Uống Sữa đậu Nành Cùng Lúc Với ăn Trứng Có Sao Không? - VOVlive

Theo bảng thành phần dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng Việt Nam, trong 100g đậu nành có 34g chất đạm, 18g chất béo, 24g chất tinh bột, 4,5g chất xơ, nhiều vitamin A,B1, B2, D, E, muối khoáng Natri, Caxi, Sắt, Magne, Phospho, các Isoflavones, các Enzymes… Nếu so sánh, thì lượng đạm có được từ đậu nành cao hơn hẳn đạm từ cá và thịt bò.

Uống sữa đậu nành cùng lúc với ăn trứng có sao không? - 1

Lượng đạm có được từ đậu nành cao hơn hẳn đạm từ cá và thịt bò. (Ảnh minh họa)

Trong thành phần chất đạm của hạt đậu tương có đủ các acid amin cơ bản, thiết yếu, đó là soleucin, leucin, lysin, metionin, phenylalanin, tryptophan, valin. Vì vậy đây được coi là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì chứa một lượng đáng kể các amino acid không thay thế, cần thiết cho cơ thể, với tỷ lệ đạm thực vật dồi dào, thay thế cho nguồn đạm từ thịt động vật.

Đó là lý do người ăn chay vẫn đủ chất và khỏe mạnh nếu ăn đúng cách. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận rằng ăn đậu nành mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, trong sữa đậu nành không chứa cholesterol xấu, nên rất tốt cho những người cần giảm cân hoặc muốn giảm cholesterol trong máu.

Những kiêng kị khi uống sữa đậu nành

Không được uống sữa đậu nành chưa đun sôi kỹ

Trong sữa đậu nành sống chứa chất ức chế men trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác. Vì vậy nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài… thậm chí ngộ độc.

Không uống sữa đậu nành khi đói

Nếu chỉ uống sữa đậu nành không thì các chất dinh dưỡng trong đậu nành khi vào cơ thể đều bị chuyển hóa thành nhiệt lượng mà tiêu thụ mất, do đó không còn tác dụng tốt nữa. Vì vậy, khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút điểm tâm như: Bánh ngọt, bánh mì, bánh bao… hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột. Tinh bột có tác dụng làm cho dịch vị được tiết ra khiến các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được tiêu hóa, hấp thu hoàn toàn.

Không uống cùng lúc với ăn trứng

Uống sữa đậu nành khi ăn trứng ốp la hoặc trứng luộc là thói quen ăn sáng của khá nhiều người. Ngoài ra, một số người cho rằng uống sữa đậu nành với trứng gà có thể tăng thêm dinh dưỡng. Sữa đậu nành giàu protein thực vật, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng khác, uống một mình thì hiệu ứng bổ dưỡng cao, nhưng nếu uống cùng lúc với ăn trứng thì lại không tốt. Lý do, lòng trắng trứng kết hợp với men trypsin có trong sữa đậu nành sẽ tạo thành hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu, làm mất đi chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành. 

Tránh uống quá nhiều

Uống sữa đậu nành quá nhiều dễ gây ra khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không đựợc hấp thu hết, ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa. Người lớn không nên uống quá 500ml/ngày.

Không kết hợp với hành lá

Đậu nành chứa rất nhiều chất dinh dưỡng gồm canxi, protein… Nhưng trái lại, hành lá lại chứa rất nhiều axit oxalic. Khi kết những chất này với nhau, lượng axit oxalic trong hành lá sẽ phân hủy canxi trong đậu nành, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc hình thành những kết tủa không tan trong dạ dày.

Một số bệnh không nên uống 

Không phải ai cũng có thể hấp thu tốt sữa đậu nành. Theo y học cổ truyền đậu nành có tính hàn, nên những người thể chất kém, tinh thần mệt mỏi hay có triệu chứng của bệnh Gút nên tránh uống sữa đậu nành vì uống sẽ dẫn đến đầy bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài. Ngoài ra, những người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều… cũng không nên uống vì dễ làm cho các triệu chứng trên nặng thêm.

BS. Đặng Xuân Thắng

Từ khóa » Sữa đậu Nành Và Thịt Bò