh của đế quốc Mỹ như "chiến tranh ngăn chặn", "chiến tranh điện tử", "chiến tranh hóa học”, v.v.Vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù; vượt lên muôn vàn gian khổ hy sinh, với ý chí sắt đá "Không có gì quý hơn độc lập - tự do" - quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức và thực hiện thắng lợi sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, đối với chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn. Cũng với những hy sinh cao cả của bộ đội Trường Sơn là những cống hiến lớn lao của biết bao thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến gái trai, văn nghệ sĩ và nhân dân nơi tuyến đường đi qua cùng nhân dân Lào, Cam-pu-chia... Họ đã cống hiến tâm sức, máu xương và tuổi xuân của mình để viết nên "huyền thoại một con đường"!Gần nửa thế kỷ đã qua đi, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành đề tài lớn cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật... giàu ý nghĩa nhân văn. Bản anh hùng ca Trường Sơn còn mãi mãi ngân vang trong tâm tưởng của biết bao thế hệ.Thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cùng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tổ chức và giới thiệu đến bạn đọc hai tập hồi ký: “Trường Sơn - miền ký ức”. Đây là công trình tập hợp những trang viết của các cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ... đã từng sống, chiến đấu ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Bởi vậy, những trang sách của họ như còn thấm đẫm hơi thở và nhịp sống của chiến trường.Mặc dù đã rất cố gắng, song do thời gian qua đi, có điều nhớ, điều quên nên có những chi tiết, những tên đất, tên người có thể chưa thật chính xác... Ban biên soạn rất mong được bạn đọc lượng thứ và bổ khuyết.Hai tập sách “Trường Sơn - miền ký ức" cũng là số ít trong bộ sách viết về Trường Sơn được chúng tôi xuất bản, phát hành dịp này để mong góp phần mãi mãi tri ân và tôn vinh hàng vạn người con đất Việt đã nằm lại nơi những cánh rừng Trường Sơn đại ngàn cùng những thế hệ cha anh đã cống hiến trí tuệ, máu xương cho con đường Trường Sơn - con đường thống nhất Bắc - Nam!Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!NHÀ XUẤT BẢNQUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:55:15 am gửi bởi ptlinh » Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 07:42:01 am »
MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG MANG TÊN BÁC1Thiếu tướng VÕ BẨMNguyên Đoàn trưởng - Tư lệnh Đoàn 559Bộ đội Trường SơnHai năm, rồi ba năm qua đi kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Tổng tuyển cử thống nhất đất nước không những không được thực thi mà tình hình ngày càng tồi tệ. Tập đoàn cầm quyền nước Mỹ ngang nhiên chà đạp lên công ước quốc tế, xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, mà họ là một thành viên của hội nghị đó. Mỹ dựng lên ở miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm - tay sai thân Mỹ, từng bước hất cẳng Pháp, nuôi mưu đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam và nhiều cuồng vọng khác.Dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm, miền Nam nước ta trở thành một trại giam khổng lồ, thành địa ngục của trần gian. Với "Luật 10-59", Mỹ - Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam. Biết bao chiến sĩ Cộng sản, bao đồng bào yêu nước đã ngã xuống bởi bàn tay tàn bạo của kẻ thù.Cũng như những người con miền Nam tập kết ra Bắc, dù được sống trong thanh bình và sự cưu mang đùm bọc của đồng bào, đồng chí miền Bắc, nhưng cũng đã mấy năm, chúng tôi luôn sống trong cảnh "ngày Bắc đêm Nam", luôn hướng về quê hương, chờ ngày trở về. Là Cục phó Cục Nông trường, những lần đi cơ sở tôi đã bị anh chị em miền Nam tập kết cật vấn rất gay gắt: Tại sao kẻ thù chà đạp lên tất cả mà ta ngồi yên, chịu bó tay? Tại sao không cho chúng tôi trở về chiến đấu cứu cha mẹ, vợ con?...Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em như chính lòng mình, nhưng phỏng tôi có thể làm được gì hơn, ngoài những lời động viên anh em yên tâm công tác, sẽ có ngày chúng ta đạt được ý nguyện đó. Bác Hồ đã từng nói: miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam...Thực tiễn thấm đẫm máu và nước mắt của cách mạng miền Nam những năm 1954-1959 đòi hỏi Đảng ta phải tìm ra con đường để đưa cách mạng miền Nam qua vòng nguy biến và phát triển đi lên.Đầu tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định con đường cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến - trước mắt là đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Nghị quyết 15 cũng xác định nhiệm vụ của miền Bắc trong mối quan hệ với cách mạng miền Nam.Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội chính quy trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh tích cực chuẩn bị lực lượng, vật chất để chi viện cho chiến trường và tôi là một trong những người đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền Nam._______________________________________1. Trích Hồi ký: Những nẻo đường kháng chiến, (Duy Tường thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 07:42:39 am »
Ngày 5 tháng 5 năm 1959, theo điện triệu tập, buổi sáng, tôi vào cơ quan trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban thống nhất Trung ương. Anh Vịnh đưa tôi vào phòng làm việc, tự tay pha nước mời. Từng cử chỉ, ánh mắt của anh muốn nói một điều gì đó rất hệ trọng. Rồi như để tránh một sự đường đột không cần thiết, anh nhỏ nhẹ hỏi tôi về tình hình bên Cục Nông trường, về tinh thần, tư tưởng của số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, có đề đạt nguyện vọng về Nam chiến đấu như thời gian vừa rồi nữa không?Tôi trả lời để anh nắm được tình hình. Anh phấn khởi nói:- Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là Đoàn công tác quân sự đặc biệt.Dường như sợ tôi không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, anh Vịnh nhắc đi nhắc lại:- Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Là một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật. Bởi vậy, anh làm việc gì và quan hệ với ai đều phải lập danh sách để báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị.Tôi hiểu điều anh Vịnh lưu ý, vì lúc này Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng cũng chưa trực tiếp chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ hiện thời cũng chưa có cơ quan nào triển khai nhiệm vụ chi viện chiến trường. Với tôi, nhiệm vụ được giao là vô cùng hệ trọng. Điều tôi lo lắng trước tiên là vấn đề bảo mật. Tôi trình bày với anh Vịnh:- Báo cáo anh, việc hệ trọng như vậy, lực lượng tập trung hàng trăm, hàng nghìn người và chắc chắn sẽ đông hơn nữa, liệu có bảo đảm thuyệt đối bí mật được không?Anh Vịnh nói:- Đây là vấn đề hệ trọng bậc nhất trong công việc trên giao cho các anh lúc này. Anh em ta phải cùng nhau thực hiện cho bằng được. Anh Vịnh cũng dự kiến về lực lượng ban đầu của chúng tôi, kể cả Ban chỉ huy đoàn và lực lượng mở đường, vận chuyển... Rồi anh hỏi:- Số lượng dự kiến là vậy, nhưng cụ thể, theo anh nên lấy ở đâu?Tôi nhẩm tính một lúc rồi trả lời: để đảm bảo bí mật, cán bộ, chiến sĩ nên lấy ở những đơn vị bộ đội miền Nam tập kết và những người từng hoạt động ở miền Nam thời kháng chiến chín năm. Tiền nong, lúc đầu nên lấy từ quỹ bí mật của Tổng Quân ủy. Vũ khí, quân dụng, chắc chắn phải là loại chiến lợi phẩm...- Bộ Chính trị cũng đã dự kiến như vậy, nhất là người và vũ khí. Vậy là trên dưới cùng thống nhất. Sau đây chúng tôi sẽ thống nhất với Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng nữa để triển khai - Anh Vịnh nói.Anh Vịnh còn nhắc: Bộ Chính trị chỉ cho phép các anh chuyển hàng và đưa người đến bờ bắc sông Bến Hải. Còn từ bờ nam trở vào chỉ tập trung xoi đường; những việc còn lại sẽ do các đơn vị, địa phương trong đó đảm trách. Vì thế, công việc hợp đồng với các đơn vị bên kia giới tuyến quân sự hết sức quan trọng. Riêng vấn đề này, anh nên gặp gỡ bàn bạc kỹ với anh Trần Lương.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 07:43:39 am »
Hơn hai giờ đã trôi qua, mọi việc tuy mới chỉ là những nét chấm phá, nhưng về cơ bản cũng đã định hình về nhiệm vụ, phương thức hoạt động... Chia tay anh Vịnh, tôi nói:- Báo cáo anh, chúng tôi sẽ gắng sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhưng vì nhiệm vụ, nếu như có việc gì đó phải vượt quá giới hạn cho phép, tôi xin chịu kỷ luật. Chỉ xin các anh ghi nhận là bị kỷ luật do phải thực hiện nhiệm vụ, chi viện chiến trường.Anh Vịnh vỗ vai tôi, cười và nói:- Nếu như anh nói, thì chúng tôi cũng sẽ bị kỷ luật cả. Thôi, giao cho anh "một mình một ngựa" làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Nhưng cũng đừng quên, sau các anh là cả hậu phương miền Bắc.Mặt trời gần đứng bóng. Tôi rời cơ quan Bộ với bao suy nghĩ. Tự hỏi, rồi tự trả lời: phải chăng những năm tháng lặn lội trên chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, những lần vào Nam, ra Bắc lo cơm áo, gạo tiền cho bộ đội... là những điều để cấp trên tin tưởng giao cho mình nhiệm vụ đặc biệt này? Vậy, lẽ nào tôi lại phụ niềm tin đó. Vả lại, đây cũng là dịp để tôi có thể làm được một chút gì đó cho miền Nam và Quãng Ngãi quê tôi.Ngay chiều hôm đó, tôi đến gặp anh Trần Lương. Lúc này anh Lương đang là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng qua anh Vịnh, tôi được biết anh Lương đã có quyết định trở về làm Bí thư Khu ủy Khu 5, với bí danh là Trần Nam Trung. Thân tình như người nhà, mạch chuyện giữa tôi và anh Lương cứ trôi thật thoải mái, không cần rào đón.Tôi báo cáo với anh nhiệm vụ Bộ Chính trị giao và những điều anh Nguyễn Văn Vịnh gợi ý. Nghe xong, anh Lương hỏi:- Vậy ý cậu thế nào?- Báo cáo anh - Tôi mạnh bạo nói, anh cũng đã từng cầm quân đánh giặc. Với tôi bây giờ tổ chức chi viện cho nửa nước mà chỉ có ngót gần 500 quân với hai bàn tay trắng, lại hoạt động trong điều kiện rừng núi như vậy, thật không đơn giản, lại còn phải bí mật với cả đằng mình nữa.Đợi tôi nói xong, anh Lương cười hiền lành, rồi nói:- Thôi, trên đã giao cả cho cậu, làm sao cho miền Nam có quân, có súng thì làm. Nếu dễ thì chẳng phải bàn bạc làm gì. Riêng việc liên hệ, hiệp đồng với Liên khu 5, mình sẽ có kế hoạch báo trước với các anh ở trỏng (trong đó).Vậy là ngay ngày đầu tiên vào cuộc, chúng tôi đã được những cán bộ thay mặt Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng quan tâm, ủng hộ hết lòng. Cũng vì vậy, dù chỉ một mình nhận trọng trách trên giao, nhưng tôi không cảm thấy đơn độc.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 07:44:28 am »
Về lại cơ quan, tôi báo cáo công việc với anh Lê Nam Thắng - Cục trưởng và anh Kim Ngọc - Chính ủy. Một cuộc liên hoan chia tay đơn giản, nhẹ nhàng. Anh em trong cơ quan Cục Nông trường cũng chỉ biết loáng thoáng là tôi chuyển sang công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng.Mấy hôm sau, Ban chỉ huy đoàn có thêm anh Nguyễn Thạnh, anh Nguyễn Chương và một số cán bộ trợ lý.Tôi quen biết anh Nguyễn Thạnh từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Anh Thạnh quê ở Đức Phổ - Quảng Ngãi, là đội viên Đội du kích Ba Tơ. Cách mạng tháng Tám thành công, anh là một trong những đảng viên có mặt đầu tiên xây dựng Chi bộ 4 vệ quốc đoàn Phú Yên, sau là Trung đoàn 79, mà tôi là Chính ủy trung đoàn. Sau khi tập kết ra Bắc, anh từng là Chính ủy Công trường 50, Hiệu trưởng Trường Kiến Trúc thuộc Cục Doanh trại. Anh Nguyễn Chương quê Đà Nẵng, vốn là công nhân, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Đà Nẵng, sau đó gia nhập Vệ quốc đoàn. Về đội ngũ cán bộ cơ quan có các anh Lê Trọng Tâm - Thư ký đoàn trưởng, Huỳnh Chuân - Trợ lý quân nhu, Phạm Tề - Trợ lý tổ chức, Huỳnh Thường - Trợ lý tài vụ, Phạm Ngọc Anh - Trợ lý quân giới, Nguyễn Biên - Trợ lý bảo vệ, Phạm Công Chuyên - Trợ lý doanh trại... Các đồng chí được điều về đoàn đều đã từng chiến đấu, trên chiến trường Khu 5, Trị - Thiên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.Trụ sở làm việc của đoàn khi mới thành lập là các nhà 63, 83 phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Những căn nhà này náu mình trong khu dân cư, nhưng gần cơ quan Bộ Quốc phòng, tiện cho quan hệ công tác, cũng như bình thường hóa việc đi lại của cán bộ trong đoàn. Những ngày đầu thành lập, mấy anh em quây quần như một gia đình nhỏ, công việc hối hả nhưng không vì thế mà ồn ào. Khi cần, căn hộ của gia đình tôi ở 25A Phan Đình Phùng cũng là nơi làm việc và chứa hàng.Sau chừng nửa tháng chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc, sinh hoạt, ngày 19 tháng 5 năm 1959, tôi, anh Thạnh, anh Chương có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Vịnh. Anh Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, tổ chức thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường Khu 5: khoảng 7.000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung - sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường.Biên chế ban đầu của đoàn có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí trang bị... cả cơ quan và đơn vị gồm 500 cán bộ, chiến sĩ. Cơ quan lãnh đạo của đoàn là Ban Cán sự Đảng. Theo sự chỉ định của trên, tôi là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự.Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa: ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt chúng tôi thống nhất đề nghị được lấy ngày 19 tháng 5 năm 1959 làm ngày truyền thống của đoàn và Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559. Và rồi như một sự thống nhất biện chứng - con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ và đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là Đường Hồ Chí Minh.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 07:45:11 am »
Nhận nhiệm vụ ở chỗ anh Vịnh về, Ban Cán sự họp phiên đầu tiên quán triệt, bàn cách tổ chức thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng. Nhiều nội dung tuy rằng khó khăn, nhưng cơ bản anh em thông suốt và nhất trí, không có gì bàn cãi thêm. Duy yêu cầu có tính nguyên tắc là chỉ đưa người, hàng đến bờ bắc sông Bến Hải, không để kẻ thù biết có sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, là điều gây nhiều trăn trở trong anh em. Mọi người cho rằng: bí mật là yêu cầu bất di bất dịch. Nhưng sao lại nhất thiết phải dừng ở bờ bắc sông Bến Hải?Dần dà, qua tìm hiểu, chúng tôi mới hiểu được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cũng đã cân nhắc kỹ mọi yếu tố thời thế lúc đó. Nguyên cớ sâu xa là các nước trên thế giới và ngay trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng nhìn nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta với những quan điểm khác nhau.Thế rồi, công việc cuốn chúng tôi đi. Một kế hoạch tổng thể về tuyển quân, tổ chức các lực lượng vận tải, mở đường; nguồn vũ khí, trang bị khai thác ở đâu... nhanh chóng được chúng tôi thống nhất trình Bộ Chính trị. Toàn bộ kế hoạch trên được phê duyệt ngay. Đồng thời, anh Nguyễn Văn Vịnh cũng thông báo là Bộ Chính trị đã chỉ thị Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng phân công một số cán bộ chủ trì các cơ quan: quân lực, quân giới, tài vụ... trực tiếp giúp chúng tôi trong việc tuyển quân, chuẩn bị vũ khí, trang bị, tài chính.Những ngày cuối tháng 5 năm 1959, tôi một mình đi xe Commăngca đến các công trường, nông trường có bộ đội miền Nam tập kết; tập đoàn sản xuất miền Nam, Sư đoàn 305, Sư đoàn 324... để tuyển người. Lực lượng mở đường và vận chuyển để thành lập Đoàn 301, chủ yếu lấy ở Sư đoàn 305 - bộ đội Liên khu 5 tập kết. Lúc bấy giờ, Sư đoàn 305 đóng quân ở Thậm Thình - Phong Châu - Phú Thọ, gần đền thờ các Vua Hùng. Địa danh Thậm Thình gợi trong tôi truyền thuyết về một đạo binh của Vua Hùng từng đóng quân ở đây, và cũng từ nơi đây đêm đêm vang lên tiếng giã gạo nuôi quân.Tư lệnh Sư đoàn 305 là anh Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu), Chính ủy là anh Nguyễn Đường. Sau khi tôi đặt vấn đề yêu cầu xin một số chiến sĩ mở đường Trường Sơn, làm nhiệm vụ chi viện chiến trường, anh Năm và anh Đường chân tình trao đổi: phần đông cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn sau một thời gian chuyển ngành ra xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, Nông trường Việt Lâm, Nông trường Đồn Vàng ở Phú Thọ... Vừa được động viên trở lại, nên tình hình tư tưởng của anh em diễn biến khá phức tạp. Dường như đọc được sự lo lắng của chúng tôi, anh Năm trấn an:- Nói vậy thôi, bây giờ đặt vấn đề để anh em hiểu thấu đáo nhiệm vụ chi viện chiến trường, bảo đảm anh em sẽ giơ cả hai tay. Nhưng giá mà đi chiến đấu thì chắc ăn hơn!Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Tư lệnh sư đoàn, tới cuối tháng 5, chúng tôi đã tuyển được 440 cán bộ, chiến sĩ, biên chế hoàn chỉnh Đoàn 301 (tương đương tiểu đoàn). Cán bộ Đoàn 301 được Bộ Tổng Tư lệnh điều về từ nhiều đơn vị trong toàn quân. Trong điều kiện miền Bắc hòa bình, quân đội đang trong quá trình chính quy hóa, nhiều anh em quê miền Nam đã xây dựng gia đình ở miền Bắc, một số đã qua đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội, nhưng theo tiếng gọi của quê hương, của cách mạng, hết thảy đều gạt sang một bên mọi toan tính đời thường để lên đường chiến đấu. Ở đây, nghĩa tình quê hương, gia đình và tình cảm cách mạng đã hòa quyện để hình thành nên bản lĩnh, nhân cách của người lính Cụ Hồ.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:12:41 pm »
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đoàn 301 là con em các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong số đó gần 60 cán bộ. Tuyệt đại đa số là đảng viên, số còn lại là đoàn viên.Đoàn 301 được biên chế thành 11 đội, 9 đội có nhiệm vụ vừa mở đường, làm giao liên và vận chuyển, 1 đội trinh sát, bảo vệ và 1 đội xây dựng hậu cứ. Mỗi đội tổ chức một chi bộ Đảng. Cơ quan của đoàn có các bộ phận: tham mưu, chính trị, hậu cần. Đoàn trưởng là đại úy Chu Đăng Chữ; đại úy Nguyễn Danh (tức Minh Chính) là Chính ủy và đại úy Ngô Văn Diệm là Đoàn phó - Tham mưu trưởng. Anh Chu Đăng Chữ quê Nghệ An, là bộ đội Nam tiến, hoạt động ở Liên khu 5 suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Anh lấy vợ người Quảng Ngãi. Trước khi về đoàn, anh Chữ là Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 324. Anh Nguyễn Danh người Phổ Thuận - Đức Phổ - Quảng Ngãi, nguyên là cán bộ Trung đoàn 108 - Liên khu 5. Anh Ngô Văn Diệm quê Triệu Phong - Quảng Trị, nguyên là cán bộ Sư đoàn 325.Ổn định xong biên chế bước đầu, toàn đoàn bước vào huấn luyện. Tôi đặc biệt lưu ý Ban chỉ huy Đoàn 301 cần tập trung quán triệt tình hình nhiệm vụ, khơi gợi lòng tự hào, tinh thần hy sinh của anh em. Đồng thời cũng nói rõ để mọi người xác định sắp tới họ không chỉ phải đối mặt với kẻ thù bằng xương bằng thịt, mà trước tiên là với sự khắc nghiệt của địa hình, khí hậu núi rừng Trường Sơn.Cùng với học tập chính trị, bộ đội được rèn luyện thể lực, tập mang vác nặng, hành quân xa, vượt đồi, leo dốc trong đêm tối. Vào hè, trưa nắng như đổ lửa, chiều và tối đã sầm sập mưa rào. Mặc nắng hay mưa, ngày hay đêm, cả đoàn quân vẫn lầm lũi hành quân. Trên vai từng người mang không dưới 30 cân, leo đồi, vượt dốc từ bốn đến năm giờ... Gian lao vất vả của những ngày luyện rèn ngắn ngủi ở Phong Châu đã giúp người lính tăng thêm sức lực chịu đựng, làm quen dần với những gì đang đến với họ.Sau khi ổn định việc học tập, huấn luyện của Đoàn 301, Ban Cán Sự 559 xúc tiến việc hiệp đồng với Khu 5 và Trị - Thiên chuẩn bị mở tuyến.Được anh Trần Lương liên lạc hiệp đồng từ trước, đầu tháng 6 năm 1959, tôi trực tiếp vào Hồ Xá - Vĩnh Linh gặp gỡ đại diện Khu 5 và Trị - Thiên. Dọc đường từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, tôi như đắm mình trong không khí dựng xây thanh bình. Các địa phương trên miền Bắc đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đang thay da đổi thịt từng ngày.Đại diện Khu 5 ra họp là anh Nguyễn Quyết (ông Giáo Dụng) - Ủy viên Khu ủy, phụ trách công tác liên hệ với miền Bắc; Quảng Trị có anh Trương Chí Công - Bí thư Tỉnh ủy, anh Lê Hành - Tỉnh ủy viên; Vĩnh Linh có anh Hồ Sĩ Thản - Bí thư đặc khu. Kẻ Bắc, người Nam gặp nhau tại nơi nước nhà bị chia cắt, bùi ngùi xúc động như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách.Mở đầu cuộc họp, tôi phổ biến chủ trương của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của Đoàn công tác quân sự đặc biệt, đồng thời đề nghị các đại biểu miền Nam cung cấp tình hình chiến trường, đặc biệt là địch tình ở địa bàn chúng tôi dự kiến thiết lập hành lang vận chuyển.Các đại biểu chiến trường vô cùng xúc động trước quyết định mở tuyến chi viện từ Bắc vào Nam. Vì theo các anh, công việc đặc biệt hệ trọng này đáng ra phải làm từ lâu. Đồng bào chiến sĩ ta ở trong đó mong miền Bắc quá cả gặp hạn mong mưa.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:13:36 pm »
Theo đại diện Trị - Thiên và Khu 5, thì thời gian gần đây Mỹ - Diệm đã tăng cường lực lượng, thiết lập một hệ thống phòng thủ được chúng gọi là "phòng tuyến chống xâm nhập" phía nam giới tuyến quân sự tạm thời, dọc theo đường số 9. Đặc biệt, chúng lùa dân vào các trại tập trung, tăng cường cho thám báo, biệt kích lùng sục đánh phá các cơ sở cách mạng. Vì thế, mặc dù anh Phan Du (ủy viên thường vụ đặc khu - phụ trách tuyến giao liên qua Vĩnh Linh), anh Lê Hành (Tỉnh ủy viên Quảng Trị, phụ trách đường dây qua miền Tây Trị - Thiên) đã hết sức cố gắng, tìm cách chắp nối, nhưng đường dây Thống nhất từ Tây Nguyên ra Bắc thường xuyên bị đứt.Từ thực tế nêu trên, chúng tôi chủ trương thời gian đầu, tuyến giao liên vận tải quân sự cơ bản sẽ được mở dựa theo tuyến giao liên "Thống nhất", với nguyên tắc là mở đường mới nhưng vẫn giữ được cơ sở cách mạng những nơi tuyến đường đi qua. Hướng tuyến, vị trí đặt trạm và quy ước thông tin liên lạc cũng cơ bản được thống nhất.Không khí cuộc họp có phần căng thẳng khi tôi phổ biến chủ trương của trên chỉ cho phép chúng tôi đưa người và chuyển hàng đến bờ bắc sông Bến Hải; Trị - Thiên và Khu 5 có nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển tiếp vào các hướng chiến trường. Hầu hết đại biểu Khu 5 và Trị - Thiên không nhất trí.Yêu cầu của các anh ở Khu 5 và Trị - Thiên là đoàn chúng tôi sẽ đưa người, đưa hàng vào sâu hơn, vì hiện thời địch đang đánh phá quyết liệt, các địa phương phía nam giới tuyến lại thiếu người để vận chuyển và thiếu cả lực lượng bảo vệ tuyến hành lang.Thấu hiểu điều kiện của chiến trường và nguyện vọng của các anh trong đó, tôi xin lĩnh hội ý kiến để báo cáo lên Bộ Chính trị. Rồi chợt nhớ một tình tiết trong buổi làm việc đầu tiên với anh Nguyễn Văn Vịnh, tôi mạnh dạn nhận đưa người và hàng vượt đường số 9 vào phía nam chừng ba ngày đường. Nếu như trên kỷ luật, tôi vui lòng chấp nhận.Phút chia tay bồi hồi, người vào Nam, kẻ ra Bắc; anh Quyết và anh Hành còn nói: Các đồng chí ngoài đó có tạo điều kiện hỗ trợ thì trong này chúng tôi mới trụ vững được qua kỳ khó khăn khốc liệt này... Ai cũng biết lúc này Mỹ - Diệm đang áp dụng luật phát xít 10-59, lê máy chém đi khắp miền Nam.Ngày hôm sau trở ra tới Hà Nội, bật chiếc rađiô theo dõi tình hình, tôi giật mình khi nghe đài Sài Gòn đưa tin: có một đại biểu Hà Nội vừa vào Vĩnh Linh... Mặc dù vấn đề cơ bản là vào để làm gì thì chúng không nắm được. Nhưng, điều không thể phủ nhận là dù cho mọi việc chúng tôi tiến hành hết sức bí mật cũng đã bị địch đánh hơi được. Vấn đề bảo mật vì thế cần được lưu ý hơn.Vì sự tồn tại và hoạt động lâu dài của tuyến chi viện chiến lược, tôi trình bày sự việc vừa rồi với anh Phạm Kiệt - lúc đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ - An ninh quân đội. Anh Kiệt ân cần nói:- Việc này đâu phải là chuyện của anh em, bạn bè thân quen, mà là cả một vấn đề hệ trọng.Liền đó, anh kéo tôi cùng đến gặp anh Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an. Những đề nghị của tôi được anh Hoàn và anh Kiệt chấp thuận và hứa sẽ có giải pháp đối phó với hoạt động tình báo, gián điệp của địch đối với hoạt động của chúng tôi.Sau buổi gặp anh Hoàn và anh Kiệt, tôi tổng hợp tình hình làm việc ở Hồ Xá báo cáo anh Nguyễn Văn Vịnh. Không ngờ những điều mà tôi cho là "vượt rào" - hứa với các đồng chí Khu 5 và Trị - Thiên là đưa người và hàng vào phía nam theo đường số 9 ba ngày đường, đã được cấp trên chấp thuận. Vậy là đã hội đủ cơ bản những yếu tố để chúng tôi tiến hành khảo sát mở tuyến.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:14:22 pm »
Tôi dẫn đầu một nhóm cán bộ, nhân viên vào miền Tây Vĩnh Linh, len lỏi giữa rừng Trường Sơn tìm đường về Nam. Tỉnh ủy Quảng Trị đã cử đồng chí Pả Cương - Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và một số cán bộ địa phương thông thuộc đường đi lối lại trong khu vực, giúp chúng tôi xoi đường.Qua tìm hiểu địa hình tây nam Quảng Bình, miền Tây Vĩnh Linh và Trị - Thiên, để bảo đảm được bí mật lại tránh được những nơi núi non quá hiểm trở, kết hợp nghiên cứu con đường do Lữ đoàn 270 của Quân khu 4 mở để cơ động lực lượng phòng thủ khu vực giới tuyến, chúng tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn rào Thanh, tây nam Vĩnh Linh; cách Nông trường Bãi Hà non một cây số về phía tây nam; cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, theo bước chân của mấy đồng chí người Vân Kiều, chúng tôi phát triển theo hướng tây nam, qua làng Mít, vượt đỉnh một nghìn lẻ một (1001), đỉnh một nghìn sáu trăm (1600), vượt sông Bến Hải, qua đỉnh một nghìn bảy lẻ một (1701) còn gọi là động Voi Mẹp - động Hàm Nghi. Địa danh này là chứng tích của một thời đất nước đang cơn bĩ cực. Vào cuối thế kỷ XIX, trước sức tiến công xâm lược của thực dân Pháp, sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã cùng một số quan quân thuộc hạ rút lên miền rừng núi phía tây Quảng Trị lập căn cứ Sơn Phòng, tập họp lực lượng để chống Pháp. Phải chăng tại hang động cao chất ngất giữa lưng chừng trời này, vua Hàm Nghi đã xuống chiếu "Cần Vương", kêu gọi các sĩ phu văn thân và muôn dân cứu nước?Leo được lên tới động Hàm Nghi, chúng tôi còn bắt gặp nơi đây những cây chè, gốc cam của quan quân Nhà Nguyễn trồng thuở ấy. Sau này có những lúc trong những tháng ngày trụ bám trên tuyến, bị sốt rét, tôi cũng được anh em cho ăn những quả cam hiếm hoi, uống những bát nước chè xanh tươi mát của những bậc tiền nhân để lại.Nhấm nháp những búp chè, quả cam đã gần như cây trái hoang dại, trong tôi trào lên cảm giác chua chát về những tháng ngày nước nhà tối tăm trong đêm trường nô lệ. Lẽ nào giờ đây, với một chính Đảng anh minh, Nhà nước công - nông, một quân đội bách chiến bách thắng, chúng ta lại phải chịu cảnh nước nhà bị chia cắt?...Đã qua mấy năm sống ở hậu phương, nay luồn rừng, lội suối, chúng tôi mệt muốn đứt hơi. Mỗi lần leo dốc hai lỗ mũi tranh nhau thở; nhưng không ai bảo ai, người nọ bám chân người kia không rời. Nhất là Lê Trọng Tâm, người nhỏ nhắn, lời ăn tiếng nói thỏ thẻ như con gái, nhưng leo núi vào loại cừ khôi. Trở lại với rừng, ngay từ những bước xoi đường đầu tiên, ai nấy đều bị vắt đốt một trận nên thân. Gỡ vắt bám đầy chân, máu chảy ròng ròng, tôi nói đùa với anh em rằng: thế là chúng ta đã "lưu huyết” từ những bước đi đầu tiên trên đường Trường Sơn.Từ động Hàm Nghi, chúng tôi chủ trương vạch một lối sang Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường số 9, qua Đá Bàn, vào Tà Riệp, Pa Lin (tây nam Thừa Thiên).Qua khảo sát, cũng như nghiên cứu tài liệu, bước đầu, tuyến giao liên quân sự sẽ phải đi qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, nhiều sông suối và hệ thống đồn bốt của địch.
Logged
chuongxedap Đại tá * Bài viết: 13434
Re: Trường Sơn miền ký ức-Tập 1 « Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:15:04 pm »
Về hệ thống ngăn chặn của địch, điều trớ trêu đến phi lý ở chỗ là đúng vào ngày các bên dự hòa đàm Giơ-ne-vơ ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (21-7-1954) thì Mỹ - một thành viên của Hội nghị đã tự cho mình cái quyền không ký vào văn bản Hiệp định. Hơn nữa, Uyn-sơn - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ngạo mạn tuyên bố: "Sẵn sàng phòng thủ đường ranh giới quân sự ở Việt Nam (vĩ tuyến 17) cũng như giới tuyến quân sự ở Triều Tiên". Kế đó, ngày 6 tháng 8 năm 1954, Đa-lét - ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định lại điều đó: "Tôi mong rằng một phòng tuyến phòng thủ chung sẽ được vạch ra. Phòng tuyến đó sẽ qua phía bắc thành phố Huế và sẽ bảo vệ Cam-pu-chia và cả Việt Nam ở vĩ tuyến 17".Để thực hiện cuồng vọng đó, Mỹ - Diệm đã từng bước xây dựng ở phía nam giới tuyến quân sự tạm thời, dọc theo đường số 9 cái gọi là "phòng tuyến chống xâm nhập", gồm nhiều đồn bốt, đồng thời tăng cường các cuộc hành quân càn quét.Về điều kiện tự nhiên, địa hình Trường Sơn nói chung và khu vực nam - bắc sông Bến Hải nói riêng đa phần hiểm trở; rừng nguyên sinh che phủ hoạt động vận chuyển trên mặt đất, giúp ta giành thế chủ động đối phó với kiểu chiến tranh ngăn chặn của địch. Nhưng địa hình nơi đây chia cắt mạnh, gây nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển của ta.Địa hình bắc - nam sông Bến Hải sông suối dày đặc. Đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Sông suối phát nguồn từ đỉnh núi hoặc đổ về phía đông, chảy ra biển: hoặc trườn qua triền tây, đổ vào sông Mê Công. Từ thượng nguồn, sông suối ở đây có độ chênh rất lớn, lắm thác ghềnh. Mùa khô, đa phần sông suối cạn kiệt, nhưng vào mùa mưa, chỉ cần vài trận mưa rào, bỗng chốc chúng trở lên hung hãn, có thể cuốn phăng mọi thứ. Dưới chân các dãy núi, thường là những thung lũng hẹp. Vào mùa mưa, gặp cơn mưa to rất dễ biến thành những "túi nước" khổng lồ, chia cắt núi đồi thành những khu biệt lập. Túi nước là hiểm họa, nỗi kinh hoàng của những ai qua đây. Cộng vào đó, là sự nghiệt ngã của khí hậu vùng rừng nhiệt đới gió mùa hoang sơ, là môi trường lý tưởng cho các loại ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét. Rồi muông thú, cọp beo rình rập... Mới đến đây, nghe trong dân lưu truyền nỗi sợ hãi về "cọp Thụy Ba”,... ai yếu bóng vía cũng phải rùng mình.Đi theo Đảng từ những ngày Đảng ta mới ra đời, rồi trải qua những năm dài kháng chiến, chúng tôi hiểu chẳng có con đường cách mạng nào lại không bám chắc vào dân. Thế nhưng, cái khó của chúng tôi lúc này là không chỉ tránh giặc mà còn phải tạm thời "lánh dân". Vì nguyên tắc tuyệt mật, tuyến giao liên ban đầu phải tránh xa các bản làng. Đứng ở những lèn đá, bìa rừng, thấy thấp thoáng mái tranh của bà con Vân Kiều, Pô Cô, lòng tôi nôn nao khó tả. Mong chóng đến ngày, chúng tôi được nhân dân chỉ cho từng đường đi nước bước, những người lính chiến đấu trên con đường đó phải được sống trong sự cưu mang, chở che của những người dân nơi đây. Vì yêu cầu bảo đảm bí mật thuyệt đối, khi khảo sát xoi đường, chúng tôi không đi theo những lối mòn, mặc dù điều đó là rất thuận lợi; mà tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn. Điều mà mỗi chúng tôi đúc kết thành một nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".Sau mấy ngày luồn rừng, lội suối, vừa xoi đường vừa nghiên cứu địa hình, tôi phân công anh Ngô Văn Diệm tổ chức tìm tiếp phần đường còn lại. Tôi trở ra Hà Nội giải quyết tiếp công việc, trong khi anh Thạnh đang ở Thậm Thình cùng với Đoàn 301.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 Lên
In
« Trước Tiếp »
Chuyển tới: Chọn nơi chuyển đến: ----------------------------- Thông tin chung ----------------------------- => Bảng tin => Chung sức xây dựng website ===> Trao đổi thông tin về sách ===> Mặt trận Wiki => Giúp đỡ tìm người ----------------------------- Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ----------------------------- => Cha ông ta đánh giặc => Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tự dịch => Văn học chiến tranh ----------------------------- Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc ----------------------------- => Từ thuở mang gươm đi mở cõi... => Quyết tử cho Tổ quốc... => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Anh ở biên cương... => Từ cây giáo đến khẩu súng... => Kiến thức quốc phòng ----------------------------- Máu và Hoa ----------------------------- => Một thời máu và hoa => Về người lính hôm nay => Hình ảnh - Kỷ vật => Về lại chiến trường xưa... ----------------------------- Văn hoá - Thể thao - Giao lưu ----------------------------- => Quán nước cổng doanh trại => Du lịch => Xem phim bãi => Văn công => Chiến sỹ khoẻ ----------------------------- Chợ xép ngoài rào doanh trại ----------------------------- => Hàng sách cũ
Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM
Loading...

Từ khóa » Hồi Ký Võ Bẩm