Tục Chặt Củi 'bắt Chồng' Của Người Giẻ Triêng ở Tây Nguyên

Ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Ngồi, Kon Tum, nơi cư trú của dân tộc Giẻ Triêng, hầu như nhà nào cũng có một đống củi to, đều và đẹp mắt. Điều đặc biệt là đống củi ấy không chỉ dùng để đốt lửa, mà là của hồi môn khi các cô gái về nhà chồng.

Nhà gái chọn củi đều, đẹp để làm của hồi môn mang sang nhà trai. Ảnh: Trần Hóa.

Nhà gái chọn củi đều, đẹp để làm của hồi môn mang sang nhà trai. Ảnh: Trần Hóa.

Bà Y Cứu (62 tuổi) không biết rõ tục dùng củi bắt chồng từ khi nào, chỉ nhớ rằng từ nhỏ đã thấy những thiếu nữ xếp củi trước hiên nhà. "Ngày xưa con gái 13-14 tuổi đã tính chuyện yêu đương. Chúng tôi chọn cho mình vị trí đẹp để làm nơi xếp củi, đó là tín hiệu báo cho gia đình và họ hàng biết cô gái đang muốn bắt chồng", bà Cứu nói.

Việc trữ củi cưới của các cô gái kéo dài vài tháng đến vài năm, có người chuẩn bị từ năm 13 tuổi đến ngoài 20 tuổi mới cưới. Trong thời gian tích củi, các thiếu nữ được hẹn hò với chàng trai mình thích. Khi đã chọn được chồng tương lai, họ bắt đầu dành dụm những sản vật như ngô, mía, dưa... rồi chủ động tặng cho ý trung nhân. 

Nếu được gia đình và già làng đồng ý, lễ ăn hỏi thường tổ chức kín đáo vào buổi tối dưới sự chứng kiến của cha mẹ, anh chị em ruột của hai bên gia đình. Người cử hành lễ là ông mối hoặc bà mai. 

Từ đính hôn đến lễ cưới ba tháng hoặc một năm. Trước ngày kết hôn, nếu cảm thấy củi cưới chưa đủ, cô gái sẽ nhờ gia đình, bạn bè, họ hàng chuẩn bị củi làm hồi môn về nhà chồng. 

"Đám cưới của bà chỉ làm 50 bó, nhưng phải mất năm năm chuẩn bị", bà Y Cứu kể. Thời ấy, có nhà phải chuẩn bị 100 đến 200 bó củi cưới. 

Củi cưới theo phong tục phải cây dẻ, đốt lên than đượm. Củi có đường kính 10-15 cm, dài 85 - 90 cm, khi bó vào không được chệch choạc, khúc ngắn khúc dài. Thớ củi khi chẻ ra phải nhỏ vừa đốt, không được nát.

Nếu trong rừng cây dẻ quá hiếm, thì các cô gái có thể lấy cây hoa sữa để thay thế. Ngoài hai loại cây trên, họ không dùng loại cây khác để làm củi cưới.

Nhìn vào bó củi bắt chồng, nhà trai có thể đánh giá được phẩm chất của người con gái. Những bó củi thẳng, đều, đẹp chứng tỏ người con gái đó khỏe, khéo tay, siêng năng và đủ sức gánh vác công việc gia đình. 

Trong khi nhà gái chặt củi, chàng trai cũng thể hiện tài năng bằng cách đan gùi, nong, nia và săn bắt thú rừng để chuẩn bị khi nhà gái chuyển củi sang nhà trai.

Nhà gái chuyển củi sang nhà trai trong một đám cưới của người Giẻ Triêng ở Kon Tum. Ảnh: Trần Hóa.

Nhà gái chuyển củi sang nhà trai trong một đám cưới của người Giẻ Triêng ở Kon Tum. Ảnh: Trần Hóa.

Buổi sáng ngày tổ chức đám cưới, khi nhận được củi, nhà trai sẽ đáp lễ bằng quần áo, tấm dồ, gùi; và mời những người cõng củi của nhà gái thưởng thức thịt chuột rừng, sóc và thịt heo mới mổ. Đến chiều tiệc cưới mới chính thức bắt đầu.

Để kiếm đủ củi "bắt" được chồng, các cô gái cần sự giúp sức của họ hàng, bởi vậy khi chàng trai thay lòng đổi dạ, không yêu cô gái thì cũng xem như coi nhẹ công sức của dòng họ nhà gái. Ngược lại, những chàng trai cũng phải nỗ lực chứng tỏ tài năng để cưới vợ. Nên khi một trong hai muốn bỏ nhau, người Giẻ Triêng có tục phạt một con trâu trắng hay chén vàng để đòi công bằng.

Thời gian trôi qua, tục dùng củi bắt chồng của người Giẻ Triêng dần biến đổi. Ngồi bên chồng, Y Thủy (25 tuổi) kể về đám cưới của mình cách đây 8 năm. Cận ngày tổ chức hôn lễ, Thủy theo mẹ vào rẫy chặt những cây bời lời, bóc vỏ bán, còn thân cưa ngắn làm củi cưới. "Vì cây dẻ trên rừng không còn nữa, nên gia đình chỉ làm một vài bó củi cưới bằng cây bời lời nhà trồng để tượng trưng", Thủy nói.

Cũng như chị Thủy, những cô gái Giẻ Triêng ngày nay dần thay thế củi dẻ, hoa sữa bằng cây tự trồng, để vừa nhẹ công, giữ rừng, vừa giữ được truyền thống của dân tộc mình.

Trần Hóa

  • Tục cà răng, căng tai làm đẹp của người Brâu ở Tây Nguyên

Từ khóa » Chặt Củi Bắt Chồng