Truyền Kỳ Tả Ao - Namevgo
Có thể bạn quan tâm
Thầy phong thủy – Ông tổ Phong thủy Việt Nam: Tả Ao người Việt Nam học được khoa địa lý chính thống ở Trung Quốc vào thế kỷ 16 (có nhiều tư liệu viết về điều này đều không nhất quán, có sách nói là vào thế kỷ 17 hay 18). Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Và Tả Ao sinh vào năm nào không ai rõ, chỉ được biết ông sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545 – 1788).
Qua các câu chuyện truyền khẩu:
Nhà Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị bệnh lòa mắt, vì thế nên ông đến giúp việc cho một ông thầy thuốc người Tầu ở trong huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm được nghề bốc thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh mắt lòa cho mẹ. Ông thầy Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, nên khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên đất khách, gần nhà ông thầy thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi, cũng đang bị bệnh về mắt, Tả Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta.
Thầy địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề xem phong thủy. Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, truyền dạy hết tinh hoa địa lý phong thủy cho Tả Ao, đến khi thành tài học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy cho về nước.
Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử lần cuối sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỏi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đấy tìm huyệt để điểm.Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Cho nên thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của người Trung Hoa.
Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc, không hành nghề địa lý phong thủy, chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của Tả Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc.Cũng chính vì ông không hành nghề xem phong thủy cho ai, nên không có hậu bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in ra nói là sách do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy, khi đọc xong 2 quyển sách trên, đều cho đây là sách quý. Những truyền thuyết về Tả Ao:
Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo, nhưng trong dân gian có những truyền thuyết truyền khẩu nói về nghề xem phong thủy của ông. Có lẽ vì điều này mà ông được người đời xưng tụng “vua địa lý” của nước Việt chăng ?! Sau đây là một vài truyền thuyết về tài xem địa lý phong thủy của Tả Ao:
Cứu Vua nhờ mộ kết phát.
Một ngày nọ Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi tuy đã già nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến một làng quê nọ, trời nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa bên làng, ông nhìn thấy một anh nông dân đang miệt mài cày ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo cày cũng vào gốc đa ngồi mở cơm nắm ra ăn.
Thấy một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi :- Xế trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm cơm này ăn với cháu cho vui.
Anh nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời ông lão :- Cháu mời ông dùng cơm…Thấy thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng ăn.
Bốn năm ngày như vậy, anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm và ông cũng không lần nào từ chối. Đến bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân :- Chắc anh vẫn không biết ta là ai? Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây!
Anh nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt hoảng, liền quì lạy xin ông tha lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp :- Ta xem anh là người có đức nên có ý giúp anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc, phát tài, cho anh nở mặt với thiên hạ…- Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay đều là nông dân chân lấm tay bùn, bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai ?- Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được giàu sang phú quí trong vòng 100 ngày thôi.
Nào anh hãy dẫn ta ra nơi mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào sẽ sửa cho. Anh nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha anh ta. Tả Ao xem xong mới truyền :- Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời sẽ bần hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác mà thôi.
Nói rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn ở một huyệt đất mà Tả Ao đã chọn sẵn. Xong đâu đấy, Tả Ao căn dặn :- Anh nhớ không cho ai biết chuyện này! Một trăm ngày nữa, vào ngày mùi tháng ngọ, đúng giờ tý anh phải có mặt ở kinh đô, đứng ở hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo trắng, đi hài xanh, từ trong thành chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì anh cứ chạy lại bảo: “Con xin cứu ngài!”, rồi cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước cho tử tế. Anh cứ thế mà làm, đừng suy nghĩ gì hết! Nói xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng chẳng biết ông đi về đâu.
Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ anh nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ trong thành vọng ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò, tiếng người gào thét, rồi lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Và quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh, hớt hải một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ đợi có thế bèn chạy đến bên nói to:- Thưa ngài, con xin cứu ngài! Nói đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một mạch về giấu trong nhà. Người ấy dáng chừng sợ hãi, suốt ngày im lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng hỏi thân thế của người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngủ.
Vài ngày sau bỗng có loa truyền rằng, ai đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa vua về kinh. Lúc ấy ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày trước đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi báo cho quan quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua cho phép cả anh nông dân cùng đi theo mình về kinh thành.
Tại kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ và phong cho vị ân nhân là anh nông dân được làm quan đến chức nhị phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể.Thì ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha anh nông dân, kết phát y như lời ông nói khi trước, chỉ trong vòng 100 ngày.
Khi Tà Ao thương và giận
Khi thương…
Quanh năm Tả Ao thường đi đây đó khắp trong nước để tìm những ngôi đất quí. Một lần đi qua tỉnh nọ thấy có một ngôi đất rất đẹp, bèn buột miệng khen:- Kiểu đất này mà đặt mộ thì chắc chỉ sáu tháng là phát làm quan! Nhà ai có phúc thì được hưởng thôi?
Sau đó ông đi về hướng làng, gặp một người đàn ông trung niên đi tới. Nhìn thấy nét mặt ông ta tuy phúc đức nhưng tướng lại khắc khổ quá. Tả Ao mới hỏi:- Ông có muốn ra làm quan không? Người đàn ông đáp :- Lạy ông, nhà tôi bất hạnh ba đời, học hành chỉ đủ đọc sách, muốn làm quan không xong, thi cử đợt nào cũng thi rớt, nên nay vẫn sống kham khổ làm ruộng kiếm sống thôi. Được làm quan thì phúc ba đời để lại.
Tả Ao nghĩ bụng ông ta không nói sai. Rồi ngắm nhìn ông ta một lúc bèn nói:- Thôi được, tôi sẽ giúp ông̣ đặt lại ngôi mộ tổ. Ông về lo sẵn 300 quan tiền. Người đàn ông mừng lắm vội mời Tả Ao theo mình về nhà, gọi người thân ra đào ngôi mộ tổ, bốc xương cốt cho vào cái tiểu sành đem đến chôn sâu xuống huyệt đất do Tả Ao vừa thấy ban sáng mà táng lại. Xong việc, ông ta giữ lời, trao cho Tả Ao đủ 300 quan tiền, nhưng Tả Ao chỉ lấy có ba quan, còn lại bảo đem phát hết cho người nghèo khó trong làng.
Gần sáu tháng sau, vào một đêm không trăng, cả nhà ông ta đang quây quần dưới ngọn đèn bỗng có tiếng người gõ cửa. Người nhà ông ta ra mở cửa, thấy trước mặt là một ông tướng uy nghi lẫm liệt nhưng có vẻ đang thất cơ lỡ vận. Khách thật thà nói mình đang lỡ độ đường, xin gia đình cho ăn uống. Ông ta vốn hiếu khách vội sai người nhà nấu cơm đãi khách rất mực nồng hậu. Cơm nước vừa xong, ông khách mới nói:- Thưa ông̣, tôi là tội phạm đang bị nhà Chúa lùng bắt. Đằng nào tôi cũng không thoát khỏi. Xin ông̣ mang dây thừng trói tôi lại rồi đem nộp cho chúa Trịnh mà lĩnh thưởng. Như vậy dù tôi có bị hại, tôi cũng giúp ích được cho gia đình ông̣, còn hơn là uổng thân vô ích.
Cả nhà kinh ngạc sững sờ trước những lời nói của người khách lạ. Không ai nỡ hành động, nhưng ông khách cứ giục mãi, bất đắc dĩ họ phải làm theo. Chúa Trịnh được ông ta giao nộp viên tướng thất thế, hết sức khen ngợi, bèn phong cho làm chức Tri huyện để trọng thưởng. Vị khách đó chính là Mạc Kính Đô, tướng nhà Mạc đang bị thất thế. Vì cảm tấm lòng tốt của ông lão mà Kính Đô đáp lại ông bằng một hành động lạ lùng có một không hai trong thiên hạ.Đúng như lời tiên đoán của Tả Ao không sai. Chỉ trong sáu tháng là được làm quan.
… và giận !
Một hôm Tả Ao đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi đình làng ở đây đặt hướng bị thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến gần để xem cho rõ. Giữa lúc trong đình đang làm lễ kỳ yên. Các vị chức sắc trong làng đang chuẩn bị bữa tiệc chiều.
Một người biết mặt Tả Ao liền chạy ra khẩn khoản mời ông vào trong đình. Các vị chức sắc được gặp thầy địa lý trứ danh nên mừng lắm, ông tiên chỉ trong làng nói :- Hôm nay là ngày tế kỳ yên trong làng, may được gặp thầy thật là phúc cho cả làng này lắm. Nhân thể nay mai làng cho sửa lại ngôi đình, xin cụ coi cho cái hướng nào tốt, làm sao cho làng chúng tôi phát khoa bảng rầm rầm, nhằm đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho họ biết tay!
Lâu nay cả làng chưa ai thi đậu cả! Một ông hăng hái nói thêm :- Cụ tiên chỉ nói phải đấy thưa cụ! Các làng bên, không làng nào không có tiến sĩ, cử nhân, xoàng thì cũng phó bảng, chót chét cũng tú tài. Riêng làng này chắc các cụ trước đặt hướng đình có nhầm nhỡ gì đây, nên bao nhiêu năm trời vẫn suôn cành, không hưởng được trái lộc nào.
Cụ đã đến đây xin ra tay giúp chúng tôi được đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho hả! Tả Ao chỉ cười nói :- Tưởng gì chứ nếu các cụ chỉ ước có vậy thì tôi xin ra tay, không dám nề hà gì! Nhưng chỉ xin 3000 quan tiền để lấy công thôi.
Các vị chức sắc nghe nói đến tiền công đến 3000 quan, thì lắc đầu le lưỡi, có người than thở :- Làng này vì không đỗ đạt, nên không “tơ hào” được gì nên còn nghèo túng, chỉ mong sau này đè đầu cưỡi cổ được thiên hạ, nói gì 3000 đến 5000 quan chúng tôi cũng lo cho cụ được, mong cụ xem lại mà bớt cho.
Tả Ao nghĩ thầm trong bụng, ta lấy tiền giúp người nghèo chứ có phải dùng riêng đâu. Bọn chúng mi thích đè đầu cưỡi cổ thiên hạ để kiếm tiền hưởng thụ, thì ta sẽ chiều ý thôi. Nghĩ thế nên giận, Tả Ao lên tiếng :- Nghe các vị nói như vậy, ta cũng cảm động lắm, thôi thì các vị có bao nhiêu để trả công, xin cứ nói thấy được ta giúp cho.
Vị tiên chỉ nghe Tả Ao nói thế, liền đáp :- Trong đình chỉ còn vỏn vẹn 500 quan tiền, mong cụ lấy giúp. Tả Ao lại giận trong lòng, đình làng nghèo mà cúng kỳ yên đến hai bò năm trâu mười lợn như thế này thì thánh thần nào chứng. Nhưng để làm gương cho đám chức sắc, ông cũng hài hả đáp :- Thôi được, mấy vị đã nói thế ta cũng giúp cho làng, sau này ai cũng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ đều được cả.
Ngay sau đó, Tả Ao ra trước sân đình đặt tróc long định hướng, rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong ông cáo biệt đi thẳng. Mấy tháng sau khi đình đã được xoay ngôi đổi hướng, các vị chức sắc kỳ mục không nói cho dân làng nghe chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công đèn sách nay mai ứng thí. Nhưng quái lạ, tất cả đám con trai, từ lớn đến bé hễ cầm quyển sách định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa chẳng vào đầu! Các thầy đồ được mời đến dạy cũng thở dài ngao ngán. Rồi thay vì sách vở bút nghiên, càng ngày càng có nhiều anh con trai con các chức sắc kỳ mục rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo!
Trong lúc hành nghề, họ tha hồ mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ để… cắt tóc, cạo mặt, ngoáy tai…Các cụ chức sắc lúc ấy mới ngã ngửa hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước đây! Nhưng cũng hiểu rõ, tại họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá nhân, nên mới bị Tả Ao chơi trác.
Ở tỉnh Đoài có một gã trọc phú thích công danh, chỉ ước cho hai con mình được đỗ đạt hầu vênh vang với thiên hạ. Nhân dịp Tả Ao ghé qua tỉnh, nhà trọc phú bèn túm lấy năn nỉ ông, đặt giúp cho một ngôi mộ làm sao cho hai đứa con được đỗ bảng nhãn, thám hoa rồi được bổ làm quan.
Tả Ao nói :- Nếu ông thực lòng muốn thế thì tôi sẽ giúp, nhưng tôi xin nói thật, để thỏa lòng việc này cũng phải tốn kém lắm!- Tốn kém như thế nào xin ông cứ cho biết, tôi sẽ cố gắng lo liệu – gã trọc phú nói.- Chí ít cũng phải 500 quan tiền. Ông biết đấy, đoạt được bảng nhãn, thám hoa, đâu phải chuyện chơi !Gã trọc phú liền gãi đầu :- Thưa ông, những 500 quan một ngôi mộ… chẳng giấu gì ông, tôi đang gặp cơn đen vận túng, chi những 500 quan một lúc, cũng khá nặng. Xin ông nới tay cho thì tôi cảm ơn lắm!- Thế chí ít ông chi được bao nhiêu quan tiền ?- Chừng 200 quan có được không? Xin ông ra ơn làm phúc, sau này như ý tôi sẽ hậu tạ thêm!- 200 quan thì sao đủ ? Nào phải phân kim, xem hướng long mạch, định huyệt, rồi cúng tế cho ngũ phương, ngũ thổ long mạch thần linh, nào Trạch chúa, Sơn hà hải ngạn chi thần, nào đương niên đương canh mệnh vị thần quân, nào thành hoàng bản cảnh đại vương liệt vị ! Những ngần ấy thứ sao đủ sắm lễ…- Thôi được ! Ông đã có lòng giúp thì tôi cũng vui lòng dấn thêm, ta quyết với nhau 300 quan tiền nhé ! Xin ông bắt tay vào việc ngay cho!- Thôi được! Tôi nể lời ông lắm vì muốn tạo phúc cho con cái.
Tả Ao sau khi nhận tiền xong, sai người đi mua một chiếc tiểu sành. Còn bao nhiêu tiền đem cho những người nghèo khó hết. Hôm sau, dưới sự chỉ dẫn của Tả Ao, gã trọc phú và đám gia nhân bốc ngôi mộ tứ đại chôn vào ngôi huyệt mới. Rồi Tả Ao giao cho gã trọc phú một ống tre, trong đựng một tờ “phép”, dặn phải đúng một năm sau mới được mở ra xem. Nếu táy máy mà giở ra đọc trước, ngôi mộ sẽ hỏng mất thì đừng trách ông. Chưa được một năm, bỗng nhà trọc phú gặp liên tiếp nhiều tai họa, gia sản bị cướp bóc , lại bị thưa kiện, rồi bệnh hoạn. Hai thằng con trai thì đổ đốn bỏ học, đi chơi bời lêu lổng thêm tính nghiện hút. Gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn, cả nhà phải xoay ra làm nghề mổ heo đem ra chợ bán kiếm miếng ăn. Mấy cha con hóa thành đồ tể. Đúng ngày Tả Ao dặn, gã trọc phú tán gia bại sản mới giở ống tre ra xem, thì thấy có một mảnh giấy trong đó viết mấy câu sau: Thiếu tiền 3 quan.
Bị giảm 3 phần Bút hóa ra cây xiên (thịt) Nghiên hóa ra thớt. Bảng nhãn thám hoa Hóa ra đồ tể!Đọc xong tờ giấy, cả nhà mới ngã ngửa người ra. Thì ra lúc giao tiền cho Tả Ao, gã trọc phú đã cố tình đếm thiếu 3 quan ! Gã có ngờ đâu hành vi ấy đã làm Tả Ao giận và cả nhà phải lãnh hậu quả quá thê thảm đến như thế!
oOo
Ở một làng có một anh chàng láu cá thượng hạng nhưng thông minh và hiếu học. Hoàn cảnh anh ta thật đáng thương, có người chị gái góa bụa có con thơ, vẫn phải đầu tắt mặt tối nuôi em ăn học. Hai chị em bữa đói bữa no. Anh chàng cảm thấy vô cùng phẫn chí.Bỗng một hôm anh ta nghe tiếng thầy Tả Ao đi qua làng, bèn liều mình đến lạy ông thương xót hoàn cảnh của hai chị em mà gia ân làm phúc.
Tả Ao thấy anh ta mặt mày khôi ngô, lại tỏ ra con người có chí tiến thủ, bèn nhận lời. Sau khi làm bữa cơm đãi thầy, người chị sụt sùi kể:- Bẩm cụ chẳng may cho hai chị em cháu, cha mẹ đều mất sớm. Em cháu đã cố theo nghiệp bút nghiên, mà không hiểu sao đi thi mấy lần đều trượt. Nay chị em cháu trông cậy vào cụ, xin cụ rộng lòng thương! Tả Ao mới hỏi:- Thế mộ cụ thân sinh của chị đặt ở đâu? Người chị nghe hỏi, càng nức nở khóc rằng :- Thưa cụ, cha mẹ chúng cháu mất từ khi chúng cháu còn quá nhỏ, nên đến nay không còn biết mộ đặt ở chỗ nào nữa! Tả Ao suy nghĩ rồi bảo :- Thôi, cũng không can hệ gì!
Đoạn ông vừa uống rượu vừa chú ý nhìn ra ngoài sân. Chợt phát hiện có một luồng khí trắng từ dưới đất bốc lên, đích thị đó là khí long mạch.Tả Ao liền nghĩ đến phép “táng sống”, một trong những phép vi diệu nhất của môn địa lý phong thủy.
Ông sai hai chị em đào một cái hố ở ngay địa điểm có luồng khí bốc lên, sâu hơn hai thước. Sau đó bảo chàng trai đứng xuống hố, và dặn hễ thấy nóng tới đâu thì phải báo cho ông biết tới đấy. Đoạn Tả Ao đứng ở một chỗ khác, dùng chân dậm lên long mạch, miệng khấn : Bản xứ thổ địa long mạch thần linh, phóng hậu khí vào anh học trò thi cử lận đận. Quả nhiên anh học trò bắt đầu thấy nóng ran từ dưới bàn chân nóng lên đầu gối rồi lên đùi. Anh ta nghĩ rằng chắc càng nóng nhiều và càng lên cao trên mình thì càng tốt. Vì vậy anh ta cố sức chịu nóng.
Tả Ao liền hỏi:- Nóng đến đâu rồi? Anh học trò thấy đã nóng tới đùi, nhưng nói dối rằng :- Thưa cụ, tới bắp chân rồi ạ! Lát sau Tả Ao lại hỏi:- Nóng tới đâu rồi?- Thưa, tới đùi rồi ạ! Tả Ao dậm mạnh chân hơn rồi lại hỏi:- Nóng tới đâu rồi? Thực ra nóng đã tới vai, nhưng anh học trò láu cá lại bảo :- Thưa, tới bụng rồi ạ! Tả Ao lấy làm lạ, tại sao lần này hậu khí lại lên chậm như thế ? Ông lập tức chạy đến chỗ chàng trai, sờ vào người thì thấy nóng đã tới vai. Ông bực lắm quát :- Tại sao đã nóng tới vai mà anh lại bảo mới nóng đến bụng? Anh nói dối thế này rồi sẽ gặp đại họa.
Tôi bảo trước cho anh biết, sau này anh tuy được làm quan nhưng sẽ phải chết bất đắc kỳ tử. Nói xong, Tả Ao vào khoác tay nải đi luôn một mạch. Vừa đi ông vừa hối hận, rằng đã già trên đầu hai thứ tóc còn bị một thằng con nít́ lừa. Giá ông không nhanh trí chạy lại sờ xem thì chắc anh chàng láu cá sẽ chờ nóng đến đầu, ắt sẽ được làm vương. Hiệu quả của sự “táng sống” này thật là mầu nhiệm. Từ hôm đó, anh chàng học một biết mười, chẳng bao lâu chiếm được bảng vàng rồi được bổ làm quan đến chức nhất phẩm. Nhưng về sau trong nước xảy ra loạn lạc, vua sai anh ta cầm quân đi đánh, và bị trúng tên chết liền tại trận.
oOo
Một hôm Tả Ao đang đi bị lỡ độ đường, ông phải vào một làng xin ngủ đỡ qua đêm.Tả Ao đi đã nhiều nơi nhưng không thấy nơi đâu buồn tẻ như cái làng này. Tất cả đàn bà trong làng đều tất bật lam lũ, gồng gánh suốt từ mờ đất cho đến lúc gà lên chuồng vẫn chưa ngơi tay. Họ phải làm hàng xáo (bán gạo thóc), nào đong gạo, phơi phóng, sàng sẩy, phân loại gạo nào ra thứ gạo ấy rồi gánh ra chợ đua tài buôn chín bán mười, lấy tiền nuôi chồng nuôi con. Trong khi các ông chồng lại quanh năm không mó tay vào một công việc gì. Suốt ngày rủ nhau hết rượu chè hút xách, lại cờ bạc thâu đêm suốt sáng.
Tuy làng này đối với ông không có họ hàng gì, nhưng không hiểu sao Tả Ao vẫn không thể nào nhẫn tâm mà bước đi tiếp. Ông nghĩ phải tìm cách kiếm cho bọn đàn ông trong làng một nghề ngỗng gì đó cho họ làm.
Sáng hôm sau, ông ra quán nước đầu làng ngồi uống nước, gặp ngay vị tiên chỉ. Sau câu chào hỏi làm quen, Tả Ao nói :- Bẩm cụ, tôi là thầy địa lý, hôm nay rảnh rỗi đi xem phong thủy vùng ta hung cát thế nào…Ông tiên chỉ mừng rỡ kêu :- Ối trời đất ơi ! Thì ra cụ là thánh địa Tả Ao đấy à !?
Lạy thánh mớ bái, tôi thật là được văn kỳ thanh mà bất kiến kỳ hình ! Thưa cụ, xin mời cụ vào trong đình để các vị bản chức trong làng được yết kiến thánh nhan của cụ và xin cho mấy lời chỉ bảo, xem cái lẽ hung kiết của làng ra sao ? Sau nhờ bảo ban cho chúng tôi một lời.
Trước sự niềm nở của ông tiên chỉ, Tả Ao bằng lòng theo ông ta vào trong đình. Ông được các vị chức sắc trong làng thết đãi khá tươm tất. Sáng hôm sau tất cả hương chức cùng nhau dẫn thầy đi xem phong thủy. Nhân tiện, Tả Ao hỏi xem trong làng này có nghề gì phát đạt nhất? Cụ tiên chỉ đáp :- Ấy thưa cụ, trong làng này độc nhất có nhà tôi làm nghề làm cối xay đã lâu. Cái nghề tuy kiếm được đồng tiền bát gạo, nhưng phải cái lao lực chứ không được nhàn hạ.
Vì vậy mà bao nhiêu tráng đinh trong làng quen dài lưng chẳng ai chịu theo nghề! Tôi cũng rất lấy làm tiếc! Tả Ao nghe xong vừa đi vừa nghĩ, rồi ông lẩm bẩm : “Không chịu theo, lười lao động hả? Rồi ta cho phải theo, phải làm tất!”.
Chợt Tả Ao phát hiện ra một gò đất ở cuối làng, cho rằng có thể làm nên cơ sự ở cái gò đất này.Ông bảo với vị tiên chỉ :- Cái gò này án ngữ ở đây không lợi cho làng ta mấy. Nó cản trở cả phần đinh (sinh con sinh cháu) lẫn phần phú (tiền tài). Vậy phải được cải đổi đi một phần, tất sẽ có lợi.
Các hương chức đều nhất trí :- Cụ dạy thế nào chúng tôi xin thi hành như thế. Được như lời cụ thì thật phúc cho làng quá.Ngay lập tức các tuần đinh được điều động mang cuốc xẻng ra bạt hai dẻo đất phía tả và phía hữu của gò đất, như thể cắt bớt cánh của con chim ưng. Gò đất chỉ còn lại một ụ tròn, hai bên có hai cái tai như tai cối xay gạo.
Thấy lạ một vị kỳ mục lên tiếng thắc mắc hỏi :- Thưa cụ tôi xin hỏi, cứ như con mắt tôi nhìn thì gò đất này bây giờ trông sao mà giống cái cối xay gạo đến thế? Tả Ao cười:- Thưa cụ, sách địa lý đã dạy : “Địa lý bất ngoại địa hình” (địa lý không ngoài hình thể đất đai). Nên sau này về hậu sự, các cụ sẽ thấy sách dạy không sai. Sau khi cải đổi hình thể gò đất xong, Tả Ao cáo bận xách túi đi ngay.
Các hương chức biếu ông tiền, ông cũng nhất định từ chối.Quả nhiên mấy tháng sau, tình hình trong làng khác hẳn. Các bà vợ đều mang thai hết một loạt. Rõ ràng làng đã phát về “đinh”, nhưng đồng thời vì bận con mọn nên không ai đi bán hàng xáo nữa.Các ông chồng hết còn cơ hội bám váy vợ để hưởng thụ an nhàn, nên cực chẳng đã phải tính cách đi kiếm sống. Ông tiên chỉ cho gọi họ sang mở lò đóng cối, không một ai chê bai gì nữa. Tình trạng rượu chè cờ bạc của cánh đàn ông hầu như tuyệt hẳn. Mà cái nghề làm cối xay này rõ ràng là kiếm ăn được, cối xay làm ra không kịp để bán.
Các lái buôn từ các tỉnh tín nhiệm thứ cối gỗ mít thượng hạng của làng, đã ùn ùn kéo đến mua cối về bán.Tất cả mọi người ngẫm lại lời của Tả Ao nói ngày trước mà bái phục. Rõ ràng “địa lý bất ngoại địa hình” là cuối làng có một gò đất có hình cối xay, và làng thì lại phát ề nghề làm cối xay, nổi danh khắp thiên hạ!
Cái chết của cụ Tả Ao
Tục ngữ có câu “hàng săng chết bó chiếu” (người làm áo quan chết bó chiếu). Mang câu ấy luận vào Tả Ao thấy rất đúng.Tất cả mọi người đều biết, suốt một đời Tả Ao đã tìm đất đặt mộ cho không biết bao nhiêu người, bao nhiêu làng xã.
Và nhờ có tài siêu việt của bậc thánh nhân phong thủy nơi ông, mà những làng, những người, những dòng họ đã phát đạt, thậm chí sau đó còn truyền tử di tôn cho đến mấy đời con cháu. Cũng vì quá mải mê giúp người, giúp đời, mà Tả Ao bình sinh lấy sự đi chu du giúp thiên hạ là chính, ít khi ở nhà. Chính vì vậy mà cho đến lúc tuổi già, Tả Ao vẫn không rảnh rang được lúc nào để nghĩ tới việc “hậu sự” cho con cháu của ông.
Là thầy địa lý bậc nhất trong thiên hạ mà ông… quên việc chọn cho mình một ngôi đất để sau này con cái táng ông vào đấy, được phát phúc về sau.Mãi đến khi nhận thấy mình sắp sửa về chầu tiên tổ, ông mới gọi con cháu đến bảo, hãy khiêng ông đến ngay một nơi có miếng đất hình “nhất khuyển trục quần dương” (một con chó đang đuổi một đàn dê), mà ông chợt nhớ ra đã có lần để ý đến.
Thế nhưng con cháu khiêng ông mới đi được một đoạn đường thì ông đã thở hắt ra. Biết không kịp đến chỗ đất kia, mà có dặn thì con cháu cũng không biết đường mà lần, ông bèn bảo chúng dừng võng lại bên đường, đoạn gượng quay nhìn một gò đất ngay cạnh đường, rồi chỉ tay mà nói :- Chỗ kia là đất “huyết thực” bất đắc dĩ thì cứ chôn ta vào đây cũng được!
Nói xong, Tả Ao liền tắt thở. Con cháu y lời, táng ông vào miếng đất ấy, đó chính là một cái bờ ao. Cũng vì sự việc này mà người ta gọi Tả Ao là Trạng Bờ Ao. Cũng chính vì vậy nghề địa lý phong thủy của Tả Ao bị thất truyền, vì ông mải mê đi đó đây, đã không tìm ra một đệ tử để chân truyền môn địa lý ông học được từ bên Trung Hoa mang về.
Nhưng Tả Ao hình như đã tiên liệu được điều này, nên trong sách để lại cho con cháu có hai câu thơ :“Đạo cao đức trọng chưng thân Hổ long liên phục, quỹ thần liên kinh” Có nghĩa, có đức trong cuộc sống thì sẽ có phúc, người có phúc sẽ được đất kết, con cháu nhờ đức đó mà vinh hiển (được mọi người kính nể bởi tiếng tăm của cha mẹ để lại). Khi diễn đạt hai câu thơ này, câu Đạo cao đức trọng chưng thân là người có đức có tài, thì rồng cọp (Hổ Long) cũng phải phục (chưng thân, liên phục), quỷ thần cũng tránh xa (quỹ thần liên kinh).Hiểu sâu sa hơn lời của Tả Ao, là làm người phải sống có đạo lý, kính trên nhường dưới, tôn trọng nhân lễ nghĩa trí tín, mọi sự sẽ được tốt lành. Đức không phải từ Thiên Địa (Trời đất) ban, mà chính con người phải tạo ra mới có. Có đức ắt sẽ có đất kết, không cần phải tầm long, định hướng theo phong thủy.
Chúng tôi muốn mượn lời của Tả Ao, một thầy phong thủy nổi danh của nước ta, để kết thúc bài viết này.
—
Tôi có nghe không rõ ràng lắm về 3 câu chuyện trong dân gian liên quan đến cụ Tả Ao, ông tổ của ngành Địa Lý Việt Nam, như sau:
1/- Có lần đi qua một xóm nghèo khám bệnh cụ nói với gia đình bệnh nhân : “Ai cho ta một bữa ăn ngon ta sẽ chỉ cho một Huyệt Kết phát thành giàu sang”. Có 3 người nghèo trong xóm hùn tiền đãi ông một bữa ăn thịnh soạn. Ông liền chỉ cho ba gia đình ấy cùng táng xương thân nhân vào chung trong một huyệt mộ. Vài năm sau đi ngang qua xóm nghèo ấy thì một trong ba người có xương thân nhân táng ở tầng dưới cùng, tìm đến cụ khiếu nại “Hai người kia hiện đang giàu to chỉ riêng tôi vẫn nghèo kiết xác ?”. Cụ trả lời : “Ông không biết tới nhà 2 người đó đòi tiền hả ?” Người ấy hiểu được câu nói, về sau cả 3 người đều trở nên giàu có.
2/- Có lần cụ tìm thấy được một Cuộc Đất phát thành giàu sang, cụ để dành Cuộc Đất cho mẹ già khi bà qua đời và mong thay đổi cuộc đời nghèo khổ của gia tộc. Nhưng đến khi mẹ qua đời đưa đến khu đất trên đúng lúc trời đổ mưa dâng nước Bình Điền làm ngập Huyệt Kết. Người anh phản đối vì cho rằng chôn mẹ lúc này là trấn nước mẹ là bất hiếu. Sợ quá giờ hạ huyệt nên đành chôn mẹ ở một miếng đất cao bên cạnh. Cụ than van dòng họ không có đủ đức để được hưởng miếng đất trời ban vì lúc đó đúng là lúc rồng há miệng.
3/- Có lần cụ tìm thấy được một Cuộc Đất có Huyệt Kết phát thành địa tiên khi chôn người chết vào. Lúc lâm chung cụ thuê người gánh cụ tới Cuộc Đất trên nhưng trên đường đi thì cụ đã tạ thế nên đành chôn cụ bên vệ đường. Ba câu chuyện trên thôi thúc tính tò mò, lòng tham lam và đưa tôi vào con đường tìm hiểu Khoa Địa Lý. Vì bài viết này nhắm mục đích dành cho thế hệ trẻ, phần đông không có khái niệm đúng về Khoa Địa Lý và khi muốn tìm hiểu thì lại bị sa vào hàng đống sách diễn tả vào phần ngọn thiếu khoa học mà lại mông lung như những cánh rừng với những danh từ và phương pháp tính toán lạ cổ xưa làm giới trẻ nản lòng nên tôi phải bắt đầu bài viết này bằng cách giải thích nghĩa các từ ngữ để các bạn trẻ đọc hiểu dần Khoa Địa Lý và điều tôi muốn diễn tả.
Cuộc Đất là một vùng đất có Huyệt Kết khởi nguồn từ Tổ Sơn là một ngọn núi cao chuyển theo Mạch Long là luống đất cao hơn đất bình thường vài phân kéo dài từ Tồ Sơn đến Bình Điền là hồ nước nơi Mạch Long dừng lại tạo ra Huyệt Kết. Mạch Long đi có hai dòng nước theo đi hai bên. Trước khi dừng Mạch Long tạo một một mô đất gọi là Huyền Vũ. Từ Huyền Vũ đất kéo ra thành 2 mô đất dài 2 bên như 2 cánh tay bọc lấy Huyệt Kết bên trái gọi là Tay Long thường cao hơn bên phải gọi là Tay Hổ. Các đụn đất hay đồi nhỏ nằm sau Bình Điền quanh Huyệt Kết hay 2 bên Tay Long Tay Hổ thường được gọi bằng những tên như Án, Chu Tước,Thác, Lạc, Quan, Quỉ v.v… và tùy theo hình dáng còn được gọi là Bút, Nghiên, Ấn v.v… Dù Cuộc Đất có bao to hay bao xa với Tổ Sơn thì huyệt kết là một vạt đất chỉ nhỏ bằng chiếc chiếu có hình dáng khác nhau gọi là Oa, Kiềm ở đất núi và Nhũ, Đột ở đất bình nguyên. Các thầy địa lý thường nhìn vào hướng, vật thể quanh Cuộc Đất và hình thể Cuộc Đất để định được Huyệt Kết sẽ phát nên thứ gì : tàn bại, giàu sang, khoa bảng v.v… cho dòng họ người được đất trời ban.
Phần khó nhất trong Khoa Địa Lý có người theo 30 năm cũng không nắm vững gọi là Thủy Pháp tức là nhìn hướng Thủy Khẩu là nơi nước phóng ra từ Bình Điền để định hướng đến của Mạch Long để định loại Cuộc Đất và hướng Huyệt Kết (4 loại, 24 hướng, mỗi hướng 15 độ).
Khoa Địa Lý xuất phát từ Trung Hoa, theo sử sách vào thời Đường Trung Tôn. Cao Biền được phong làm An Nam Tiết Độ Sứ để đô hộ nước ta, là người giỏi khoa Địa Lý, được lệnh yểm phá các Cuộc Đất kết lớn nào khả dĩ tạo ra những bậc tài giỏi ở nước Nam có thể ảnh hưởng xấu đến Trung Quốc.
Y đã làm và tấu về Trung Quốc trong tập “Cao Biền Tấu Thư Địa Lý Kiểu Tự” đề cập đến vị trí 632 huyệt chính và 1517 huyệt phụ mà y đã nhúng tay vào yểm phá, theo truyền thuyết có lúc Cao Biền dùng Phụ Đồng gọi các vị thần cai quản vùng đất nhập vào đồng nam đồng nữ rồi trừ đi, sau đó mới ra yểm đất nhưng cũng có những Cuộc Đất lớn Cao Biền thất bại trước các vị thần linh. Đến đời nhà Minh tướng Hoàng Phúc theo hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh kéo quân vào Việt Nam để phò Trần diệt Hồ có mang theo tập sách trên với kế hoạch thâm độc định yểm nốt những Cuộc Đất lớn còn lại. May thay Lê Lợi đã thành công sau 10 năm kháng chiến chống nhà Minh tịch thu được toàn bộ tài liệu và cả tập “Cao Biền Tấu Thư Địa Lý Kiểu Tự” và đã truyền lại cho hậu thế đến ngày nay. Không biết Hoàng Phúc đã làm đến đâu mà chỉ thấy sau đời vua lê Lợi các anh hùng hào kiệt xuất thân ở miền bắc Việt Nam ít đi.
Cụ Tả Ao tên thực là Nguyễn Đức Huyền sinh vào thời Hậu Lê tại làng Tả Ao huyện Nghi Sinh tỉnh Hà Tĩnh, theo học nghề thuốc với một thầy Tàu được thầy đánh giá là người có đạo đức nên được truyền cho nghề Địa Lý. Cụ không có đệ tử mà chỉ để lại cho hậu thế 2 tập sách là Địa Đạo Diễn Ca (120 câu thơ) và Dã Đàm Tả Ao (văn xuôi) được giáo sư Cao Trung diễn dịch lại trong các cuốn sách Địa Lý Tả Ao, Địa Lý Gia Truyền v.v… Tôi có may mắn gối đầu một vài cuốn nói về địa lý và có đọc được một vài đoạn tập tấu thư của Cao Biền.
Khoa Địa Lý đã có mặt trong xã hội loài người trên mấy ngàn năm và có ảnh hưởng quan trọng sâu xa đến đời sống con người. Sự phát triển và sự tồn tại của Khoa Địa Lý làm cho nhiều người không dám phủ nhận tính chính xác của nó.
Khoa Địa Lý là một khoa mang vẻ huyền bí mà còn bị thêm tính bí truyền nên mỗi ngày mỗi mai một, là một khoa quan trọng bởi nó liên quan đến sự thịnh suy của một giòng họ, từ giòng họ đó hay từ con người lại liên quan đến sự thịnh suy của xã hội hay toàn đất nước. Thầy địa lý thuộc chính tông thì rất ít và họ chẳng hành nghề vì có lẽ đều hiểu rằng nghề của họ chẳng mang lại lợi lộc gì cho họ cả mà đôi lúc còn bị vạ lây vì đã đụng đến những thứ thiêng liêng của con người, mồ mả ông bà. Tôi không phải là thầy địa lý mà chỉ là một quân nhân của miền Nam Việt Nam. Tuổi ấu thơ của tôi trải qua trong gia đình nghèo khó. Tuổi trưởng thành lại phải lặn hụp trong chiến tranh. Tôi cứ nghĩ cuộc đời tôi đúng là cuộc đời trong bể khổ nhưng khi nhìn sang những chiến hữu đang sống quanh tôi như đại úy Dưỡng, thiếu úy Hàn, thiếu úy Tạo v.v… thì mới thấy được cuộc đời họ còn bi thảm hơn cả cuộc đời tôi. Nay ông nào cũng trên 70 vẫn tiếp tục lầm lũi đi cày chắt chiu từng đồng bạc gởi về cho đàn con còn nghèo khổ tại Việt Nam. Mỗi lần đến nhà quàn để tiễn đưa một chiến hữu niên trưởng ra đi, có chiến hữu chiều đi làm thêm giờ phụ trội tối đến vĩnh biệt anh em, là mỗi lần tôi hiểu được thêm cuộc đời con người thật vô nghĩa. Cho đến một hôm đi chùa tôi gặp cậu Hùng, đứa con duy nhất của thiếu úy Tạo đưa được sang Mỹ, ngồi bên hai cái hũ hài cốt đã hỏa táng cha mẹ, tôi mới biết vợ chồng thiếu úy Tạo đã cùng ra đi trong vòng vài tháng qua. Tôi chia buồn và hỏi “tại sao cậu không đưa 2 bác về chôn tại Việt Nam ?” “Trước khi ra đi ba em có trăn trối là chôn ông tại Mỹ, má em thì nói ông nằm đâu tao nằm đó”. Tôi buột miệng nói một câu thật vô duyên “Hai bác không nói được tiếng Anh làm sao nói chuyện được với ma Mỹ”. “Ba em có nói tao có làm ma Mỹ còn sướng hơn làm ma trong nước”. Tôi ra về mà lòng cứ thầm trách mình hay nói bậy và muốn chỉ cho Hùng một nơi chôn cha mẹ nhưng không biết Hùng có hiểu và tin những lời của mình hay không. Nhưng từ ngày đó trở đi tôi càng quyết tâm viết bài này để trình bày những ý nghĩ của tôi dù đúng dù sai về Khoa Địa Lý may ra trong giới trẻ có ai hữu duyên đi vào khoa Địa Lý làm được một điều gì đó có lợi cho chính bản thân họ hay cho đất nước là tôi đã mãn nguyện.
Muốn cho giới trẻ hiểu và tin vào Khoa Địa lý thì phải sử dụng ngôn từ của khoa học ngày nay như: muốn cho vật chất hoạt động thì phải có lực tác dụng. Vậy lực gì đã tác dụng vào Mạch Long để mặt đất nhô lên có khi cao như bờ ruộng chạy dài từ Tổ Sơn đến Bình Điền ? (từ ngọn núi cao đến bờ hồ). Người xưa thường giải thích là khí Âm Dương của Trời Đất vì thời đó con người chưa biết đến Lực Điện Từ. Vậy nay chúng ta nên lý giải rằng lực tác dụng tạo nên Mạch Long là Lực Điện Từ trong sấm sét khi trời chuyển mưa đánh vào những ngọn núi cao (Tổ Sơn) tạo ra luồng điện chạy theo Mạch Long đền Bình Điền (bờ hồ) thì ngưng.
Hoạt động của con người mới nhìn tưởng là bao la với nhiều loại nhiều thứ khác nhau nhưng phân tích kỹ thì chỉ qui vào 2 hoạt động chính mà thôi : Tái Tạo và Sáng Tạo. Tái Tạo làm tốt làm đẹp thêm những gì có sẵn trong thiên nhiên trong xã hội. Sáng Tạo là bằng tài trí của mình, con người phát minh hay tạo ra những cái mới. Lúc còn trẻ các khoa học gia thường cho rằng mình thông minh đã phát minh ra những cái mới lạ nhưng lúc về già họ mới hiểu rằng điều mình Sáng Tạo ra chẳng qua là thứ bắt chước từ thế giới tự nhiên hay hiểu được thế giới tự nhiên vì nói cho cùng mọi phát minh chỉ là những thứ bắt chước từ thế giới tự nhiên mà thôi. Nhà phát minh siêu đẳng nhất chính là Ông Tạo hay Tạo Hóa. Khoa Địa Lý là một khoa được thành hình nhờ các thầy địa lý ngày xưa nhìn vào cấu trúc của thế giới tự nhiên rồi dựa vào cấu trúc thiên nhiên đó cộng thêm sự hiểu biết của con người mà tạo thành một khoa phục vụ con người.
Vậy chúng ta có biết được rằng các Khoa Học Gia Tây Phương có phát minh gì giống như cấu trúc trong thiên nhiên của Khoa Điạ Lý không ? Tôi xin trả lời : Đó là cột thu lôi chống sấm sét của nhà chọc trời. Cột thu lôi chính là Tổ Sơn, dây dẫn điện từ cột thu lôi xuống giếng nước chính là Mạch Long, giếng nước là Bình Điền và đất quanh giếng nước chính là Cuộc Đất.
Khi phát minh ra cột Thu lôi vào năm 1725, cụ Benjamin Franklin vẫn chưa biết trong sấm sét có Lực Điện Từ và chắc chắn rằng cụ chẳng hề biết mô tê gì cấu trúc thiên nhiên trong Khoa Địa Lý để mà bắt chước. Phát minh của cụ cũng giống hàng vạn phát minh khác của các khoa học gia Phương Tây, trong một sáng một chiều, giật mình thấy nó giống những gì đã có sẵn trong thế giới tự nhiên và cúi đầu tôn sùng Tạo Hóa.
Cụ Tả Ao không những là ông tổ Khoa Địa Lý của Việt Nam mà còn là một nhà thơ nhà văn thuộc hàng siêu đẳng, cụ đã gói ghém cả Khoa Địa Lý vào trong tập thơ Địa Đạo Diễn Ca với 120 câu thơ Hán văn bằng lời lẽ bình dị rồi có lẽ sợ người đời không hiểu và Khoa Địa Lý trở thành mai một nên cụ đã trước tác bộ Dã Đàm Tả Ao bằng văn xuôi. Những người rành về Khoa Địa Lý sau khi đọc được 2 bộ sách của cụ đều cho rằng cụ đã trình bày Khoa Địa Lý rất đơn giản khoa học và chính tông. Trong chương đầu tiên và là chương chính của bộ sách cụ bàn về Tầm Long Tróc Mạch tức là phương pháp đi tìm Mạch Long để từ đó định được vị trí và giá trị của Cuộc Đất, nghe nói từ chương này một thời làm cho các cụ mê Khoa Địa Lý còn hơn bọn thanh niên mê tứ đổ tường. Các cụ đã tay dù tay nải hàng chục năm đi từ làng này sang làng khác tìm Mạch Long để tìm cho ra Huyệt Kết mong thay đổi cuộc đời của giòng họ mình. Với những phương tiện ngày nay thì việc đi qua từng làng để tìm Mạch Long như các cụ ngày xưa không còn hợp thời nên chương này cần phải đổi tên thành chương Tầm Thủy Tróc Mạch.
Tại sao ? vì chúng ta hiện đang có trong tay các phương tiện như xe hơi, máy bay và nhất là GOOGLE MAPS thì cái hồ nước (Bình Điền) và mô đất (Huyền Vũ ) có 2 luống đất vòng cung 2 bên (Tay Long, Tay Hổ) cũng không thoát khỏi mắt chúng ta. Các bạn trẻ ơi ! Xin hãy bắt chước các cụ ngày xưa lên đường Tầm Thủy Tróc Mạch bằng cách không cần bước đi mà ngồi yên trong phòng nhìn lên Google Maps khởi đi từ những cái hồ màu xanh gần nhà rồi lan rộng ra xa để tìm Bình Điền, Tay Long Tay Hổ và từ đó truy ra Mạch Long, truy ra Cuộc Đất mà thay đổi cuộc đời. Khi tìm được Cuộc Đất là bạn đã được Trời ban cho thứ quí thứ nhất trong dân gian (Nhất Mộ, Nhì Trạch, Tam Mệnh) thì bạn hãy bắt đầu tự chính mình tìm hiểu Khoa Địa Lý qua sách vở vì trong sách có ông thầy (Trung Thư Hữu Sư Phụ) và nếu có những nghi ngờ thì tham khảo những thầy Địa Lý nhưng cũng phải coi chừng vì thầy vô tông vô sư đang đầy dẫy trong thiên hạ, và cũng cần biết phân biệt giữa thầy Địa Lý và thầy Phong Thủy là một bên chuyên Âm Phần, một bên chuyên Dương Trạch. Giòng họ bạn tan nát hay huy hoàng ở trong tay bạn nên phải cẩn thận, phải nắm cho được phần Thủy Pháp trước khi lập mộ, phải chính tự mình tìm hiểu tin vào mình và tự mình thực hiện vì Thầy Địa Lý chính tông không bao giờ lập mộ vì tiền.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng nền khoa học hiện nay chưa đủ khả năng, đủ thẩm quyền để quyết đoán về giá trị của Khoa Địa Lý và biết đâu trong tương lai, với sự tiến triển của khoa học, Khoa Địa Lý lại được sùng thượng trên hoàn vũ như khoa châm cứu hiện nay. Ước muốn của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ cũng là ước muốn chung của những người rành Khoa Địa Lý nhưng sẽ không bao giờ thành hiện thực vì khoa học hiện đại chỉ đạt tới mức phát minh ra cột thu lôi để vô hiệu hóa Lực Điện Từ hung dữ của sấm sét chứ chưa đủ khả năng sử dụng Lực Điện Từ của sấm sét để phục vụ con người, dù biết rằng một tia chớp có thể thắp sáng một ngọn đèn 100w trong vài tháng. Khoa Địa Lý thì biết sử dụng Lực Điện Từ của sấm sét khi đánh vào những hòn núi cao (Tổ Sơn) để phục vụ con người nhưng lại căn cứ vào những thuyết và những cách tính toán rất khó khăn được chấp nhận trong giới khoa học, như thuyết Âm Dương, thuyết Ngũ Hành, Bát Quái, Thiên Can, Địa Chi v.v … và nhất là sự liên hệ giữa người chết và cuộc đời người sống khi táng xương thân nhân vào Huyệt Kết, là một sự huyền bí không thể giải thích bằng khoa học được.
Vì bài viết này dành cho các bạn trẻ nên người viết chỉ nhắm vào mục đích đơn giản và khoa học hóa một phần Khoa Địa Lý theo thiển ý của mình và không dám tranh luận hay múa rìu qua mắt các bậc trưởng thượng đã bỏ cả cuộc đời mình trong Khoa Địa Lý. Người viết thấy được bọn Tàu Bắc Phương khi xưa không từ một mưu mô thủ đoạn nào để thôn tính Việt Nam, nay đến những kế hoạch hèn hạ như mua móng trâu, mua mèo để tàn phá nền nông nghiệp Việt Nam mà chúng cũng thi hành thì kế hoạch thâm độc của tướng Hoàng Phúc nhằm triệt tiêu các anh hùng hào kiệt Việt Nam từ trong trứng nước lẽ nào chúng không tiếp tục ?
Dưới bài viết này tôi đính kèm hình ảnh một Cuộc Đất phát Đế Vương. Cuộc Đất rất dễ thấy trên GOOGLE MAPS vì nó có 3 Bình Điền (hồ nước) 3 Tay Long 3 Tay Hổ. Lúc nào các bạn trẻ tìm ra Cuộc Đất này mà cần giúp đỡ thì hãy đến Atlanta tìm tôi .Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm vì tôi cũng tin rằng Cuộc Đất này có thể đưa bạn hay con cháu bạn ngồi vào chổ ông Mỹ đen Barrack Obama đang ngồi. Chế độ dân chủ là một chế độ mà bất cứ ai cũng có quyền hy vọng trở thành tổng thống và niềm hy vọng đó đều có cơ trở thành hiện thực nếu được ông Trời ban cho một Cuộc Đất tốt.
Cuộc Đất Phát Đế Vương
Cuộc đất này có 3 Tay Long, 3 Tay Hổ, 3 Huyền Vũ và 3 hay trên 3 Bình Điền là có thể phát đế vương. Bên dưới có 3 hình Thủy nếu nằm ở hướng Bắc, bên trên có 3 hình Hỏa nếu nằm ở hướng Nam thì bên trái là Đông có 3 hình Mộc và bên phải là hướng Tây là hình Kim ở giữa hình Thổ là Cuộc Đất này nằm đúng ngũ hành thì phát lớn. Cụ Tả Ao nói về Cuộc Đất này như sau :
Ngũ Tinh Cách Tú Chiều Nguyên Kim Mộc Thủy Hỏa Bốn Bên Loan Hoàn Thổ Tinh Kết Huyệt Trung Ương Ấy Đất Sinh Thánh Sinh Vương Đời Đời Thiên Sơn Vạn Thủy Triều Lai Can Chi Bát Quái Trong Ngoài Tôn Nghinh
Cuộc Đất này lại dễ tìm thấy trên GOOGLE MAPS. Chúc các bạn trẻ thành công khi thành công thì nên truyền lại cho con cháu lời di chúc quan trọng nhất “Cấm Sát Sanh” nếu muốn hưởng phúc từ Cuộc Đất trời ban.
Share this:
- X
Related
Posted on March 6, 2014 at 8:52 AM in Gossip | RSS feed | Reply | Trackback URL
Từ khóa » Cuộc đời Tả Ao
-
Tả Ao – Wikipedia Tiếng Việt
-
Số Phận Tả Ao, Bậc Thầy địa Lý Nổi Danh Nhất Nước Nam - DKN News
-
Bậc Thầy Phong Thủy Tả Ao Và Những Giai Thoại “vô Tiền Khoáng Hậu”
-
Cuộc Đời Thánh Phong Thủy Đầu Tiên Của Việt Nam - Tả Ao.
-
Những Giai Thoại Nổi Tiếng Về Bậc Thầy Phong Thủy Tả Ao
-
Tả Ao - Thầy địa Lý Phong Thủy đầu Tiên Của Việt Nam
-
Cụ Tả Ao Và Câu Chuyện Phong Thủy Làng Nam Trì - Trí Thức VN
-
Chuyện Cụ Tả Ao Tìm Huyệt Quý Cho Họ Đàm Thận Làng Me
-
Cuộc đời Của Các Bậc Kỳ Tài Về Phong Thủy Lưu Bá Ôn, Tả Ao… Dạy ...
-
Thánh Địa Lý Tả Ao Và Làng Nam Trì | CHÙA LIÊN HOA - PHÚC TÚ
-
Giếng Kẻ Trong Cuộc đời “Thánh Phong Thủy” Tả Ao – Chuyện Không ...
-
Giai Thoại Huyền Bí Về Cuộc đời Thánh Phong Thủy Tả Ao - Sống Đẹp
-
Huyền Thoại Tả Ao – Bậc Thầy Phong Thủy Nổi Danh Nhất Nước Việt
-
Lễ An Vị Tượng Thánh Sư địa Lý Tả Ao Vũ Đức Huyền