TUỆ & GIÁC NGỘ 01 - Tamtangpaliviet
Phần một: Đại cương về Tuệ
Mục Lục:
I. Thuật ngữ về Tuệ
II. Ý nghĩa của Tuệ
- Ý nghĩa của tuệ trong đời thường
- Ý nghĩa của tuệ trong Đạo Phật
- Tuệ, Wisdom, paññā, prajñā là những từ đồng nghĩa
III. Tu tập tuệ là phương pháp đặc thù riêng của Đạo Phật
IV. Tuệ trong ý nghĩa của tiến hóa tâm linh
- Tuệ của khoa học và tuệ giải thoát
- Từ không đến có
- Tiến hóa sinh vật và tiến hóa tâm linh
V. Tuệ và Giác ngộ có thể mô tả và hiểu được
VI. Bảy mươi ba loại Trí
VII. Mười sáu tuệ minh sát
VIII. Thực hiện Tuệ qua pháp học và pháp hành
- Pháp học (pariyatti)
- Pháp hành (patipatti)
*****
I. Thuật ngữ về Tuệ
Trong ngôn ngữ hàng ngày, ta thường nói đến từ “trí tuệ” và thường hiểu đơn giản trí tuệ là hiểu biết (knowing) và kiến thức (knowledge). Trong Phật giáo cũng dùng từ Trí Tuệ. Nhưng Trí hay Tuệ trong Đạo Phật có nghĩa sâu hơn, bao hàm sự thấu hiểu có tính chân lý và tính trực tiếp. Tiếng Việt không có từ nào khác hơn và thích hợp hơn để dịch chữ Tuệ trong kinh điển đạo Phật, mặc dù nó có nghĩa khác hơn. Ngay cả tiếng Anh cũng vậy, chỉ tạm dùng chữ “wisdom”[1] hoặc “insight” hoặc “intuition” để diễn tả. Tóm lại, ta qui ước định nghĩa từ “Trí Tuệ” của Đạo Phật qua một số thuộc tính của nó, ví dụ: sự thấu hiểu, trực tiếp, đúng và hợp chân lý, có thể phát triển theo thời gian và sự tu tập v.v…. Trí Tuệ có nguồn cội giống như kiến thức, nhưng khác với kiến thức, nó là một năng lực hiểu biết trực tiếp không thông qua ngôn ngữ, khái niệm hay lý luận.Trong triết học Tây Phương, theo cuốn Metaphysics, Aristotle định nghĩa tuệ (wisdom) như là một sự hiểu biết về cái nguyên ủy: Tại sao sự vật lại xuất hiện một cách đặc biệt như vậy? [2]
Trong kinh điển Đạo Phật, có ba từ thường được đề cập đến có nghĩa rất gần nhau, đó là: Tuệ, Trí và Thức.
Tuệ (Pali : paññā….. Sanskrit : prajñā)
Trí (Pali : ñāṇaṃ …... Sanskrit: jñāna )
Thức (Pali: Viññāna)….Sanskrit: vijñāna)
Trong Phật Giáo phát triển, chữ Tuệ thường được gọi là “huệ” vì tiếng Quan Thoại phát âm là “huey”cũng gần giống như “huệ” vậy. Huệ và Trí là những danh từ thường gặp và có ý nghĩa gần giống như nhau [3]. Ngoài ra, chữ prajñā trong kinh điển Phật giáo phát triển, cũng thường được dịch thẳng ra là “Bát Nhã ” [4].
Trong giáo pháp nguyên thủy: Tuệ là sự nhận biết, còn Trí là Tuệ đã được nhận biết rõ ràng và trọn vẹn. Phân Tích Đạo (Patisambhidāmagga), bộ kinh thứ tám trong Tiểu bộ kinh, phân biệt hai khái niệm rất gần nhau là TRÍ và TUỆ bằng những cụm từ thường luôn được lập lại như sau:
- “Taṃ ñātaṭṭhena ñāṇaṃ, pajānanaṭṭhena paññā.”
Điều ấy theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là TRÍ (ñāṇaṃ), theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là TUỆ (paññā).”
Hoặc:
- “Taṃpajānanā paññā sutamaye ñāṇan” ti.”
TUỆ do sự nhận biết điều ấy là TRÍ về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.” [5]
Như vậy, có nghĩa là hai khái niệm Trí (ñāṇaṃ) và Tuệ (paññā) rất gần nhau, có thể xem chúng như có ý nghĩa giống nhau. Trí được xem như là Tuệ đã thành tựu viên mãn. Hoặc ngược lại khi Tuệ viên mãn thì gọi là Trí. Thường thì ta có thể dùng Trí hoặc Tuệ mà không cần phân biệt.
Trong khi Tuệ của đời thường (sự hiểu biết) nhằm mục đích phục vụ cuộc sống thế gian, thì Tuệ trong Đạo Phật nhằm mục đích giúp cho con người vượt thoát khỏi thế gian và những cái hữu hạn của nó. Tuệ, trong Đạo Phật, nhằm giúp người tu vượt lên cõi nhân gian, vươn tới những cõi giới (planes of existence) [6],[11] cao hơn, hoặc thậm chí vượt qua tất cả các cõi giới để đạt được tự do tuyệt đối!
II. Ý nghĩa của Tuệ
1. Ý nghĩa của tuệ trong đời thường:
Chúng ta cũng vẫn dùng chữ “Tuệ” trong đời thường để chỉ một mức độ nào đó vượt hơn từ “hiểu biết”, ví dụ người trí tuệ, sự thông tuệ. Chữ wisdom hay insight cũng được dùng trong khối tiếng Anh với ý nghĩa cao hơn chữ Knowledge. Kiến thức thì cao hơn Thông tin, và Dữ liệu. Xếp thứ tự từ mức độ thấp lên cao :
Dữ liệu (Data) --> Thông tin (Information) --> Kiến thức (Knowledge) -->Tuệ (Wisdom).
Từ những dữ liệu (chưa có phân loại và định hướng), ta thu thập được thông tin (dữ liệu có phân loại và định hướng). Thông tin phát triển thành kiến thức, chú ý kiến thức luôn có yếu tố niềm tin (belief) đi kèm, tức yếu tố chủ quan. Kiến thức phát triển sâu rộng, phù hợp với chân lý khoa học, tạo thành tuệ (wisdom). Mặc dù Tuệ, wisdom của cõi con người có tên gọi giống như Tuệ trong Đạo Phật nhưng mục đích của hai loại tuệ hoàn toàn khác nhau. Tuệ, wisdom của thế gian nhằm phục vụ thế gian, phục vụ các thế giới và hiện sinh hữu hạn, còn Tuệ trong Đạo Phật nhằm mục đích đạt giải thoát tối thượng, nghĩa là vượt ra khỏi các thế giới (planes of existence) [6], [11].
2. Ý nghĩa của tuệ trong Đạo Phật:
Tuệ và Trí trong giáo pháp nguyên thủy là phương tiện dùng để đạt tới giải thoát. Chính vì thế mà ta cũng thường nghe rằng Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ. Kinh điển còn lưu lại luôn nói đến sự tu tập các tuệ để thực hiện giác ngộ. Đạo Phật nguyên thủy là đạo của trí tuệ tự thân, sự giác ngộ trong Đạo Phật không dựa vào những năng lực thần bí đến từ bên ngoài. Mỗi con người đều có khả năng tu tập, rèn luyện tâm trí phàm phu của mình trở thành trí tuệ giải thoát. Hay nói cách khác, Trí Tuệ của các vị Thánh cũng bắt đầu từ trí óc phàm phu. Tất cả chỉ khác nhau ở mức độ phát triển.
3. Tuệ, Wisdom, paññā, prajñā là những từ đồng nghĩa.
Vậy “Tuệ” trong giáo pháp nguyên thủy cũng chính là “Bát Nhã” (Trí Bát Nhã) trong kinh văn của Phật Giáo phát triển. Tuy nhiên qua sự phát triển, từ Hán-Việt “Bát Nhã” luôn mang lại cảm giác cao siêu, linh thiêng, thần bí, khó hiểu và đã làm bối rối nhiều người không ít. Ví dụ một đoạn giảng về bát nhã như sau:
“Bát-nhã vô tri vô sở bất tri, nghĩa là Bát-nhã không biết mà không chỗ nào chẳng biết. Không biết tức Bát-nhã đối với cảnh không khởi vọng thức phân biệt. Không chỗ nào chẳng biết vì Bát-nhã là trí tuệ hằng sáng hằng giác dụ như gương sáng, tất cả cảnh vật hoặc người qua lại đều hiện rõ ràng không thiếu sót. Biết mà không khởi vọng thức phân biệt là cái biết của Tâm…” [7].
Khi prajñā paramitta được dịch âm là Bát Nhã Ba La Mật Đa, thì khái niệm tuệ giải thoát được thuyết giảng như là một phạm trù không thể nói ra được (cõi vô ngôn), không thể suy nghĩ giải bày được (bất khả tư nghị) v.v… ví dụ, một đoạn kinh văn của Phật giáo phát triển như sau:
“Lúc bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật rất sâu nầy vì đại sự mà phát khởi, vì bất khả tư nghì sự, vì bất khả xưng sự, vì bất khả lượng sự, vô đẳng đẳng sự mà phát khởi”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Đúng như vậy. Bát nhã ba la mật rất sâu nầy vì bất khả tư nghì sự đến vì vô đẳng đẳng sự mà phát khởi,...”[8],
Đọc xong thực tình chỉ biết gãi đầu! Người tu luôn mất tự tin, thấy mình yếu đuối khi tiếp xúc với khái niệm quá thần bí như vậy. Khi đọc các luận giải về Bát Nhã, ta thấy quá nhiều những giải thích mang tính bất lực trước nội dung của chữ Bát Nhã, mà sự thực thì Bát Nhã chỉ là prajñā, tức paññā, tức tuệ, tức wisdom. Sự thực bát nhã không thể hiểu được, không thể nói được hay đó chỉ là cái trick của người giảng đối với người nghe! Sự thực như thế nào? Thời Đức Phật còn tại thế, có phải thực sự Ngài và các bậc Thánh tăng đã hoàn toàn không có khả năng diễn đạt về cái gọi là “Bát Nhã” hay không? Nếu Bát nhã tức Tuệ, một yếu tố chính để giác ngộ, mà không thể trình bày được thì làm sao giáo pháp có thể được truyền lại cho nhân loại! Hãy chú ý đến sự vô lý này khi chúng ta đọc một số kinh điển được cho là “kinh Phật”!
III. Tu tập tuệ là phương pháp đặc thù riêng của Đạo Phật.
Một tâm phàm phu nếu được trau dồi tu tập đúng cách sẽ phát triển tuệ. Hay nói cách khác các tuệ phi thường đều có nguồn gốc từ tâm trí bình thường. Tuệ không mang tính thần bí. Các tôn giáo, nhất là các tôn giáo thuộc văn minh Ấn Độ, thường thực hiện giải thoát tâm linh qua các tuệ phát sinh từ các loại thiền [9]. Có nhiều loại thiền, ví dụ có loại dùng sự tập trung gọi là thiền định (Samādhi), có loại dùng sự quán tưởng trên những đối tượng hoặc những biểu tượng (meditation on visualization), có loại dùng sự khích động các năng lượng bí mật của cơ thể (Kundalini), có loại dùng năng lực của lòng tin (Bhakti) [10] hoặc sự sùng bái (worship) v.v…Riêng đạo Phật, ngoài hai giai đoạn chuẩn bị là Giới và Định, sự tu tập để giải thoát đặt cơ sở trên sự phát triển các Tuệ, tức sự hiểu biết thâm sâu trực tiếp. Đây là điều rất đặc biệt. Đạo Phật là đạo của trí tuệ của chính người tu, không phải là lòng tin hay sự sùng bái trong tín ngưỡng. Giáo pháp nguyên Thủy của Đức Phật không có mối liên quan với những năng lực thần bí bên ngoài!
Các loại thiền đều giúp trí óc (mind) vượt qua khả năng bình thường của nó để đạt tới những tuệ nhất định. Ví dụ, các đạo sĩ Ấn Độ giáo thường nói đến sự hòa nhập với vũ trụ to lớn chung quanh (một là tất cả) và cũng thấy cả vũ trụ to lớn chung quanh là chính mình (tất cả là một). Đó là một loại tuệ gọi là “Tâm bất nhị”, vốn có từ lâu trong các loại thiền định của Ấn Độ giáo. Bên cạnh đó bằng các kỹ thuật tu luyện phát triển từ thiền định, các đạo sĩ cũng tạo ra những tuệ đặc biệt phi thường gọi là thần thong, như nghe thật xa, nhìn thật xa, xúc chạm thật xa, hiểu tâm ý người khác, biết được các kiếp trước của mình, v.v…tất cả các tuệ do thiền định đó góp phần vào việc giải thoát từ cõi người đến các cõi thiên cao hơn, tốt đẹp hơn (theo quan điểm Ấn độ giáo). Từ trí óc bình thường đến những trạng thái thăng hoa của thiền định, rõ ràng con người đã vượt một đoạn đường dài trong tiến hóa tâm linh. Đa số các tôn giáo, giáo phái Bà La Môn thời đó cũng như thời nay, đều hài lòng với các tuệ thế gian và các thần thông do các loại thiền định. Trước thời Đức Phật, không ai biết sự giải thoát trong các cõi trời tốt đẹp đó cũng chỉ là hữu hạn, không phải là tuyệt đối, nghĩa là cũng vô thường, có sinh, có tử, có thọ mạng. Theo cách nhìn của Đạo Phật, các tuệ giải thoát này vẫn là các tuệ thuộc thế gian (mundane), nghĩa là không đủ để giải thoát ra ngoài ba cõi giới (triloka) [11]. Khi sa môn Gautama đắc chứng các tầng thiền định (samāpatti) với các tuệ của Định và với các thần thông, ngài phát hiện ra rằng sự giải thoát đến các thiên đàng như thế cũng chưa thực sự là một giải thoát tuyệt đối. Nhờ sự hoài nghi can đảm đó, sa môn Gautama từ bỏ các vị thày để tiếp tục tu tập. Cuối cùng, bằng thiền quán (Vipassanā), Ngài thành công và đạt đến Níp Bàn, một giải thoát tuyệt đối vượt khỏi các tầng trời trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới). Sự phát hiện ra các tuệ xuất thế gian tức tuệ của bốn đạo và bốn quả (Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai và A La Hán) đã thay đổi được cả nền văn minh và thân phận loài người. Bằng trí tuệ đặc biệt phi thường, Đức Phật đã chứng thực được con người có khả năng chấm dứt luân hồi sinh tử, thoát ra khỏi những trạng thái hiện hữu vốn luôn có giới hạn và luôn có khổ đau. Phương cách thiền để tạo ra tuệ giác (thiền tuệ, Vipassanā) của Ngài đã trở thành một pháp duy nhất trên cõi người, có thể giúp con người đạt đến một giải thoát cao hơn các thiên đàng, vượt qua hẳn cái giải thoát của các vị Bà La Môn đương thời. Ngay từ đây, chúng ta phải cẩn thận với từ “Giác ngộ” hoặc “Giải thoát”. Có rất nhiều kiểu giác ngộ khác nhau và cũng có rất nhiều kiểu giải thoát khác nhau. Phải căn cứ vào nội dung của giác ngộ hay giải thoát mới biết nó có thuộc về Đạo Phật hay không thuộc về Đạo Phật. Ví dụ pháp môn nào giúp con người vượt ra khỏi thế gian, vượt qua các tầng trời thì nó chính là Đạo Phật. Còn ngược lại, pháp môn nào ôm giữ và ca ngợi cái tươi đẹp đầy ảo tưởng của thế gian, thì đó không phải là Đạo Phật. Đạo Phật giúp con người đi ra khỏi cuộc đời và ra khỏi cả những tồn tại trên các cõi trời. Đây là ý nghĩa thực của Đạo Phật. Sự giải thoát của Đạo Phật hoàn toàn đi ngược lại bản năng con người và vì thế, chỉ dành riêng cho những cá thể đã trưởng thành qua tiến hóa cũng như đã hiểu được giáo pháp vĩ đại này. Không thể có một loại “Đạo Phật đi vào cuộc đời”. Nếu có những giáo phái chủ trương thỏng tay vào chợ, đi vào cuộc đời, cải tạo thế giới.v.v.. thì đó không phải là Đạo Phật. Chính cái cứu cánh của Đạo Phật mới xác định đó là Đạo Phật hay không phải là Đạo Phật. Níp Bàn (nibbana) là một cứu cánh có nội dung riêng của Đạo Phật nguyên thủy. Những tuệ cần có để đạt tới Níp Bàn là những tuệ riêng chỉ có trong sự tu tập trong giáo pháp lúc còn nguyên thủy.
Nên nhắc lại rằng chỉ có chánh pháp của Đức Phật Gautama mới liệt kê và mô tả những Tuệ xuất thế gian trong quá trình tu chứng, tức những tuệ đặc biệt phi thường giúp vượt qua cả tam giới [11], chấm dứt luân hồi sinh tử giúp người tu an trú trong trạng thái Níp Bàn. Trong thực tế sinh hoạt tôn giáo, rất khó phân biệt tôn giáo nào thực hiện loại giải thoát nào, và có thực sự đúng như nó tuyên bố như vậy không! Hiên nay có rất nhiều giáo phái tự cho rằng có thể giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, nhưng thực tế những giáo phái đó hoàn toàn chỉ tu tập thiền định, không thể nêu lên các tuệ và không thể trình bày phương pháp tu tập tuệ khi thực hiện giải thoát! Một giáo phái hoặc pháp môn không nêu lên được nguyên lý của sự tu tập, không mô tả được những tuệ giải thoát, chi tiết đến từng sát-na tâm, thì khó có thể so sánh với phương pháp tu tập cũng như cứu cánh giải thoát của Đạo Phật dạy bởi Đức Phật Gautama.
IV. Tuệ trong ý nghĩa của tiến hóa tâm linh
Sự tiến hóa của ý thức tạo ra nền văn minh của vật chất và các giá trị cho thế giới con người. Đồng thời tiến hóa Ý thức cũng đưa đến phát triển tâm linh, tôn giáo và những tuệ cho giải thoát trong đạo Phật.
1. Tuệ của khoa học và tuệ giải thoát
Tuệ là ý thức cao nhất của tâm trí con người. Văn minh nhân loại, nền khoa học kỹ thuật đã hình thành do tuệ của con người trần thế. Mặc dù không có sự khác biệt về hình thức chữ tuệ trong đời thường và trong Đạo Phật. Nhưng về nội dung, ta có thể phân biệt những loại tuệ thuộc thế gian như trong khoa học kĩ thuật, cái đóng góp cho sự tồn tại và phát triển loài người, với những loại tuệ của Đạo Phật dùng để phát triển tâm linh với mục đích đạt đến giải thoát. Một người dù đi theo con đường khoa học hay tu tập tâm linh cũng bắt đầu bằng sự hiểu biết bằng trí óc. Xét về nguồn gốc, dù là hai hướng phát triển có hai mục đích khác nhau nhưng tất cả hai loại tuệ đó cùng có nguồn gốc từ sự hiểu biết của ý thức trí-óc (mind-consciousness). Ở đây, nếu tiếp tục tìm hiểu về quá khứ, tức nguồn cội của ý thức, thì chúng ta rất dễ nhìn thấy toàn diện sự tiến hóa của loài người, trong đó bao gồm tiến hóa tâm linh.
2. Từ không đến có
Khoa học đã cho thấy cái phức tạp nhất có thể bắt đầu từ cái đơn giản nhất. Chiếc computer trước mặt bạn có đủ các thứ văn bản, hình ảnh và âm thanh. Tuy nhiên khởi đầu của nó chỉ là một khái niệm về “Bit”. Một “Bit”có một trong hai giá trị zero và một (0 không có dòng điện đi qua, 1 có dòng điện đi qua). Chỉ vậy, từ hai giá trị đơn giản, mà bây giờ công nghệ thông tin và máy tính đã phát triển lớn mạnh đến như thế nào! Tất cả “thần thông” mà loài người hôm nay có được như liên lạc, viễn thông, trao đổi tài liệu v.v… thực sự chỉ bắt đầu với hai giá trị “không” và “có”. Thuyết Big Bang cũng giả thuyết rằng vũ trụ mênh mông được thành lập từ hư không, từ một vụ nổ đầu tiên mà tất cả thiên thể trong vũ trụ đã thành hình. Big Bang càng ngày càng được chứng minh là đúng. Nghĩa là hư không có thể biến thành tất cả! Riêng trên bề mặt trái đất, con người xuất hiện như thế nào vẫn còn đang tranh cãi. Có phải sinh vật trên địa cầu đã xuất hiện do tiến hóa? Bắt đầu từ một con amib đơn bào đầu tiên trong biển nguyên thủy ? Giả thuyết về sự tiến hóa sinh vật, từ đơn bào đến đa bào, đến các lớp hữu nhũ, rồi đến loài người, gây cảm giác “hạ giá” con người đối với quan điểm của các tôn giáo thần khải như Kito, Hồi và Do Thái. Nhưng rất nhiều người vẫn tin rằng một ngày gần đây điều này sẽ được chứng minh. Hiện giờ, vẫn còn một vài hóa thạch “mắt xích”của tiến hóa sinh vật chưa được tìm thấy. Đối với các tôn giáo thần khải, thuyết tiến hóa rõ ràng không được chấp nhận vì Thánh kinh nói loài người do chúa đã tạo ra. Nhưng đối với Phật giáo và triết học Ấn độ, thuyết tiến hóa dường như không có mâu thuẫn gì. Vũ trụ quan của Đạo Phật [12] với sáu cõi luân hồi từ những hiện sinh cõi thấp đến cõi cao. Tiến hóa trong Đạo Phật có thể từ thấp lên cao hay từ cao xuống thấp, khác với thuyết Darwin, tiến hóa chỉ có một chiều. Đề cập đến sự tiến hóa để thấy giữa các loài sinh vật, con người và với thần thánh thực sự không có biên giới. Luật tiến hóa tự nhiên đã thúc đẩy sinh vật không có ý thức trở thành con người có ý thức. Vì vậy, luật tiến hóa tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy con người ý thức đến một dạng tồn tại cao hơn!
3. Tiến hóa sinh vật bao gồm tiến hóa tâm linh
Từ một sinh vật đơn bào trong biển nguyên thủy, đến động vật hữu nhũ, đến con người đứng thẳng (Homo Erectus) rồi đến con người có ý thức (Homo Sapiens), quá trình đó đã là một mức tiến hóa phi thường. Nhưng dĩ nhiên, sự tiến hóa không dừng lại. Ý thức con người vẫn tiếp tục nổ lực thực hiện sự tiến hóa không ngừng nghỉ, để vượt qua chính nó, vượt qua cái thân phận hữu hạn của Homo Sapiens vươn đến một tồn tại tốt đẹp hơn! Nói theo một số các tôn giáo là vượt đến những thiên đàng gần gũi với Thượng Đế. Nói theo quan điểm Đạo Phật là vượt thoát mọi luân hồi sinh tử, an trú trong tịch tĩnh. Các vị Phật, các vị Thánh xuất hiện đây đó trong chiều dài lịch sử, các giáo thuyết khác nhau lần lượt ra đời với mức độ cao thấp, sai biệt, khác nhau. Tất cả đều hướng tâm linh con người đến một tầm cao mới. Hoạt động tâm linh, tôn giáo, luôn xuất hiện cùng với con người qua mọi thời đại. Các công trình xây dựng to lớn và bền vững qua hàng ngàn năm của các nền văn minh luôn là những đền đài, thánh tích thuộc về các tôn giáo. Hoạt động tôn giáo, tâm linh xét trong ý nghĩa sâu xa chính là những nổ lực tiến hóa của con người. Từ những đạo đơn giản thủa ban sơ thờ thần lửa, thần gió, thần mặt trời,v.v… xuất hiện các tôn giáo có nội dung triết lý cao hơn. Dù là một tôn giáo lớn hay các giáo phái nhỏ, từ triết lý cao siêu hay chỉ từ những tín ngưỡng ngô nghê, thì tất cả các hoạt động đó cũng luôn có rất đông tín đồ. Nghĩa là luôn có một lực thúc đẩy bí mật và mạnh mẽ khiến con người phải đi về những khuynh hướng tâm linh đa dạng và khác nhau như vậy. Sự mù quáng trong tôn giáo cũng có ý nghĩa nhất định của nó! Teillard De Chardin tin rằng: Con người, trong sự lần mò mù lòa (tatonnement aveugle), cuối cùng sẽ tiến đến điểm Omega để trở thành thượng Đế [13]. Có phải luật tiến hóa sinh vật nói chung, hay tiến hóa tâm linh nói riêng đã giải thích sự hình thành tôn giáo và tính đa dạng của nó. Có phải luật tiến hóa đã hình thành các khuynh hướng tâm linh, các kĩ thuật thiền, đặc biệt là thiền quán với sự phát triển những Trí (ñāṇaṃ) trong Đạo Phật? Có phải luật tiến hóa, với một lực thúc đẩy bí mật và mạnh mẽ bên trong, đã giải thích được rằng tại sao có những cá thể đã tự nguyện cống hiến tất cả cuộc đời cho mục đích giác ngộ!
Tuệ trong đời thường là năng lực cao nhất của tâm trí con người vốn do học hỏi, tìm hiểu. Sự sáng tạo trong khoa học thường do trực giác (tuệ) mà có. Đối với lãnh vực tâm linh, ngoài sự hiểu biết do nghe và đọc, Tuệ phát triển do thiền (bhāvanā) tức các phương pháp trải nghiệm nội tâm bên trong. Tuệ không phải do sự ban phúc của thượng đế, không mang tính thần bí. Đạo Phật đạt giác ngộ bằng các tuệ phát xuất từ con người, nghĩa là bằng chính năng lực của con người. Nhìn với quan điểm của tiến hóa luận: Ý thức con người, tuệ phục vụ khoa học, tuệ dùng để giải thoát, tất cả đều cùng nằm chung trên một dòng tiến hóa. Nghĩa là cùng một cội nguồn xuất phát với mức độ cao thấp, tinh tế, thăng hoa khác nhau. Với góc nhìn như vậy, sẽ giúp ta tự tin hơn trong tu tập, thoát ra khỏi hỏa mù của ngôn ngữ tôn giáo, tránh khỏi sắc màu thần bí vốn có rất nhiều trong lãnh vực tâm linh.
V. Tuệ và Giác ngộ có thể mô tả và hiểu được
Trí Bát Nhã hoặc Giác ngộ, qua sự luận giải của Phật Giáo phát triển, khiến người học Phật có cảm giác rằng đó là lãnh vực “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn), là khái niệm “bất khả ngôn thuyết” (không thể nói ra) [14]. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho người học Phật. Sự thực là thế nào? Sự thực không hoàn toàn là như vậy!
Trí tuệ giải thoát đúng là những trí tuệ rất cao siêu, chỉ được nhận ra vào những giai đoạn cuối của tiến trình tu tập. Nhưng tuệ hay trí theo giáo pháp nguyên thủy là hoàn toàn có thể mô tả được, có thể giải thích được. Nói cho giống kinh văn Hán Việt là “khả ngôn thuyết” và “khả tư nghị”. Thậm chí tuệ (Bát Nhã) có thể được phân loại một cách rõ ràng thật chi tiết. Các bậc thánh sau khi chứng ngộ, bằng tứ tuệ phân tích (Paṭisambhidāñāṇa) của mình, có thể thuyết giảng, mô tả tất cả các tuệ cần thiết cho con đường giải thoát. Khi các tuệ (tức cái gọi là Bát Nhã) đã được mô tả rõ ràng và phân loại chi tiết, thì người tu trở nên sáng tỏ về đạo lộ, tự tin trong việc học hỏi cũng như thực hành. Với nổ lực Thiền quán đúng phương pháp, người tu có khả năng chuyển tuệ thành trí. Khi các trí cần thiết đã được đạt tới, giác ngộ sẽ xảy ra. Một sự thực, chắc chắn sẽ gây bàng hoàng và xúc cảm cho rất nhiều người đang đi tìm chánh pháp, rằng ngay cả sự giác ngộ vĩ đại trong Đạo Phật nguyên thủy, tức qui trình đắc chứng bốn quả sa môn, cũng được kinh điển mô tả rõ ràng bằng các lộ trình tâm!!!.
Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Phân Tích Đạo (Patisambhidāmagga) và chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) cho ta thấy các quan điểm mơ hồ và thần bí về sự giác ngộ tan biến đi. Thay vào đó, các nguyên lý (principles) về sự tu chứng được hiển lộ một cách rõ ràng sáng tỏ.
Thử nhìn chung quanh xem, ngay trong hiện tại, các tôn giáo và giáo phái xuất phát từ khu vực Ấn Độ giáo đã thần bí hóa pháp môn của mình như thế nào, đã dấu diếm như thế nào, đã sử dụng các thủ đoạn, các tricks, để khống chế tâm lý tín đồ như thế nào! So sánh để thấy rằng Đạo Phật dạy bởi Đức Phật Gautama thực sự cao cả như thế nào. Đạo giải thoát của Đức Phật là một giá trị cao quí nhất trong cõi người và trong tất cả các cõi giới khác, không chỉ bởi vì nó là con đường đưa đến giải thoát tối thượng mà còn vì nó được hoàn toàn công khai, không dấu diếm! Chánh pháp là một món quà ban ơn cho chúng sinh mà không cần đến bất cứ thủ đoạn nào để tư lợi.
Sau khi đọc Phân Tích Đạo của ngài Xá Lợi Phất, ta có thể thấy quan điểm thần bí về Bát Nhã (Tuệ) hay thần bí về sự Giác ngộ [14] cần phải thay đổi. Rất nhiều người cảm nhận sự tiến hóa tâm linh của nhân loại hiện đã đạt đến cái ngưỡng cần phải hóa-giải các quan niệm thần thoại, thần bí, linh thiêng (demythologize, demystify, desacralize). Riêng Đạo Phật, vốn nguyên thủy là Đạo của Trí Tuệ thì chúng ta phải thực sự ngạc nhiên vì các vị A La Hán đã từng thực hiện sự hóa-giải đó rồi!
Ngài Xá Lợi Phất, trong Phân Tích Đạo, phẩm giảng về Trí (Ñāṇakathā), đã mô tả và liệt kê chi tiết về 73 loại Trí. Đây là bằng chứng cho thấy Tuệ tức Bát Nhã là hoàn toàn có thể mô tả được, luận bàn được, học hỏi được và tu tập được!
VI. Bảy mươi ba loại Trí
Sự mô tả chi tiết 73 loại trí (tuệ) có thể tìm thấy trong các bản dịch về Phân Tich Đạo (Patisambhidāmagga) tập I [15], phẩm chính yếu, phần Giảng về trí (Ñāṇakathā). Tất cả các bản dịch Phân Tích Đạo, trước đây gọi là Vô Ngại Giải Đạo, đều mới xuất hiện cách đây chưa tới 10 năm. Nghĩa là chỉ gần đây thôi, các Phật tử Việt Nam mới có thể đọc bản dịch này bằng tiếng Việt. Văn phong là loại cổ ngữ dành cho việc tụng đọc, vì thế ta có thể hiểu tại sao có sự trùng lắp trong những đoạn cần thiết. Hãy hình dung lịch sử xa xưa của Đạo Phật và mang ơn các nhóm tụng đọc (bhāṇaka) [16] thuần thành đã tụng đọc trong suốt hàng trăm năm để lưu giữ những tài liệu quí như thê này. Các tuệ (trí), từ phàm đến thánh, đã được liệt kê và mô tả như sau:
1. Sutamayañāṇa - Trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe
2. Sīlamayañāṇa - Trí về yếu tố tạo thành giới
3. Samādhibhāvanāmayañāṇa - Trí về yếu tố tạo thành việc tu tập định
4. Dhammaṭṭhitiñāṇa - Trí về sự hiện diện của các pháp
5. Sammasanañāṇa - Trí về sự thấu hiểu
6. Udayabbayānupassanañāṇa - Trí quán xét sự sanh diệt
7. Vipassanañāṇa - Trí về minh sát
8. Ādīnavañāṇa - Trí về điều tai hại
9. Saṅkhārupekkhāñāṇa - Trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi
10. Gotrabhūñāṇa - Trí chuyển tộc
11. Maggañāṇa - Trí về Đạo
12. Phalañāṇa - Trí về Quả
13. Vimuttiñāṇa - Trí về giải thoát
14. Paccavekkhanañāṇa - Trí về việc quán xét lại
15. Vatthunānattañāṇa - Trí về tính chất khác biệt của các vật nương
16. Gocaranānattañāṇa - Trí về tính chất khác biệt của các hành xứ
17. Cariyānānattañāṇa - Trí về tính chất khác biệt của các hành vi
18. Bhūminānattañāṇa - Trí về tính chất khác biệt của các lãnh vực
19. Dhammanānattañāṇa - Trí về tính chất khác biệt của các pháp
20 - 24. Ñāṇapañcaka - Năm loại trí :
Tuệ về sự biết rõ là trí về ý nghĩa của điều đã được biết,
Tuệ về sự biết toàn diện là trí về ý nghĩa của quyết đoán,
Tuệ về sự dứt bỏ là trí về ý nghĩa của buông bỏ,
Tuệ về sự tu tập là trí về ý nghĩa của nhất vị,
Tuệ về sự tác chứng là trí về ý nghĩa của sự chạm đến
25 - 28. Paṭisambhidāñāṇa - Trí về sự phân tích
Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa,
Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp,
Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ,
Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải là (có ý nghĩa) thế nào? (Tứ Tuệ Phân Tích)
29 -31. Ñāṇattaya - Ba loại trí
Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú là trí về ý nghĩa của các sự an trú,
Tuệ về tính chất khác biệt của các sự chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự chứng đạt,
Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú và chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự an trú và chứng đạt
32. Ānantarikasamādhiñāṇa - Trí về định không gián đoạn
33. Araṇavihārañāṇa - Trí về sự an trú không uế nhiễm
34. Nirodhasamāpattiñāṇa - Trí về sự chứng đạt thiền diệt
35. Parinibbānañāṇa - Trí về sự viên tịch Niết Bàn
36. Samasīsaṭṭhañāṇa-Trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng
37. Sallekhaṭṭhañāṇa - Trí về ý nghĩa của việc dứt trừ
38. Viriyārambhañāṇa - Trí về việc khởi sự tinh tấn
39. Atthasandassanañāṇa - Trí về sự trực nhận ý nghĩa
40. Dassanavisuddhiñāṇa - Trí về sự thanh tịnh trong việc nhận thức
41. Khantiñāṇa - Trí về việc chấp nhận
42. Pariyogāhanañāṇa - Trí về sự thâm nhập
43. Padesavihārañāṇa - Trí về sự an trú vào các lãnh vực
44 - 49. Vivaṭṭañāṇachakka - Trí về sự ly khai (nhóm 6)
50. Iddhividhañāṇa - Trí về thể loại của thần thông
51. Sotadhātuvisuddhiñāṇa - Trí thanh tịnh của nhĩ giới
52. Cetopariyañāṇa - Trí biết được tâm
53. Pubbenivāsānussatiñāṇa - Trí nhớ về các kiếp sống trước
54. Dibbacakkhuñāṇa - Trí về thiên nhãn
55. Āsavakkhayañāṇa - Trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc
56 - 63. Saccañāṇacatukkadvaya - Trí về Chân Lý (Hai nhóm bốn)
64 - 67. Suddhikapaṭisambhidāñāṇa-Trí về sự phân tích có tính chất thuần túy
68. Indriyaparopariyattañāṇa-Trí biết được khả năng của người khác về các quyền
69. Āsayānusayañāṇa - Trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm
70. Yamakapāṭihīrañāṇa-Trí song thông
71. Mahākaruṇāsamāpattiñāṇa -Trí về sự thể nhập đại bi
72 - 73. Sabbaññuta-anāvaraṇañāṇa - Trí Toàn Giác không bị ngăn che
Đây là 73 trí từ phàm đến thánh.
Trong số 73 loại trí này, 67 loại trí là phổ thông đến các vị Thinh Văn. Sáu loại trí từ 68 đến 73 là không phổ thông đến vị Thinh Văn. Nói cách khác Đức Phật toàn giác luôn có số trí nhiều hơn các vị A La Hán đệ tử.
VII. Mười sáu tuệ minh sát
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một cuốn chú giải, do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) biên soạn vào khoảng thế kỷ V Tây lịch đã đề xuất qui trình tu tập qua bảy giai đoạn thanh tịnh để chứng đạt mười sáu tuệ minh sát. Bảy giai đoạn thanh tịnh tâm đã từng được nêu lên trong bài kinh 24, Trung Bộ (Rathavinita Sutta, Kinh Bảy Trạm Xe) và trong bài kinh 34 của Trường Bộ (Dasuttara Sutta, Kinh Thập Thượng). Khi thực hành Vipassana (thiền quán, tuệ quán) người tu phát triển rất nhiều loại tuệ, tuy nhiên có 16 Tuệ minh sát được coi như căn bản và chuẩn mốc, được liệt kê như sau:
1. Tuệ phân tích Danh Sắc (Nāma-rūpa-pariccheda ñāṇa)
2. Tuệ phân tích nhân quả (Paccaya-parigaha-ñāṇa)
3. Tuệ suy xét thấy danh sắc vô thường, khổ, vô ngã (Sammasa-ñāṇa)
4. Tuệ về sinh và diệt (Udayabbaya-ñāṇa)
5. Tuệ quán sự hoại diệt (BhangaAnupassanā-ñāṇa)
6. Tuệ sợ hãi (Bhayatupatthana-ñāṇa)
7. Tuệ bất toại nguyện (Adīnava-ñāṇa)
8. Tuệ chán ghét (Nibbidā-ñāṇa)
9. Tuệ ham muốn giải Thoát (Munacittukammayata-ñāṇa)
10. Tuệ nổ lực giải thoát (Patisankha-ñāṇa)
11. Tuệ hành xả (Sankhāra-upekkhā-ñāṇa)
12. Tuệ thuận thứ (Anuloma-ñāṇa)
13. Tuệ cắt đứt dòng phàm (Gottarabhu-ñāṇa)
14. Tuệ đạo (Magga-ñāṇa)
15. Tuệ quả (Phala-ñāṇa)
16. Tuệ phản khán hay xem xét lại (Paccavekkhana-ñāṇa)
VIII. Thực hiện Tuệ qua pháp học và pháp hành
Giáo Pháp của Đức Phật gồm có hai phần: Pháp Học và Pháp Hành
1. Pháp học (pariyatti):
Là giáo thuyết của Đức Phật. Vi dụ về ba dấu hiệu của hiện sinh (three signes of existence): Khổ, Vô thường, Vô ngã; về Tứ Diệu Đế, Bát thánh Đạo, Bốn quả sa môn v.v… có thể xem như tương đương với lý thuyết (theories) trong các ngành khoa học. Khi ta thông thạo pháp học qua Luật (Vinaya), Kinh (Sutta), thắng pháp (Abhidhamma) và chú giải (commentaries), ta sẽ thu đạt được một số tuệ. Tuệ sinh ra từ pháp học không hoàn hảo, chưa viên mãn vì chưa được chứng minh, chưa được trải nghiệm tức là chưa được “thấy như thực”. Cũng giống như trường hợp một lý thuyết khoa học (theory) chưa được xác nhận tính chân lý, nếu nó chưa được chứng minh qua các thí nghiệm kiểm chứng. Đạo Phật nghiêng hẳn về trí tuệ nên người tu rất cần một pháp học vững chắc. Thiền định chỉ đòi hỏi một pháp học vừa phải, nhưng ngược lại, tuệ quán đòi hỏi một pháp học sâu hơn. Không có óc lý luận và phán đoán rất khó thành tựu được các bậc thiền quán!
1. Pháp hành (patipatti):
Pháp học là cần thiết, nhưng Pháp hành mới là pháp trực tiếp dẫn đến giác ngộ. So sánh với phương pháp luận khoa học, ta thấy Pháp hành giống như sự thực hiện thí nghiệm (experiment) để chứng minh một lý thuyết. Đạo Phật nguyên thủy có hai pháp hành: thiền định và tuệ quán. Thiền định có thể làm phát sinh một số tuệ, nhưng không đủ để đem đến giác ngộ tối thượng, theo quan điểm của Đạo Phật. Vì thế cần phải thực hiện tuệ quán (thiền quán) để có đủ những tuệ cần thiết cho sự giác ngộ. Tuệ, trong ý nghĩa của giác ngộ, chỉ tròn đầy khi được trải nghiệm trong tuệ quán.
Đạo Phật khác với các tôn giáo thần khải ở chỗ không dựa vào sự sùng bái và niềm tin. Đạo Phật dạy con người thực hành trải nghiệm tâm linh để tự giải thoát. Nếu chỉ có pháp học mà không có pháp hành thì Đạo Phật sẽ chỉ là một loại tôn giáo thần khải không hơn. Hiện nay về pháp học thì Theravāda còn lưu giữ được toàn bộ kinh điển quý giá từ hơn hai ngàn năm nay, tuy nhiên pháp hành thì chưa thống nhất giữa các trường phái Theravāda. Còn rất nhiều tranh cãi về vai trò của thiền định cũng như mối liên hệ giữa thiền định (Samādhi)và tuệ quán (Vipassanā)!... (còn tiếp)
BS. Phạm Doãn
Hiệu đính: 01 tháng 091, 2011
Chú thích:
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Wisdom_in_Buddhism
[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Wisdom
[3] Trong Đại Thừa nghĩa chương, q.9 : « Chiếu kiến gọi là Trí, sáng tỏ gọi là Tuệ. Hai loại này khác biệt nhau. Biết rõ tục đế gọi là Trí, sáng tỏ Đệ nhất nghĩa gọi là Tuệ. Nhìn chung thì nghĩa giống nhau » theo Tự điển Phật Học hán –Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, trang 1383
[4] Theo HT Thiện Hoa trong Phật học phổ thông thì :Bát nhãDịch âm của chữ Phạn “Prajnà”. Vì Trung hoa không có chữ dịch cho cân xứng nên chỉ dịch nguyên âm là “Bát Nhã”. http://www.quangduc.com/coban/25phpt12-01.html
[5] Patisambhidamagga (Phân Tích Đạo) hai tập, bản Việt dịch của tỳ khưu Indacanda
[6] trong kinh điển thường dùng chữ thế gian (mundane) để chỉ cả ba thế giới (triloka) là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; và dùng chữ xuất thế gian (supra-mundane) để chỉ ngoài tam giới.
[7] http://www.quangduc.com/kinhdien-2/322batnhatamkinh.html
[8] Kinh Bát Nhã (Mahàprajnàparamitàsatra) – Tác giả: Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập – Dịch Hán ra Việt: Thích Trí Tịnh
[9] http://en.wikipedia.org/wiki/Meditation
[10] http://en.wikipedia.org/wiki/Bhakti.
[11] Tam giới (triloka), cõi giới (planes of existence)
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?new=1&mid=614
[12] Vũ trụ quan Đạo Phật
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=614
[13] http://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_Teilhard_de_Chardin
[14] Giác ngộ (zh. 覺悟, sa., pi. bodhi), danh từ được dịch nghĩa từ chữ bodhi (bồ-đề) của Phạn ngữ, chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bỗng nhiên trực nhận tÃnh Không (sa. śūnyatā), bản thân nó là Không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là Không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Tính Không hiểu ở đây không phải sự trống rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo lường, nằm ngoài cặp đối đãi có-không. Tính Không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Vì vậy, giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giãi bày…
http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1c_ng%E1%BB%99
[15] Patisambhidamagga (Phân Tích Đạo) tập I, phần Giảng về Trí, bản Việt dịch của tỳ khưu Indacanda.
[16] Các nhóm tụng đọc:
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2286&prev=2288&next=2276
Nguồn: Phạm Doãn Blog (http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52)
Từ khóa » Tuệ Có Nghĩa Là Gi
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ, Đặt Tên Con Trai, Con Gái Tên Tuệ - Huggies
-
Ý Nghĩa Của Tên Tuệ
-
Giải đáp ý Nghĩa Tên Tuệ Là Gì Và Tên đệm Hay Cho Tên Tuệ
-
Đặt Tên Con Gái Lót Chữ Tuệ Hay Và ý Nghĩa
-
Tra Từ: Tuệ - Từ điển Hán Nôm
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ Nhi Là Gì? Chữ Ký đẹp & Giải Nghĩa Cụ Thể
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ Lâm Là Gì? Đặt Tên Con Cao Sang, Phú Quý, May Mắn
-
Chữ TUỆ - Fx Studio
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ Anh ❤️️ 100+ Tên Đệm, Biệt Danh, Chữ Ký
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ Như - Tên Con
-
Ý Nghĩa Tên Tuệ Băng - Tên Con
-
Top 9 Chữ Tuệ Có ý Nghĩa Gì 2022
-
Top #10 Xem Nhiều Nhất Ý Nghĩa Tên Tuệ Như Mới Nhất 7/2022 ...
-
Ý Nghĩa Của Tên Tuệ Yên - Tuệ Yên Nghĩa Là Gì?