Tuyên Ngôn Độc Lập - Tác Giả Tác Phẩm (2022) - Ngữ Văn Lớp 12

Tuyên ngôn Độc lập - Ngữ văn 12

I. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

a. Tiểu sử

- Tên tuổi: Hồ Chí Minh (1890 – 1969)

- Quê quán: Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

- Quá trình hoạt động cách mạng:

+ Thời thanh thiếu niên tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành; thời gian hoạt động cách mạng, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác.

+ Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 - 9 - 1945, Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

+ Người khai sáng sự nghiệp cách mạng vĩ đại; đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

+ Người đặt nền móng vững chắc cho văn học cách mạng Việt Nam.

+ Người được UNESCO suy tôn “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá lớn”.

b. Sự nghiệp văn học

- Tác phẩm chính:

+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925, tiếng Pháp), Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), Di chúc (1969)

+ Truyện - kí: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Con người biết mùi hun khói (1922), “Vi hành”(1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925)

+ Thơ ca: Là lĩnh vực nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của Người. Nhật kí trong tù (1942 - 1943; chữ Hán, 133 bài), Thơ Hồ Chí Minh (86 bài thơ tiếng Việt), Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (36 bài)

- Quan điểm sáng tác:

+ Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá - tư tưởng.

+ Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Người căn dặn nhà văn phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” hiện thực đời sống, và phải “giữ tình cảm chân thật”; “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Người nghệ sĩ phải có sự sáng tạo. Người nhắc nhở “chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo”...

+ Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”.

- Vị trí, tầm ảnh hưởng

+ Là một trong những nhà thơ, nhà văn xuất sắc có vai trò và vị trí quan trọng trong kho tàng văn học dân tộc.

+ Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng.

à Nhìn chung, ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ:

- Ngày 19 - 8 - 1945, chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân ta. Ngày 23 - 8 - 1945, tại Huế trước hàng vạn đồng bào ta, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25 - 8 - 1945, gần một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn quật khởi đứng lên giành chính quyền. Chỉ không đầy 10 ngày, Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.

Cuối tháng 8 - 1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Và ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do.

b. Thể loại: Văn chính luận

c. Tóm tắt:

Bản tuyên ngôn mở đầu bằng những câu trích dẫn từ "Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ, " Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của Pháp để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, bản tuyên ngôn lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong đó hơn 80 năm chúng xâm lược chúng ta. Đó là tội ác về kinh tế , chính trị , văn hóa, tội bán nước hai lần cho Nhật. Bản tuyên ngôn nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa và thắng lợi của nhân dân ta. Bản tuyên ngôn kết thúc bằng lời tuyên bố quyền độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của toàn dân tộc.

d. Bố cục:

- Phần 1 (từ đầu đến... “không ai chối cãi được”): nêu lên cơ sở pháp lí và chính nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập.

- Phần 2 (tiếp theo đến “… ở Yên Bái và Cao Bằng”): tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt hơn 80 năm và quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta.

- Phần 3 (còn lại): tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bó mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, khẳng định quyền độc lập, tự do và ý chí quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

e. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

1. Giá trị nội dung

– Tuyên Ngôn Độc Lập là văn kiện lịch sử vô giá: tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm cơ hội quốc tế.

– Tuyên ngôn độc lập vừa là một tác phẩm văn học lớn: bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc Việt Nam

2. Giá trị nghệ thuật

- Tác phẩm là một áng văn chính luận mẫu mực: Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lô gich; lí lẽ sắc bén, đanh thép; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, hùng hồn, khúc chiết

g. Một số nhận định hay về tác phẩm:

1. Bác có nói: “Tôi tuy viết nhiều nhưng chưa lần nào tạo được bài viết hữu ích như lần này”

2. “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở nơi nào, mùa xuân ở đâu, xin mời đến thăm cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hiện diện mẫu mực của một con người anh hùng của thời đại…”

(Rơ - nê Đê Pê - stre - Cu BaBa)

3. Trần Dân Tiên khẳng định: “Bản “Tuyên ngôn Độc lập” là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”

4. Chế Lan Viên nhận định: “Cách lập luận của Hồ Chí Minh về phía ta như một trái táo còn về phía kẻ thù nó giống như một trái lựu đạn nhét vào cổ họng chúng. Nuốt không vô mà khạc cũng không ra”.

5. GS Nguyễn Đăng Mạnh phân tích “Tuyên ngôn độc lập”: Tài nghệ ở đây là dàn dựng một hệ thống lập luận chặt chẽ, đưa ra những luận điểm, những bằng chứng không ai chối cãi được. Và đằng sau những lí lẽ ấy là một tầm tư tưởng, văn hoá lớn, đã tổng kết được trong một văn bản ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc và nhân loại.

6. Đồng chí Trường Chinh bày tỏ:”Về văn phong cách nói và cách viết của chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo: Nội dung khảng khái, thấm thía và đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người ta. Hình thức sinh động, giản dị, giàu tính dân tộc và tính nhân dân.

7. Người ta gọi “Bình Ngộ đại cáo”của Nguyễn Trãi là “thiên cổ hùng văn”. Cũng có thể nói như thế về “Bản tuyên ngôn Độc lập” của chủ tịch Hồ Chính Minh.

(GS Nguyễn Đăng Mạnh)

II. Trọng tâm kiến thức

1.Cơ sở pháp lý của Tuyên ngôn độc lập

- Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp để làm cơ sở pháp lý cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam:

+ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người ... quyền mưu cầu hạnh phúc”

+ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do ... bình đẳng về quyền lợi.”

- Ý nghĩa:

+ Hồ Chí Minh tôn trọng và sử dụng hai bản tuyên ngôn có giá trị, được thế giới công nhận làm cơ sở pháp lý không thể chối cãi.

+ Dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông”: lấy tuyên ngôn của Pháp để phản bác lại chúng, ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng.

+ Đặt ngang hàng cuộc cách mạng, giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc Mỹ và Pháp, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

+ Lập luận chặt chẽ, sáng tạo: từ quyền con người (tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc), “suy rộng ra” là quyền tự do bình đẳng của mọi dân tộc trên thế giới.

2.Cơ sở thực tiễn của Tuyên ngôn độc lập

- Tội ác của thực dân Pháp

+ Vạch trần bản chất công cuộc “khai hóa” của thực dân Pháp: thực chất chúng thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, văn hóa – xã hội – giáo dục và kinh tế.

+ Vạch trần bản chất công cuộc “bảo hộ” của thực dân Pháp: hai lần bán nước ta cho Nhật (vào năm 1940, 1945), khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”, ...

+ Chỉ rõ luận điệu xảo trá, lên án tội ác của chúng: là kẻ phản bội Đồng minh, không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, ...

+ Nghệ thuật: Điệp cấu trúc “chúng + hành động”: nhấn mạnh tội ác của Pháp.

- Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta

+ Nhân dân ta đã chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng minh chống phát xít, kêu gọi Pháp chống Nhật, lấy lại nước từ tay Nhật

+ Kết quả: cùng lúc phá tan 3 xiềng xích đang trói buộc dân tộc ta (Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị), thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

3.Lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc

- Dùng từ ngữ có ý nghĩa phủ định để tuyên bố thoát ly hẳn với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký kết, mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam.

- Dựa vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

- Tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do ... ”. Thể hiện quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền, nên độc lập, tự do của dân tộc.

- Lời văn đanh thép, rõ ràng như một lời thề cũng như một lời khích lệ tinh thần yêu nước nhân dân cả nước.

III. Sơ đồ cơ sở pháp lý

IV. Sơ đồ cơ sở thực tế

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Tây Tiến

Việt Bắc

Đất nước

Sóng

Đàn ghi ta của Lor-ca

Từ khóa » Bố Cục Tác Phẩm Tuyên Ngôn độc Lập