U Hạt Nhiễm Khuẩn (Botryomycosis) - Dr Tai Linh

>> U hạt nhiễm khuẩn (Botryomycosis) có căn nguyên thường gặp do tụ cầu vàng. Thương tổn là khối sùi ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Hình ảnh mô bệnh học cho thấy phản ứng viêm sinh mủ dạng u hạt chứa rất nhiều vi khuẩn, bao quanh là các tế bào viêm.

Đại cương

U hạt nhiễm khuẩn (Botryomycosis) là một phản ứng viêm nhiễm khuẩn mạn tính ở da và niêm mạc. Bệnh được mô tả lần đầu tiên trên động vật (ngựa) vào năm 1870.

Thuật ngữ Botryomycosis có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp Botrys có nghĩa là “chùm nho” và Mycosis có nghĩa là nấm vì lúc đầu được cho là nguyên nhân do nấm gây nên. Các thuật ngữ khác có thể sử dụng như Bacterial pseudomycosis, Staphylococcal Actinophytosis, Granular bacteriosis, và Actinobacillosis.

Nguyên nhân gây u hạt nhiễm khuẩn

Tụ cầu vàng là nguyên nhân thường gặp nhất. Sau đó đến Pseudomonas aeruginosa. Ngoài ra, một số vi khuẩn khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh như Proteus hoặc Escherichia coli.

Tiền sử chấn thương tại nơi xuất hiện tổn thương. Theo một số nghiên cứu thì dị vật và vi khuẩn là hai yếu tố quan trọng trong căn sinh bệnh học của bệnh. Sự cân bằng giữa vi khuẩn và tác nhân gây bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của tổn thương.

Suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, hội chứng tăng IgE trong máu), nghiện rượu, đái tháo đường cũng là những yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện bệnh u hạt nhiễm khuẩn.

Triệu chứng của u hạt nhiễm khuẩn

Thương tổn là khối sùi ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Thường gặp nhất là ở các chi và vùng mặt hoặc vùng sinh dục, màu đỏ thẫm, mềm, kích thước từ 0,2-0,5 cm, giới hạn rõ, dễ chảy máu, da xung quanh có thể viêm đỏ, đôi khi bình thường. Trường hợp tổn thương ở sâu có thể khởi đầu là nodule chắc, đau, sau một thời gian tổn thương loét, chảy dịch hoặc chảy mủ.

Tổn thương của u hạt nhiễm khuẩn
Tổn thương của u hạt nhiễm khuẩn

Thương tổn thường gặp ở da. Tuy nhiên tình trạng nhiễm khuẩn có thể xuống tổ chức dưới da, cân, cơ và xương. Rất hiếm khi tổn thương ở các cơ quan nội tạng như phổi, gan… Kanchan Katapadi và cộng sự mô tả u hạt nhiễm khuẩn ở phổi ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Dạng lan tỏa cũng có thể xảy ra, nhất là ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, AIDS với nhiều mức độ khác nhau như các sẩn lan tỏa hoặc áp xe rò mủ.

Nếu không được điều trị, tổn thương có thể tồn tại kéo dài một vài tháng.

Tiến triển của u hạt nhiễm khuẩn qua thời gian
Tiến triển của u hạt nhiễm khuẩn qua thời gian

Bệnh nhân thường không có biểu hiện các triệu chứng toàn thân.

Hình ảnh mô bệnh học cho thấy phản ứng viêm sinh mủ dạng u hạt chứa rất nhiều vi khuẩn, bao quanh là các tế bào viêm, bao gồm: tổ chức bào, tương bào, tế bào khổng lồ và các bạch cầu đa nhân kèm theo tăng sinh rất nhiều mạch máu.

Thương tổn của u hạt nhiễm khuẩn
Thương tổn của u hạt nhiễm khuẩn

Chẩn đoán u hạt nhiễm khuẩn

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Sinh thiết làm mô bệnh học giúp cho việc xác định chẩn đoán. Có thể nuôi cấy xác định căn nguyên gây bệnh và làm kháng sinh đồ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Tổn thương và mô bệnh học của Botryomycosis
Tổn thương và mô bệnh học của Botryomycosis

Điều trị bệnh u hạt nhiễm khuẩn

Trường hợp tổn thương nổi cao trên mặt da phải loại bỏ thương tổn bằng đốt điện hoặc bốc bay tổ chức sùi bằng laser CO2. Sau đó kết hợp điều trị tại chỗ và kháng sinh toàn thân.

* Dung dịch sát khuẩn: dùng một trong các dung dịch sát khuẩn sau:

– Betadine 10% hoặc Povidine 10%

– Hexamidine 0,1%

– Chlorhexidine 4%

Sát khuẩn ngày 2 – 4 lần trong thời gian 10-15 ngày.

* Thuốc kháng sinh tại chỗ: dùng một trong các thuốc sau:

– Kem hoặc mỡ acid fucidic 2% (Fucidin), bôi 1 – 2 lần/ngày.

– Mỡ Mupirocine 2 % (bactroban), bôi 3 lần/ngày.

– Mỡ Neomycin, bôi 2 – 3 lần/ngày.

– Kem Silver sulfadiazin 1% (Flamazin), bôi 1 – 2 lần/ngày.

Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

* Kháng sinh toàn thân: sử dụng một trong các kháng sinh sau.

– Nhóm Beta lactam:

+ Cloxacilin: viên nang 250mg và 500mg; lọ thuốc bột tiêm 250mg và 500mg.

Trẻ em cứ 6 giờ dùng 12,5-25mg/kg/24 giờ.

Người lớn cứ mỗi giờ dùng 250-500mg.

Chống chỉ định đối với trường hợp mẫn cảm với penicilin. Thận trọng khi dùng cho trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, cho con bú.

+ Augmentin (Amoxilline + acid clavulanic)

Trẻ em 80mg/kg/ngày chia ba lần, uống ngay khi ăn.

Người lớn 1,5-2 g/ngày chia ba lần, uống ngay trước khi ăn.

Chống chỉ định đối với những bệnh nhân dị ứng với nhóm beta lactam.

– Nhóm Macrolid

+ Roxithromycin viên 50mg và 150mg

Trẻ em 5-8mg/kg/ngày, chia hai lần, uống trước bữa ăn 15 phút.

Người lớn 2 viên/ngày, chia hai lần, uống trước bữa ăn 15 phút.

+ Azithromycin: viên 250mg và 500mg; dung dịch treo 50mg/ml

Trẻ em l0mg/kg/ngày trong ba ngày. Uống trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.

Người lớn 500mg ngày đầu tiên. Sau đó, 250mg/ngày trong 4 ngày tiếp theo, uống trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.

Phòng bệnh u hạt nhiễm khuẩn

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Điều trị tích cực các vết thương ở da.

Từ khóa » Chữa U Hạt Nhiễm Khuẩn