Tục Ngữ Là Gì? | Soạn Văn 7 Chi Tiết

Câu 1

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TỤC NGỮ

1. Khái niệm

Khối lượng tục ngữ Việt Nam do nhân dân lao động sáng tạo và lưu truyền, tích lũy từ lâu đời rất phong phú. Tục ngữ cung cấp cho lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, cho ngôn ngữ văn chương một hình thức biểu hiện súc tích, có tính khái quát cao.

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền.

2. Phân biệt tục ngữ với những hình thức gần với tục ngữ

Với phương ngôn, ngạn ngữ

Phương ngôn là tục ngữ địa phương, phạm vi nhỏ hơn tục ngữ.

Ngạn ngữ là lời nói lưu hành từ xưa, chủ yếu là những lời hay, ý đẹp được truyền tụng.

Với thành ngữ

Tục ngữ và thành ngữ có quan hệ nhau rất chặt chẽ, vì vậy trong hoạt động nghiên cứu, sưu tập trước đây có xu hướng gộp chung, không có sự phân biệt giữa chúng.

Nguyễn Văn Tố trong Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây: Tục ngữ là câu nói quen trong thế tục, nhiều câu nghĩa lý thâm thúy, ý tứ sâu xa.

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu: Một câu tục ngữ tự nó phải có ý nghĩa, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì , còn thành ngữ chỉ là lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn đạt một ý, một trạng thái gì cho có màu mè

Vũ Ngọc Phan trong Tục ngữ ca dao dân ca: Tục ngữ là một câu tự nó diễn đạt trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. Thành ngữ là một bộ phận câu có sẵn mà nhiều người quen dùng nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.

Thành ngữ là hoa tục ngữ là quả.

- Nước chảy đá mòn.

- Sông cạn, đá mòn.

- Tay làm hàm nhai.

- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Với ca dao

Nhìn chung, sự khác biệt giữa hai thể loại:

Ca dao thiên về tình cảm, phô diễn tâm tình một cách chủ quan.

Tục ngữ thiên về lý trí, đúc kết kinh nghiệm một cách khách quan.

Có những trường hợp khó phân biệt ranh giới.

- Ai ơi chẳng chóng thì chầy,

Có công mài sắt có ngày nên kim.

- Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

3. Nguồn gốc và sự phát triển của tục ngữ

Gorki trong Bàn về nghệ thuật: Nghệ thuật ngôn ngữ sinh ra do quá trình lao động của con người từ xưa, là xu hướng con người muốn đúc kết kinh nghiệm lao động vào một hình thức ngôn ngữ dễ nhớ và bám chặt vào ký ức – những hình thức thơ hai chữ, tục ngữ, truyền ngôn là những khẩu hiệu lao động thời cổ .

Tục ngữ được ức đoán đã có từ thời cổ, nhằm đúc kết những kinh nghiệm, những điều quan sát được trong quá trình lao động, những chân lý thông thường … Trong xã hội có giai cấp, tục ngữ được nhân dân dùng như một công cụ để phát biểu những nhận thức về các kinh nghiệm thực tiễn, các hiện tượng lịch sử xã hội. Nhân dân lao động dùng tục ngữ thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Những kinh nghiệm của tục ngữ rút ra trong quá trình đấu tranh thiên nhiên và xã hội, được thể nghiệm trong thực tiễn, đã trở thành những chân lý có tính cách phổ biến, được nhân dân công nhận và sử dụng.

Tục ngữ hình thành từ nhiều nguồn:

- Từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác.

- Được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại.

- Được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp.

- Từ sự vay mượn nước ngoài.

4. Tình hình nghiên cứu tục ngữ

Ðầu tiên đó là các bản ghi chép bằng chữ Nôm vào thế kỷ XIX như Nam phong ngữ ngạn thi của Ðình Thái, Ðại Nam Quốc Túy của Ngô Giáp Ðậu …, bản ghi chữ quốc ngữ như Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn của Huỳnh Tịnh Của (1897), Tục ngữ cách ngôn của Hàn Thái Dương (1920) …

Nhũng năm đầu thế kỷ XX, bên cạnh những bản ghi bằng chữ quốc ngữ, còn có một số bản sưu tập, chú thích nghĩa và dịch tục ngữ Việt Nam sang tiếng Pháp như Tục ngữ An Nam dịch sang tiếng Tây của V. Barbier (Triệu Hoàng Hòa), Ðông Tây ngạn ngữ cách ngôn của H. Délétie và Nguyễn Xán (1931) …

Từ trước cách mạng tháng Tám đến nay đã có những công trình sưu tập và nghiên cứu tục ngữ công phu, có nội dung phong phú:

Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1942), Tục ngữ dân ca Mường Thanh Hóa của Minh Hiệu sưu tầm (1970), Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội Triều Dương … sưu tầm biên soạn (1971), Tục ngữ Thái (1978) …

Tục ngữ ca dao dân ca của Vũ Ngọc Phan (1956), Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, Lương Văn Ðang, Phương Chi (1975) …

 

 

 

Từ khóa » Câu Tục Ngữ Nghĩa Là Gì