Từ Loại Là Gì? Ví Dụ Về Từ Loại - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Từ loại là gì?
  • Các từ loại thường gặp
  • Ví dụ về từ loại

Trong tiếng Việt, từ là bộ phận nhỏ nhất nhưng đặc biệt quan trọng trong câu. Đảm nhiệm các vai trò khác nhau, từ được chia thành các từ loại khác nhau và đứng ở các vị trí khác nhau. Hiểu rõ đặc điểm, cách dùng của các từ loại giúp cho người nói, người viết diễn đạt hiệu quả ý nghĩa của câu.

Để tìm hiểu kỹ hơn ý nghĩa của các từ loại, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết Từ loại là gì? của chúng tôi.

Từ loại là gì?

Trong ngữ pháp học, từ loại được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như lớp từ, lớp từ vựng,… Từ loại được hiểu là một lớp ngôn ngữ học được xác định bằng các hiện tượng cú pháp hoặc các hiện tượng hình thái học của mục từ vựng trong câu nói.

Thông thường, các ngôn ngữ được phân loại thành danh từ, động từ và các từ loại khác. Trong tiếng Việt, có các từ loại điển hình như: danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, lượng từ, phó từ, chỉ từ,…

Để hiểu rõ hơn từ loại là gì? trong Tiếng Việt, ta cần tìm hiểu về một số từ loại thường gặp.

Các từ loại thường gặp

– Danh từ: là loại từ chỉ người, các sự vật, hiện tượng, đơn vị, khái niệm,… thường được sử dụng để làm chủ ngữ trong câu.

Ví dụ:

+ Danh từ chỉ sự vật: bàn, ghế, bảng, phấn, máy tính,….

+ Danh từ chỉ người: Hồ Chí Minh, Trâm Anh,….

+ Danh từ chỉ hiện tượng: sấm, chớp, mưa, gió, bão, trời,…

– Động từ: là từ chỉ hành động, trạng thái của con người hoặc sự vật. Thường đóng vai trò vị ngữ trong câu, chẳng hạn như các từ: chạy, nhảy, múa, đi, đứng,…

Ví dụ: Lan Anh đang múa trên sân khấu.

Trong ví dụ này, từ “múa” là động từ trong câu, chỉ hành động của con người.

– Tính từ: là loại từ dùng để chỉ đặc điểm, những nét riêng, tính chất, trạng thái, màu sắc của sự vật và hiện tượng, chẳng hạn các từ: Xinh, xấu, đẹp, lớn, nhỏ,…

Ví dụ: Chiếc đèn học có màu hồng rất đẹp.

Trong câu trên, từ “hồng” và “đẹp” là tính từ, miêu tả màu sắc và vẻ đẹp của chiếc bàn học.

– Đại từ: là loại từ để chỉ vật, người, hiện tượng gồm các đại từ xưng hô, đại từ thay thế, đại từ chỉ lượng, đại từ nghi vấn.

Ví dụ:

1. Tôi là người đã chạy đến đích nhanh nhất.

2. Con mèo có lông màu trắng rất đẹp, thế nên tôi rất thích .

3. Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. (Ca dao)

4. Ai là người đã đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp trường?

Các từ in đậm ở trên là các đại từ, trong đó:

+ Tôi: là đại từ nhân xưng

+ Nó: là đại từ thay thế chỉ con mèo.

+ Bao nhiêu, bấy nhiêu: là đại từ chỉ lượng.

+ Ai: là đại từ nghi vấn.

– Số từ: là loại từ chỉ số lượng hoặc thứ tự.

Ví dụ:

1. Số từ chỉ số lượng: Ba cái bàn, hai chiếc bút,…

2. Số từ chỉ thứ tự: Ngày thứ nhất, Đời thứ hai,…

– Chỉ từ: là những từ để trỏ vào sự vật, hiện tượng để xác định vị trí của chúng trong không gian, thời gian, chẳng hạn các từ như: này, nọ, kia, đấy,…

Ví dụ: Tôi thích chiếc áo này hơn chiếc áo kia.

Từ “này” cho thấy chiếc áo đang ở gần người nói, ngược lại từ “kia” cho thấy vị trí chiếc áo đang ở xa người nói hơn.

– Quan hệ từ: là các từ, cặp từ nối các từ ngữ hoặc các câu lại với nhau. Từ đó, thể hiện mối quan hệ giữa các câu trong đoạn văn và các từ ngữ trong câu, chẳng hạn như: với, và, nhưng, như, bằng, mặc dù…nhưng, nếu…thì,…

Ví dụ:

1. Tôi cô ấy học cùng trường.

2. Nếu tôi chăm chỉ học tập thì mẹ sẽ thưởng cho tôi một chuyến du lịch.

– Trạng từ: là từ được dùng sau tính từ, động từ để bổ nghĩa cho danh từ, động từ đó cung cấp thông tin về không gian, thời gian hoặc địa điểm.

Ví dụ:

1. Ngày mai, chúng tôi sẽ đi du lịch Phú Quốc.

2. Tôi thường xuyên đi dạo quanh Hồ Tây.

3. Lạng Sơn là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Các từ in đậm ở trên là các trạng từ, trong đó:

+ Ngày mai: là trạng từ chỉ thời gian;

+ Thường xuyên: là trạng từ chỉ tần suất;

+ Nơi: là trạng từ liên hệ.

– Thán từ: là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường đứng ở đầu câu, có khi nó được tách ra thành một câu đặc biệt. Thán từ bao gồm hai loại là thán từ bộc lộ tình cảm, cảm xúc và thán từ gọi đáp.

Ví dụ:

1. Ôi! Ngôi nhà thật đẹp.

2. Chị: Trang ơi! Ra giúp chị một tay.

Em: Vâng ạ!

Ta thấy, các từ loại trong tiếng Việt vô cùng đa dạng và phong phú. Để nắm vững từ loại là gì? ta sẽ phân tích các từ loại trong một số đoạn văn ở phần tiếp theo.

Ví dụ về từ loại

Nhận biết các từ loại trong đoạn văn sau:

“ Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.”

(Trích truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao)

Trong đoạn văn trên, có các từ loại điển hình sau:

– Đại từ: ta, họ, tôi, thị, người ta.

– Động từ: Tìm, hiểu, nghĩ, thương, đau chân.

– Tính từ: Gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi, ác.

– Danh từ: chân, vợ.

– Thán từ: Chao ôi,

– Quan hệ từ: Với, ở, nhưng, nếu…thì.

Qua những thông tin chúng tôi cung cấp ở trên, quý bạn đọc đã hiểu được Từ loại là gì?  Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông, do đó đòi hỏi cần nắm vững các nội dung kiến thức trên nhằm vận dụng một cách tốt nhất để đạt kết quả cao.

Từ khóa » Có Các Từ Loại Nào