TỨ DIỆU ĐẾ - THU VIEN SACH | Phat Giao Khat Si - Phật Giáo Khất Sĩ

TỨ DIỆU ĐẾ

Trong kinh Tạp A-hàm (Samyatt-Nikaya), Đức Phật có dạy các đệ tử của Ngài: “Hỡi các Tỳ kheo, các thầy đừng để tâm trí vào những tư tưởng sau đây: Thế giới là hữu hạn; thế giới là vô cùng. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là, ta dạy các thầy về Sự Khổ, Nguyên Nhân Sự Khổ, và Con Đường Đi Đến Diệt Khổ. Những điều đó có ích, vì chắc chắn sẽ đưa các thầy đến cứu cánh của giác ngộ và giải thoát vậy”.

Trong kinh Tứ thập nhị chương, do hai ngài Ma Đằng Ca Diếp và Trúc Pháp Lan đời hậu Hán (Trung Quốc) dịch, phần Tổng khởi có ghi: “Thế Tôn thành đạo dĩ, tác thị tư duy, ly dục tịch tĩnh thị tối vi thắng, trụ đại thiền định, giáng chư ma đạo. Ư Lộc Uyển trung, chuyển Tứ đế pháp luân, độ Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân nhi chứng Đạo quả...”. Đoạn này có thể hiểu cách đơn giản là: Sau khi thành đạo, Đức Thích Ca khởi niệm suy nghĩ, xa lìa ái dục được tĩnh tại đệ nhất và đạt quả vị Chính đẳng Chính giác. Rồi Ngài an trụ trong thiền định hàng phục và chế ngự mọi ma lực. Sau đó, tại vườn Lộc Uyển, Thế Tôn đã lấy giáo lý Tứ đế để truyền giảng và độ nhóm ông Kiều Trần Như cùng năm người khác chứng Đạo quả. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Tứ Diệu đế trong kinh điển Phật giáo. Trong tư tưởng Phật giáo, Tứ đế hay Tứ Diệu đế là giáo lý cơ bản, lấy con người làm trung tâm và vì con người mà thực hiện. Đức Phật đã nhận thấy ở chúng sinh cái nhân thiện lành, đó là Phật tính, nếu biết tu tập đúng chính pháp đều có thể thành Phật (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính). Phật vì lòng đại từ bi muốn lợi lạc cho chúng sinh mà thuyết giảng giáo pháp của mình. Đây là giáo lý Đức Phật thuyết giảng trong thời kỳ đầu nên cũng gọi là giáo lý Nguyên thủy. Tứ đế hay Tứ Diệu đế là cách dịch của người Hán từ nguyên gốc Phạn ngữ là Catuariyasacca, cũng có cách gọi khác là Tứ Chân đế, Tứ Thánh đế. Tứ là số từ bốn; Diệu là tuyệt vời, khéo, hay, diệu dụng, mầu nhiệm; Đế là lời nói vững chãi, chắc thật, là chân ngôn, lời nói luôn đúng với chân lý. Tứ Diệu đế là bố điều chắc thật, diệu dụng không ai chối cãi được. Bốn đế lý ấy là:

1. Khổ đế (Dukkha Ariyasacca): nói về sự khổ ở đời. Khổ không chỉ có nghĩa là cảm giác đau đớn, khổ nhọc thân, tâm mà còn chỉ trạng thái cảm thấy không yên ổn, không thỏa mãn những mong muốn trong lòng. Tư tưởng Phật giáo cho rằng, con người sinh ra ở đời là khổ: “Đời là bể khổ”. Từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có lúc nào hết khổ. Vũ trụ tự nhiên thì luôn trong quá trình biến đổi Thành - Trụ - Hoại - Không. Về thân xác con người thì trải qua Sinh - Lão – Bệnh - Tử. Mà cả bốn quá trình ấy không khi nào xa lìa nỗi khổ: Sinh khổ (sinh ra là khổ), Lão khổ (quá trình già nua của thân thể là khổ), Bệnh khổ (có bệnh tật đau ốm là khổ), Tử khổ (chấm dứt sự sống là khổ). Rồi sống trong cuộc sống xã hội cũng luôn có nỗi khổ: Sở cầu bất đắc khổ (mong muốn mà không đạt được là khổ), Ái biệt ly khổ (yêu thương nhau mà phải xa lìa là khổ), Oán tăng hội khổ (ghét thù nhau mà phải sống gần nhau là khổ), Ngũ thụ uẩn khổ (năm giác quan tương tác với thế giới bên ngoài, thọ nhận tướng sắc của vật chất, bị hình tướng của vật chất che mất bản chất và mãi bị mê muội theo nó là khổ). Đó là tám nỗi khổ của con người mà Phật giáo gọi là Bát khổ. Theo quan niệm của Phật giáo thì những thứ khổ con người phải chịu là cái khổ trong tam giới và đều là nhân để đời sau phải chịu quả trầm luân vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì sinh tử thật là khổ, không ai không gặp, không ai chối bỏ được, nó như là cái hiển nhiên đối với con người, nên gọi là Khổ đế.

2. Tập đế (Samudayat Ariyasacca): nói về nguyên nhân sự khổ. Tập có nghĩa là nhóm họp, gộp lại. Nếu quá khứ hay hiện tại con người không biết được đời là khổ, không biết vạn vật hữu hình hay vô hình chỉ là giả tạm, luôn biến đổi; không biết những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sẽ gây ra nghiệp nên lần hồi cứ làm theo mãi, vì suy nghĩ và hành động xấu mà ngày càng huân tập, nhóm góp điều xấu, bị xô đẩy trôi lăn mãi trong sinh tử luân hồi, nên gọi là Tập. Đức Phật dạy rằng, vì vô mình che lấp nên con người không nhận ra thực tướng của vạn vật, rồi cứ tham đắm chạy theo cái hư ảo không vĩnh viễn đó nên tạo ra nghiệp. Đó là nguyên nhân của nỗi khổ. Trong đó, có ba thứ độc (tam độc): Tham (tham lam), Sân (giận, bực, nóng nảy), Si (ngu mờ, mê muội) là nguyên nhân chính nhất của nỗi khổ. Xét cho kỹ thì mọi việc làm thiện, ác (sẽ tạo ra các nghiệp) gắn liền với sinh tử trong tam giới mà con người không ai không vướng mắc, nên gọi là Tập đế.

3. Diệt đế (Nirodha Ariyasacca): nói về sự khổ bị tiêu diệt, được giải thoát. Diệt tức là tịch diệt hay Niết bàn. Nghĩa là nghiệp đã hết không còn khổ lụy sinh tử luân hồi nữa. Khổ là mầm gốc của phiền não. Mà phiền não được diệt nên những nghiệp quả trong tam giới cũng diệt. Nếu các nghiệp phiền não trong tam giới đã diệt thì liền chứng đắc được cảnh giới Niết bàn (Hữu dư Niết bàn). Khi xả báo huyễn thân (nghĩa là chết), thân tứ đại không còn (nhà Phật dùng từ tịch hoặc tịch diệt hay nhập Niết bàn) cái khổ của đời sau không còn tương tục nữa, khi ấy gọi là Vô dư Niết bàn. Cảnh giới Niết bàn thật vắng lặng, tĩnh tịch và an lạc, đoạn diệt hết thảy hoặc nghiệp luân hồi nên gọi là Diệt đế.

4. Đạo đế (Magga Ariyasacca): nói về phương pháp diệt trừ nguyên nhân sự khổ. Đạo là luân lý, là con đường đúng đắn, đạo còn có nghĩa là năng thông năng đạt, nó chính là những phương pháp, là con đường để cho chúng sinh theo đó mà tu tập để mong cầu vượt thoát khỏi trầm luân, khổ ải trong tam giới. Trong đó, Đức Phật chỉ ra tám con đường chính, bao gồm: thấy biết chân chính (chính kiến); suy nghĩ chân chính (chính tư duy); lời nói chân chính (chính ngữ); nghề nghiệp chân chính (chính nghiệp); đời sống chân chính (chính mệnh); siêng năng chân chính (chính tinh tiến); tưởng nhớ chân chính (chính niệm); định tâm chân chính (chính định). Tám con đường chân chính ấy, Phật giáo gọi là Bát Chính đạo. Đạo đế có Ba mươi bẩy Phẩm trợ đạo và Bát Chính đạo nương trợ, tương hỗ với nhau chắc chắn có thể đưa chúng sinh vượt qua khổ ải, chứng nhập cảnh giới Niết bàn không hư dối, nên gọi là Đạo đế. Phật giáo chủ trương vừa lấy trí tuệ diệt trừ vô minh, phá vòng luân hồi sinh tử, vừa thực hành tu tập diệt trừ tham dục để chuyển nghiệp đạt đến sự giải thoát. Tu hành để mong cầu giải thoát trong nhà Phật cũng có nhiều phương cách. Phật nói có tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất kỳ ai thấy khế hợp và phát nguyện tu tập theo một pháp môn nào thì đều có thể trở thành bậc giác ngộ giải thoát, vì Phật tính trong mọi chúng sinh là không khác nhau và mọi pháp môn đều đưa đến giác ngộ. Tuy nhiên, cho dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng lấy Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ) làm căn bản và cương yếu.

Kinh sách Phật giáo thường ghi, vì lòng bi mẫn với chúng sinh, vì lòng thương tưởng với đời mà Đức Phật thị hiện ra ở cõi đời này. Ngài có mặt ở đời vì một đại nhân duyên là cứu khổ độ sinh. Như vậy, với Tứ Diệu đế, Phật giáo đã giải quyết vấn đề con người một cách rốt ráo, và Tứ Diệu đế cũng là giáo lý căn bản mà bất kỳ một người xuất gia học Phật dù thuộc hệ phái nào đều phải biết tới và tu tập theo để mong cầu giải thoát, chứng ngộ Niết bàn./.

Từ khóa » Tứ Diệu đế Và 37 Phẩm Trợ đạo