Tủ Sách Khoa Học: Biến đổi Của Quan Hệ Sản Xuất ở Việt Nam Hiện Nay

  • Tài nguyên số
  • Thư viện
  • Văn bản
  • E-mail
  • Liên hệ
  • Sơ đồ Website
English
TIN TỨC & SỰ KIỆN
  • Trang nhất
ĐHQGHN Tin tức & sự kiện Bản tin Tạp chí Khoa học
Tin tức Sách và học liệu 15:06:34 Ngày 10/12/2019 GMT+7
Tủ sách khoa học: Biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Cổng thông tin điện tử trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách chuyên khảo “Biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” do tác giả TS. Lê Thị Vinh, Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chủ biên, sách do NXB ĐHQGHN phát hành năm 2019.

Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất, bao gồm: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức, quản lý quá trình sản xuất và quan hệ trong phân phối các yếu tố của quá trình sản xuất. Ba mặt này thống nhất với nhau, tạo thành hệ thống ổn định tương đối so với sự vận động không ngừng của lực lượng sản xuất. Toàn bộ các quan hệ sản xuất tạo nên cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quyết định đối với kiến trúc thượng tầng và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Tính đúng đắn của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đã được thực tiễn chứng minh và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, khiến cho quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội biến đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều biểu hiện mới vượt  ra khỏi những kiến giải của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin.Thực tế đó đòi hỏi chúng ta không chỉ đứng vững trên lập trường mácxít, mà còn phải vận dụng linh hoạt các học thuyết khác về quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và quan hệ phân phối để phân tích, lý giải và giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Ở Việt Nam, quan hệ sản xuất luôn là đề tài thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu lý luận và các nhà hoạt động thực tiễn. Trước đổi mới, các nghiên cứu chủ yếu tập trung luận giải cho tính tất yếu của việc quốc hữu hóa, tập thể hóa các tư liệu sản xuất cơ bản và coi đây là điều kiện để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế có kế hoạch. Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 năm 1986), với chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, các nghiên cứu về quan hệ sản xuất đã bám sát tiến trình xây dựng quan  hệ sản xuất mới tiến bộ phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình đề cập đến sự biến đổi của toàn bộ quan hệ sản xuất hoặc của từng phương diện trong quan hệ sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khái quát triết học về thực trạng biến đổi quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, gồm cả những vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi đó, vẫn còn nhiều nội dung chưa được làm sáng tỏ.

Mặt khác, từ nửa cuối thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và do tác động của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, quan hệ sản xuất ở các quốc gia không ngừng biến đổi. Nhiều đối tượng sở hữu mới xuất hiện, trong đó, sở hữu giá trị ngày càng đóng vai trò quan trọng. Quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất không bó hẹp trong sản xuất mà được mở rộng đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội với nhiều mô hình và phương thức phong phú. Quan hệ phân phối không chỉ bao gồm phân phối các yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất mà còn thêm nhiều khách thể phân phối mới cùng nhiều hình thức phân phối đan xen. Những biến đổi trong quan hệ sản xuất có tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia cũng nhờ quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu về quan hệ sản xuất là đề tài mang tính thời sự.

Ở Việt Nam, trước đổi mới, do nhận thức đơn giản về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho rằng quan hệ sản xuất có thể đi trước một bước, từ đó mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển nên chúng ta đã thiết lập quan hệ sản xuất không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp và phương thức phân phối mang tính chất bình quân đã kìm hãm sự phát triển, là nguyên nhân góp phần dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thập niên 70 – 80 của thế kỷ XX. Trước đòi hỏi bức thiết của tình hình trong nước và tác động của bối cảnh quốc tế, từ năm 1986 đến nay, quan hệ sản xuất ở Việt Nam đã có những biến đổi so với thời kỳ trước Đổi mới, và vẫn tiếp tục vận động không ngừng.

Sự biến đổi của quan hệ sản xuất đã góp phần quan trọng tạo nên thành tựu của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, do đó kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra yêu cầu thiết lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vì vậy, nghiên cứu sự biến đổi của quan hệ sản xuất từ năm 1986 đến nay để xác định những thành tựu, đặc biệt là những vấn đề còn tồn tại, là việc làm cấp thiết.

 Từ góc độ tiếp cận triết học, cuốn sách Biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra phân tích các nhân tố tác động, thực trạng biến đổi và những vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay trên cả ba mặt của quan hệ sản xuất là quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và quan hệ phân phối; qua đó, góp phần khẳng định giá trị quan điểm của chủ nghĩa Mác về quan hệ sản xuất, góp phần tổng kết thực tiễn những biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Người viết không có điều kiện và khả năng bàn đến tất cả các vấn đề, các khía cạnh của sự biến đổi quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Các kiến giải được trình bày trong cuốn sách thể hiện cách tiếp cận và quan điểm của cá nhân tác giả, như một bước gợi mở cho sự trao đổi, luận bàn của các công trình tiếp theo. Tác giả mong rằng sẽ nhận được những ý kiến góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.

Xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học và đồng nghiệp về sự giúp đỡ trong quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách này.

                                                                                                                    Tác giả

Lê Thị Vinh

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu- ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn, hienltt1984.nxbdhqghn@gmail.com

Hotline: 0985.524.633

Website: press.vnu.edu.vn

Giá bán:

 

VNU Media - NXB ĐHQGHN
In bài viết Gửi cho bạn bè
Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • VNU Book Store – Không gian văn hóa đọc cho sinh viên ĐHQGHN (05/11/2024)
  • Lần đầu tiên tại Việt Nam ra mắt cuốn sách về Toán học của GS. Ngô Bảo Châu và cộng sự (09/08/2024)
  • Sách “Lý thuyết số sơ cấp” - công trình tâm huyết của GS. Ngô Bảo Châu và TS. Đỗ Việt Cường (25/07/2024)
  • Quyền Sở hữu trí tuệ - Cốt lõi của đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (22/04/2024)
  • Ra mắt cuốn sách Doanh nhân Khởi nghiệp Meta của Pierre Bonnet (27/01/2024)
  • Tủ sách khoa học: Giáo trình Đại cương Nhà nước và Pháp luật – tài liệu hữu ích cho độc giả (15/09/2023)
  • Muốn giàu có, sống tốt, sống lâu... hãy đọc sách (21/04/2023)
  • Cuốn sách “Đánh giá chính sách về an ninh lương thực và chủ quyền lương thực: một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam” (17/01/2022)
  • Sách hay mỗi ngày – Cuốn sách “Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong bối cảnh Covid-19 và biến đổi khí hậu” (17/01/2022)
  • ĐỌC SÁCH: NGÔN NGỮ HỌC LÍ THUYẾT. Tác giả Nguyễn Thiện Giáp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, 955 trang. (04/02/2021)
  • >> Xem tiếp
Các bài cũ hơn