Từ Loại Trong Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
(tiếng việt tực dụng)
hồng huy
Người Việt chúng ta biết đến từ loại (parts of speech; parties du discours) từ khi bắt đầu tiếp xúc với ngữ pháp Tây phương, cụ thể là ngữ pháp của tiếng Pháp. Trước đó, chúng ta chỉ chia các từ trong ngôn ngữ thành hai nhóm, thực từ và hư từ. Theo cách phân biệt xưa, những từ có ý nghĩa từ vựng là thực từ; những từ có ý nghĩa ngữ pháp là hư từ. Ngày xưa, "từ" được gọi là "tự", cho nên "thực tự" (chữ nặng) chính là "thực từ", và "hư tự" (chữ nhẹ) chính là "hư từ" nói đây. Nói một cách dễ hiểu, những từ ngày nay được coi là danh từ, động từ và tính từ (sách Tàu gọi là hình dung từ), thì ngày xưa được coi là thực từ. Những từ khác đều được coi là hư từ. Tuy nhiên, vì lúc bấy giờ, người Trung-Quốc cũng như người Việt chúng ta chưa mấy chú trọng vào ngôn ngữ học, vào ngữ pháp, vào vấn đề từ loại, nên sự phân biệt "thực từ" và "hư từ" chỉ được đặt nặng trong khi dạy và học lối văn biền ngẫu (có đối).
Trong khi nghiên cứu những tác phẩm cổ văn, tôi nhận ra một điều đáng ngạc nhiên. Tuy các từ trong ngôn ngữ chỉ được phân biệt thành hai nhóm, nhưng những câu đối, những vế đối thường rất chỉnh về từ loại, không phải chỉ chỉnh trong giới hạn thực từ và hư từ, mà còn chỉnh cả với cách phân biệt từ loại ngày nay: Danh từ đối với danh từ; tính từ đối với tính từ, v.v... Xin dẫn một ít thí dụ.
Hai cặp có đối trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh-Quan:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú;
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con quốc-quốc;
Thương nhà, mỏi miệng cái gia-gia.
Lom khom và lác đác đều là tính từ; dưới và bên đều là giới từ vị trí; núi vàsông đều là danh từ; tiều và chợ đều là danh từ; vài và mấy đều là số từ bất định; chú và nhà đều là danh dừ.
Nhớ và thương đều là động từ; nước và nhà đều là danh từ; đau và mỏi đều là tính từ; lòng và miệng đều là danh từ; con và cái đều là loại từ (article); quốc-quốc và gia-gia đều là danh từ.
Xét chung, trong thơ của Bà Huyện Thanh-Quan, những cặp có đối đều rất chỉnh, chỉnh cả về từ loại hiểu theo ngữ pháp hiện đại.
Hai cặp có đối trong bài Thuật Hoài của Đặng Dung:
Thời lai, đồ điếu thành công dị;
Vận khứ, anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa, hữu hoài phù địa trục;
Tẩy binh, vô lộ vãn thiên hà.
Thời và vận đều là danh từ; lai và khứ đều là động từ; đồ điếu và anh hùng đều là danh từ; thành và ẩm đều là động từ; công và hận đều là danh từ (phân tích cách khác: thành công và ẩm hận đều là động từ); dị và đa đều là tính từ (có người cho đây là trạng từ, adverbe).
Trí và tẩy đều là động từ; chúa và binh đều là danh từ; hữu và vô đều là động từ; hoài và lộ đều là danh từ; phù và vãn đều là động từ; địa trục và thiên hà đều là danh từ.
Tóm lại, tuy ngày xưa các từ chỉ được phân loại tổng quát thành thực từ và hư từ, nhưng trong thực tế hành văn, cách phân loại còn kỹ hơn nhiều.
Còn ngày nay, vấn đề phân biệt từ loại trong tiếng Việt đã ổn định chưa? Xin trả lời là chưa. Lý do là vì chúng ta chưa có một cuốn ngữ pháp hoàn chỉnh được mọi người chấp nhận. Thực trạng hiện nay liên hệ đến việc phân biệt từ loại còn những trở ngại này:
-Việc phân biệt từ loại chưa được đánh giá đúng mức.
-Việc qui loại không dễ dàng.
-Chưa có sự thống nhất trong việc gọi tên các từ loại.
Sau đây, chúng ta sẽ đi vào từng trở ngại, cố gắng tìm hiểu, phân tích, với hi vọng giải quyết được đôi phần.
Trước khi đề cập đến vấn đề từ loại, chúng ta hãy bàn qua về vấn đề ngữ pháp, vì phân biệt từ loại là một phần của cú pháp, mà cú pháp là một phần của ngữ pháp.
Nói chung, bất cứ người nào đã trưởng thành, đã bắt đầu sử dụng tiếng mẹ đẻ từ ngày thơ ấu, đều có thể tự nhiên nói được tiếng mẹ đẻ. Không có chuyện phải học ngữ pháp rồi mới nói được tiếng mẹ đẻ. Một đứa trẻ sinh ra, tới tuổi, nó tập nói tiếng mẹ đẻ với cha mẹ và người thân trong gia đình. Lớn hơn chút nữa, nó tập nói với bạn chơi, bạn học. Độ mười tuổi, tự nhiên nó nói được những câu, tuy không văn chương sâu sắc gì, nhưng rất đúng cách. Một đứa trẻ 3 tuổi gọi mẹ: Mẹ ơi, con đói bụng. Mẹ nó hiểu, và cho nó ăn. Nhưng nếu nó xếp lộn bậy 5 chữ đó theo kiểu tự phát: Ơi bụng con đói mẹ, thì có thể mẹ nó sẽ ngẩn ngơ không hiểu. Một đứa trẻ lớn hơn nói với bạn: Tao không thích đá banh. Bạn nó hiểu và bỏ đi rủ đứa khác. Nhưng nếu nó nói không đúng cách: Banh đá không thích tao, thì bạn nó chắc phải hỏi lại. Sự nói đúng cách này chính là cái nền của ngữ pháp. Ngữ pháp đây là ngữ pháp thực dụng, ngữ pháp cha truyền con nối của một thứ tiếng, không cần ghi ra giấy mực, chỉ cần thực tập. Một đứa trẻ người Việt tập nói tiếng Việt, chính là đang học ngữ pháp tiếng Việt. Người tập cho nó nói, chính là đang dạy ngữ pháp cho nó.
Cao hơn một bực, người lớn trong gia đình, ngoài xã hội, nói chuyện với nhau, đều dễ dàng hiểu nhau qua tiếng mẹ đẻ. Kết quả này là do ai nấy đều sử dụng ngôn ngữ theo cùng một cách. Cách sử dụng thống nhất này được học, được tập ngay từ khi mới tập nói.
Cao thêm một bực nữa, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, viết bằng tiếng mẹ đẻ (tôi muốn nói tiếng Việt), có người cả đời không biết đến một cuốn sách ngữ pháp (tiếng Việt), có học ngữ pháp chăng thì cũng là ngữ pháp của tiếng nước ngoài (Pháp hoặc Anh), nhưng những bài văn , bài thơ, bài phóng sự của họ viết đều có thể rất hay và dễ hiểu đối với mọi người đồng ngữ. Như vậy, thiết tưởng đâu có cần đến ngữ pháp làm gì? Cứ quan niệm việc nói tiếng mẹ đẻ giống như việc ăn, ngủ, hô hấp và bài tiết. Ai cũng làm được, không cần phải học tập. Rất đúng! Nhưng nếu chúng ta nghĩ lại, những nhu cầu tự nhiên của con người, tuy ai cũng biết làm, nhưng tựu trung vẫn có những cách làm hay hơn, hợp lý hơn. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng vậy. Ai cũng sử dụng được, nhưng tựu trung vẫn có một cách sử dụng hợp lý và hay hơn. Chúng ta cần đến ngữ pháp là vì thế, chỉ vì thế.
Nói cách khác, chúng ta bàn đến vấn đề ngữ pháp, là vì tiếng Việt, chớ không phải vì bản thân từng người chúng ta. Chúng ta dạy con cháu chúng ta nói tiếng Việt, chúng ta nói và viết tiếng Việt được rồi , thành thạo rồi, nhưng vì yêu quí tiếng mẹ đẻ, chúng ta muốn ngôn ngữ của chúng ta đạt đến trình độ tinh luyện, không thua kém những thứ tiếng tinh luyện nhất của nhân loại. Tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ đã được coi là tinh luyện, đã có ngữ pháp ổn định, nhưng những nhà nghiên cứu hai thứ tiếng này hiện vẫn còn bàn cãi về nhiều vấn đề liên hệ.
Tiếng Việt của chúng ta đã được các nhà nghiên cứu quốc tế xếp vào danh sách 42 thứ tiếng mệnh danh là "ngôn ngữ văn minh" (langues de civilisation), hoặc "ngôn ngữ văn hóa" (langues culturelles), trong khoảng 3000 ngôn ngữ của nhân loại. Chúng ta có thể tự hào, nhưng không thể tự mãn. Phải nhân đó tiến lên. Chúng ta hoài bão một ngày nào đó tiếng Việt sẽ được dạy tại hầu hết các trường đại học trên thế giới; một ngày nào đó tác phẩm viết bằng tiếng Việt sẽ được trực tiếp dự tranh giải Nobel Văn-Học, không cần qua bản dịch. Cái đích chắc không gần, nhưng chúng ta không đi thì chẳng bao giờ tới.
Vậy, chúng ta cần một cuốn ngữ pháp tiếng Việt? Phải, chúng ta rất cần. Hiện nay, trong nước cũng như ở hải ngoại, sách ngữ pháp tiếng Việt cũng đã có nhiều. Nhưng một cuốn ngữ pháp thích dụng cho mọi người, thì chưa có. Phần nhiều những người soạn sách đều nặng về lý thuyết, nặng về giáo khoa, tác phẩm có khi là một giáo trình dài hạn, cho nên không thể phổ cập đối với quần chúng độc giả. Chúng ta phải nhận ra chúng ta đang cần cái gì, và chưa cần cái gì. Tiếng Anh và tiếng Pháp, và một số ngôn ngữ Ần-Ấu (Indo-European) khác, đã có những bộ sách về ngôn ngữ học, về ngữ pháp, rất đồ sộ. Chúng ta đi sau, thiết tưởng không cần tranh đua với họ về những gì nặng lý thuyết hình thức. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến những gì thiết thực. Khi nào trong sách báo của chúng ta không còn lỗi chính tả, không còn lỗi dùng chữ, không còn lỗi đặt câu, không còn lỗi chấm câu, chúng ta mới nên nghĩ đến việc bàn cãi thật sát sao về nguồn gốc tiếng Việt, về những vấn đề chuyên môn của ngôn ngữ học như phân vị, hình vị, âm vị, âm tiết, về ngữ pháp học đối chiếu... Những thứ ấy, chúng ta chưa cần đến bây giờ.
Nhưng việc phân biệt từ loại là bước đầu của ngữ pháp, nên chúng ta đưa ra bàn ở đây.
Đây là một vấn đề xem qua như dễ, nhưng đi sâu vào lại thấy rất phức tạp. Xin nêu thí dụ cụ thể để nhận xét. Chúng ta thử phân tích từ loại câu này:
Người cha lặng lẽ ngồi đọc báo trong phòng khách, còn mấy đứa con thì nô đùa ầm ĩ ngoài sân.
Bạn thấy có gì khó không? Riêng tôi, tôi thấy không dễ có một cách phân tích được mọi người đồng ý.
Tôi đã từng gặp những người, mỗi khi cần phân tích từ loại một câu tiếng Việt đại để như trên, thường dịch ngược ra tiếng Pháp, rồi dựa theo những từ tiếng Pháp mà qui loại cho những từ tiếng Việt. Họ có căn bản Pháp văn, đã quen với môn "analyse grammaticale" của tiếng Pháp. Nhưng làm như họ, có lẽ chỉ có kết quả tốt khi gặp được một câu tiếng Việt gồm toàn những từ đồng từ loại một cách rõ ràng với những từ tiếng Pháp. Họ có thể đối chiếu để qui loại, và tên từ loại cũng dịch từ tên từ loại tiếng Pháp. Và cách phân loại của họ có thể chấp nhận được, vì dễ hiểu, vả lại cũng có lý.
Nhưng với câu nêu trên, nếu dịch "người cha" ra "le père", rồi qui chữ "nguời" vào "loại từ" (article) thì có ổn không? Nếu dịch chữ "còn" ra "tandis que" (locution conjonctive), hoặc ra "et" (conjonction), rồi qui chữ này vào "liên từ"; hoặc dịch ra "quant à" (locution prépositive), rồi gọi nó là "giới từ" sao? Như vậy, thứ ngữ pháp này đâu còn là ngữ pháp tiếng Việt nữa?
Còn chữ "thì" thuộc từ loại gì vậy? Hình như bên tiếng Pháp, không có một từ nào đồng loại với nó . Vậy, phải "làm ngơ" nó đi, hay sao?
Và "đứa" có phải là danh từ không? Hay "đứa con" là danh từ hai chữ (ghép)?
Và một vấn đề dễ hơn, nhưng không chắc ai cũng nghĩ giống nhau: "lặng lẽ" và "ầm ĩ" thuộc từ loại gì? Nếu luận nghĩa theo ngữ pháp tiếng Pháp, "lặng lẽ" tức là "một cách lặng lẽ", và "ầm ĩ" tức là "một cách ầm ĩ", thì dễ dàng qui loại cả hai vào "trạng từ" (adverbe). Nhưng hiện nay, có nhiều nhà ngữ pháp vẫn coi chúng là "tính từ" làm chức năng "trạng ngữ".
Thật không đơn giản chút nào!
Nhưng tới đây, dù chúng ta chưa thể đồng ý với nhau về từ loại của tất cả mọi từ, điều này đòi hỏi thời gian thảo luận, nhưng ít nhất, chúng ta cũng có thể đồng ý với nhau một điểm: Ngữ pháp của tiếng Việt phải là ngữ pháp của tiếng Việt, không qui chiếu, không mô phỏng một ngữ pháp nào khác. Chúng ta học hỏi tinh thần phân tích khoa học của những nhà ngôn ngữ và ngữ pháp quốc tế, nhưng không thể rập khuôn theo công trình của họ. Nói chung, tiếng của họ không phải là tiếng Việt. Nói riêng, về mặt từ loại, tiếng Việt có những đặc điểm mà những thứ tiếng Ấn-Âu không có.
Xin bắt đầu từ chỗ có thể nhiều người nghĩ là nên bắt đầu: Tiếng Việt có bao nhiêu từ loại?
Với ngữ pháp lý thuyết, chúng ta có thể nêu ngay một con số, là 9, là 10, là 11 chẳng hạn, đặt tên cho thỏa đáng, rồi đưa ra thí dụ thích hợp (chỉ chọn thí dụ thích hợp thôi) để phân tích qui loại. Nhưng mục đích của chúng ta ở đây không phải là lý thuyết, mà là thực dụng. Vậy chúng ta hãy dùng thí dụ cụ thể để nhận ra những nét đặc thù của vấn đề từ loại của tiếng Việt. Những khó khăn này thanh giải được rồi, chúng ta sẽ đi vào hệ thống. Lúc đó, ai chưa quen với việc phân tích từ loại cũng có thể dựa vào ý kiến chung, mà nhận ra những từ nào là danh từ, những từ nào là động từ, những từ nào là tính từ... Để từ đó tiến lên chỗ nhận ra từ loại của những từ đặc biệt chỉ có trong tiếng Việt.
Không nhiều thì ít, trong đầu óc những ai đã quá quen với cách đặt câu của tiếng Pháp, tiếng Anh, thường có cái ý căn bản này: Một câu đủ ý luôn luôn phải có một động từ có ngôi ( verbe conjugué). Cái ý này đã làm khó không ít cho việc nhận định từ loại ở một số trường hợp trong tiếng Việt. Thí dụ:
-Cô ấy có đẹp không?
Chữ nào là động từ? "Có" là động từ, được chăng?
-Cô ấy đẹp lắm.
Chữ nào là động từ? "Đẹp" phải không?
Với câu hỏi, vì chữ "có" đồng dạng đồng âm với động từ "có" (avoir), có người đã miễn cưỡng hiểu "có đẹp không" là "có nhan sắc không", để qui loại "có" ở đây vào động từ. Cũng giống như câu "Cô ấy có tiền không" vậy.
Nhưng với câu trả lời, khó lòng qui loại "đẹp" là động từ, họ liền cho rằng tiếng Việt có khi không theo qui cách.
Thật ra, tiếng Việt luôn luôn có qui cách, dù linh động cũng là linh động trong qui cách. Nói thuận theo cách nói thành thạo và thông dụng, là nói theo qui cách. Qui cách được hình thành do thói quen sử dụng lâu ngày (thời gian) của đa số người Việt (không gian). Qui cách này không cần phải giống qui cách của một thứ ngoại ngữ nào khác. Chúng ta nói "tôi ăn bánh", và nếu cần dựa một chút vào ngữ pháp tiếng Pháp để phân tích từ loại câu ấy, thì chỉ nghĩ "tôi" cũng giống như "je" là đại từ nhân xưng, "ăn" cũng giống như "mange" là động từ, và "bánh" cũng giống như "pain" là danh từ. Tuy là bước đầu, nhưng đối chiếu như thế là đủ. Xin đừng dịch câu ấy ra tiếng Pháp (Je mange du pain), rồi thắc mắc tại sao trong câu tiếng Pháp, trước chữ "pain" có chữ "du", mà trong câu tiếng Việt, trước chữ "bánh" không có gì cả, để rồi nghĩ là tiếng Pháp tinh vi hơn tiếng Việt. Có thể có những trường hợp tiếng Việt không tinh vi bằng tiếng Pháp, nhưng ở đây, tiếng Việt không có chút gì kém thua.
Cái thí dụ đơn giản vừa nêu nhắm mục đích nói lên điều này: Chúng ta đi sau các nhà nghiên cứu Tây-phương trong các lãnh vực ngôn ngữ học, ngữ pháp học, từ loại học, nên chúng ta phải biết lợi dụng những thành công của họ, kể cả những công trình nghiên cứu của họ về tiếng Việt, nhưng chúng ta chỉ đối chiếu chớ không rập khuôn.
Nói riêng về việc phân tích từ loại, tiếng Việt có thể có số từ loại không tương đương với số từ loại bên tiếng Pháp và tiếng Anh. Theo ngữ pháp hiện đại, từ của tiếng Pháp và tiếng Anh được chia thành 9 từ loại chính: Danh từ (nom, noun), đại từ (pronom, pronoun), động từ (verbe, verb), tính từ (adjectif, adjective), trạng từ (adverbe, adverb), giới trừ (préposition, preposition), liên từ (conjonction, conjunction), mạo từ (article), thán từ (interjection). Nhưng với tiếng Việt, nếu chỉ chia thành 9 loại thì không đủ minh bạch, có thể còn một số từ không biết qui vào loại nào cho phải. Xin nêu thí dụ:
-Sao con không dẫn em đi học mà để nó đi một mình cho nó lạc đường như thế ? Chắc mày mê đá banh chớ gì?
Một bà mẹ trách đứa con lớn ham chơi để em nhỏ đi học lạc đường, tất nói như vậy. Nếu bây giờ, chúng ta dịch ngược hai câu này ra tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, rồi phân tích từ loại thì sẽ không có từ nào không qui loại được. Nhưng bên tiếng Việt, sự qui loại sẽ không dễ dàng với những từ: "sao", "không", "mà", "cho", "như thế", "chắc", "chớ gì". Ngoài ra, những cặp "đi học", "lạc đường", "đá banh", cũng không dễ phân tích. "Đi học" là động từ ghép (hai chữ) hay là hai động từ đơn đi với nhau? "Lạc đường" là động từ hai chữ, hay "lạc" là động từ còn đường là danh từ? "Đá" là động từ, "banh" là danh từ, hay phải để chung, làm động từ ghép, làm danh từ kép (như "bóng đá")?
Thật không ít rắc rối! Vì sự rắc rối này, mà các từ điển tiếng Việt ngày trước đều không chỉ định từ loại sau các mục từ. Những từ điển ra đời gần đây có ghi từ loại, thì không được các nhà ngữ pháp cho là chính xác.
Nhưng chúng ta vạch ra khó khăn chỉ là để thấy trước, không phải để nói là không làm được. Riêng về mặt từ loại, tiếng Việt có phần phức tạp hơn tiếng Pháp, tiếng Anh thật đấy, nhưng chúng ta quyết không chịu thua. Sự bất đồng ý giữa chúng ta ở buổi đầu, cũng là một khó khăn. Nhưng chúng ta có một điểm mạnh chung: Chúng ta cùng yêu quí tiếng Việt, chúng ta quyết tâm làm cho tiếng Việt trở nên tinh luyện. Mọi khó khăn trở ngại đều có thể vượt qua. Chúng ta sẽ phân biệt minh bạch được mọi từ của tiếng Việt, từ đó tiến tới một cuốn ngữ pháp hoàn chỉnh.
Ở trên, chúng ta nêu sự phức tạp khó phân định từ loại của tiếng Việt, chẳng khác nào chưa chi đã nêu cái khó, có thể gây chán nản. Sau đây, chúng ta hãy nêu cái "hay" của tiếng Việt về mặt từ loại, để có một chút phấn khởi ban đầu. Tôi muốn nói về sự chuyển loại của từ tiếng Việt.
Có lẽ trong mọi ngôn ngữ đã phát triển đến trình độ cao, các từ đều có thể chuyển loại. Chẳng hạn nguyên là danh từ chuyển dụng làm động từ; nguyên là tính từ chuyển dụng làm danh từ... Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ Hán, hiện tượng này rất phổ biến:
"Eat" (động từ) là ăn, chuyển dụng thành "eats" (danh từ) là thức ăn; "drink" (động từ) là uống, chuyển dụng thành "drink" (danh từ) là thức uống, là rượu và nhiều nghĩa khác liên hệ đến rượu; "good" (tính từ) nghĩa là tốt, chuyển dụng thành "good" (danh từ) nghĩa là điều thiện, người tốt, v.v...
"Manger" (động từ) là ăn, chuyển dụng thành "manger" (danh từ) là đồ ăn, sự ăn; "boire" (động từ) là uống, chuyển dụng thành "boire" (danh từ) là đồ uống, sự uống; "beau, belle" (tính từ) là đẹp, chuyển dụng thành "beau, belle" (danh từ) có nghĩa điều thiện, vẻ đẹp, người đẹp, v.v...
"Thực" (động từ) là ăn, chuyển dụng ra "thực" (danh từ) là đồ ăn, miếng ăn; "ẩm" (động từ) là uống, chuyển dụng ra "ẩm" (danh từ) là thức uống, sự uống; "mỹ" (tính từ) nghĩa là tốt đẹp, chuyển dụng như danh từ, có nghĩa là cái đẹp (chân thiện mỹ), v.v...
Tiếng Việt không biến dạng, một khi đã phát triển đến trình độ cao với từ vựng rộng rãi đủ dùng như ngày nay, những trường hợp chuyển dụng tương tự như trên lại càng nhiều:
-"Ăn" là động từ có nghĩa là nhai nuốt vào bụng một thức gì để nuôi sống, hoặc thưởng thức vị ngon... (thức đó phải là chất cứng, chất đặc; nếu là chất lỏng, thì phải gọi là uống). Từ nghĩa động từ này, "ăn" được chuyển dụng sang danh từ với nghĩa "thứ để nuôi sống, thứ để đỡ đói": -Anh ta làm việc suốt ngày cũng không kiếm đủ cái ăn cho vợ con. Từ "ăn" trong câu này không còn là động từ nữa. Chuyển dụng sang tính từ, "ăn" sẽ có nghĩa là thích hợp: -Thảm màu nâu rất ăn với vách màu vàng. Ở đây, "ăn" không còn là động từ, hoặc danh từ nữa.
-"Đi" là động từ có nghĩa là di chuyển. Trong những nhóm từ "đi đường", "đi phố", "đi khách" (nói về gái giang hồ), "đi xe đạp", "đi giày da", "đi bước nữa", v.v... "đi" cũng vẫn là động từ, với nghĩa liên hệ đến di chuyển.
Nhưng trong những câu sau đây, "đi" không thể là động từ, mặc dù nghĩa vẫn còn dính líu ít nhiều với nghĩa gốc là di chuyển:
-Làm nhanh đi, trời sắp tối rồi kìa!.
-Tôi đưa cho anh hai trăm này nữa là đi một ngàn chẵn.
-Mày là anh, sao lại đi tranh giành với nó? Có nghèo đi nữa, chúng ta cũng phải sống cho có nghĩa khí.
Vậy, những chữ "đi" này thuộc từ loại gì? Chúng ta sẽ cố gắng qui loại cho được. Gọi chung là trợ từ thì dễ, nhưng sẽ gặp những trường hợp không ổn.
Tính cách không biến dạng của từ tiếng Việt, một phần đã làm dễ dàng sự chuyển dụng. Nhưng đồng thời, tính cách này cũng gây khó khăn cho sự nhận định để qui loại. Xin nêu thí dụ:
Từ loại gốc của "vui" (hoặc vui vẻ) là tính từ: Hôm ấy, chúng tôi tổ chức một cuộc cắm trại thật vui.
"Vui" có thể dùng làm danh từ: Cái vui qua đi rất nhanh, và cái buồn lại đến.
Nhưng trong câu sau đây, "vui" có phải là động từ hay không: Trong cảnh sống nghèo khổ, ông ta cũng cố vui nhưng không vui được.
Cũng với ý đó, nếu chúng ta thêm chữ "sống" vào trước hoặc sau chữ "vui", thì vấn đề sẽ trở nên dễ dàng: ... cố vui sống ... cố sống vui. "Sống" nhận lãnh vai trò động từ, "vui" đóng vai bổ trợ, vẫn giữ từ loại gốc là tính từ.
Phải chi, tiếng Việt cũng có thể biến dạng như tiếng Pháp, thì chuyện phân vân không xảy ra. Với dạng gốc, "vui" là adjectif; muốn dùng làm nom thì thêm "esse" phía sau thành "vuiesse"; biến dạng thành "vuier" thì là verbe; biến dạng thành "vuiement" thì là adverbe... Thật là rõ ràng! (Xin mạn phép nói đùa một chút, cho bài bớt khô khan).
Sự chuyển dụng từ loại làm cho số từ tăng lên, ngôn ngữ càng ngày càng phong phú, nhưng nếu chuyển dụng phóng túng, thì lời nói sẽ trở thành không nghiêm chỉnh. Chẳng hạn:
"Xã giao", "ngoại giao" vốn là danh từ; "xã giao" chỉ sự giao tiếp trong xã hội; "ngoại giao" chỉ sự giao thiệp của một nước với nước khác (cũng có thể dùng rộng cho trường hợp cá nhân): -Phép xã giao; -Cuốn sách này bàn về xã giao. -Bộ ngoại giao; -Ông ta có tài ngoại giao.
Nhưng cũng có người dùng hai từ ghép ấy theo kiểu sau đây:
-Bà ấy rất xã giao (ý nói giao thiệp rộng, hoặc lịch thiệp, hoặc khéo ăn nói). Ở đây, "xã giao" có phải là tính từ không?
-Công việc gặp khó khăn, ông ta phải đi ngoại giao (ý nói phải đi gặp nhiều người để nói khéo với họ). Ở đây, "ngoại giao" thuộc từ loại gì? Động từ chăng? Nếu nói "phải đi làm công việc ngoại giao" thì "ngoại giao" rõ ràng là danh từ. Nhưng trong câu thí dụ, từ loại của nó không rõ. Nếu chấp nhận cách nói, đành phải qui loại nó vào động từ.
Xin dẫn dụng một từ ghép khác, "văn chương". Từ loại gốc của "văn chương" là danh từ: -Cuốn sách ấy xứng đáng được gọi là một tác phẩm văn chương. Trong câu sau đây, "văn chương" là tính từ: -Cô ta đọc tiểu thuyết quá nhiều, lời nói lúc nào cũng văn chương (ý nói văn hoa). Nhưng nếu nói: -Thôi đừng văn chương nữa, nói cụ thể là mày muốn gì đi ! Về nghĩa thì rõ ràng là người nói có ý chê bạn nói năng dông dài, nhưng về từ loại thì "văn chương" là gì? Động từ được chăng?
Cuối bài, để cho được đầy đủ, xin nói thêm một chút về sự biến dạng và không biến dạng của từ.
Động từ tiếng Anh, tiếng Pháp biến dạng tùy theo ngôi, tùy theo thì, nhưng động từ tiếng Việt vẫn giữ nguyên dạng trong mọi trường hợp: Từ dạng gốc, "go" của tiếng Anh có thể biến thành "goes", "gone", "going", "went"... Từ dạng gốc, "aller" của tiếng Pháp có thể biến thành "vais", "vont", "allé", irons... Nhưng động từ "đi" của tiếng Việt vẫn là "đi" trong mọi trường hợp: -Tôi đang đi. -Họ đã đi. -Chúng ta sẽ đi...
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, danh từ dùng cho trường hợp nhiều hơn một, được coi là số nhiều, thì phải biến dạng gốc: -Một con mắt viết là "eye", là "oeil"; nhưng nhiều hơn một con thì phải viết là "eyes", là "yeux"... Với tiếng Việt, dù độc nhãn hay thiên nhãn, thì vẫn là "mục", "nhãn", hay "con mắt", không hề thay đổi.
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, có những từ cùng "họ", có nghĩa giống nhau, chỉ khác ở từ loại. Một khi khác từ loại, thì chúng biến dạng. Nói cách khác, dạng cho biết chúng thuộc từ loại nào. Nhưng trong tiếng Việt, không thể có khái niệm "từ cùng họ", như trong ngữ pháp Anh-Pháp.
Xin lấy ý "chuyên cần" làm thí dụ.
Trong tiếng Việt, dù chuyển dụng làm từ loại nào, từ vẫn giữ nguyên dạng là "chuyên cần": -Tính từ: Anh ta là người chuyên cần. -Danh từ: Sự chuyên cần đã đem lại thành quả. Trạng từ: Anh ta làm việc chuyên cần (ở trường hợp này, có nhà ngữ pháp vẫn cho là tính từ). Sự không biến dạng này cũng có gây trở ngại một phần cho việc phân biệt từ loại.
Nhưng trong tiếng Pháp, tiếng Anh, thì nhờ từ có biến dạng, việc phân biệt từ loại trở nên dễ dàng: -diligent là tính từ; diligemmemt, diligently là trạng từ; diligence là danh từ. Không bao giờ có sự phân vân, hoặc lầm lẫn.
Tính cách không biến dạng của từ tiếng Việt còn gây một ít khó khăn cho việc sử dụng từ. Cũng xin nêu thí dụ với từ "chuyên cần":
Sẽ không có trở ngại gì nếu dùng "chuyên cần" làm tính từ hoặc trạng từ: -Nhận thấy anh ta chuyên cần, chủ đã tăng luơng cho anh ta (tính từ). -Làm việc chuyên cần, anh ta đã đưọc chủ tăng lương (trạng từ).
Nhưng nếu dùng như danh từ, thì từ loại của "chuyên cần" chỉ trở nên rõ ràng khi được đặt sau một phụ danh từ biệt loại. Và khi ấy, cách đặt câu cũng dễ được chấp nhận hơn: Tính (sự) chuyên cần đã đưa nó đến thành đạt. Bây giờ, nếu chúng ta bỏ chữ "tính" (hoặc "sự") đi, câu chỉ còn: Chuyên cần đã đưa nó đến thành đạt. Câu có vẻ hơi Tây!
Ngoài ra, những từ đồng âm đồng dạng mà không cùng nghĩa gốc cũng gây phân vân cho việc nhận định từ loại:
-Anh cho nó thêm một ít tiền nữa cho nó đủ tiêu.
"Cho" trước là động từ, nhưng "cho" sau là gì?
-Tôi đã dặn nó làm cho xong, nhưng nó có chịu nghe cho đâu.
Hai chữ "cho" này có cùng từ loại không?
-Đã cho lấy chữ hồng nhan; làm cho cho hại cho tàn cho cân
(Kiều).
Chữ "cho" đầu tiên là động từ, còn 4 chữ "cho" sau là gì?
Cuối cùng, trong tiếng Việt có rất nhiều từ láy có phần phụ đồng âm đồng dạng với nhau, nếu không nhận định kỹ, có thể tưởng lầm là từ đơn được chuyển từ loại:
-"Thiệt thà" (tính từ: chân thực); "thịt thà" (danh từ: thịt nói chung): Đây là hai từ láy có phần láy giống nhau theo cấu tạo ngữ âm, không liên hệ đến việc chuyển dụng từ loại.
Hồng Huy
Trở về trang tác giả và tác phẩm
Từ khóa » Tính Từ Hh
-
Spelling "n" Và "HH" Tính Từ. Hậu Tố Tính Từ. Quy Tắc, Trường Hợp Ngoại ...
-
HH Là Gì? -định Nghĩa HH | Viết Tắt Finder
-
14 TÍNH TỪ MIÊU TẢ PHẨM CHẤT... - Tiếng Anh Giao Tiếp Pasal
-
166+ Từ Vựng Tiếng Anh Bắt đầu Bằng Chữ H
-
Thể Loại:Từ Láy Tiếng Việt
-
H – Wikipedia Tiếng Việt
-
Định Dạng Số Dưới Dạng Ngày Hoặc Thời Gian - Microsoft Support
-
Tính Toán Và Xử Lí Ngày Tháng Bằng Câu Lệnh SQL - Viblo
-
CHẨN ĐOÁN BỆNH LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TẾ BÀO PLASMOCYTE