Truyện Kể Dân Gian Liên Quan đến Các Di Tích ở Quảng Ninh

Quảng Ninh có kho tàng truyện cổ dân gian vô cùng phong phú, bao gồm đầy đủ các thể loại, đặc biệt là truyền thuyết liên quan đến các di tích danh thắng.

Dọc đường hành hương Yên Tử, gần như chỗ nào cũng có những truyền thuyết dân gian.

Chiếm nhiều nhất trong nhóm các truyện kể dân gian Quảng Ninh, lí giải sự hình thành các địa danh chính là các truyền thuyết gắn với hình tượng rồng ở Hạ Long, Bái Tử Long và rải rác ở Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái và Uông Bí. Trong đó, các truyện liên quan đến địa danh thuộc hệ thống di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh chiếm số lượng khá lớn, đặc biệt là những truyện giải thích về các địa danh liên quan đến Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận còn vô số truyện kể dân gian khác, như truyện ông khổng lồ gánh đá định lấp biển của người dân vùng Bang Trới, lý giải về sự hình thành những đảo đá, vũng Vịnh Hạ Long, giải thích sự ra đời của núi Mằn, núi Bài Thơ. Vịnh Hạ Long có hàng trăm sự tích gắn với những đảo đá như: Sự tích hòn Cô Thanh Lảnh, sự tích hang Nhà Trò, sự tích hang Đúc Tiền, sự tích hang Ma, sự tích vụng Bạch Tuộc...

Con đường hành hương lên Yên Tử, bắt đầu từ chùa Trình, qua Dốc Đỏ, đến chùa Cầm Thực, Suối Tắm… tới đỉnh chùa Đồng, mỗi địa danh đều có sự tích, truyền thuyết gắn với quá trình tu hành khổ hạnh của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tam Tổ Trúc Lâm. Truyện kể về nàng Điểm Bích làm thơ gợi tình để thử lòng Huyền Quang vừa thực lại vừa hư.

Các địa danh liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng hay liên quan đến di tích Nhà Trần ở Đông Triều cũng mang trong nó nhiều truyện kể dân gian hấp dẫn. Tại Ba Chẽ, di tích Miếu Ông - miếu Bà gắn liền với câu chuyện lui quân lánh thế giặc Nguyên Mông của hai vua Trần năm 1285. Truyền thuyết về hành trạng của tướng công Hoàng Cần còn lưu tại các di tích đền Cửa Ông (Cẩm Phả), đền thờ Đức Ông Hoàng Cần (Tiên Yên), đình Lục Nà (Bình Liêu).

Tại Vân Đồn, người dân ở đảo Quan Lạn vẫn lưu truyền truyện kể về 3 người con họ Phạm, gồm: Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng đã góp công lớn vào chiến thắng Vân Đồn đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy năm 1288.

Trong các địa phương có truyện kể liên quan đến cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, Quảng Yên có nhiều truyền thuyết nhất. Đó là truyện ba cô gái người trời xuống giúp dân đánh giặc. Người dùng mĩ nhân kế để quân ta bắt tướng giặc Phạm Nhan, người làm tiếp tế cho quân sĩ, người hóa bà hàng nước chỉ lịch lên xuống của con nước để Trần Hưng Đạo lập trận địa cọc gỗ Bạch Đằng. Hay truyền thuyết về bà hàng nước hiến kế đánh giặc bằng hỏa công và cắm cọc tận dung con nước.

Khu vực xã Điền Công (Uông Bí) có đình Đền Công gắn với truyền thuyết Tứ vị thượng đẳng thần. Đông Triều có sự tích về các lăng mộ, thái ấp nhà Trần, thần tích và miếu thờ ba anh em ruột là liệt sĩ chống giặc Đông Hán; chuyện về nữ tướng Lê Chân, bà Nguyệt Thai, bà Nguyệt Độ, bà Thánh Thiện. Rồi đến truyền thuyết 3 anh em họ Trương hy sinh khi chống quân xâm lược nhà Hán do Mã Viện chỉ huy, chuyện về Phạm Nhan ở làng An Bài quê mẹ.

Trên vùng đảo Hà Nam có rất nhiều truyền thuyết về các tiên công đi mở cõi, khai lập nên vùng đảo trù phú này. Trong Miếu Tiên công còn có tấm bia đá nói về hồ Mạch, nơi phát nguyên của các vị Tiên Công. Hay như truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương, thần hoàng của làng được thờ tại miếu Cốc và đình Cốc.

Quảng Ninh còn có rất nhiều truyền thuyết khác như ở xã Lê Lợi (TP Hạ Long) kể chuyện Lê Lợi trốn chạy giặc Minh, chuyện kể về Trần Khánh Dư và Quận He Nguyễn Hữu Cầu của nhân dân Vân Đồn. Hay như sự tích Đàn đá thần lí giải về những hòn đá gõ vào có thể ngân vang ở núi Cao Ba Lanh, xã Đồng Văn (Bình Liêu). Ở Uông Bí có truyền thuyết Hang Son liên quan đến việc Trần Hưng Đạo đã đưa quần về đây mai phục chuẩn bị cho trận đánh quân Nguyên - Mông trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288.

Xung quanh chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có rất nhiều truyền thuyết dân gian.

Với nội dung phản ánh đa dạng, truyền thuyết dân gian Quảng Ninh đã phản ánh đậm nét và phong phú hầu hết mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như con người trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để thế hệ mai sau hiểu được nguồn cội quê hương, quá trình đấu tranh chống giặc giữ nước của dân tộc trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Về mặt nghệ thuật, nhìn chung, truyện kể dân gian Quảng Ninh có kết cấu đơn giản, nội dung ngắn gọn. Đáng chú ý, yếu tố kì ảo trong nhân vật truyện kể thường mờ nhạt. Chính sự mờ nhạt về chi tiết kì ảo này lại gợi ấn tượng đó là những nhân vật rất thật, được miêu tả hoàn toàn bằng yếu tố hiện thực. Kể cả với những nhân vật có yếu tố kì ảo, phi thường thì họ cũng vẫn suy nghĩ và hành xử theo một cách rất “lẽ thường”.

Xây dựng các nhân vật trong truyện cổ, người dân Quảng Ninh xưa gửi gắm vào đó niềm tự hào về mảnh đất quê hương, sự biết ơn ca ngợi những người có công lao trong việc khai phá, mở mang và bảo vệ, giữ gìn quê hương, đất nước. Đó là vốn quý để làm giàu có tâm hồn con người, là điểm tựa và nguồn nuôi dưỡng tinh thần, tình cảm nhân dân với quê hương, đất nước.

Từ khóa » Hình Anh ông Khổng Lồ Gánh Núi