Tư Vấn Về Trường Hợp Kê Biên Tài Sản đang Cầm Cố, Thế Chấp

Tư vấn về trường hợp kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp Luật sư cho hỏi trường hợp kê biên tài sản thế chấp như sau: Nhà tôi có lô đất rộng 2900m2,mặt đường, đã thế chấp ngân hàng. Nhưng mẹ tôi cũng nợ người A số tiền 70 triệu, đã ra tòa, mẹ tôi đi làm có bao nhiêu điều trả,nhưng bên thi hành án không nhận, bắt mẹ tôi gặp bên A. Giờ họ ra quyết định cưỡng chế nhà tôi. Nộp phạt 10 triệu. Xin hỏi họ giả quyết như vậy,có đúng luật không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty chúng tôi tư vấn như sau:

Về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự muốn kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp cho người khác để đảm bảo thi hành án phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 90 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014:

"1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”.

Theo quy định khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì:

"1. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự.

Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án."

Bên cạnh đó, thời hạn để gia đình bạn thực hiện việc tự nguyện thi hành án và trường hợp bị cưỡng chế thi hành án được quy định theo Điều 45 và Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014:

“Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Điều 46. Cưỡng chế thi hành án

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”.

Vì thế, bạn cần xem xét xem khi bị cưỡng chế, gia đình bạn đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định của pháp luật hay chưa để xác định hành vi cưỡng chế của bên cơ quan thi hành án có đúng hay không.

Về việc nộp phạt 10 triệu, do bạn không nói rõ nên có thể đó là phí thi hành án hoặc phạt do lãi chậm trả. Bạn cần cung cấp thêm thông tin để chúng tôi tiến hành tư vấn một cách rõ ràng nhất.

Trân trọng

Từ khóa » Kê Biên Tài Sản đang Thế Chấp Tại Ngân Hàng