Truyền Thuyết Về Nàng Điêu Thuyền Trong Tác Phẩm Tam Quốc
Có thể bạn quan tâm
Vương Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền là tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, đều xếp vào hàng những thiên cổ giai nhân. Nhưng cuộc đời của những người đàn bà này vì đẹp nên có lắm hoạn nạn truân chuyên, và người ta thường đổ lỗi cho đó là « hồng nhan bạc mệnh 紅 顏 薄 命».
Riêng Điêu Thuyền, chẳng những được truyền tụng trong dân gian là người đàn bà có nhan sắc làm cho « mây mờ trăng lặn», mà còn được coi là một kỳ nữ thông minh, mưu lược làm điên đảo các anh hùng hào kiệt thời Tam Quốc, cả về sắc lẫn tài, như lời bình luận gia văn học Mao Tôn Cương, người thời Minh mạt
Thanh sơ từng nhận xét, nguyên văn :
十八 路 諸 侯 不能 殺 董 卓, 而 一 貂 蟬 足 以 殺 之, 劉 關 張 三 人, 不 能 勝 呂 布, 而 貂 蟬 一 女 子 能 勝 之, 以 衽 席 為 戰 場, 以 脂 粉 為 甲 胄, 以 盼 睞 為 戈 矛, 以 嚬 笑 為 弓 矢, 以 甘 言 卑 詞 為 運 奇 設 伏, 女 將 軍 真 可 畏 哉.
(Thập bát lộ chư hầu bất năng sát Đổng Trác, nhi nhất Điêu Thuyền túc dĩ sát chi, Lưu Quan Trương tam nhân bất năng thắng Lã Bố, nhi Điêu Thuyền nhất nữ tử năng thắng chi, dĩ nhẫm tịch vi chiến trường, dĩ chỉ phấn vi giáp trụ, dĩ phán lãi vi qua mâu, dĩ tần tiếu vi cung thỉ, dĩ cam ngôn ti từ vi vận kỳ thiết phục, nữ tướng quân chân khả uý tai !
-Dịch nghĩa : Mười tám lộ chư hầu, không giết nổi Đổng Trác. Chỉ một mình Điêu Thuyền giết nổi. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, không thắng nổi Lã Bố. Chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi Lã Bố. Dùng chiếu giường làm chiến trường, dùng son phấn làm giáp trụ, dùng khoé mắt làm đao kiếm, lấy cái chau mày và nụ cười làm cung tiễn, dùng lời ngon ngọt nhỏ nhẹ mà bố trận, bầy binh, tướng quân thị mẹt quả đáng sợ thật!) (từ ngữ « Tướng quân thị mẹt » này là chữ của học giả Phan Kế Bính dịch từ chữ Hán « nữ tướng quân 女將軍» mà ra)
Tuy thế, nhưng đến nay, vẫn còn tồn tại những nghi vấn, và một số câu hỏi chung quanh nhân vật này.
Điêu Thuyền có phải là một nhân vật lịch sử hay chỉ là một nhân vật truyền thuyết hư cấu ? Điêu Thuyền có phải là vợ của Lã Bố không ?
Trong bài này, người viết xin mạn phép ghi lại một số những truyền thuyết về nhân vật này. Mà nhắc đến Điêu Thuyền, người ta không thể không nhắc đến thời kỳ Tam Quốc, bối cảnh lịch sử trong đó Điêu Thuyền được xuất hiện. Cục diệnTam Quốc.
« Thời Tam Quốc bên Tầu nước ta có bà Triệu Ẩu ».
Đó là kiến thức sử học lớp đồng ấu được giữ lại trong trí nhớ của người viết khi còn nhỏ, về thời Tam Quốc và về nữ anh hùng ái quốc họ Triệu nổi lên chống laị sự đô hộ của Tôn Quyền ở Đông Ngô. Rồi lớn hơn một chút, khi đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, người viết cũng như những người bạn đồng trang lứa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa chỉ vì say mê muốn biết những nhân vật trong truyện, xem họ đánh nhau như thế nào, ai thắng ai thua, chứ chưa hoàn toàn chưa hiểu Tam Quốc là thời đại nào.
Thật ra Tam Quốc, theo sự phân định của các nhà sử học Trung Quốc, thì đó là thời kỳ bắt đầu từ năm 220 CN khi Tào Phi phế Hán Hiến Đế lên thay nhà Hán, thiết lập nước Ngụy (sử gọi là Tào Ngụy).
– Sau đó vào năm 221 CN, Lưu Bị xưng đế thành lập nước Hán (sử gọi là Thục Hán. )
-Và năm 222 CN, Ngô Quyền xưng Ngô Vương, kiến lập nước Ngô (sử gọi là Tôn Ngô), tạo nên thế chân vac, Tam Quốc đỉnh lập. Năm 263 CN, nhà Tào Ngụy diệt nhà Thục Hán, trải 2 đời vua, tổng cộng 43 năm. Năm 265 CN, họ Tư Mã đọat ngôi nhà Tào Ngụy lập nên nhà Tây Tấn, chấm dứt thế chân vạc. Nhà Nguỵ trải năm đời vua, tổng cộng 46 năm.
-Năm 280 CN, nhà Tây Tấn diệt Ngô, thống nhất toàn quốc, kết thúc thời kỳ lịch sử Tam Quốc, tổng cộng 61 năm. Nhà Ngô trải qua 4 đời vua, tổng cộng 59 năm. Tính theo sự phân kỳ của các sử gia Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, từ khi Giặc Khăn Vàng nổi lên vào năm 184 CN, thì nhà Đông Hán chỉ tồn tại trên danh nghĩa, toàn quốc bị lâm vào tình trạng quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau. Đây chính là thời kỳ Tam Quốc được manh nha hình thành.
Trần Thọ, một sử học gia thời Tây Tấn, khi viết “Tam Quốc Chí”, cũng ghi chép phần lớn những truyện các quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau này vào sách của ông. Từ năm Trung Bình lục niên, tức năm 189 CN, Hán Linh Đế mất, Đổng Trác phế Thiếu Đế và lập Hiến Đế tỏ ra chuyên quyền tàn ác. Năm 190, các châu quận ỏ Quan Đông tức các vùng đất phía đông Hàm Cốc Quan như Hà Nam, Sơn Đông, và mười tám lộ chư hầu nổi lên bầu Viên Thiệu làm minh chủ để thảo phạt Trác.
Đến năm 200 CN, xẩy ra trận chiến Quan Độ, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, dần dần thống nhất miền bắc. Năm 208 CN, Tào Tháo âm mưu thôn tính các thế lực quân phiệt cát cứ ở miền nam là Lưu Biểu, Tôn Quyền, Lưu Bị, nổ ra cuộc đại chiến Xích Bích. Hai thế lực nhỏ bé Tôn Quyền, Lưu Bị, bèn liên minh với nhau đánh bại được đại quân của Tào Tháo.
Sau khi thua trận Xích Bích, Tào Tháo rút quân về miền bắc, thanh toán các thế lực quân phiệt cát cứ Hàn Toại và Mã Siêu, thống nhất được lưu vực phía bắc sông Hoàng Hà. Còn Tôn Quyền thì phát triển thế lực của mình từ hạ du sông Trường Giang, đến địa khu Kinh Châu nằm ở trung du sông Trường Giang, đồng thời thôn tính Giao Châu của nước ta ở Lĩnh Nam. Riêng về Lưu Bị, sau trận chiến Xích Bích, chiếm được bốn quận ở nam bộ Kinh Châu, làm cơ sở dựng nước, rồi mở rộng thế lực đến Ích Châu, thôn tính đất đai của Lưu Chương.
Đến đây, cơ bản cục diện của thế chân vạc Tam Quốc được thành hình.
Đối với lich sử Trung Quốc, từ sau sự thống nhất của nhà Tần, Tam Quốc đánh dấu một thời kỳ phân liệt Một cuộc phân tranh nam bắc, đối kháng giữa hai lực lượng chính trị thuộc lưu vực sông Trường Giang và lưu vực sông Hoàng Hà.
Vì cuộc chiến tranh kéo dài liên miên, khiến cho kinh tế và xã hội bị phá họai nghiêm trọng. Nhưng sau khi các chính quyền Ngụy, Ngô, Thục, được thành lập, cũng có khá nhiều công tác kinh tế đuợc mở mang. Nói một cách khác, thời kỳ phân liệt Tam Quốc có cả hai mặt tiêu cực lẫn mặt tích cực. Chẳng hạn như nhà Ngụy mở mang đồn điền, xây dựng thủy lợi, khiến cho kinh tế bị phá họai ở vùng sông Hoàng Hà được khôi phục lại, các lưu dân không có nhà ở được định cư. Nhà Ngô thì mở mang và phát triển phía trung và hạ du sông Trường Giang. Còn nhà Thục Hán thì có nhiều công tác khai phá vùng tây nam Trung Quốc.
Nói đến Tam Quốc, cũng không thể không nhắc đến tác phẩm văn học Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Một tác phẩm văn học được xưng tụng là “đệ nhất tài tử thư”, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Nga, Ý, Ba Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, Cao Ly, Lào, Thái Lan.
Và ở Việt Nam, từ năm 1889 đến 1907, chúng ta có 21 loại cố sự kịch bản liên quan đến Tam Quốc Diễn Nghĩa và 7 bản dịch khác nhau, qua nhiều người dịch khác nhau, kể cả một bản dịch chữ nôm viết tay trên giấy đó vào năm 1918, hiện được giữ gìn bảo quản tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris. Như vậy, chứng tỏ một điều là truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” nói riêng và truyện “Tầu” nói chung, cũng đã có một thời hấp dẫn và làm say mê thế hệ cha anh chúng ta, chẳng khác gì như chúng ta cũng có một thời say mê các truyện “chưởng” của Kim Dung, Cổ Long ở Sài Gòn trước 1975 vậy. Tam Quốc Diễn Nghĩa .
Trường biên lịch sử tiểu thuyết này nguyên toàn danh xưng là « Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa », hoặc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Cuốn tiểu thuyết này do La Quán Trung soạn vaò thời Minh Mạt Thanh Sơ. La Quán Trung đã căn cứ vào sách chính sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ đờì Tây Tấn và do Bùi Tòng Chi chú, sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại” đời Nguyên, và nhiều truyền thuyết, nhiều giai thoại trong dân gian, rồi tổng hợp, tu cải, chỉnh lý mà viết thành.
Tam Quốc Chí Diễn Nghiã có nhiều khắc bản khác nhau, mà bản lưu hành nổi tiếng hiện nay là bản do Mao Tôn Cương hiệu đính, gia công và phê bình rồi cho khắc in, thường gọi là « Mao bản » để phân biệt với các khắc bản khác. Bản này có sáu quyển gồm một trăm hai chục hồi.
Cố sự bắt đầu từ truyện Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi kết nghĩa vườn đào, đến Vương Tuấn bình Ngô, trải qua hơn một nửa thế kỷ. Tác giảc đã vẽ lại cho người đọc thấy rõ những cuộc đấu tranh quân sự giữa các sứ quân và tình hình chính trị phức tạp của thời kỳ Hán Mạt và Tam Quốc, đồng thời, thành công khắc hoạ ra được hàng loạt những nhân vật mang những hình tượng điển hình, rõ rệt như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, QuanVũ, Trương Phi Tác phẩm có nhiều chương, tiết rất sống động, bóng bẩy. Như“Lưu, Quan, Trương Tam Anh chiến Lã Bố” “Tam cố thảo lư”, “Xích Bích chiến”. Toàn truyện có rất nhiều chi tiết khúc triết, kết cấu hoằng đại, nhưng bố cục rỏ ràng, mạch lạc, được vinh dự coi là “Đệ nhất tài tử thư”.
Truyện có cả thẩy 1191 nhân vật có danh có tính, chia ra:
– 436 võ tướng -456 văn quan -128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi. -67 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương. -109 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.
Chủ đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy tư tưởng chính thống “tôn Lưu biếm Tào “, và coi cuộc nổi dậy Hoàng Cân là làm lọan, làm giặc, lấy trung hiếu tiết nghĩa làm tiêu chuẩn, và coi thuyết “Thiên hạ qui nhất”, “hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp” là su thế tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử. Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung có nhiều nhân vật như vậy, nhưng nhân vật nữ thì thật là hiếm hoi lác lác, có thể đếm trên mười đầu ngón tay, trong đó Điêu Thuyền được thuật laị một cách rất tinh tế, có thanh có sắc.
Lúc bấy giờ Đổng Trác, sau khi đem binh vào Lạc Dương, phế Thiếu Đế, lập Hiến Đế, rồi phóng hoả đốt cung thất, ép Hiến Đế dời về Trường An, tự lập làm Thái Sư, chuyên hoành bạo ngược, bị Tào Tháo hành thích, nhưng không thành. Sau việc Tháo hành thích Trác không thành, phải bỏ trốn đến Trần Lưu lo việc chống laị Trác. Rồ sau đó, mười tám lộ chư hầu, với hai ba chục vạn tướng sĩ, quân binh họp nhau thảo phạt Trác không thành. Lưu Bị, Quan Vân Trương, Trương Phi đánh nhau với Lã Bố, con nuôi của Trác, ở Hổ Lao Quan, tục gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”, nhưng cũng không thắng nổi Bố. Anh hùng nam tử trong thiên hạ lúc đó đều bó tay không ai đủ sức giết Trác. Duy chỉ mình Điêu Thuyền, một người con gái 16 tuổi, không quản ngại nguy hiểm đến tính mệnh của mình, thâm nhập hổ huyệt, suy tính mưu kế, không dùng can qua mà hạ được Trác, cứu vãn được giang sơn nhà Hán đang ở cái thế mành treo sợi chỉ.
Nhưng cho đến nay, chung quanh chân tướng, diện mục, thân thế, và chung cuộc, của người con gái này vẫn còn ít nhiều mơ hồ mà các nhà nghiên cứu, cùng các sử gia Trung Quốc vẫn còn bàn cãi, chưa có kết luận. Điêu Thuyền, Vương Doãn, Đổng Trác, và Lã Bố
Theo sử tịch, Vương Doãn là đại thần nhà Đông Hán. Doãn sinh năm 137 là người Kỳ Huyện, quận Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), tự là Tử Sư. Lúc nhỏ có chí lớn, từng được Qúach Thái khen là kỳ tài. Năm 19 tuổi là thuộc lại ở trong quận, từng bắt và giết tên tiểu hoàng môn Triệu Tân, người trong phe bọn hoạn quan. Thời Hán Linh Đế, giữ chức Thứ Sử Dự Châu, trấn áp giặc Khăn Vàng. Hán Linh Đế qua đời, Vương Doãn bôn tang về kinh sư. Bấy giờ, Đại Tướng Quân Hà Tiến tính diệt trừ bọn hoạn quan, nên mưu với Vương Doãn, bổ Doãn làm Trung Lang chuyển sang làm lệnh doãn Hà Nam. Khi Hán Hiến Đế tức vị, Doãn được bổ làm Tư Đồ thay Dương Bưu. Và thường gọi là Vương Tư Đồ.
Tư Đồ nguyên là danh xưng của một chức quan, được thiết lập từ thời Tây Chu, trông coi việc trị dân, nắm giữ hộ khẩu, điền tịch, cùng thâu nạp thuế khoá. Đến nhà Tần, bãi bỏ chức Tư Đồ, và đổi là Thừa Tướng. Đến đời Hán Ai Đế laị đổi Thừa Tướng là Đại Tư Đồ. Khi Hán Hiến Đế tức vị, thì bỏ chữ « Đaị » chỉ còn Tư Đồ, là một trong Tam Công, chuyên về giáo dục. Năm Thiệu Ninh nguyên niên, tức năm 189, Đổng Trác phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện làm Hoằng Nông Vương, lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp lên làm vua, tức Hán Hiến Đế. Rồi giết Hà Thái Hậu. Tháng giếng năm sau, tức năm 190 Trác sai Lang Trung Lệnh Lý Nho đánh thuốc độc giết Hoằng Nông Vương Lưu Hiệp.
Tháng tư năm Sơ Bình nhị niên, tức năm 191, Đổng Trác về đến Trường An, bấy giờ Trác đã được phong làm Thái Sư, tước ở trên các chư hầu vương. Trác dùng em mình là Đổng Mân làm Tả Tướng Quân, cháu là Đổng Hoàng làm Trung Quân Hiệu Uý để nắm giữ quân quyền. Các tông tộc của Trác đều được ra làm quan. Ngay như một đứa nhỏ còn nằm trong tã cũng được phong hầu. Trác còn dùng 25 vạn dân phu cho tu sửa My Ổ cách Trường An 260 dặm. Thành quách cao thấp, dầy mỏng như thành Trường An, đặt tên là Vạn Tuế Thành. Bên trong tích tụ kim ngân, châu báu, và thóc lúa có thể dùng trong hai chục năm. Gia thuộc đều trú ngụ ở trong đó. Trác còn truyển lựa trong dân gian hơn tám trăm thiếu niên mỹ nữ đem vào đó. Trác vãng lai đi lại Trường An, hoặc nửa tháng một lần, hoặc một tháng một lần. Công khanh đại thần phải ra tận cửa Hoành Môn để đưa tiễn Trác. Một lần, có mấy trăm lính người Bắc Địa đên xin hàng. Trác lập tức ra lệnh giết ngay trước tiệc. Hoặc chật chân chặt tay. Hoặc bị khoét mắt, đục tai. Hoặc bỏ vào vạc dầu. Tiếng kêu la thảm khốc, chấn động một góc trời. Các quan thì ai nấy đều sợ rét run, còn Trác vẫn tự như cười nói đánh chén Bộ hạ có ai hơi làm phật ý, thì giết ngay tại chỗ. Pháp lệnh lại hết sức hà khắc. Phàm bách tính, quan lại, làm con bất hiếu, làm em không hoà thuận, làm thần tử bất trung, làm lại không thanh liêm, ngoài tội tử hình còn tịch thâu tài vật. Dân chúng trăm họ vị vu cáo chết oán vì pháp lệnnh của Trác nhiều vô kể.
Nhưng chính Trác lại làm nhiều điều bất nghĩa. Trác biết như vậy, nên sợ người bị ám sát. Mỗi lần ngoại xuất, và ngay tại trong nhà, thường dùng Lã Bố hộ vệ. Bố là người dũng mãnh, sức khỏe hơn người, được Trác, coi là nghĩa tử. Nhưng Trác là người nóng nẩy, thô bạo. Hơi bất như ý là nổi giận, không dằn được. Doãn thấy Đổng Trác chẳng những hagnh vi tham tàn bạo ngược, tàn nhẫn như vậy, lại có ý muốn soán đọat ngôi nhà Hán, Doãn bèn âm thầm tìm mưu để giết Đổng Trác. Nhưng trở ngại lớn chính là viên tướng dũng mãnh của Đổng Trác là Lã Bố, không có người địch nổi. Cuối cùng, để đạt mục đích, Doãn quyết định dùng Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để ly gián Trác với Lã Bố, và mượn tay Lã Bố để giết Đổng Trác.
Dưới đây, là một đoạn văn rất cảm động, thuật việc Vương Doãn vì lòng ái quốc, hạ mình cầu Điêu Thuyền giúp mình thi hành mỹ nhân kế, người viết xin trích dịch một đoạn :
“Một hôm Vương Doãn từ triều về, lòng bồn chồn đứng ngồi không yên. Đến tối, trời khuya trăng sáng, Vương Doãn một mình chống gậy tản bộ ra hậu viên, đứng dựa bên dàn hoa Trà Mi, ngửa mặt nhìn trời mà rơi lệ. Thình lình? Vương Doãn nghe có tiếng người thút thít thở dài từ phía đình Mẫu Đơn vọng lại. Vương Doãn bèn lén gót theo dõi. Té ra Điêu Thuyền, con hát ở trong phủ. Điêu Thuyền từ bé được đưa vào trong phủ của Vương Doãn, dậy bảo ca múa, tuổi vừa hai tám, sắc tài trọn vẹn, được Vương Doãn thương như con đẻ.
Vương Doãn đứng nghe một hồi lâu, rồi lớn tiếng mắng :
-Con tiện tỳ này có tư tình phải không ? Điêu Thuyền sợ hãi quỳ xuống thưa: -Tiện thiếp nào dám có tư tình gì. Vương Doãn nói: -Không có tư tình, sao đêm khuya thanh vắng lại ra đây mà than khóc ? Điêu Thuyền nói: -Xin đại nhân cho thiếp được rãi bầy gan ruột Vương Doãn nói : -Ngươi không được dấu, phải nói rõ cho ta biết ! Điêu Thuyền thưa -Thiếp đội ơn đại nhân nuôi dưỡng, lại dậy nghề ca mua, thương yêu như con ruột, thiếp dù có tan xương nát thịt, cũng chẳng báo được muôn một. Ít ngày gần đây, thiếp thấy đại nhân âu sầu buồn bã, hẳn là truỵên về quốc gia đại sự, thiếp không dám hỏi. Đêm nay thấy đại nhân đứng ngồi không yên, thiếp vì thế cũng buồn rầu mà thở dài, chẳng ngờ bị đại nhân bắt gặp. Vậy nếu thiếp có thể giúp đại nhân việc gì để báo đáp ân sâu, dù có vạn tử, thiếp quyết không từ chối. Vương Doãn đập cây gậy xuống đất, tỏ vẻ mừng rỡ nói: -Ai ngờ cơ đồ nhà Đại Hán lại nằm ở trong tay con bé này ! Con hãy theo ta vào trong thư các. Điêu Thuyền theo Vương Doãn vào trong thư các. Vương Doãn đuổi hết bọn tỳ nữ ra ngoài. Rồi mời Điêu Thuyền ngồi lên ghế, chắp tay khấu đầu vái lạy Điêu Thuyền. Điêu Thuyền sợ hãi phủ phũ xuống đất thưa : -Đại nhân cớ sao lại làm như vậy ? Vương Doãn nói : -Xin con hãy thương lấy sinh linh thiên hạ nhà Đại Hán ! Nói xong nước mắt trào ra như suối chảy : Điêu Thuyền thưa : -Tiện thiếp vừa rồi mới thưa, đại nhân có việc sai bảo, dù có vạn tử thiếp cũng không chối từ. Vương Doãn lại quỳ xuống đất mà nói: -Ngày nay trăm họ gặp nạn treo ngược như đi trên dốc. Quần thần nguy cấp như trứng nằm dưới đá. Không có con thì không ai cứu được. Tên giặc Đổng Trác đang muốn cướp ngôi. Văn võ trong triều không ai tìm được kế sách nào chống cự. Giặc Trác lại có thằng con nuối là Lã Bố, kiêu dũng dị thường. Ta thấy cha con nó đều là phường háo sắc. Nay muốn dùng kế liên hoàn. Trước đem con gả cho Lã Bố, sau lại hiến con cho Đổng Trác. Khi con vào phủ, hãy tuỳ nghi lập kế ly gián cha con chúng nó, khiến cho Lã Bố giết Đổng Trác, mới trừ được ác lớn. Việc phò dựng xã tắc, tái lập giang sơn, đều trông cậy vào sức của con. Chẳng hay ý con thế nào ? Điêu Thuyền nói : -Thiếp xin hứa với đại nhân, dù có vạn tử cũng không chối từ. Xin hãy đem thiếp mà hiến cho chúng ngay đi; thiếp sẽ tự có chủ kiến. Vương Doãn lại nói : -Con nên bảo mật, việc như tiết lộ, thì dòng họ ta sẽ bị diệt tộc. Điêu Thuyền thưa : -Xin đại nhân đừng bận lòng. Thiếp như không báo được đại nghĩa, thì xin chết dưới muôn vạn lưỡi đao. Vương Doãn lạy tạ. (Trích dịch từ Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ tám của La Quán Trung-Nhà xuẩt bản Minh Lương ở Hồng Kông ấn hành)
Sau đó, Điêu Thuyền được đưa vào phủ của Trác. Nàng bèn đem mày ngàì, mắt phụng, nụ cười, nét nhăn, mặt hoa da phấn, cùng với trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Đổng Trác phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Lã Bố để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình. Cuối cùng đạt được mục đích của kế hoạch liên hoàn do Vương Doãn đề ra là Đổng Trác phải bị Lã Bố giết. Còn Bố sau khi giết Trác thì đến ngay Mi Ổ, trước hết tìm Điêu Thuyền giữ lấy cho mình. Mục đích của Bố là chỉ có vậy.
Theo Lương Chương Cự, một sử gia đời Thanh, từng có nhận định cho rằng Vương Doãn hiến Điêu Thuyền cho Đổng Trác trong Tam Quốc Diễn Nghĩa để làm kế liên hoàn của La Qúan Trung, là không có thật trong chính sử. Và Điêu Thuyền nữa chỉ là một hình tượng văn học, do các tiểu thuyết gia, các nhà soạn kịch, đời sau tạo dựng ra.
Các sử thư chỉ ghi nhận là Vương Doãn có âm mưu với viên quan Tư Lệ Hiệu Uý Hoàng Uyển, Bộc Xạ Sĩ Tôn Thuỵ và Lã Bố để giết Trác như sau :
“Trác từng vì tiểu sự bất mãn đối với Lã Bố và rút kích ra để ném Lã Bố. Lã Bố nhờ quyền cước nhanh nhẹn nên tránh thoát, rồi quay người lại tạ tội với Trác. Nhờ thế Trác cũng nguôi giận. Nhưng Lã Bố từ đấy trong lòng ngấm ngầm oán hận Trác. Trác thường sai Bố bảo vệ các tì thiếp ở tiểu lâu. Lã Bố lợi dụng cơ hội liền tư thông với thị tì (hậu thế tương truyền là Điêu Thuyền), đâm ra lo sợ việc bị tiết lộ, trong lòng không yên.
Trước đó, quan Tư Đồ Vương Doãn, nhân là người đồng hương với Bố ở Tinh Châu, lại thấy Lã Bố là người dũng mãnh tráng kiện, nên dùng hậu lễ để tiếp nạp Lã Bố. Về sau đến nhà Vương Doãn, kể lại việc suýt bị Đỏng Trác giết. Lúc đó Vương Doãn đang cùng quan Bộc Xạ Tôn Sĩ Thuỵ âm mưu tìm kế hoạch để giết Trác, nên đem âm mưu đó nói cho Lã Bố biết, muốn Lã Bố làm nội ứng.
Nhưng Lã Bố bảo với Vương Doãn : –Nhưng tôi với Trác từng nhận nhau là cha con, thì biết làm thế nào ? Vương Doãn nói : -Ông họ Lã, cùng với Đổng Trác làm gì có tinh cốt nhục. Khi Trác dùng kích ném ông, thì Trác có nghĩ đến tình phụ tử không ? Lã Bố nghe thế, bèn nhận lời Vương Doãn ngay. Sau này đích thân Lã Bố cầm đao đầm chết Trác ”
(Dịch theo bản Tam Quốc Chí của Trần Thọ-Nhà xuất bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Tam Quốc Chí của Trần Thọ cho thấy rõ ràng là Đổng Trác có một tỳ nữ, và Lã Bố trong lúc làm công việc canh gác tiểu lâu cho Đổng Trác, Lã Bố đã tư thông với người tỳ này, còn tên người tỳ nữ thì không đề cập đến. Và kết cuộc mối tư tình vụng trộm này giữa Lã Bố và người tì nữ đó ra làm sao, sử thư cũng hề đề cập đến.
Cùng với nhận định của sử gia Lương Chương Cự, sau này cũng có người cho rằng các tiểu thuyết gia, và các nhà soạn kịch đời Nguyên, nghĩa là sau Tam Quốc Chí của Trần Thọ cả chục thế kỷ, mới đem người tì nữ của Đổng Trác “diễn nghĩa” thành Điêu Thuyền, và biến Điêu Thuyền thành vợ Lã Bố.
-Theo sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại” đời Nguyên thì Điêu Thuyền tự thuật về mình như sau :
“Tiện thiếp vốn họ Nhâm, tiểu tự là Điêu Thuyền, có chồng là Lã Bố, nhưng từ khi thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay vẫn chưa gặp lại…. ”
-Còn theo tạp kịch “Cẩm Vân Đường Âm Định Liên Hoàn Kế” của tác giả vô danh thời Nguyên kể :
Điêu Thuyền họ Nhâm, tiểu tự là Điêu Thuyền, chồng là Lã Bố, vợ chồng thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay chưa gặp lại nhau, và Điêu Thuyền từng có lờ inói : “Nhân Hán Linh Đế ra lệnh tuyển lựa cung nữ, nên mẹ tôi mới cho tôi cào trong cung, giữ việc quản lý loại mũ là Điêu Thuyền, vì thế tôi mới lấy tên chữ gọi là Điêu Thuyền. Sau Hán Linh Đế đem tôi ban cho Đinh Kiến Xương ( tức Đinh Nguyên). Kiến Xương lại gả tôi cho Lã Bố làm vợ. Sau này khi giặc Khăn Vàng nổi lên làm loạn, vợ chồng tôi bị thất tán vì chiến tranh, nay không biết chồng tôi ở nơi nào.
Rồi đến cuối thời Minh mạt Thanh sơ, La Qúan Trung khi viết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đệ nhất tài tử thư của Trung Quốc, chẳng những tổng hợp những tư liệu lịch sử nêu trên, mà còn gom góp những sự tích liên quan đến thời Tam Quốc lưu truyền trong dân gia, cùng các loại bình thoại, các tạp kịch, dựa vào cải biến Điêu Thuyền thành vợ của Lã Bố, cho Điêu Thuyền làm con nuôi Vương Doãn, giúp Vương Doãn hoàn thanh liên hoàn kế như kể ở hồi tám :
”Vương Tư Đồ xảo sử liên hoàn kế, Đổng Thái Sư đại náo Phụng Nghi Đình 王 司 徒 巧 使 連 環 計 董 太 師 大 鬧 鳳 儀 亭”.
Mà sau này, Trương Quang Tiên, người Việt Nam đầu tiên đã phỏng theo hồi thứ tám này, để viết thành vở cải lương Hồ Quảng nổi tiếng là “Phụng Nghi Đình” diễn ở Sài gòn năm 1926, và chúng tôi đã trích dịch một đoạn của hồi này, như đã thuật ở trên.
Lã Bố có vợ tên là gì, trong sử thư cũng không ghi rõ, nhưng thuật là Lưu Bị có gặp vợ Lã Bố. Trong “Tam Quốc Chí-Lã Bố truyện” phần chú dẫn “Anh hùng ký” ghi nhận rằng Lã Bố có một người vợ. Theo chú dẫn thì năm Hưng Bình nhị niên, tức năm 195, Lã Bố bị Tào Tháo đánh bại ở Cự Dã, phải chậy về hướng đông nhờ cậy Lưu Bị, rất kính trọng Lưu Bị, có lần Lã Bố bảo với Lưu Bị rằng :
-Tôi với ông đều là người biên địa ( tức Bố là người Ngũ Nguyên, còn Bị là người Trác Quận. Ngũ Nguyên và Trác Quận thời Han bị coi là biên địa). Tôi thấy nhân mã ở Quan Đông (tức vùng phía đông Hàm Cốc Quan) muốn nổi lên giết Đổng Trác, tôi nay đã giết Trác xong rồi chậy về hướng đông, nhưng chư tướng Quan Đông không ai chịu dung nạp tôi, mà lại có ý muốn giết tôi.
Sau đó mời Bị vào trong trướng, thỉnh Bị ngồi trên giường của vợ, và gọi vợ ra bái kiến Lưu Bị, còn Bố cung kính rót rượu tiếp đãi, xưng hô với Bị là anh em. Nhưng Bị thấy Bố nói năng không phải phép, ngoài mặt thì đồng ý, mà trong bụng không thích”
(Trích dịch từ Tam Quốc Chí Bản bạch thoại-Nhà Xuất Bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Sau đó Bố tập kích đánh úp Lưu Bị, tự xưng là Thứ Sử Từ Châu, cát cứ một phương, thế lực dần dần lớn mạnh, trở thành kình địch ở phiá đông của Tào Tháo. Tháng 10 năm 198, Tháo xuất quân Đông chinh Lã Bố, phá Bành Thành (nay thuộc Từ Châu tỉnh Giang Tô), rồi tiến quân xuống Hạ Bì. Bố đánh trận nào thua trận ấy, nên đóng cưả thành cố thủ. Tháo liên tiếp tấn công, nhưng không hạ nổi, sau nghe mưu kế của Tuân Du, và Quách Gia, đào sông Tứ Thuỷ và Nghi Thủy lấy nước yểm thành. Hơn một tháng sau, tướng của Bố là Tống Nghiã mở cưả thành ra hàng. Tháo hạ lệnh đánh gấp. Bố buộc phải đầu hàng và bị Tháo thắt cổ chết. Kết thúc chiến dịch Hạ Bì
Cũng trong sử thư “Tam Quốc Chí – Lã Bố Truyện” ở phần chú dẫn “Anh Hùng Ký”có những đoạn nhắc đến người vợ của Lã Bố :
Năm Kiến An nguyên niên tháng sáu, tức năm 196, vào lúc nửa đêm, bộ tướng của Lã Bố ở Hà Nội là Hách Manh làm phản, đem quân đột nhập vào nội phủ trị sở của Lã Bố, khi đến bên ngoài tiểu lâu của Nghị Sự Sảnh, cùng nhau hô hoán tiến hướng tiểu lâu tấn công, nhưng vì tiểu lâu kiên cố vững chắc, quân của Hách Manh không phá nổi. Bố không biết kẻ làm phản là ai, vội vã kéo người vợ còn chưa kịp mặc quần áo và vấn khăn, trốn vào nhà cầu tiêu trèo tường đào thoát, chạy vào trong doanh của Cao Thuận.
Các nhà bình thoại, các nhà soạn kịch, và tiểu thuyết gia đời sau dựa vào đoạn này, cho rằng vợ Lã Bố là Điêu Thuyền, tạo thành cái nghi án đến nay vẫn không giải quyết được. Quan Công và Điêu Thuyền
Ngoài cái nghi án Điêu Thuyền có phải là vợ Lã Bố không, còn có một nghi án nưẵ về kết cục vận mệnh của Điêu Thuyến. Trong truyền thuyết dân gian và các hý khúc tạp kịch của Trung Quốc từ đời Minh đến đời Thanh, tồn tại hai thuyết trái ngược nhau về cái chết của Điêu Thuyền, và đều có liên can đến một nhân vật lịch sứ lẫy lừng thời Tam Quốc, sau được cả trăm triệu người Trung Hoa, từ vua chúa, quan quyền, đến người dân thôn dã tôn kính sùng bái, thờ làm thần. Đó là :
Quan Đại Vương tức Quan Vũ
Thuyết thứ nhất là :Quan Vũ giết Điêu Thuyền
Quan Đại Vương 關 大 王 hay Quan Thánh Đế 關 聖 帝, tức Quan Vũ, là Đại tứớng nhà Thục Hán đời Tam Quốc, tự là Vân Trường, người Giải Huyện tỉnh Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), oai mãnh cương cường. Cuối thời Đông Hán, Quan Vũ lưu vong đến Trác Quận, rồi theo Lưu Bị khởi binh phò Hán. Năm Kiến An ngũ niên, tức năm 200, Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, Quan Vũ bị Tháo bắt cầm tù, nhưng được Tháo rất kính nể và hậu đãi, “lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc”, phong làm Hán Thọ Đình Hầu, nhưng Quan Vũ “thân tại Tào mà tâm thì tại Hán”, cuối cùng thì trở về với Lưu Bị.
Năm 214 CN, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu. Năm 219 CN, vây đánh bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân ở Phàn Thành và phá Vu Cấm, nhân vì không phòng bị mặt sau, bị Tôn Quyền tập kích Kinh Châu, thua trận bị giết. Quan Vũ được người Trung Hoa thần hóa, thờ cúng, tôn là Quan Thánh Đế, Quan Công, Quan Đại Vương.
Trong sách “Tam Quốc Chí -Thục Thư-Quan Vũ truyện” của Trần Thọ, người đời Tấn có truyện kể về ông. Sau ông lại được La Quán Trung người thời Minh, trong “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” được tiểu thuyết hóa với nhiều giai thoại, nhiều mầu sắc thú vị.
Quan Vũ, một người khi sống coi tiền tài như rác rưởi, mà sau khi chết lại được người Tàu đặc biệt tôn thờ là Tài Thần. Tại sao?Theo truyền thuyết, thì vua nhà Thanh là Càn Long mới đăng cơ, thường nghe đằng sau mình có tiếng người đi dép lẹp kẹp, mới quay đầu lại hỏi :”Ai theo sau bảo giá trẫm vậy”, thì có tiếng đáp “Nhị đệ Quan Vân Trường”.
Càn Long là một ông vua từ ngoài vaò xâm chiếm nước Trung hoa, mà lại nhận là anh em vơí Quan Vũ, chẳng qua cũng là mưu tính muốn mượn oai danh của Quan Vũ để thần hoá mình và hoá giải bớt sự chống đối của dân chúng. Sau đó Càn Long bèn phong cho Quan Vũ là Tài Thần, và từ đó trên cửa của miếu thờ Quan Vũ người ta thiếp mấy chữ :”Hán vi văn võ đế, Thanh phong Phúc Lộc Thần -漢 為 文 武 帝 清 封 福 祿 神”
Quan Vũ còn được coi là thánh tổ, của mấy chục ngành nghề như nghề làm đầu bếp, nghề cắt tóc, nghề cầm đồ, nghề đồ tể, nghề bán thịt, nghề thầy võ, nghề thầy tướng, nghề đậu hũ v. v. . . . Thành ra, vào các quán ăn, các thương điếm, ở đâu chúng ta cũng thấy người Tầu có bàn thờ Quan Công cả.
Người Trung Hoa thần hoá và phong vị hoá Quan Vũ qua nhiều giai thoại truyền khẩu và bằng những hý khúc, tạp kịch khác nhau. Trong đó có truyền thuyêt, đồng quan điểm coi Điêu Thuyền là vợ Lã Bố, cho là Điêu Thuyền bị Quan Công giết trong một đêm trăng, « Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền » .
Truyền thuyết này kể rằng :
Sau khi Lã Bố thua trận bị Tào Tháo thắt cổ chết. Lưu Bị chiếm được Điêu Thuyền, thấy Điêu Thuyền đẹp như hoa tựa ngọc, có ý luốn lấy nàng làm vợ . Còn Trương Phi thấy Điêu Thuyền cũng hồn siêu phách tán.
Riêng Quan Công nhìn thấy tâm lý của hai người bạn kết nghĩa sinh tử với mình như thế, mới lên tiếng bảo với Trương Phi rằng :
-Chẳng ngờ tam đệ mà cũng yêu thích mỹ nhân nhỉ ! Thì Trương Phi đáp : -Điêu Thuyền đẹp thế này, lấy đai ca mới thật xứng đôi ! Lưu Bị trong lòng thật muốn lấy Điêu Thuyền làm vợ, nhưng không tiện nói ra, mới giả ý nói : -Nhị ca chưa có gia đình, hay là để cho nhị ca lấy vợ đã. Quan Vũ vội vã từ chối ngay : -Đệ không cần đâu, đệ không cần đâu.
Lưu Bị lại gán cho Trương Phi, nhưng Trương Phi cũng không tiện nói ra, lại cố ý nhượng lại cho Lưu Bị. Cả ba anh em nhượng đi nhượng lại, nhất thời không anh chịu nhận lãnh Điêu Thuyền làm vợ. QuanVũ vốn không phải là người ham nữ sắc, biết được tâm tư tình cảm của Lưu Bị và Trương Phi như vậy, bụng bèn bảo dạ : Đổng Trác, Lã Bố nhân vì sủng ái Điêu Thuyền mà thân bại danh liệt, sự nghiệp tiêu tan. Như nay, đại ca và tam đệ bị nữ sắc làm say mê quyến dũ, làmột điều không tốt. Nếu như đại ca và tam đệ vì một người đàn bà làm thương tổn hoà khí, rồi vì đắm say Điêu Thuyền, đại ca không lo tiến thủ nữa, khi đó có hối thì cũng muộn rồi. Người con gái này không thể lưu lại được. Nghĩ thế, Quan Vũ quyết định phải giết Điêu Thuyền.
Tối hôm đó, Quan Vũ sách cây Thanh Long Yển Nguyệt Đao 青 龍 偃 月 刀, còn gọi là Lãnh Diễm Cứ 冷 艷 鋸, nặng tám mươi hai cân, là võ khí mà Quan Vũ thường dùng khi lâm trận, đến gọi Điêu Thuyền ra. Dưới ánh trăng sáng, Điêu Thuyền trông càng lộng lẫy, nhan sắc càng rực rỡ hơn. Quan Vũ vốn là người cứng cỏi cương nghị, nhưng nhìn thấy Điêu Thuyền, lòng cũng trùng lại. Song tự nhủ, chính cái nhan sắc tiêu hồn này, nếu lưu lại dương thế, sẽ di hoạ cho đại ca và tam đệ. Ta cần phải giết đi ngay.
Điêu Thuyền thấy Quan Vũ cầm đao tiến đến, thì toàn thân run rẩy sợ hãi, trông như phù dung gặp bão, lê hoa gặp gió, ẻo lả như dương liễu, càng khiến cho người ta phải động lòng thương hoa tiếc ngọc. Quan Vũ cũng không còn đủ dũng khí nữa. Ông nhắm mắt lại. Tay ông buông rơi cây đao. Cây Thanh Long Yển Nguỵêt Đao này, đã từng giúp ông hạ nhiều địch thủ, vô tình rơi xuống, chém trúng Điêu Thuyền. Thế là ô hô, hương tiêu phách tán, kết thúc cuộc đời của kẻ hồng nhan bạc mệnh.
Những nhà nghiên cứu về truyền thuyết « Quan Vũ giết Điêu Thuyền », đã cho rằng truyền thuyết này được lưu truyền trong dân gian rất trễ. Sở dĩ như vậy, là vì từ sau vương triều nhà Tống, Quan Vũ chẳng những được liệt nhập vào hàng thần nhân, lại còn được tôn sùng là « đế », là phu tử, là thánh nhân, được nhân dân trăm họ thờ cúng, thì theo tâm lý tập quán của dân chúng, nhân vật như vậy không thể bị luỵ vì nữ sắc. Ngay đến cả La quán Trung, khi thâu thập những cố sự trong dân gian, những tạp kịch, hý khúc, cũng rất cẩn thận, không đề cập đến giai thoại này trong tiểu thuyết nổi tiếng « Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa » của ông .
Chính trong cái tâm lý thần hoá Quan Vũ mà cố sự « Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được đẻ ra. Những người tôn sùng Quan Vũ, muốn Quan Vũ phải triệt để Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng, Tín. Muốn ông phải xa lánh sắc dục và tiền tài. Và vì là « thần », nên hành vi của ông phải ở trên cả « anh hùng ».
Trong khi Lưu Bị và Trương Phi, thấy nhan sắc của Điêu Thuyền thì hồn phách điên đảo, tuy lòng đều ham muốn, nhưng lại hư nguỵ nhường đi nhường lại cho nhau. Chỉ duy có Quan Vũ, nẩy ra ý tưởng muống giết Điêu Thuyền để trừ hoạ căn, bảo vệ tiền trình và thanh danh cho những người anh em kết nghĩa. Nhưng trước nhan sắc diễm tuyệt của Điêu Thuyền, Quan Vũ cũng phải động lòng thương sót. Nhắm mắt buông đao. Để đao rơi xuống, vô tình kết quả tính mệnh của Điêu Thuyền, tránh cho Quan Vũ cái tiếng xấu là tàn nhẫn giết một người con gái yếu đuối, hà huống đó lại là người đã lập kỳ công cứu vãn vương triều nhà Đông Hán.
Sang đến đời nhà Nguyên, cố sự « Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được quảng bá rất rộng rãi. Lại có cả tạp kịch « Quan Đại Vương nguỵêt hạ trảm Điêu Thuyền 關 大 王 月 下 斬 貂 蟬 » nhưng không rõ gốc từ sách nào. Đến đời Minh, trên vũ đài hý khúc, lại rầm rộ xuất hiện những kịch bản nói đến việc Quan Vũ chém Điêu Thuyền. Có kịch bản giải thích sở dĩ Quan Vũ phải chém Điêu Thuyền, vì Quan Vũ cho rằng Điêu Thuyền là loại người « vô nghiă bất lương », một gái hai chồng, hại nhân ngộ quốc. Nhưng một bậc anh hùng cái thế, như « Quan Đại Vương », mà nỡ xuống tay giết một người con gái diễm kiều, liễu yếu đào tơ, cũng chẳng đem lại vinh quang thêm gì cho Quan Vũ, mà trái lại làm cho người ta đồng tình thương sót Điêu Thuyền.
Nên ngoài kịch bản « Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong truyền thuyết dân gian, còn có kịch bản nói về cái chết của Điêu Thuyền, « Điêu Thuyền chi tử 貂 蟬 之 死 », nhưng chết một cách khác. Chết một cách tự nguyện.
Tác giả của bản kịch này là Long Học Nghĩa. Họ Long cũng dựa vào bối cảnh của việc Thất Thủ Hạ Bì, tức truyện Tào Tháo tháo nước sông Tứ Thuỷ để đánh Lã Bố, nhưng lại thuật khác đi là Điêu Thuyền có lòng ái mộ Quan Vũ, xin với Quan Vũ nói với Tháo rút nước ra để cứu vớt sinh linh trăm họ ở trong thành.
Kết quả khiến cho Quan Vũ không còn thiên kiến ghét Điêu Thuyên nữa . Trái lại, đối với phẩm chất cao thượng biết ưu dân mẫn quốc của nàng, lại có cảm tình và sinh lòng ái mộ. Nhưng Lưu Bị thì sợ Quan Vũ mê đắm nữ sắc, nên lấy danh nghĩa đem lễ vật tặng đêm tân hôn để nhắc nhở Quan Vũ đừng quên cái bổn phận « Phò Hán Hưng Lưu ». Đặt Quan Vũ ở giữa hai tình cảm phải chọn lựa : Tình yêu và tình bạn kết nghĩa.
Cuối cùng tình cảm của Quan Vũ đã nghiêng về tình bạn kết nghĩa nhiều hơn. Ông đã thả Điêu Thuyền. Cho Điêu Thuyền tự do ra đi. Nhưng người con gái này trước cảnh nhà tan cửa nát, chồng vừa bị Tào Tháo thắt cổ chết, đất trời mang mang ly loạn.
Biết đi về đâu.
Điêu Thuyền chỉ còn biết ôm nỗi đau khổ mà khóc lóc, rổi đem hoàn cảnh và tâm sự dãi bầy với Vũ. Sau đó cầm đao tự kết liễu đời mình.
Kết thúc cuộc đời một thiên cổ giai nhân và kết thúc vở hý kịch về « Cái chết của Điêu Thuyền ». Trong kịch bản này, tuy đơn thuần nói lên tình cảm khuynh mộ giữa Quan Vũ và Điêu Thuyền, cùng nguyên nhân cái chết của Điêu Thuyền là do Quan Vũ lấy việc Phò Hán Hưng Lưu làm trọng mà cắt đứt tình cảm với nàng, đưa nàng đến chỗ tự vẫn. Vai trò của Quan Vũ trong vở kịch xem ra bớt tàn nhẫn hơn, so với kịch bản « Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền ».
Tuy như vậy, trong truyền thuyết dân gian, vốn sẵn thông cảm với Điêu Thuyền, cho rằng những kịch bản vừa nêu trên vẫn chưa giải thích minh bạch về cái chết của Điêu Thuyền. Dù nàng chết cách nào. Cũng vẫn là tàn nhẫn và bất hạnh. Vì thế, trái ngược lại với giai thoại « Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong dân gian còn có một huyền thoại khác là : « Quan Công nghĩa thích Điêu Thuyền 關 公 義 釋 貂 蟬»
Thuyết thứ hai : Quan Công nghĩa thả Điêu Thuyền
Tình tiết của thuyết thứ hai này được thuật như sau đây :
Sau khi Tào Tháo đánh bại và thắt cổ Lã Bố chết, đem Điêu Thuyền giao cho Quan Vũ coi giữ. Một mưu sĩ bèn bàn vơí Tào Tháo là đem Điêu Thuyền tặng cho Quan Vũ, để Quan Vũ vì luyến mê nữ sắc mà hết ý chí tranh đấu, đồng thời khiến cho Lưu Bị và Trương Phi bị bất mãn, tạo thành ly gián kế giữa ba anh em kết nghiã đồng tử này.
Tào Tháo y kế thi hành. Nhưng không ngờ, Quan Vũ là người không ham nữ sắc, cự tuyệt không nhận. Vì thế, Tào Tháo bèn hạ lệnh xử tử Điêu Thuyền.
Điêu Thuyền nghe tin ấy, cả ngày khóc lóc thê thảm . Quan Vũ cảm thấy phiền não, mới gọi Điêu Thuyền đến bảo :
– Nhà ngươi trước đã ở vớí Đổng Trác, sau lại lấy Lã Bố. Con gáí mà lấy hai lần chồng, là một điều không tốt đẹp, còn khóc nỗi gì ?
Điêu Thuyền nói :
-Thưa Quan tướng quân, đấy đâu phải tội của thiếp, mà do Vương ân công muốn nhờ thiếp để thi hành kế liên hoàn. Thiếp đem tấm thân trinh bạch, vì nước trừ hại, công đã chẳng có, ngược lại nay còn bị kết tội xử tử. Như thế há chẳng phải là một điêù đáng thương tâm hay sao ?
Quan Vũ nghe Điêu Thuyền trả lời như vậy, cũng thấy Điêu Thuyền là người vô tội, trong lòng bỗng nẩy sinh trắc ẩn, muốn thả tự do cho Điêu Thuyền. Nhưng Điêu Thuyền tứ cố vô thân, không nơi nương dựa, nên bầy tỏ với Quan Vũ là sau khi được thả, thì xin tìm đến một am nhỏ trong só rừng nào đó để ẩn cư xuống tóc quy y.
Quan Vũ thấy Điêu Thuyền tỏ ý như vậy, thì lấy một ít vàng và hai bộ quần áo tặng cho Điêu Thuyền, rồi bảo nàng mau trốn đi gấp. Điêu Thuyền cảm tạ Quan Vũ đã vì nghĩa mà thả nàng, nhưng lúc ra khỏi cửa, thì chợt nghĩ rằng mình thân gái yếu đuối làm sao có thể đào thoát ra khỏi quân doanh thành trì ở đây, huống chi quan ải dặm trường gian nan hiểm trở, thực khó mà qua nổi.
Bấy giờ, Quan Vũ đã quyết tâm hết lòng cứu Điêu Thuyền. Ông bèn bảo Điêu Thuyền cải trang thành một binh sĩ cưỡi ngựa lẫn trong đám kỵ binh, và tự mình dẫn đội kỵ binh ra khỏi cửa thành, vì thế không ai dám ngăn trở gì, giúp cho Điêu Thuyền ra đi một cách thuận lợi. Quan Vũ đưa Điêu Thuyền đến tận cửa am goị là Tĩnh Từ Am dưới chân núi, sau đó mới quay ngựa trở về.
Chẳng ngờ, về đến nửa đường, Quan Vũ gặp Trương Phi vác cây sà mâu đi đến tìm Điêu Thuyền để giết. Nguyên lai, Trương Phi khi biết tin Tào Tháo đem tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ, thì sợ Điêu Thuyền làm ô danh giá anh hùng cái thế của người anh kết nghiã với mình, bèn nẩy sinh ra ý nghĩ đi tìm ĐiêuThuyền để giết . Nhưng Quan Vũ chặn giữ Trương Phi lại, rồì đem sự thật giảng giải cho Trương Phi rõ. Sau này, cả Lưu Bị lẫn Tào Tháo khi nghe truyện Quan Vũ vì nghiã thả Điêu Thuyền, đều khen ngợi Quan Vũ là bậc chân anh hùng, không ham nữ sắc.
Quan Vũ là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ông vốn không có liên hệ nào với nhân vật Điêu Thuyền. Những truyền thuyết hay hý khúc hư cấu trên đây, dù « giêt hay tha Điêu Thuyền », đều phát xuất từ tâm lý dân gian, phản ánh hai thái độ đốí với nữ sắc của Quan Công :
-Một là, muốn Quan Vũ phải giết Điêu Thuyền, để chứng tỏ ông là người anh hùng không tham nữ sắc.
-Hai là, muốn QuanVũ tha Điêu Thuyền, còn nếu không thế, Quan Vũ chưa đủ là người nhân ái, trọng nghiã, chưa đủ tư cách « thánh nhân »
Hay đúng ra, bi kịch Điêu Thuyền, phản ánh đúng cái quan niệm nam tôn nữ ty, nam giớí trọng hơn nữ giớí ở thời kỳ phụ hệ cực thịnh của xã hội phong kiến Trung Hoa, trong đó caí tư tưởng « trọng nam khinh nữ » « chồng chuá vợ tôi », coi đàn bà như một món đồ chơi. Có quyền khinh khi vuì dập. Thích thì giữ. Không thích thì bỏ. Vứt đi. Hoặc làm vật đôỉ chác, như Nhâm Thành Vương Tào Chương, con Nguỵ Văn Đế Tào Tháo, chẳng từng đem vợ ra đổi để lấy ngựa đó sao. Chẳng thế mà, trong hý khúc, người ta đã đặt vaò miệng Quan Vũ lời nói: «Con gái mà lấy hai lần chồng, là một điều xấu hổ hết sức, còn khóc nôĩ gì “. Lời nói này, há chẳng phải là biểu lộ cái quan niệm « nam tôn nữ ty » của tư tưởng phong kiến hủ lậu, đanh ác đó sao ? Chỉ có nam giới mới có quyền năm thê bẩy thiếp, còn đàn bà phải « Tiết hạnh khả phong 節 行 可 封». Hai đời chồng sẽ bị coi là một điều xấu.
Ngoài cái tư tưởng trọng nam khinh nữ, giới sĩ phu trí thức phong kiến Trung Quốc thuở xưa, và ít nhiều gì lây lan cả ở Việt Nam nữa, còn cho rằng người đàn bà đẹp là nguồn gốc của những nhiễu nhương loạn lạc ;rồi đưa ra những tiêu chí rõ rệt như « hồng nhan hoạ thuỷ 紅 顏 禍 始 ”, hoặc « nữ sắc vong quốc女 色 亡 國”, cho rằng người đàn đẹp đưa đến sự suy sụp tiêu vong của đất nước, như trường hợp Bao Tự nhà Chu, Dương Qúy Phi đời Đường. Còn như thấy người đàn bà nào gặp cảnh trầm luân đau khổ, nếu có đem lòng thương sót thì bảo đó là « hồng nhan bạc mệnh 紅 顏 薄 命”.
Đó là số trời. Chứ chẳng phải giới mày râu tu mi chúng tôi gây ra đâu. Như trường hợp của Thuý Kiêù. Ta hồ ! Thân phận của ngươì đàn bà ngày xưa sao khổ đến thế. Kể cả có may mắn khi được làm thân phận của một con « cò », thì cũng chỉ là :
Con cò lặn lội bờ sông gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Làm trọn cái bổn phận người vợ thờ chồng và nuôi chồng.
Cơ cực lắm thay.
Người viết xin kết thúc bài viết mua vui naỳ bằng nửa câu ca dao trên đây, để bầy tỏ sự đồng tình thông cảm với những người phụ nữ từng bị khinh miệt vì cùng chung hoàn cảnh và vận mệnh với Điêu Thuyền, dù chỉ là một hình tượng văn học.
Chú Thích: Điêu Thuyền
貂 蟬
Điêu, còn gọi là “Điêu thử 貂 鼠, ”ta dịch là chuột Điêu, là động vật có vú, thân nhỏ mà dài, bốn chân ngắn, tai có hình tam giác, thính giác rất bén nhậy, sinh sản ở vùng đông bắc Trung Quốc. Lông con điêu cực kỳ nhẹ và ấm, rất quý dùng làm nguyên liệu để làm áo cừu 裘, một lọai áo mặc mùa đông.
Có nhiều loại điêu khác nhau như thuỷ điêu 水 貂, tử điêu 紫 貂. Điêu ăn thị thỏ rừng, mèo rừng, chim, chuột. Có loại ăn cá, ăn trái cây, rau cỏ.
Cổ xưa, “điêu” được dùng làm trang sức cho nhiều vật dụng, và còn nhiều từ ngữ chữ Hán liên quan đến con vật này, trong đó có từ ngữ :
– Điêu thuyền quán 貂 蟬 冠 (Mũ Điêu Thuyền).
Vào thời nhà Hán, mũ đội của quan võ gọi là Võ Biện Đại Quán 武弁大冠, các viên quan Thị Trung và Trung Thường Thị, là những vị quan tiếp cận nhà vua để lo phục dịch và để vua hỏi, trên mũ của họ đội thường dát thêm hoàng kim, và gắn cánh con ve sầu (thiền vũ 蟬 羽), cùng sức thêm đuôi con điêu (điêu thử貂 鼠) để cho văn vẻ đẹp đẽ, mũ loại này được gọi là là mũ “Triệu Huệ Văn 趙 惠 文”. Vì thế, trong văn chương người ta dùng từ ngữ “điêu thuyền”, để chỉ người đại quan hiển quý, như nhà thơ Lục Du từng có câu :
Trường An điêu thuyền đa, Tử khứ thuỳ phúc hoàn
長 安 貂 蟬 多 死 去 誰 复 還
(Đất Trường An có nhiều quan to, nhưng chết rồi chẳng thấy ai trở lại).
Sang đến nhà Tấn, Tư Mã Viêm sau khi kiêm tính ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Nội bộ nhà Tấn mâu thuẫn kịch liệt, quan lại sinh hoạt sa xỉ, chính trị hủ bại. Bấy giờ Triệu Vương Tư Mã Luân, con thứ chín của Tư Mã Ý, lạm phong quan tước, chỉ cần là vương thân bộ thuộc, ngay cả tôi đòi bộc dịch, cũng được phong tước vị, trở thành quan to. Vì thế Tấn Thư mới có câu :« mỗi triều hội điêu thuyền doanh toạ – 每 朝 會 貂 蟬 盈 坐 – Mỗi khi triều hôị, chỗ ngồi đầy những đaị quan ». Thời bấy giờ, các bậc đại quan đêù đôị loaị mũ trên có trang sức bằng những cánh chuồn bằng vàng, và gắn thêm đuôi con điêu thử, gọi là «điêu thuyền quán 貂 蟬 冠 », tức mũ điêu thuyền.
Tiếng Việt chúng ta cũng có một loại mũ goị là « mũ cánh chuồn », là loại mũ có hai cánh gài vào như cánh chuồn cuả các quan văn đội, nhưng ngườì viết không rõ xuất xứ có liên hệ vớí loại « mũ điêu thuyền » không ?
Ngoài ra, còn có câu tục ngữ « cẩu vĩ tục điêu 狗 尾 俗 貂 », để châm biếm việc dùng cái xấu nối tiếp cái tốt, ví như đuôi con điêu thử hiếm quý bị thay thế bởi đuôi cuả con chó.
Thanh Long Yển Nguyệt Đao 青 龍 偃 月 刀
Thanh Long Yển Nguyệt Đao là tên gọi một loại binh khí mũi nhọn, một nửa là hình bán nguỵêt, thuộc loại Đại đao, có cán dài, trên đao có khắc hình con rồng. Yển nguyệt, có nghĩa là cong như nửa đường cung của mặt trăng. Yển Nguỵệt Đao 偃 月 刀 xuất hiện vào đời Đường, Tống, được dùng trong việc luyện tập, và để hiển thị sự trang nghiêm hùng tráng, chứ không phải để dùng trong chiến đấu. Theo chính sử thì binh khí Quan Vũ dùng để chiến đấu ra trận mạc, là mâu 矛 và kích 戟, và bội đao 佩 刀. Nhưng trong tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quan Trung, ở hồi thứ nhất thuật là “ Quan Vũ đánh một con đao năng tám chục cân, đặt tên là Thanh Long Yển Nguyệt Đao, sau lại gọi là Lãnh Diệm Cứ, còn Trương Phi thì đúc Bát Sà Mâu (thật ra là Trượng Bát Điểm Thương Mâu).
Người Tầu là một dân tộc đa tôn giáo. Đa thần. Họ thờ từ hòn đá, đến cây cối, động vật như con rùa, con ếch, con rắn và cả vật dụng nữa…Quan Công được họ tôn sùng thờ phụng, nên những vật dụng thiết thân của ông như con ngựa Xích Thố, và cây Thanhg Long Yển Nguyệt Đao, cũng được người Tầu thần hoá, và tôn thờ. Dẫu răng loại đao này xuất hiện sau đời Tam Quốc.
Có câu truyện thuộc loại truyền thuyết thuật về việc đúc cây Thanh Long Yên Nguyệt Đao như sau :
Quan Vũ muốn làm chi mình một con đao thật vùa ý, nên cho mời mây vị thuộc bậc thầy về nghề lò rèn để thảo luận. Các bậc sư phụ về nghề rèn đều đồng ý là dùng đao là oai hơn cả. Thời bấy giớ, đao có năm đẳng cấp gọi là :
1 -Thiết Đao 鐵 刀
2 -Cương Đao 鋼 刀
3 – Nhu Cương Đao 柔 鋼 刀
4 – Thanh Cương Đao 青 鋼 刀
5 – Bảo Đao 寶 刀.
Vì các đẳng cấp của đao khác nhau, nên phương pháp luyện các loại đao trên không giống nhau. Mao thiết 毛 鐵, tức sắt thô luyện lâu ngày thành cương 鋼, tức thép, thép luyện trong lửa lâu ngày thành nhận韌, tứcmột loại thép thuần tuý nhưng mềm và giai, sau đó lại luyện thêm nữa cho thép trở nên màu xanh, trở nên bảo đao. Nhưng người thường chỉ có thể luyện thành Cương Đao, hay Thuần Cương Dao. Còn loại Thanh Cương Đao và Bảo Đao thì rất khó luyện thành.
Một tay thợ rèn giỏi, một đời có thể luyện được mấy trăm cây đao, nhưng khó có thể đánh nổi một Thanh Cương Đao. Còn ý Quan Vũ thì nhất định phải có một con Bảo Đao, lại còn nói:
-Dù tốn kém bao nhiêu tiền tôi cũng trả, nhưng nhất định phải là loại Bảo Đao.
Vì thế, Quan Vũ ngày ngày cơm rượu hầu hạ mấy vị bậc thầy rành nghề thợ rèn, nên được vác vị này đem hết tinh thần, tâm sức ra để làm. Sau hơn một tháng, đúc được hơn một chục con Đại Đao, nhưng chẳng con nào vừa ý, ngay như thuộc loại Nhu Cương Đao, độ cứng cũng chưa đạt được. Do đó đành phải huỷ bỏ, đánh những con khác.
Lại sau hơn một tháng, thì luyện được một Thanh Cương Đạo. Nhưng nào ngờ, Quan Vũ vẫn chưa vừa ý, yêu cầu luỵện tiếp.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đều thưa với Quan Vũ :
-Thanh Cương Đao thuộc lại trân bảo hiếm có trên đời, có thể chém sắt thép dễ dàng. Chứ Bảo Đao thì chúng tôi chưa hề thấy ai luyện được. Còn luyện tiếp nữa, chẳng biết có thành công không.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đành phải tiép tục luyện tiếp theo ý của Quan Vũ. Thế rồi sau một tháng, một buổi sáng trăng, một thanh đại đạo vừa thành hình được rút từ lò luyện ra để tôi vào nước, bỗng thấy một tia hào quang bay vút lên không trung, chém trúng vào một con rồng xanh, máu tươi nhỏ xuống, rơi vào thân cây Đại Đao, khiến bật ra những thanh âm như tiếng sấm. Mọi người đều sợ hãi. Bỏ chạy tứ xứ.
Khi Quan Vũ nghe thấy vậy, ra xem, thì thấy cây Bảo Đao dựng ở mặt đất. Hào quang sáng lạn. Cây Bảo Đao này có hình cong bán nguyệt, lại dùng máu rồng xanh tôi luyện, nên được đặt tên là “Thanh Long Yển Nguyệt Đao”
Chẳng qua đây cũng như nhiều truỳên thuyết khác về các nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhằm mục đích tăng thêm cường độ thần hoá Quan Vũ mà thôi. Và cũng như Quan Vũ, đao cũng trở thành một thần vật và được đem thờ cùng với chủ nhân của nó.
Cân 斤
Tự điẻn tiếng Việt có giaỉ thich là “Cân là tên gọi thông thường của kilogram”, và chính người viết cũng có thói quen : “Bán cho tôi một cân thịt” với nghiã là một ki lô thịt. Nhưng chữ cân 斤có nguồn gốc là chữ Hán Việt, còn chữ kí lô có nguồn gốc của chữ Pháp là kilogramme, nghiã của hai chữ naỳ khác nhau.
1-Cân 斤theo giáp cốt văn là một chữ tượng hình, theo cổ thơì cân 斤 là một cái rìu có cán, đâù trên nhọn.
2-Cân 斤 còn là một đơn vị trọng lượng mà các nước Đông Nam Á sử dụng, ước lượng khoảng 605 khắc 克 một chút. (Khắc bằng một gramme)
Đến năm 1929, thì Trung Quốc qui định là một cân nặng bằng 500 khắc 克. Ngoài một cân còn bằng 16 lạng vì thế mơí có câu nói là “người tám lạng kẻ nưả cân”
Trần Thọ 陳 壽
Trần Thọ sinh năm 233 CN, sử gia và tản vân gia thời Tây Tấn, tự là Thừa Tộ, ngươpì An Hán (nay thuộc Nam Sung tỉnh Tứ Xuyên). Trần Thọ lúc nhỏ hiếu học, học trò của Tiêu Chú, làm Quan Các Lệnh Sử, nhân vì không chịu khuất phục theo hoạn quan Hoàng Hạo, nên nhiều lần bị khiển trách và cách chức. Sau khi nhà Nguỵ diệt nhà Thục, Trần Thọ theo về nhà Tấn, được Trương Hoa kính nể tiến cử, lần lượt đưuợc bổ nhậm làm Trứ Tác Lang, Trị Thư Thị Ngự Sử. Sau khi nhà Tấn diệt Ngô, Trần Thọ tập hợp các sử sách công và tư để viết “Tam Quốc Chí” được Trương Hoa khen là có chỡ hơn hẩn Tu Mã Thiên, cùng Ban Cố, và người đương thời xưng tụng là “Lương sử chi tài”. Còn Hạ Hầu Trạm viết “Ngụy Thư” khi đọc đến Tam Quốc Chí của Trần Thọ bèn huỷ bản cảo của mình đi. Ngoài ra, Trần Thọ còn soạn “Cổ Quốc Chí”, và “Ích Đô Kỳ Cựu Truyện”. Trần Thọ mất năm 297 CN
La Quán Trung 羅 貫 中
La Qúan Trung tên là Bổn, hiệu là Hồ Hải Tán Nhân, là Thông tục tiểu thuyết gia trứ danh thời Minh mạt, không rõ sống và chết năm nào. Ông sống ước chừng vào khỏang thời gian Nguyên Thuận Đế và Minh Thái Tổ. Ông là người Thái Nguyên ( nay thuộc thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây), nhưng lại có thuyết noiứ ông là người Tiền Đường (nay thuộc thành phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang).
La Qúan Trung là người quả giao, không hợp thế tục, chỉ có người bạn vong niên là Gỉa Trọng, tác giả “Lục Qủy Bạ Tục Biên”. Ông sống trong một thời đại động loạn, từng ôm chí phò tá đế vương để lập công nghiệp. Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” ông từng mỳ hoa Lưu Bị trở thành một vị minh chủ phong kiến, không làm những công việc hại người ích ta, và trong “Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội”, ca tụng Triệu Khuông Dẫn thành một vị hòang đế hết lòng lo nghĩ đến sự cùng khổ của người dân, điều đó cho thấy ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho gia rất nhiều.
Có thuyết cho rằng ông từng là môn khách của Trương Sĩ Thành, và là sư phụ của Thi Nại Am, cùng họat động sáng tác với Thi Nại Am.
Ngoài ba tác phẩm hý kịch “Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội”, “Tam Bình Chương Tử Khốc Phỉ Hổ Tử”, “Trung Chính Hiếu Tử Liên Hoàn Gían”, La Quán Trung còn là tác giả của năm cuốn thông tục tiểu thuyết là “Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa”, “Tùy Đường Chí Truyện”, “Tàn Đường Ngũ Đại Sử Diễn Nghĩa”, “Tam Toại Bình Yêy Truyện”, “Phấn Trang Lâu”, trong đó “Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa ” là thành công nhất, được xếp vào hàng « Đệ nhất tài tử thư » La Qúan Trung là một nhà viết tiểu thuyết thông tục kiệt xuất trên văn đàn Trung Hoa. Những sáng tác phổ biến kiến thức lịch sử Trung Quốc của ông có một tác dụng hết sức trọng đại.
Mao Tôn Cương 毛 宗 崗
Mao Tôn Cương sinh tốt bất tường, là nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối thời Minh mạt Thanh Sơn, tự là Tự Thuỷ, hiệu là Kiết Am, người Trường Châu (nay thuộc Tô Châu tỉnh Giang Tô). Cha ông là Mao Luân, một người đồng hương với Kim Thánh Thánh, cũng có đôi chút tiếng tăm về văn chương, nhưng đường thi cùng quẫn khó khăn nên không ra làm quan. Đến tuổi trung niên, nhãn lực bị kém, nên chỉ bàn về Tỳ Bà Ký và Tam Quốc Chí để làm vui.
Riêng về Mao Tôn Cương, cũng có đôi chút tiếng tăm về văn học, nhưng cũng chưa từng ra làm quan, và theo gót cha đem nguyên bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã của La Quán Trung tu đính, chỉnh đốn hồi mục, sửa laị văn từ, lọc bỏ những luận tán, gạn lọc những truyện vụn vặt, cải hoán những bài thơ, thành bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa một trăm hai chục hồi, hoàn thành vào đầu năm Khang Hy và lưu hành đến ngày nay, và thường được gọi là Mao Bản.
Mao bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã, cố nhiên là do công của cả hai cha con họ Mao, nhưng người đời thường phần nhiều chỉ nhắc đến Mao Tôn Cương. Và tất nhiên, trong quá trình tu cải, Mao Tôn Cương đã dựa vaò “Tư Trị Thông Giám”, để cao hơn nưã quan niệm phong kiến chính thống là “Tôn Lưu Biếm Tào”. Về thủ pháp phê bình và nghệ thuật, tuy phỏng hiệu và tôn thờ Kim Thánh Thán làm thầy, nhưng cũng có những sáng tạo độc đặc của riêng cá nhân ông.
Đối với giới phê bình văn học Trung Quốc, Mao Tôn Cương có nhiều cống hiến quan trọng và chiếm một địa vị trọng yếu.
Thập bát lộ chư hầu cát cứ chống Đổng Trác:
1-Thái Thú Viên Thuật chiếm cứ Nam Dương. 10-Thái Thú Khổng Dung chiếm Bắc Hải
2-Thứ Sử Hàn Phức chiếm cứ Ký Châu 11- Thái Thú Trương Siêu chiếm Quảng Lăng
3-Thứ Sử Khổng Trụ chiếm cứ Dự Châu 12-Thứ Sử Đaò Khiêm chiếm Từ Châu
4-Thứ Sử Lưu Đại chiếm cứ Duyện Châu 13-Thái Thú Mã Đằng chiếm Tây Lương
5-Thái Thú Vương Khuông chiếm cứ Hà Nội 14-Thái Thú Công Tôn Toản chiếm Bắc Bình
6-Thái Thú Trương Mạc chiếm Trần Lưu 15-Thái Thú Trương Dương chiếm Thượng Đảng
7-Thái Thú Kiêù Maọ chiếm Đông Quận 16-Thái Thú Tôn Kiên chiếm Trường Sa
8-Thái Thú Viên Di chiếm Sơn Dương 17-Thái Thú Viên Thiệu chiếm Bột Hải
9- Tướng quốc Bão Tín chiếm Tế Bắc 18-Tào Tháo (chưa có đất)
Từ khóa » điêu Thuyền Có Nghĩa Là Gì
-
Điêu Thuyền – Wikipedia Tiếng Việt
-
Điêu Thuyền Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Điêu Thuyền Là Gì? Chi Tiết Về Điêu Thuyền Mới Nhất 2021 | LADIGI
-
Điêu Thuyền Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Điêu Thuyền Nghĩa La Gì
-
Từ điển Tiếng Việt "điêu Thuyền" - Là Gì?
-
Từ Điển - Từ Điêu-thuyền Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Điêu Thuyền: Là Một Mỹ Nhân Xinh đẹp Xuất Hiện Trong Truyền Thuyết ...
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa » Điêu Thuyền Là Giai Nhân Không Có Thật? »
-
Cuộc đời Bi Ai Của đại Mỹ Nhân Điêu Thuyền - Báo Dân Trí
-
Truyền Thuyết Về Nàng Điêu Thuyền - Sách Hay - Zing
-
ĐIÊU THUYỀN CÓ CHỖ ĐỨNG TRONG PHIÊN BẢN MỚI?
-
Đặt Tên Cho Con Điêu Thuyền 85/100 điểm Cực Tốt