Truyện Ngắn Của Puskin-Cô Tiểu Thư Nông Dân - Webtretho

Mình rất mê truyện của Puskin, kể cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết. Giọng văn sắc sảo, những câu văn tả cảnh thật đẹp, tính cách con người Nga đôn hậu và cũng rất lãng mạn. Mình post truyện CÔ TIIỂU THƯ NÔNG DÂN các bạn đọc thử nhé. ************************** Em xinh em mặc áo nào cũng xinh Bơgơđanôvit Điền trang của Ivan Pêtơrôvit Bêrêxtốp nằm ở một trong những tỉnh xa xôi của chúng ta. Hồi còn thanh niên ông phục vụ trong quân cận vệ nhưng năm 1797 ông giải ngũ và về sống ở quê nhà, từ đó ông không đi dâu nữa. Ông kết hôn với một cô gái quý tộc nghèo. Vợ ông qua đời giữa kỳ sinh nở, lúc đó ông còn bận săn bắn ở xa nhà. Nhưng rồi những công việc làm ăn bận rộn chẳng mấy nỗi đã làm ông khuây khỏa. Ông xây dựng nhà cửa theo mẫu do ông thiết kế, ông lập ngay cạnh nhà một xưởng dệt da, ông tăng thêm các khoản thu nhập lên gấp ba lần, và ông bắt đầu tự coi mình là người thông minh nhất trong cả vùng. Các bạn láng giềng của ông cũng chẳng phản đối chuyện này làm gì, họ vẫn thường hay đến làm khách nhà ông, họ còn đem cả gia đình và bầy chó đi theo nữa. Ngày thường ông vẫn hay mặc áo cộc bằng nhung còn đến ngày hội thì ông đóng bộ lễ phục may bằng thứ dạ nhà dệt. Ông tự tay ghi chép lấy các khoản chi tiêu, ông không đọc sách báo gì cả ngoài tờ “ Tin tức nghị viện”. Nói chung ông được mọi người quý mến mặc dầu họ vẫn bảo là ông kiêu ngạo. Riêng chỉ có một người khủng khỉnh với ông, đó là ông Grigôri Ivanôvit Murômxki, người láng giềng ở liền kề với ông. Ông này là một quý tộc Nga đích thực. Hồi còn ở Maxcơva ông đã vung phí mất phần lớn của cải đến khi góa vợ ông lui về sống trong làng này, đây là tài sản cuối cùng của ông và ở đây ông cũng lại tiếp tục bày đặt đủ trò nhưng theo một cung cách khác. Ông lập một khu vườn theo kiểu Anh (vườn được bố trí giống khung cảnh tự nhiên, bãi cỏ, bờ ao, đồi gò, cây cảnh...) và chi phí vào đấy hầu hết các khoản thu nhập còn lại. Những gã giữ ngựa ở nhà ông cũng ăn mặc như bọn giôkê (những kỵ mã) bên Anh. Con gái ông cũng do một mađam người Anh dạy bảo. Ông trồng cấy ruộng vườn theo đúng phương pháp ở bên Anh.Nhưng cung cách lạ lúa mì Nga không mọc (phỏng theo một câu thơ) và mặc dầu đã giảm bớt khá nhiều các khoản chi tiêu nhưng Grigôri Ivanôvit cũng chẳng tăng thêm được thu nhập, tuy sống ở làng quê ông vẫn cứ nợ nần thêm mãi. Không ai nghĩ là ông khờ dại vì ông là người đầu tiên trong các địa chủ của tỉnh đã đi trước trong việc giao điền trang cho Hội đồng giám hộ (Hội đồng giám hộ cho vay tiền nếu có điền trang và nông nô làm vật bảo đảm), một biện pháp mà thời ấy người ta xem là cực kỳ phức tạp và táo bạo. Trong số những người chê bai ông thì ông Bêrêxtôp là người khe khắt nhất vì thù ghét mọi sự đổi mới là nét đặc biệt trong tính cách ông này. Bêrêxtôp không thể nào thản nhiên khi nói đến thói sùng Anh của ông bạn láng giềng và luôn luôn tìm dịp phê phán. Ông đưa khách đi xem đồng ruộng của mình và khi nghe những lời khen ngợi cung cách làm ăn thì ông đáp lại với một nụ cười ranh mãnh: “Vâng ạ, ở nhà tôi không phải như ở bên ông láng giềng Grigôri Ivanôvit. Tội gì chúng ta chịu khánh kiệt theo kiểu Anh! Chúng ta cứ no đủ theo kiểu Nga cũng được rồi”. Những lời đùa cợt như vậy hoặc tương tự đều được những người láng giềng mau mồm miệng nói đến tai Grigôri Ivanôvit, lại còn thêm thắt và bình phẩm vào nữa. Con người sùng Anh này cũng giống hệt các nhà báo của chúng ta, không thể kiên nhẫn mà nghe phê bình được. Ông ta điên người lên, gọi kẻ phê bình độc địa kia là đồ gấu, đồ nhà quê.Quan hệ giữa hai trang chủ đang giữa lúc như vậy thì con trai Bêrêxtôp về làng với cha. Chàng đã học trường đại học Tổng hợp và có ý định phục vụ trong quân đội nhưng cha chàng không cho phép, mà phục vụ các ngành dân sự thì chàng thanh niên lại tự cảm thấy hoàn toàn không có khả năng. Hai cha con không ai nhượng bộ ai và chàng Alêcxây trẻ tuổi tạm thời sống như một quý tộc địa chủ, đến đâu hay đó.Alêcxây quả là chàng trai cừ khôi. Thật cũng đáng tiếc nếu bộ quân phục chẳng khi nào bó chặt lấy thân hình cân đối của chàng, nếu lẽ ra phô mình trên lưng ngựa thì chàng lại đem cả tuổi thanh xuân gò lưng trên đám giấy tờ văn phòng. Nhìn chàng đi săn bao giờ cũng phóng ngựa lên đầu tiên, bất chấp đường sá, những người láng giềng đều một mực bảo rằng chàng chẳng đời nào thành một trưởng phòng thành thạo được. Các tiểu thư đều để ý đến chàng mà nhiều cô còn nhìn chàng đắm đuối , nhưng Alêcxây ít quan tâm đến họ, họ đoán nguyên nhân sự lạnh nhạt của chàng là do chàng có một mối tình nào đó rồi. Quả thực họ đã chuyển tay nhau tờ sao địa chỉ một bức thư của chàng gửi cho “ Cô Aculina Pêtơrôpna Curôskina ở Maxcơva, đối diện với tu viện Alecxêep, trong ngôi nhà người thợ hàn đồ đồng Xavêlep. Trân trọng nhờ chuyển thư này cho A.V.R”.Những ai trong số các độc giả của tôi chưa từng sống ở nông thôn chắc không thể hình dung được vẻ kiều diễm của các tiểu thư hàng huyện. Họ được nuôi dưỡng ngay giữa không khí trong lành, dưới bóng những cây táo vườn nhà, họ chỉ biết giới giao tế và cuộc đời nhờ vào những cuốn sách mà thôi. Cuộc sống biệt lập, tính tự do và thói ham đọc sách đã sớm phát triển ở họ những tình cảm và những đam mê đều xa lạ với những giai nhân lơ đãng của chúng ta. Đối với các tiểu thư này thì tiếng nhạc ngựa đã là một việc ly kỳ, một lần viếng thăm thành phố gần nhất đã được coi như biến cố trong cuộc đời và sự có mặt của một vị khách để lại kỷ niệm lâu dài có khi mãi mãi không quên. Cố nhiên bất kỳ ai cũng có thể tùy ý cười giễu một số điều kỳ quặc của họ nhưng những lời đùa cợt của một người nhận xét hời hợt không thể xóa bỏ được những phẩm chất cơ bản của họ mà điều chủ yếu là sự đặc sắc của tính cách, sự độc đáo (individualité)(cá tính-tiếng Pháp) mà hễ thiếu cái đó, theo ý kiến của Giăng Pôn (bút danh của Iôgan Puan Rishte, nhà văn Đức. Tác phẩm của ông được đọc nhiều ở Nga, hồi đầu thế kỷ XIX), là không còn sự vĩ đại của con người nữa. Phụ nữ ở các thủ đô có lẽ được tiếp thu một nền giáo dục hoàn thiện hơn, nhưng những tập quán của giới giao tế thượng lưu đã nhanh chóng làm mất tính cách và làm cho các tâm hồn trở thành đơn điệu chẳng khác gì mũ đội đầu cùng một kiểu. Điều này nói ra không phải để kết án hay chỉ trích tuy vậy Nota nostra manet (lời nhận xét của chúng tôi vẫn có hiệu lực- tiếng la tinh) như một nhà bình luận thời xưa đã viết.Cũng dễ dàng hình dung thấy Alêcxây đã gây một ấn tượng mạnh mẽ như thế nào đối với đám tiểu thư của chúng ta. Chàng là người đầu tiên hiện ra trước mắt các cô với vẻ buồn rầu và thất vọng, là người đầu tiên nói với các cô về những niềm vui tan vỡ và về tuổi xuân tàn tạ của mình, hơn nữa chàng còn đeo một chiếc nhẫn đen chạm hình đầu lâu. Tất cả những điều đó hết sức mới lạ ở cái tỉnh lẻ này. Các tiểu thư phát điên phát cuồng lên vì chàng.Nhưng để tâm đến chàng nhiều nhất là con gái nhà trang chủ sùng Anh của chúng ta, cô Lida ( hay Betxi như Grigôri Ivanôvit vẫn thường gọi) (Người Nga gọi Lidaveta một cách âu yếm là Lida, còn người Anh gọi Lidaveta là Elidabet và Lida là Betxi). Hai người cha không đi lại với nhau nên cô vẫn chưa trông thấy Alêcxây trong khi đó tất cả các cô gái láng giềng chỉ thi nhau bàn tán về chàng mà thôi. Cô đang tuổi mười bảy. Cặp mắt đen làm cho khuôn mặt ngăm ngăm rất duyên dáng của cô thêm lanh lợi. Cô là con một nên là con cưng. Tính tình hiếu động và những trò đùa nghịch không ngớt của cô làm cha cô thích thú và làm cho cô gia sư mix Giacxơn (cô Gíăcxơn-tiếng Anh) thất vọng. Cô gái già nghiệt ngã này đã bốn mươi tuổi vẫn đánh phấn, kẻ lông mày, mỗi năm hai lần đọc “Pamela” (tiểu thuyết của Risacsơn, nhà văn Anh)để nhận lương hai ngàn rúp và chết mòn vì buồn chán ở nước Nga man rợ này.Lida có một người hầu gái là Naxtia, chị này lớn tuổi hơn nhưng tính tình cũng bồng bột hệt như cô chủ tiểu thư. Lida rất quí mến chị ta, thổ lộ với chị ta mọi điều thầm kín của mình, cùng với chị ta bày ra các trò đùa nghịch. Tóm lại Naxtia ở làng Prilusinô là một nhân vật cực kỳ quan trọng hơn bất cứ một nhân vật thị tỳ nào trong các vở bi kịch Pháp.- Hôm nay xin phép cô cho tôi đi chơi, - Naxtia nói trong lúc mặc áo cho tiểu thư.- Được, nhưng đi đâu đấy?- Tôi đến Tugbilôvô, nhà ông Bêrêxtôp nhân ngày lễ thánh của vợ anh đầu bếp nhà họ, hôm qua chị ta sang mời bọn tôi dự bữa ăn chiều.- Thế đấy!- Lida nói- các ông chủ thì bất hòa còn tôi tớ lại tiệc tùng với nhau.- Nhưng bọn tôi thì có dính dáng gì đến các ông chủ đâu!- Naxtia nói lại. Hơn nữa tôi là người hầu của cô chứ không phải của ông nhà ta. Chính cô cũng có xích mích gì với cậu Bêrêxtôp đâu. Cứ để yên cho mấy ông già sinh sự với nhau nếu họ thích như vậy. - Này Naxita, cố nhìn cho kỹ cậu Alecxây Bêrêxtôp nhé rồi về kể lại tường tận cho tôi nghe xem cậu ta là người như thế nào kia.Naxtia nhận lời và cả ngày Lida nóng lòng sốt ruột mong chị ta về. Buổi tối Naxtia mới về đến nhà.- Cô Lidveta Grigôriepna ơi,- chị ta vừa nói vừa đi vào phòng, - tôi đã gặp cậu Bêrêxtôp rồi, ngắm mãi mà không chán, suốt ngày chúng tôi cùng vui với nhau.- Lại thế kia à? Kể đi, kể lần lượt từ đầu đi.- Thưa cô, bọn chúng tôi đi gồm có tôi, Anixia Egorôpna, Nelina, Đunca…- Ừ, tôi biết rồi, nhưng sau đó thì sao.- Thưa cô tôi xin kể lại đầu đuôi. Chúng tôi đến dự bữa ăn chiều. Trong phòng đã đông người đến . Gia nhân nhà Cônbin, nhà Dakhaep, bà quản gia đi cùng các con gái, người nhà Khơlupin…- Này, thế còn cậu Bêrêxtôp.- Xin cô khoan đã. Thế rồi chúng tôi ngồi vào bàn, bà quản gia ngồi ở hàng đầu, tôi ngồi ngay cạnh bà ta… còn các cô con gái bà ta vênh váo lắm, nhưng tôi mặc thây bọn nó chứ.- Ôi, Naxtia, chán chị quá, sao mà lắm chi tiết miên man thế.- Vâng, nhưng sao cô sốt ruột thế! Vậy là chúng tôi rời khỏi bàn…chúng tôi đã ngồi liền ba giờ đấy mà bữa ăn thịnh soạn lắm, có bánh ngọt xanh, đỏ, nhiều màu. Vậy là chúng tôi rời khỏi bàn và ra ngoài vườn chơi trò đuổi bắt nhau, đúng lúc ấy cậu chủ trẻ hiện ra.- Thế nào, có đúng là cậu ta đẹp thật không?-Đẹp lạ lùng, có thể nói là khôi ngô tuấn tú. Dáng người cân đối, cao cao, hai má hồng hào…- Đúng thế à? Tôi lại cứ nghĩ là mặt cậu ta tái xanh. Sao nữa, chị thấy cậu ta thế nào? Buồn buồn, tư lự phải không?- Cô nói gì vậy? Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng thấy người nào cuồng nhiệt như thế. Cậu ta còn chơi đuổi bắt với chúng tôi nữa kia mà.- Chơi đuổi bắt với mấy cô, mấy chị ấy à! Đời nào?- Đúng là như thế! Cậu ta còn bày thêm chuyện này nữa! Hễ cứ bắt được là ôm hôn.- Tùy chị nói thôi, Naxtia, chị nói dối.- Tùy cô nghĩ chứ tôi không nói dối. Tôi phải vất vả lắm mới thoát khỏi tay cậu ta. Cậu ta chơi đùa với chúng tôi cả ngày như vậy.- Thế sao họ cứ bảo cậu ta đã có người yêu và chẳng thèm nhìn ai nữa.- Thưa cô, cái đó tôi không rõ, nhưng mà cậu ta cứ đăm đăm nhìn tôi, nhìn cả Tanhia, con gái ông quản gia như vậy, nhìn cả Pasa, cô hầu gái nhà Côbin, nói của đáng tội, cậu ta chẳng làm ai phật ý, một chàng trai vui nhộn!- Cũng lạ thật đấy! À mà ở nhà bên ấy nói về cậu ta thế nào?- Một lãnh chủ tuyệt vời, họ bảo như vậy, hiền lành, vui tính. Chỉ có một điều không tốt lắm là cậu ta thích theo các cô gái quá thể. Nhưng tôi thiết nghĩ chuyện đó cũng chẳng hại gì, nay mai rồi cậu ta sẽ trở thành người chín chắn.- Sao mà tôi muốn thấy mặt cậu ta quá!- Lida thở dài nói.- Việc ấy có gì khó đâu? Làng Tughilôvô ở cách ta không xa, tất cả chỉ độ ba dặm, cô cứ đi dạo chơi về phía đó hoặc là cô đi ngựa cũng được , thế nào cô cũng gặp cậu ta. Ngày nào cậu ta chẳng mang súng đi săn từ sáng sớm.- Đâu có được, như vậy không tốt. Cậu ta có thể tưởng là tôi chạy theo cậu ta. Hơn nữa hai ông bố đang lúc bất hòa với nhau nên tôi cũng chẳng nên làm quen với cậu ta làm gì… Ôi chao, Naxtia, chị biết không, tôi sẽ cải trang làm một cô gái nông dân.- Hay đấy, cô cứ mặc một chiếc áo vải thô, một chiếc xaraphan nữa và cứ bạo dạn đi đến Tughilôvô. Tôi cam đoan với cô là cậu Bêrêxtôp chẳng thả cô ra đâu.- Tôi nói tiếng vùng này thạo lắm. Ôi, Naxtia, Naxtia thân mến, mưu mẹo này mới tuyệt diệu làm sao!

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Cô Tiểu Thư Nông Dân