Truyền Nhầm Nhóm Máu Nguy Hiểm Như Thế Nào? - Báo Tuổi Trẻ

Truyền nhầm nhóm máu nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang chăm sóc cho bệnh nhân bị truyền nhầm máu vào người - Ảnh: H.C.ĐÔNG

"Việc nữ hộ sinh bất cẩn truyền máu nhóm A cho bệnh nhân máu nhóm B là một sai sót nghiêm trọng, rất may vụ việc được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không dẫn đến những hậu quả xấu hơn", ông Khánh cho biết.

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết truyền nhầm nhóm máu là sai sót nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe bệnh nhân đồng loạt đến cùng lúc, như tan máu mạnh, suy thận cấp, rối loạn đông máu, chảy máu..., có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Ông Khánh cũng cho hay chỉ một lượng máu nhóm A rất nhỏ truyền nhầm cho người máu nhóm B có thể gây đông máu sau vài phút, trường hợp giọt máu đông đó di chuyển đi các vị trí trong cơ thể sẽ gây tắc mạch... Các phản ứng này xảy ra đồng loạt khiến bệnh nhân bị sốc và gặp các phản ứng nặng hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về quy trình truyền máu, ông Khánh cho hay: Trên túi máu luôn có dán nhãn tên tuổi bệnh nhân có chỉ định truyền máu, nhân viên y tế thực hiện y lệnh truyền máu phải kiểm tra hành chính trước khi truyền, bao gồm hỏi tên, tuổi bệnh nhân, trường hợp sàng lọc bệnh nhân trùng tên thì phải hỏi cả số phòng, số giường, bệnh nhân truyền máu nhiều lần thì phải hỏi cả nhóm máu.

Mỗi lần phát máu luôn có 2 nhân viên y tế, một người định nhóm máu người cho người nhận tại giường, một người phát máu. Quy trình này thiết lập chặt chẽ và cả thế giới đều thực hiện như vậy. Nếu nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình thì không thể sai sót.

Tuy nhiên, để có một đơn vị máu truyền, có rất nhiều công đoạn và nhiều người tham gia, do đó tỉ lệ sai sót vẫn có thể xảy ra dù ít.

Theo ông Bạch Quốc Khánh thì "đã rất lâu rồi mới thấy sai sót này". Nhưng ít thấy không có nghĩa là không có nếu không tuân thủ quy trình. Tỉ lệ gặp có thể là thấp hơn 1/10.000 lần truyền.

Hậu quả của việc nhận nhầm nhóm máu: Phản ứng truyền máu tán huyết cấp có thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi truyền máu và thường xảy ra trong quá trình truyền máu. Bệnh nhân có thể cảm nhận được những phản ứng này. Các triệu chứng có thể xảy ra như cảm giác nóng tại chỗ truyền máu, cảm giác ớn lạnh, sốt, và đau ở lưng, hai bên sườn…. Những phản ứng liên quan đến hầu hết các tán huyết nội mạch; các hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu. Các phản ứng đồng loạt có thể gây ra sốc và đưa đến tử vong nhanh chóng.

Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.HCM

Người nhóm máu A có thể an toàn hiến máu cho những người khác có cùng nhóm máu A, hoặc những người mang nhóm máu AB, có thể nhận truyền máu từ những người cho mang nhóm máu O.

Người có nhóm máu B có thể an toàn hiến máu cho những người khác có cùng nhóm máu B, hoặc cho những người có nhóm máu AB, người máu nhóm B cũng có thể an toàn nhận truyền máu từ những người cho mang nhóm máu O.

Những người có nhóm máu AB có thể chấp nhận máu từ bất cứ ai. Tuy nhiên, vì sự hiện diện của cả hai kháng nguyên trên tế bào hồng cầu loại AB, những người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho những người có cùng nhóm máu AB với họ.

Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất. Nhóm máu O không có kháng nguyên A cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương. Kết quả là những người nhóm máu O chỉ có thể nhận truyền máu từ những người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nó sẽ tấn công các loại khác.

Tuy nhiên, những người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, vì nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên.

Truyền nhầm máu nhóm A cho bệnh nhân máu nhóm B Truyền nhầm máu nhóm A cho bệnh nhân máu nhóm B

TTO - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vừa thông tin về sự cố y khoa nghiêm trọng truyền nhầm máu xảy ra tại khoa sản bệnh viện này.

Từ khóa » Sốc Truyền Nhầm Nhóm Máu