Về Việc Hoàn Thiện Quan Hệ Sản Xuất ở Nước Ta Hiện Nay

Thực tiễn sau hơn hai mươi lăm năm đổi mới đã khẳng định con đường của chúng ta đi là đúng đắn và đạt nhiều thành tựu quan trọng, vượt qua những giai đoạn lịch sử hết sức nhạy cảm. Những thành tựu như giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao 6 - 8% một năm, đã được bạn bè khâm phục, nhân dân trong nước phấn khởi tin tưởng. Đó là một phần do kinh tế nước ta có bước đi đúng hướng trong đó phải kể đến thiết lập được quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp. Trong thực tiễn cũng như trong lý luận về con đường và cách thức đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau 25 năm đổi mới dần dần có nhiều vấn đề được làm sáng tỏ nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục phát triển thêm. Có thể nói việc xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa ở nước ta là một vấn đề như thế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác lập và hoàn thiện một quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp với lực lượng sản xuất hiện nay để đất nước ngày một phát triển không ngừng, trước tiên là để tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này dưới góc độ triết học nhiều hơn là góc độ kinh tế.

Trước hết cần khẳng định: quan hệ sản xuất chúng ta thiết lập và xây dựng là quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính xác hơn là quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì chúng ta chưa thực sự có chủ nghĩa xã hội mà mới đang trên đường xây dựng nó. Sở dĩ phải nói nó tiến bộ là vì quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là quan hệ sản xuất có bản chất tiến bộ trong lịch sử, nó hơn hẳn quan hệ sản xuất phong kiến và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (với bản chất là bóc lột và ngày càng tỏ ra lỗi thời không phù hợp với lịch sử). Nói cách khác, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là sẽ dần dần xóa bỏ áp bức bóc lột và đưa mọi thành viên trong bộ máy sản xuất và cả xã hội đến ấm no hạnh phúc. Không còn nghi ngờ gì nữa đó là quan hệ sản xuất mà cả nhân loại phải mơ ước và phấn đấu để đạt được. Tuy nhiên, để đạt được điều này còn phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn phức tạp.

Vấn đề tiếp tục là làm sao để xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với lực lượng sản xuất. Nghĩa là phải xác định rõ lực lượng sản xuất cụ thể sau đó mới có thể nói đến có quan hệ sản xuất phù hợp với nó. Điều này cho thấy chúng ta phải nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất với nền cơ giới hóa, tự động hóa hay tin học hóa ngang tầm thời đại (trong khu vực và trên thế giới), cùng với đó là con người được đào tạo đáp ứng ngang tầm khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại. Lực lượng sản xuất của nước ta sau bao năm bị chiến tranh tàn phá quá nhỏ bé và manh múm mang đậm tính chất phong kiến và nửa thuộc địa. Đây cũng là bước đi rất nan giải mặc dù sau hơn hai mươi năm đổi mới chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc về lực lượng sản xuất nhưng chưa thể thỏa mãn với nhu cầu của sự phát triển hiện nay. Từ lực lượng sản xuất hiện có chúng ta phải thiết lập quan hệ sản xuất phù hợp. Tiêu chuẩn của sự phù hợp là nó mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Như vậy, với sự tiến bộ rõ ràng về kinh tế - xã hội sau hơn 25 năm đổi mới, chứng tỏ chúng ta đã từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên vẫn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để quan hệ sản xuất ngày một hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trước hết đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa (thông qua hoàn thiện quan hệ sản xuất); mặt khác, cần phải hoàn thiện quan hệ sản xuất này về mặt lý luận và phát triển nó thành hệ thống hoàn chỉnh. Thông qua sự tổng kết, khái quát nó một cách khoa học; một mặt, góp phần đưa đất nước tiến lên; mặt khác, đóng góp một phần nhỏ vào lý luận xây chủ nghĩa xã hội của nhân loại.

Vấn đề cấp thiết hiện này là làm sao chúng ta củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội cho phù hợp trên ba lĩnh vực cơ bản như: quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất, quan hệ về điều hành quản lý sản xuất và quan hệ về phân phối và trao đổi sản phẩm trong guồng máy sản xuất hiện nay.

Về quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất: Ở nước ta hiện nay có thể nói là đã và đang từng bước hoàn thiện theo hướng tiến bộ và phù hợp. Nhưng đó là một quá trình đau đớn và gay go phức tạp… Đã có lúc chúng ta chỉ thừa nhận hai hình thức sở hữu cơ bản (tập thể và nhà nước) thì nay chúng ta đã thừa nhận có nhiều hình thức sở hữu cùng tồn tại. Trong đó, sở hữu nhà nước giữ vị trí chủ đạo và then chốt. Điều này phù hợp với lực lượng sản xuất hiện có của đất nước. Quan hệ sở hữu của chúng ta tiến bộ vì nó đang vận hành theo hướng hạn chế dần dần và phấn đấu đi đến xóa bỏ áp bức bóc lột đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn xã hội. Mặt khác, các thành phần sở hữu này được bình đẳng trước pháp luật và hợp tác hỗ trợ liên kết với nhau cùng phát triển. Chúng ta cố gắng thanh toán tệ nạn là dùng sở hữu tư liệu sản xuất để bóc lột, cướp đoạt lẫn nhau dẫn đến sự phân hóa giữa lao động và chủ sở hữu kết quả là sự phân cách giàu nghèo ở mức độ quá lớn dẫn đến nguy cơ xung đột bùng nổ xã hội. Các thành phần sở hữu ở nước ta, toàn dân (nhà nước), tập thể, tư bản tư nhân (tư bản nhà nước, và cá nhân) đã và đang phát huy tác dụng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đã tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và giữ được sự ổn định về chính trị gắn với công bằng tiến bộ xã hội… Tuy nhiên, vẫn tồn tại vấn đề là làm sao phát huy hiệu quả của kinh tế nhà nước và làm sao giữ được định hướng chủ đạo và then chốt của sở hữu nhà nước trong sở hữu nhiều thành phần. Cụ thể là làm thế nào sở hữu nhà nước đủ sức mạnh trụ cột của nền kinh tế đảm bảo chỗ dựa vững chắc và ổn định cho kinh tế chính trị xã hội đứng vững. Chúng ta đang tiến hành những đổi mới rất quan trọng như thực hiện cổ phần hóa và đổi mới cơ chế quản lý (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên)… để đẩy mạnh vai trò của thành phần kinh tế sở hữu nhà nước, làm sao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đặc biệt là chống thất thoát lãng phí một cách ghê gớm đủ sức phát triển và tham gia hội nhập thành công. Tin rằng những vấn đề yếu kém đó sớm muộn sẽ được giải quyết và chúng ta sẽ thành công tốt đẹp. Và điều đáng nói là các quan hệ sản xuất về sở hữu hiện nay đang dần được luật hóa thông qua các bộ luật khác nhau để thể hiện sức sống tốt đẹp của nó và phát huy sức mạnh của nó trong cuộc sống.

Quan hệ điều hành và quản lý sản xuất: thời gian qua, chúng ta xác lập và đã được thực tế sinh động chứng minh là nó đang được hoàn thiện và đúng hướng tiến bộ và phù hợp. Nếu trước kia chúng ta chỉ chấp nhận quan hệ sản xuất theo hướng tập trung quan liêu bao cấp và thực hiện kế hoạch hóa theo hướng áp đặt thì ngày nay chúng ta chấp nhận nhiều cách quản lý điều hành sản xuất theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là chấp nhận quan hệ điều hành sản xuất có các yếu tố nhà nước, tập thể, và tư nhân, tư bản (chủ nghĩa tư bản nhà nước). Nghĩa là, bên cạnh điều hành, quản lý theo phương thức cũ như: tập thể, nhà nước đã được đổi mới, đã có thêm quan hệ chủ sở hữu và lao động làm thuê giữa tư bản và lao động. Cho nên phải thanh toán những nguy cơ áp bức, bóc lột quan hệ bất bình đẳng trong khi tiến hành sản xuất là lẽ đương nhiên và rất quan trọng. Thực tế cho thấy, với cách điều hành quản lý sản xuất hiện nay ở nước ta thì tình trạng áp bức bóc lột, quan hệ bất bình đẳng tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã được hạn chế rất nhiều, chúng ta chấp nhận nó và công khai thừa nhận quyết tâm xóa bỏ nó. Quan hệ điều hành quản lý sản xuất hiện nay trong các thành phần kinh tế được luật pháp bảo vệ và theo hướng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi. Đặc biệt, với chủ trương cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất - kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như thực hiện thi đua yêu nước trong hoạt động kinh tế đã làm cho tính ưu việt của chế độ ta trong lĩnh vực kinh tế xã hội hiện nay ngày một phát huy hiệu quả.

Rõ ràng, ở nước ta hiện nay quan hệ quản lý, điều hành sản xuất đang vận hành phát triển theo hướng phù hợp và tiến bộ. Thực tế đang hình thành và phổ biến một kiểu quan hệ mới đó là các “tư cách pháp nhân”. Thực chất đó là quan hệ với nhau bằng luật pháp và theo luật pháp xã hội chủ nghĩa với nội dung rất tiến bộ và nhân đạo. Chính vì thế chúng ta đã và đang hạn chế khắc phục tình trạng cá lớn nuốt cá bé, hay “người với người là chó sói” hay tình trạng lao động tha hóa trong xã hội cũ. Chính vì sự tiến bộ và phù hợp của quan hệ sản xuất đã thúc đẩy sản xuất phát triển, đã làm cho kinh tế - xã hội giành thêm nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, vẫn phải thấy một số vấn đề nổi cộm như các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, gây thất thoát lãng phí lớn, các doanh nghiệp tư nhân (ngoài quốc doanh) còn tồn tại nhiều tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân; thậm chí, có nơi còn đối xử thô bạo với người lao động gây bất bình tạo nên bãi công, đình công rất đáng tiếc. Đây là kết quả của việc luật pháp và quy chế quy định trong sản xuất không được thực hiện tốt. Cần phải nhanh chóng khắc phục những nhược điểm đó bằng cách tăng cường kiểm tra luật lao động, luật doanh nghiệp, các quy định của nhà nước về doanh nghiệp chặt chẽ hơn, nhất là thông qua lực lượng thanh tra lao động để hạn chế tiêu cực ngay từ khi có mầm mống, tránh tình trạng để đến mức vỡ lở thành vấn đề lớn mới tập trung giải quyết dẫn đến hậu quả rất to lớn và khó lường.

Cuối cùng là quan hệ về phân phối và trao đổi sản phẩm trong quan hệ sản xuất ở nước ta cũng đang được hình thành và phát triển theo hướng tiến bộ và phù hợp. Chúng ta đã nhanh chóng chuyển hướng từ cơ chế bao cấp sang cơ chế phân phối sản phẩm theo lao động và kết hợp các cách phân phối khác (phân phối lại) cũng như thực hiện trao đổi sản phẩm ngang bằng theo cơ chế cung cầu của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu như trước kia cơ chế bao cấp chúng ta thực hiện “ngăn sông cấm chợ” thì nay chúng ta đã mở rộng và thực hiện trao đổi thông thoáng có sự tác động phù hợp của nhà nước. Đây là cuộc cách mạng trong trao đổi sản phẩm ở nước ta. Cách làm đó, một mặt, kích thích sản xuất phát triển, mặt khác hạn chế tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường đem lại như phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội. Trong trao đổi sản phẩm đã xuất hiện một cơ chế khách quan và vận hành trơn chu, tạo cho sản xuất phát triển, đời sống nhân dân lao động ngày một ổn định, nâng cao. Tuy nhiên, trong phân phối sản phẩm và tài nguyên của đất nước vẫn có những biểu hiện chưa hợp lý dẫn đến sự chênh lệch lợi ích của dân cư trong guồng máy sản xuất cũng như về địa lý... Ở việc trao đổi sản phẩm đôi khi vẫn còn sự bất bình đẳng, đặc biệt là giữa nước ta và các nước có quan hệ làm ăn khi có nhiều lợi thế hơn, chúng ta phải nhập hàng hóa với giá đắt đỏ, và bán ra với giá thấp, sức lao động của chúng ta quá rẻ mạt trong hợp tác làm ăn với họ. Ở trong nước sản phẩm làm ra khi đến tay người tiêu dùng giá cả quá chênh lệch, tầng lớp trung gian hưởng lợi lớn. Mạng lưới bán lẻ của chúng ta có lúc bị nước ngoài thao túng nên giá cả nhiều khi không ổn định. Chúng ta còn ít kinh nghiệm khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa về kinh tế nên việc chạy theo giá cả thị trường quốc tế làm cho giá cả trong nước biến động mạnh làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn... Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục nghiên cứu tìm tòi các giải pháp để hạn chế các tiêu cực trong thực hiện phân phối trao đổi sản phẩm làm sao cho tiến bộ và phù hợp. Không chỉ ở trong nước và hợp tác với nước ngoài trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra hết sức quyết liệt và mạnh mẽ. Ở vấn đề này vai trò của nhà nước cũng như của thành phần kinh tế thuộc sở hữu nhà nước là rất quan trọng. Chính sự can thiệp của nhà nước (không can thiệp trực tiếp và thô bạo mà thông qua các giải pháp tác động đòn bẩy gián tiếp phù hợp), cũng như hoạt động có hiệu quả của một số ngành kinh tế chiến lược do nhà nước làm chủ sở hữu đã đưa đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội; nhất là đứng vững và vượt qua được làn sóng khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua là rất đáng trân trọng. Chúng ta không những giữ ổn định mà vẫn giữ được mức tăng tăng trưởng kinh tế cao là rất đáng tự hào.

Tóm lại trong tình hình đất nước và thế giới đang diễn biến phức tạp và rất nhanh chóng hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta đã và đang thiết lập được quan hệ sản xuất mới theo hướng tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất đã góp phần đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn và đạt nhiều thành tựu to lớn từ đó đem lại niềm tin cho nhân dân vào mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và tương lai của đất nước./.

Từ khóa » Các Quan Hệ Sản Xuất ở Việt Nam Hiện Nay