Từ Khổ Hạnh Lâm đến Giác Thành

Đó là những lời tự thuật rất cảm động của chính Đức Phật nhiều năm sau khi Ngài thành đạo. Đọc những lời ấy, tôi không khỏi rúng động, cảm nhận ở Ngài một con người quá đỗi cao siêu song hết sức gần gũi. Sau này, khi có dịp đến Khổ Hạnh Lâm - nơi Bồ tát tu khổ hạnh, và Giác Thành - nơi Ngài thành đạo, một lần nữa, tôi lại bật khóc khi nghĩ về Ngài.

Từ Khổ Hạnh Lâm đến Giác Thành ảnh 1

Đại Tháp Bồ Đề Đạo tràng

Khổ Hạnh LâmKhổ Hạnh Lâm là tên của một khu rừng thuộc thị trấn Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa), bên dòng sông Naranjana (Ni Liên Thiền), tiểu bang Bihar ngày nay. Đây là nơi đánh dấu một chặng đường quan trọng của Bồ tát Siddhartha trước khi Ngài thành đạo.

Cảnh Núi Khổ Hạnh lâm

Khu núi Khổ Hạnh Lâm nơi Đức Phật 6 năm tu khổ hạnh

Tượng Đức Phật trong hang động ở khổ hạnh lâm

Khổ Hạnh Lâm, theo như cái nhìn ban đầu của Bồ tát, là “một vùng đất tươi đẹp với khu rừng khả ái và dòng sông trong vắt rất thích hợp để tắm mát và nghỉ ngơi, lại có làng xóm chung quanh để khất thực”. Tuy nhiên, sự khả ái kia hẳn không mấy chân thực. Bởi khi Bồ tát thâm nhập khu rừng và hành trì khổ hạnh, Ngài đã cảm nhận cả một nỗi u tịch đến rùng rợn. Ngài kể: “Ban đêm, khi Ta ở lại những nơi đáng khiếp đảm kia, chỉ một con vật đi ngang qua, hay một con công làm gãy cành cây hoặc gió thổi xào xạc giữa đám lá, Ta cũng đầy kinh hoàng hốt hoảng”. Vào thời Đức Phật, Khổ Hạnh Lâm khá rậm rạp, dân làng thường ngại lui tới, ngoại trừ những tu sĩ khổ hạnh chọn nơi này để nỗ lực hành trì và một số ít người dân mang thực phẩm cúng dường. Trải qua hơn 2.500 năm với biết bao dâu bể, những gì còn lại nhắc người ta nhớ về Khổ Hạnh Lâm chỉ là một dãy đồi trơ trọi cháy bỏng như lò than vào mùa Hè. Dãy đồi này cao khoảng 60m và dài chừng 5km. Đứng trên ngọn đồi, tôi có thể nhìn bao quát ngôi làng Bakraur, nơi xưa kia Bồ tát vẫn thường đến khất thực, và dòng Ni Liên Thiền đang vào mùa khô, cạn trơ bãi cát. Bóng dáng của những nhà tu khổ hạnh nay không còn, nhưng cảnh sống cơ cực của người dân Bakraur dường như không khá lên, hay thậm chí còn khốn khó hơn so với mấy nghìn năm về trước, khiến cho cái tên Khổ Hạnh Lâm như càng khắc sâu vào tâm khảm mọi người. Tại khu rừng này, Bồ tát đã trải qua nhiều giai đoạn tu tập với lối sống khổ hạnh tột đỉnh. “Vì Ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể Ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của Ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn Ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của Ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu Ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu Ta muốn sờ da bụng thì Ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu Ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì Ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu Ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay Ta”. Đức Phật đã mô tả về chính bản thân khi Ngài tu khổ hạnh trong kinh Trung Bộ một cách sống động như thế. Y cứ những lời kể của Ngài, ngày nay người ta đã tạc một pho tượng Bồ tát Khổ Hạnh để thờ tại hang đá Dungeswari trên đồi, nơi Bồ tát từng trú ngụ trong một thời gian dài. Tại thánh tích này, có lẽ do quá khô cằn, nên chỉ có duy nhất một ngôi chùa Tây Tạng với vài ba vị sư sớm hôm kinh kệ. Ngôi chùa dễ dàng được xác định từ xa bởi một lùm cây xanh mát hy hữu trên lưng chừng đồi. Hôm tôi đến, Khổ Hạnh Lâm đang vào dịp cuối hè, thế nhưng cái nóng vẫn hầm hập táp thẳng vào mặt. Những ngọn đồi khô khốc đá. Những người ăn xin ngửa tay trông chờ lòng tốt của khách hành hương. Và kia, một bé gái đang lùa bò lang thang giữa triền đồi vắng cỏ… Nhìn cảnh mà chợt nhớ quay quắt đến Người. Tiếc là mình sinh ra sau Phật quá lâu, đến nỗi Khổ Hạnh Lâm xưa kia um tùm là thế, mà nay chỉ còn lại những trơ trụi thế này. Giác ThànhCách thủ phủ Patna của bang Bihar 115km, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng hay Giác Thành) là một vùng đất màu mỡ với những cánh đồng xanh ngát được tưới tẩm bởi dòng Phalgu (dòng Ni Liên Thiền xưa kia). Đây là thánh địa lớn nhất của Phật tử trên khắp năm châu, mỗi năm có hàng trăm ngàn người đến đảnh lễ, chiêm bái.

Cây Bồ Đề và tòa Kim Cang nơi Đức Phật thành đạo

Chiếc lá Bồ đề

Tượng Đức Phật thờ trong Đại Tháp Bồ Đề Đạo tràng

Bodh Gaya linh thiêng bởi đã chứng kiến một sự kiện hy hữu bậc nhất trần đời: Bồ tát thành Phật. Vượt thoát lên hẳn so với những vị tu sĩ lừng danh thời bấy giờ, sau sáu năm chuyên ròng khổ hạnh, Bồ tát đã từ bỏ lối sống được xem là tôn quý nhất để theo con đường Trung đạo và trở thành Đấng Đại Giác Thế Tôn.Sau khi nhận bát cháo sữa (người Ấn gọi là kheer), một loại thức ăn sang quý của thôn nữ Sujata dâng cúng, Bồ tát cảm thấy tinh thần phấn chấn. Ngài vượt qua dòng Ni Liên Thiền, đến dưới cội bồ đề và lập thệ nguyện: “Nếu không chứng được đạo quả Vô thượng, thì dầu cho thân thể tan nát, Ta quyết không rời khỏi cội bồ đề này”. Sau 49 ngày đêm thiền định, Bồ tát chứng được Tam minh, tận trừ Tam lậu và biết rằng “Ta đã được giải thoát”. Ngài thốt lên: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, Ta không còn trở lại đời này nữa”. Hơn 2.500 năm sau, tiếng reo vang bày tỏ trạng thái hỷ lạc cao tột ấy của Ngài dường như vẫn còn vang vọng đâu đó trong từng chiếc lá của cội bồ đề linh thọ tại Giác Thành. Dưới cội bồ đề vẫn còn đó tòa Kim cang, đánh dấu chính xác nơi Bồ tát thành đạo. Ngôi tòa bằng đồng mạ vàng, dài 2,28m, rộng 1,5m, cao 0,9m; trên mặt và xung quanh tòa khắc rất nhiều hoa văn mỹ thuật. Ngay trước tòa Kim cang là ngôi đại tháp Bồ đề vuông vức mỗi bề 15m, nhọn dần lên đỉnh theo hình kim tự tháp, cao đến 51m. Mỗi ngày, từ tinh sương đến tối mịt, tại khuôn viên rộng lớn của ngôi đại tháp này luôn có hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và khách hành hương đến viếng. Những vị sư tìm một chỗ yên tịnh đâu đó để thiền định. Nhiều người trải chiếu tại một nơi xa xa, hướng về cội bồ đề và đại tháp lễ lạy. Những đoàn Phật tử nhiễu quanh đại tháp với lời tụng kinh bằng nhiều chất giọng âm vang. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của không biết bao nhiêu tín đồ đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…Tuy nhiên, đến Giác Thành, điều khiến tôi xúc động nhất chính là hình ảnh những Tăng Ni, Phật tử ngồi yên lặng dưới cội bồ đề. Họ thầm niệm danh hiệu Phật và chờ đợi một chiếc lá vàng rơi xuống, tranh nhau chiếm làm kỷ vật hay để tôn thờ. Cây bồ đề nhiều lá là thế, nhưng dường như nó cũng rất tiết kiệm, lâu lắm mới chịu rơi xuống một chiếc lá để người ta tranh giành. Dường như vẫn còn lắm tham lam trong lòng những người con Phật, nhưng cái tham lam ấy khác hẳn với những cái tham danh lợi thông thường. Cái tham ấy khiến cho tôi xúc động đến rơi nước mắt. Nhìn một anh thanh niên đến từ trời Tây hay một cụ già đến từ vùng núi tuyết xa xôi ngồi chờ cả ngày vẫn không nhặt được chiếc lá nào, mắt thành khẩn hướng lên từng cái lá và thầm đợi… gió, tôi nghe lòng mình trào dâng những đợt sóng mãnh liệt. Hơn hai nghìn năm rồi, cội bồ đề cũng đã trải qua mấy chu kỳ sinh diệt, nhưng hình bóng Đức Phật như vẫn còn đó, Ngài vẫn ngồi đó, mặc cho bao thăng trầm của cuộc thế. Người ta đến để khóc với Ngài, đến để hưởng một chút an vui từ Ngài, hay đơn thuần đến để xin một chút đất nơi Ngài thành đạo…, tất cả đều toát lên một cái tâm kính thành tha thiết.

Có một đều rất lạ, đó là trong khuôn viên đại tháp có khá nhiều cây bồ đề, nhưng không hiểu sao chỉ có những chiếc lá của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo là cứng cáp hơn hẳn. Đến nỗi, nếu như đã từng cầm trên tay một trong những chiếc lá ấy rồi, người ta có thể dễ dàng phân biệt với những chiếc lá khác trong khuôn viên đại tháp. Thật khó tin, nhưng đó là sự thật.

tn_adver_1206077917.gif

Tạm biệt Giác Thành. Chao, cái nơi xa xôi ấy, không hiểu sao bỗng trở nên gần gũi với tôi đến thế. Xin kính thành đảnh lễ Đức Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Như Lai; kính thành đảnh lễ tháp Đại Giác, cội bồ đề và tòa Kim cang bất diệt.

Từ khóa » Hình ảnh đức Phật Tu Khổ Hạnh