Từ Trồng Lác đến Nghề Dệt Chiếu - Báo Đồng Khởi Online

Làm giàu từ cây lác

Tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Mảnh ở ấp An Trạch Tây, xã Thành Thới B, cạnh nhà anh là ruộng lác, xanh tốt đã đến mùa thu hoạch. Đứng trên bờ nhìn xuống ruộng lác, anh Mảnh phấn khởi tâm sự: “Lác là loài cây hoang dại, vào mùa gió lùa, nắng hạn hay mưa dầm, cây lác đều phát triển tốt. Loại cây này không chỉ dễ trồng mà còn đem lại nguồn thu nhập khá cao, giúp nhiều người nông dân nơi đây đã thoát nghèo”. Gặt thử nắm lác cầm trên tay, anh Mảnh nói: “Trồng lác đâu có tốn nhiều công chăm sóc, sau thu hoạch xong mùa này, mỗi công tôi cũng lãi đến gần chục triệu đồng”.

Xã Thành Thới B hiện có gần 500 hộ dân trồng lác và dệt chiếu với diện tích lác trồng gần 70 ha. Giá lác bình quân hiện tại ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg. Xã Thành Thới B đã có nhiều nông dân thoát nghèo nhờ cây lác.

Những gia đình thiếu đất canh tác thì mướn đất trồng lác như hộ anh Bùi Văn Tú. Trước kia, gia đình anh Tú không mấy khá giả, lập gia đình chỉ có 1 công đất, anh  mướn thêm 2 công đất nữa rồi chỉ độc canh cây lác. Mấy năm nay, cuộc sống khá hẳn lên. Ước tính vụ mùa này từ ba công đất trồng lác, gia đình anh Tú thu lãi gần 20 triệu đồng. Trồng lác không phải tốn công chăm sóc nhiều chỉ vất vả vụ đầu, mấy vụ sau không cần trồng chỉ thu hoạch xong lác còn phần gốc lại tiếp tục phát triển bước vào vụ mới, mỗi năm phát triển được 3 vụ lác. Trong lúc rảnh rỗi, gia đình anh Tú lại phát triển thêm chăn nuôi hoặc đi làm việc khác.

Trồng lác vụ đầu có thể duy trì khả năng phát triển từ 8 đến 10 năm, ở xã Thành Thới B, phần lớn người dân trồng lác đều khấm khá.

 

Thu hoạch lác. Ảnh: H.Vũ

 

Triển vọng của nghề dệt chiếu

Trở lại xóm chiếu lần này, nhà nào cũng tất bật với công việc dệt chiếu, tôi hỏi nghề dệt chiếu có tự khi nào, người dân ở đây cho biết từ nhỏ lớn lên họ đã thấy ông bà làm nghề này. Học nghề từ thuở mười ba, mười bốn, đến nay, ông Nguyễn Văn Tiếp - người dân ở ấp An Trạch Tây, tuổi đã gần 70.

Ngày trước đồng ruộng còn hoang sơ, ở các bãi lầy ven sông thường mọc những loài cỏ chịu mặn như: cỏ, ô rô, lau sậy… Người dân làng này sớm biết làm nghề chiếu, đi cắt lác đem về dệt. Dần dần, họ đem cây lác về trồng trên đất ruộng. Từ đó, nghề dệt chiếu nơi đây phát triển và đến hôm nay, đã được Nhà nước công nhận làng nghề dệt chiếu. 

Trước đây, để tước sợi lác người dân phải làm bằng thủ công, sợi lác chẻ ra không được đều và đẹp. Ngày nay, người dân xóm chiếu đã biết sáng tạo ra bàn chẻ lác tiết kiệm được hơn 20 ngày công lao động mỗi ngày. Ông Tiếp cho biết: Gia đình tôi trồng lác rồi đem dệt chiếu luôn bán sẽ có lời nhiều hơn, mỗi ngày trung bình dệt được 2 đôi chiếu kiếm cũng được gần 200 ngàn đồng, kể cả nguyên liệu sản xuất. Công việc thì nhẹ nhàng, nghề này trẻ con hay người lớn đều làm được.

Dệt chiếu không thể làm đơn lẻ mà cần đến hai người, có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau, mới làm được chiếc chiếu chắc và đẹp. Công cụ dùng để dệt chiếu là một cây dập và một cây chùi. Cây chùi đưa qua khung trân, người thứ hai dùng cây dập dập sợi lác vào cho sát kín với nhau. Trung bình 1 công lác làm ra thành phẩm từ 60 đến 70 đôi chiếu. Nghề chiếu lác xuất phát từ ấp An Trạch Tây của xã Thành Thới B rồi dần phát triển sang Tân An, Tân Điền, Bình Thạnh và một số ấp lân cận của Thành Thới A..

Hiện tại, Thành Thới B có gần 90% gia đình sống bằng nghề chiếu lác, hàng năm các hộ dân ở đây sản xuất ra hàng triệu đôi chiếu tiêu thụ khắp nơi trong nước. Mỗi hộ ít nhất trồng từ 1 công lác, có hộ trồng đến nửa héc-ta lác. Những gia đình không có đất canh tác thì mua lác về dệt chiếu. Là nghề truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ, hiện nay, thu nhập của những người thợ dệt chiếu nơi đây khá cao và có nhiều nông dân từ “chiếu lác” đã làm giàu.

Từ khóa » Cây Lác Làm Chiếu