URDG 758 CÓ GÌ MỚI? * - Mr. Old Man

URDG 758 (Uniform Rules for Demand Guarantees – Bộ quy tắc thống nhất về bảo lãnh trả tiền ngay) là bản sửa đổi đầu tiên sau 18 năm kể từ ngày bản gốc URDG 458 có hiệu lực thi hành. Tiến sĩ George Affaki, Phó chủ tịch Ủy ban Ngân hàng ICC và Chủ tịch Nhóm Biên soạn URDG, cho rằng URDG 758 không chỉ cập nhật URDG 458 mà hơn thế nữa, đó là kết quả của một tiến trình đầy tham vọng nhằm đưa vào thế kỷ 21 một bộ quy tắc rõ ràng hơn, chính xác hơn và toàn diện hơn, bảo đảm sự cân bằng hợp lý về lợi ích của các bên; URDG 758 có những đổi mới chưa từng có ở bộ quy tắc khác của ICC.

URDG 758 – có hiệu lực áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2010 – bao gồm 35 điều với nhiều điểm mới và thay đổi so với URDG 458 mà những người thực hành trong lĩnh vực bảo lãnh quốc tế cần biết. Người viết xin giới thiệu tóm tắt với bạn đọc quan tâm về một số điểm mới đáng lưu ý của URDG 758.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG LƯU Ý

URDG 758 Điều 1: Phạm vi áp dụng của URDG

URDG được áp dụng trong trường hợp trong bảo lãnh trả tiền ngay hoặc bảo lãnh đối ứng nêu rõ là tuân thủ theo URDG (Điều 1(a)). URDG còn được tự động áp dụng đối với bảo lãnh đối ứng nếu bên bảo lãnh đối ứng yêu cầu phát hành bảo lãnh trả tiền ngay tuân theo URDG và nội dung bảo lãnh đối ứng không loại trừ việc áp dụng URDG (Điều 1(b)). Quy định này rất quan trọng giúp tránh trường hợp bên bảo lãnh được yêu cầu phát hành bảo lãnh tuân theo URDG nhưng lại không thể viện dẫn đến URDG khi đòi tiền theo bảo lãnh đối ứng.

Ngoài ra, Điều 1 (c) quy định khi bên yêu cầu phát hành bảo lãnh/bảo lãnh đối ứng yêu cầu hoặc đồng ý phát hành bảo lãnh hoặc bảo lãnh đối ứng theo URDG thì bên yêu cầu đó được hiểu là đã chấp nhận các quyền và nghĩa vụ được quy định cho mình trong URDG. Quy định này rất quan trọng vì quyền và nghĩa vụ của bên yêu cầu phát hành bảo lãnh/bảo lãnh đối ứng không được điều chỉnh bởi bảo lãnh. Trước đây, nếu không có quy định này, khi bảo lãnh dẫn chiếu đến URDG thì cũng không thể vận dụng URDG để xác định quyền và trách nhiệm của bên bên yêu cầu phát hành bảo lãnh/bảo lãnh đối ứng.

URDG 758 Điều 2: Các định nghĩa

Các định nghĩa chính là điểm mới thể hiện tiêu chí “rõ ràng hơn” của URDG 758. Về khía cạnh này, URDG 758 “rập khuôn” UCP 600 – bộ quy tắc đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận – trong việc gộp tất cả các định nghĩa thuật ngữ vào Điều 2.

URDG 758 Điều 2 bao gồm các định nghĩa các thuật ngữ “Advising party” (bên thông báo), “Applicant” (bên có nghĩa vụ/bên được bảo lãnh), “Application” (giấy yêu cầu phát hành bảo lãnh), “Authenticated” (được xác thực), “Beneficiary” (người thụ hưởng), “Business day” (ngày mở cửa làm việc), “Charges” (phí, chi phí), “Complying demand” (yêu cầu đòi tiền phù hợp), “Counter-guarantee” (bảo lãnh đối ứng), “Counter-guarantor” (bên bảo lãnh đối ứng), “Demand” (yêu cầu đòi tiền), “Demand guarantee/guarantee” (bảo lãnh trả tiền ngay hoặc theo yêu cầu), “Document” (chứng từ), “Expiry” (chấm dứt hiệu lực), “Expiry date” (ngày chấm dứt hiệu lực), “Expiry event” (sự kiện chấm dứt hiệu lực), “Guarantor (bên bảo lãnh), “Guarantor’s own records (hồ sơ riêng của bên bảo lãnh), “Instructing party” (bên yêu cầu phát hành bảo lãnh/ bảo lãnh đối ứng), “Presentation” (xuất trình chứng từ), “Presenter” (người xuất trình), “Signed” (được ký).

Một số điểm mới đáng lưu ý ở Điều 2 là:

URDG 758 sử dụng thuật ngữ “applicant” thay cho thuật ngữ “principal” trong URDG 458. Theo URDG 458 “principal” có nghĩa là bên yêu cầu phát hành bảo lãnh và là bên có nghĩa vụ theo hợp đồng cơ sở, trong khi “applicant” trong URDG 758 được định nghĩa là bên được nêu trong bảo lãnh có nghĩa vụ theo mối quan hệ hợp đồng cơ sở được bảo đảm bởi bảo lãnh (bên có nghĩa vụ/bên được bảo lãnh). Bên có nghĩa vụ có thể là bên yêu cầu phát hành bảo lãnh/bảo lãnh đối ứng hoặc không. Định nghĩa “applicant” có mối liên hệ với định nghĩa “instructing party” nên cần phải đọc cả hai mới hiểu được.

URDG 458 sử dụng “instructing party” để chỉ bên bảo lãnh đối ứng (counter-guarantor), trong khi URDG 758 định nghĩa “instructing party” là bên yêu cầu phát hành bảo lãnh hoặc bảo lãnh đối ứng, chứ không phải là bên bảo lãnh đối ứng.

Từ “guarantor” được định nghĩa là bên bảo lãnh và bao gồm bên bảo lãnh cho chính mình. Trước đó, URDG 458 không đề cập trường hợp bên bảo lãnh phát hành bảo lãnh cho chính mình.

URDG 758 Điều 3: Giải thích từ ngữ

URDG 458 không có quy định về giải thích từ ngữ.

Có thể nói cách giải thích một số từ ngữ của URDG 758 tại Điều 3 gần như sao chép nguyên xi cách giải thích của Điều 3 UCP 600. Chẳng hạn, Điều 3 UCP 600 giải thích các chi nhánh của một ngân hàng ở các nước khác nhau được coi là các ngân hàng riêng rẽ, thì Điều 3 (a) URDG 758 giải thích rằng các chi nhánh của một bên bảo lãnh ở các nước khác nhau được coi là các đơn vị riêng rẽ.

Cách giải thích các từ ngữ “hàng đầu” (first class), “nôi tiếng” (well-known), “có năng lực” (qualified), “độc lập” (independent), “chính thức” (official), “có thẩm quyền” (competent) hoặc “địa phương” (local) tại Điều 3 (f) URDG 758 cũng “rập khuôn” cách giải thích của UCP 600.

URDG 758 Điều 7: Các điều kiện phi chứng từ

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 7 URDG 758 quy định liên quan đến các điều kiện phi chứng từ dựa theo Điều 14(h) UCP 600 nhưng có mở rộng hơn và có các yếu tố của ISP98 Quy tắc 4.11 trong việc mô tả thế nào là một điều kiện phi chứng từ.

Điều 7 URDG 758 quy định bảo lãnh không được có các điều kiện mà không nêu rõ chứng từ để xác định việc tuân thủ điều kiện đó (trừ điều kiện về ngày hoặc một khoảng thời gian). Nếu bảo lãnh không quy định chứng từ để xác định tính phù hợp với một điều kiện và bên bảo lãnh, bằng hồ sơ riêng của mình hoặc một khoản mục được nêu trong bảo lãnh, không thể xác định được việc thực hiện điều kiện đó thì bên bảo lãnh sẽ coi như không có điều kiện đó và sẽ không quan tâm đến nó ngoài mục đích xác định thông tin thể hiện trong chứng từ được xuất trình có mâu thuẫn với thông tin trong bảo lãnh hay không.

Như vậy, có thể rút ra từ quy định trên rằng một điều kiện được hiểu không phải là phi chứng từ nếu việc tuân thủ điều kiện đó có thể được xác định theo hồ sơ riêng của bên bảo lãnh, ví dụ, biên nhận tiền ứng trước, hoặc từ một khoản mục được quy định trong bảo lãnh.

Chứng từ yêu cầu xuất trình không được chứa những thông tin mâu thuẫn với các điều khoản của bảo lãnh. Quy định này cũng áp dụng đối với các yêu cầu phi chứng từ, tức là các dữ liệu của chứng từ được xuất trình theo bảo lãnh không được mâu thuẫn với điều kiện phi chứng từ.

URDG 758 Điều 14(d): Phương thức chuyển phát (Mode of Delivery)

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 14 (d) URDG 758 quy định khi bảo lãnh thể hiện chứng từ xuất trình phải được thực hiện bằng giấy thông qua một phương thức chuyển phát nào đó nhưng không loại trừ việc sử dụng phương thức khác một cách rõ ràng, thì việc sử dụng một phương thức chuyển phát khác cũng có thể chấp nhận nếu như chứng từ xuất trình được nhận tại nơi và vào ngày hoặc trước chấm dứt hiệu lực được quy định trong bảo lãnh.

Như vậy, có thể hiểu rằng một yêu cầu đòi tiền bằng giấy có thể được chuyển phát bằng bất kỳ phương thức chuyển phát nào..

URDG 758 Điều 14(e): Phương tiện truyền đạt yêu cầu đòi tiền (Medium of a Demand)

Điều 14(e) URDG 758 quy định khi bảo lãnh không quy định phương tiện truyền đạt yêu cầu đòi tiền bằng hình thức “điện tử” hay “giấy”, thì yêu cầu đòi tiền phải được thực hiện bằng giấy.

URDG 758 chỉ thừa nhận chứng từ “giấy” và “điện tử”. Những thuật ngữ này không được định nghĩa. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng từ “giấy” phải loại trừ trường hợp yêu cầu đòi tiền được chuyển bằng fax mặc dù kết quả của yêu cầu đòi tiền được chuyển bằng fax được in trên giấy.

Cần lưu ý sự khác nhau giữa hai khái niệm phương thức chuyển phát (delivery) yêu cầu đòi tiền và phương tiện truyền đạt (medium) yêu cầu đòi tiền rất để tránh nhầm lẫn.

URDG 758 Điều 14(g): Ngôn ngữ của chứng từ

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 14(g) URDG 758 quy định: “Trừ khi bảo lãnh quy định khác, các chứng từ được phát hành bởi hoặc thay mặt bên có nghĩa vụ hoặc người thụ hưởng, bao gồm yêu cầu đòi tiền và tuyên bố kèm theo, phải bằng ngôn ngữ của bảo lãnh. Các chứng từ phát hành bởi người khác có thể bằng ngôn ngữ bất kỳ”.

Về về ngôn ngữ của chứng từ xuất trình theo LC , ISBP đoạn 23 quy định: “Theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế, các chứng từ phát hành bởi người thụ hưởng được mong đợi sẽ bằng ngôn ngữ của LC. Khi LC quy định chứng từ lập bằng hai hoặc nhiều ngôn ngữ có thể chấp nhận, ngân hàng được chỉ định có thể, trong thông báo LC, giưới hạn số ngôn ngữ có thể chấp nhận như là một điều kiện cam kết trong LC”.

So với quy định của ISBP đoạn 23 về ngôn ngữ chứng từ, URDG 758 quy định rõ ràng và dứt khoát hơn. Trong thời gian tới khi sửa đổi ISBP chắc chắn ICC cũng sẽ sử dụng lại quy định này của URDG 758.

URDG 758 Điều 15(a) – (c): Các yêu cầu về tuyên bố kèm theo yêu cầu đòi tiền

Điều 20(a) URDG 458 quy định yêu cầu đòi tiền theo bảo lãnh phải kèm theo tuyên bố rằng bên yêu cầu vi phạm nghĩa vụ và nêu nghĩa vụ mà người yêu cầu phát hành vi phạm.

Điều 15(a) URDG 758 quy định gọn hơn, văn bản kèm theo yêu cầu trả tiền chỉ cần xác nhận nghĩa vụ mà bên yêu cầu vi phạm.

URDG 758 Điều 15(d): Ngày của yêu cầu đòi tiền

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 15 (d) URDG 758 quy định rằng yêu cầu đòi tiền hoặc tuyên bố kèm theo không được đề ngày trước ngày người thụ hưởng có quyền xuất trình yêu cầu đòi tiền. Các chứng từ khác có thể đề ngày trước ngày đó. Yêu cầu đòi tiền, hoặc tuyên bố kèm theo, hoặc chứng từ khác không được đề ngày muộn hơn ngày xuất trình.

URDG 758 Điều 17: Yêu cầu đòi tiền từng phần và nhiều yêu cầu đòi tiền; số tiền yêu cầu

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 17 URDG 758 quy định:

(a) Cho phép số tiền yêu cầu ít hơn số tiền bảo lãnh phải trả (yêu cầu đòi tiền từng phần);

(b) Cho phép xuất trình nhiều yêu cầu đòi tiền;

(c) Trường hợp bảo lãnh cấm xuất trình nhiều yêu cầu đòi tiền thì chỉ có một yêu cầu đòi tiền với toàn bộ số tiền hoặc một phần số tiền bảo lãnh phải trả;

(d) Khi bảo lãnh quy định chỉ một yêu cầu đòi tiền được xuất trình và yêu cầu đó bị từ chối, thì có thể xuất.trình yêu cầu đòi tiền khác vào ngày hoặc trước ngày bảo lãnh chấm dứt hiệu lực…

Liên quan đến yêu cầu đòi tiền không hợp lệ, Điều 17(e) URDG 758 quy định rằng yêu cầu đòi tiền là không hợp lệ nếu: (i) số tiền yêu cầu nhiều hơn số tiền bảo lãnh phải trả; (ii) tuyên bố kèm theo hoặc chứng từ yêu cầu thể hiện tổng số tiền ít hơn số tiền yêu cầu.

Ngược lại, tuyên bố kèm theo hoặc chứng từ yêu cầu thể hiện tổng số tiền lớn hơn số tiền yêu cầu phải trả không làm cho yêu cầu đòi tiền bất hợp lệ.

Quy định tại Điều 17 (e), phản ánh tập quán phổ biến của bảo lãnh và LC dự phòng, vô hiệu hóa các quy định chung về mâu thuẫn dữ liệu tại Điều 19(b).

URDG 758 Điều 19: Các quy định về kiểm tra chứng từ

Điều 19 bao gồm một số quy định có xuất xứ từ UCP 600. Điều 19(a) – (b) URDG 758 lặp lại các quy định của URDG 458 tại Điều 9. Điều 19(c) URDG 758 quy định trường hợp nội dung dữ liệu của chứng từ yêu cầu không được quy định thì chứng từ phải thể hiện đã hoàn thành chức năng của chứng từ yêu cầu. Quy định này tương tự Điều 14(f) UCP 600.

URDG 758 Điều 20 và 24: Thời hạn kiểm tra và từ chối

Điều 10(a) URDG 458 chỉ quy định yêu cầu đòi tiền được kiểm tra sự phù hợp trong thời gian hợp lý, chứ không quy định thời gian tối đa, trong khi Điều 20 (a) và (24 (e) URDG 758 giới hạn thời hạn 5 ngày làm việc ngân hàng để kiểm tra yêu cầu đòi tiền có phù hợp hay không và nếu không phù hợp thì từ chối.

So với Điều 10(b) URDG 458, Điều 24 URDG 758 quy định về từ chối dựa trên các quy định tại Điều 16 UCP 600, bao gồm “quy tắc loại trừ” tương tự như Điều 16(f) UCP 600 và ISP98 Quy tắc 5.03(a), theo đó nếu bên bảo lãnh không thực hiện đúng quy định của điều khoản này thì sẽ không có quyền tuyên bố chứng từ không cấu thành một sự xuất trình phù hợp.

URDG 758 Điều 23: Gia hạn hoặc thanh toán

Nếu người thụ hưởng cho rằng bên yêu cầu sẽ hoặc đã không thể hoàn thành nghĩa vụ của mình và bảo lãnh sắp chấm dứt hiệu lực, người thụ hưởng có thể xuất trình yêu cầu đòi tiền “gia hạn hoặc thanh toán” cho bên bảo lãnh. Với loại yêu cầu này, bên bảo lãnh có hai sự chọn lựa: hoặc gia hạn thời hạn hiệu lực bảo lãnh hoặc thanh toán yêu cầu đòi tiền hợp lệ . Tình huống này được quy định tại Điều 23 URDG 758 dựa theo ISP98 Quy tắc 3.09 như sau:

(a) Khi yêu cầu đòi tiền bao gồm một yêu cầu gia hạn thời hạn hiệu lực, bên bảo lãnh có thể trì hoãn việc thanh toán với thời hạn không quá 30 ngày niên lịch kể từ ngày nhận được yêu cầu đòi tiền;

(b) Tiếp theo sau việc trì hoãn đó, nếu bên bảo lãnh xuất trình yêu cầu đòi tiền hợp lệ theo bảo lãnh đối ứng bao gồm một yêu cầu gia hạn, thì bên bảo lãnh đối ứng có thể trì hoãn việc thanh toán với thời hạn không quá 4 ngày niên lịch ít hơn thời hạn mà việc thanh toán theo bảo lãnh đã được gia hạn.

(c) Bên bảo lãnh sẽ thông báo ngay cho bên yêu cầu phát hành bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng (trong trường hợp bảo lãnh lãnh đối ứng) thời hạn trì hoãn thanh toán theo bảo lãnh. Bên bảo lãnh đối ứng sẽ thông báo lại cho bên yêu cầu phát hành bảo lãnh việc trì hoãn đó và bất kỳ việc trì hoãn thanh toán nào theo bảo lãnh đối ứng.

(d) Yêu cầu đòi tiền được coi là được rút lại nếu thời hạn gia hạn được yêu cầu trong yêu cầu đòi tiền đó hoặc nếu có thỏa thuận khác bởi bên yêu cầu đòi tiền được chấp thuận trong thời hạn được quy định ở khoản (a) và (b) của điều này. Nếu thời hạn gia hạn không được chấp nhận, thì yêu cầu đòi tiền hợp lệ sẽ được thanh toán mà không cần phải xuất trình thêm bất kỳ yêu cầu đòi tiền nào nữa.

(e) Bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng có thể từ chối gia hạn ngay cả khi được chỉ thị như thế và sẽ thanh toán ngay lúc đó.

(f) Bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng sẽ thông báo ngay cho bên đã gửi chỉ thị quyết định của mình sẽ gia hạn theo khoản (c) hoặc thanh toán.

(g) Bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ khoản thanh toán nào được gia hạn phù hợp với điều này.

URDG 758 Điều 25(c) : Khi bảo lãnh không quy định về thời hạn chấm dứt hiệu lực

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 25(c) URDG 758quy định rằng khi bảo lãnh hoặc bảo lãnh đối ứng không quy định ngày chấm dứt hiệu lực thì bảo lãnh sẽ chấm dứt hiệu lực sau 3 năm kể từ ngày phát hành và bảo lãnh đối ứng sẽ chấm dứt sau 30 ngày sau ngày bảo lãnh chấm dứt hiệu lực.

Quy định này nhằm hạn chế loại bảo lãnh vô thời hạn rất bất lợi cho bên có nghĩa vụ theo hợp đồng cơ sở.

URDG 758 Điều 25(d): Khi ngày chấm dứt hiệu lực rơi vào ngày ngân hàng không làm việc

URDG 458 không có quy định tương tự về vấn đề này.

Điều 25(d) URDG 758 quy định rằng nếu ngày chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh rơi vào ngày không phải là ngày làm việc của ngân hàng tại nơi xuất trình thì ngày chấm dứt hiệu lực được gia hạn đến ngày làm việc tiếp theo.

Quy định này của URDG 758 phù hợp với UCP 600 và ISP98.

URDG 758 Điều 26: Điều kiện bất khả kháng và gia hạn tự động

Điều 26 quy định rất chi tiết về điều kiện bất khả kháng. URDG 758 giải quyết đối với các trường hợp bất khả kháng theo hướng trung gian giữa UCP 600 và ISP 98.

Theo Điều 36 UCP 600, nếu một sự kiện bất khả kháng khiến cho bên thụ hưởng không thể xuất trình chứng từ thanh toán và thư tín dụng hết hạn trước khi sự kiện bất khả kháng đó chấm dứt thì thư tín dung sẽ không được thanh toán. Đối với bảo lãnh trả tiền ngay thì cách quy định như vậy quá khắc nghiệt bởi vì nếu người nhận bảo lãnh tìm cách xuất trình yêu cầu đòi tiền một ngày trước khi hết hạn và không thể xuất trình do một sự kiện bất khả kháng mà sự kiện đó kết thúc sau ngày hết hạn của bảo lãnh một ngày thì người nhận bảo lãnh sẽ mất hết mọi quyền lợi theo bảo lãnh. Trong trường hợp bảo lãnh trả tiền ngay, quy định như vậy không chỉ ảnh hưởng đến bên nhận bảo lãnh mà còn ảnh hưởng đến bên bảo lãnh khi bên bảo lãnh đã thanh toán theo bảo lãnh mà không thể xuất trình yêu cầu thanh toán theo bảo lãnh đối ứng.

Điều 3.14 trong ISP98 thì ngược lại, kéo dài thời gian xuất trình tới 30 ngày kể từ ngày địa điểm xuất trình mở cửa hoạt động trở lại. Quy định này có vẻ là quá thoáng, có thể khiến cho bảo lãnh được gia hạn tới vài tháng.

Điều 26 URDG 758 đứng giữa 2 thái cực trên, đó là cho phép gia hạn bảo lãnh khá là hạn chế. Ảnh hưởng của bất khả kháng đối với bên bảo lãnh tùy thuộc vào việc liệu nó cản trở việc xuất trình, việc kiểm tra chứng từ sau khi xuất trình hay thanh toán sau khi kiểm tra, cụ thể là:

(a) Cản trở việc xuất trình: Nếu việc xuất trình bị cản trở bởi điều kiện bất khả kháng, bảo lãnh sẽ được gia hạn thêm 30 ngày niên lịch tính từ ngày hết hạn bảo lãnh ban đầu, còn bảo lãnh đối ứng sẽ được gia hạn 30 ngày kể từ ngày sự kiện bất khả kháng chấm dứt

(b) Cản trở việc kiểm tra chứng từ xuất trình trước khi hết hạn bảo lãnh: trong trường hợp này, thời gian kiểm tra sẽ được hoãn lại cho đến khi bên bảo lãnh hoạt động trở lại. Thông thường thời gian kiểm tra chứng từ xuất trình là 5 ngày (Điều 20a). Giả sử sau khi xuất trình 3 ngày thì diễn ra sự kiện bất khả kháng. Sau khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt thì bên bảo lãnh sẽ còn 2 ngày nữa kể từ ngày hoạt động trở lại để kiểm tra.

(c) Cản trở việc thanh toán sau khi đã kiểm tra tính phù hợp của yêu cầu đòi tiền: Phải thanh toán khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt.

URDG 758 Điều 33: Chuyển nhượng bảo lãnh và nhượng lại quyền lợi tài chính (transfer of guarantee and assignment of proceeds)

Ngoại trừ Điều 33 (g) (i), URDG 458 không có các quy định tương tự.

URDG 758 bổ sung các quy định về chuyển nhượng bảo lãnh và nhượng lại số tiền bảo lãnh. Bảo lãnh có thể chuyển nhượng được chỉ khi bảo lãnh quy định cho phép chuyển nhượng

Việc đưa khái niệm chuyển nhượng (transfer) đối với các bảo lãnh rất được hoan nghênh bởi bên bảo lãnh có lý do để từ chối phát hành bảo lãnh cho phép nhượng lại (assignment) quyền yêu cầu đòi tiền, do đó, quy trình kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn.

Các Điều 33(a) – (f) URDG 758 được quy định dựa theo ISP98 Quy tắc 6.01 – 6.04, mặc dù có sự khác nhau ở Điều 33(d) (ii).

Điều 33 URDG 758có một số quy định đáng lưu ý sau:

Việc chuyển nhượng bảo lãnh (chuyển nhượng quyền đòi tiền theo bảo lãnh) và chuyển nhượng các quyền lợi tài chính theo bảo lãnh (chuyển nhượng số tiền thu được từ việc đòi tiền theo bảo lãnh) được quy định tại Điều 33.

Tương tự như quy định trong URDG 458, một bảo lãnh chỉ có thể chuyển nhượng nếu trong đó nói rõ là “có thể chuyển nhượng”. Ngoài ra, URDG 758 quy định khi bảo lãnh có thể chuyển nhượng thì nó có thể chuyển nhượng nhiều hơn một lần. Bảo lãnh đối ứng thì không thể chuyển nhượng (Điều 33(a)).

Trong trường hợp bảo lãnh nêu rõ là “có thể chuyển nhượng”, bên bảo lãnh vẫn có thể từ chối những yêu cầu chuyển nhượng được đưa ra sau khi bảo lãnh đã được phát hành trừ khi bên bảo lãnh chấp thuận một cách rõ ràng việc chuyển nhượng đó (Điều 33(b)). Ngoài ra, bên chuyển nhượng phải cung cấp cho bên bảo lãnh bản tuyên bố do mình ký nêu rõ bên được chuyển nhượng đã nhận các quyền và nghĩa vụ theo mối quan hệ cơ sở của bên chuyển nhượng. Quy định này có nghĩa là bảo lãnh chỉ có thể được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng cơ sở.

Quyền nhượng lại các quyền lợi tài chính của bên nhận bảo lãnh trong mọi trường hợp được nhấn mạnh hơn so với URDG 458, URDG Điều 33 (g) quy định rằng cho dù bảo lãnh có nêu có thể chuyển nhượng hay không thì bên nhận bảo lãnh vẫn có thể nhượng lại mọi quyền lợi tài chính theo bảo lãnh mà mình có quyền được hưởng; tuy nhiên, bên bảo lãnh không có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên được nhượng lại trừ khi bên bảo lãnh đã đồng ý việc thanh toán đó.

TẠI SAO NÊN SỬ DỤNG URDG 758?

Đối với các giao dịch LC, hầu hết các ngân hàng trên thế giới đều thống nhất dẫn chiếu UCP 600 làm quy tắc điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với các giao dịch bảo lãnh, các ngân hàng hiện nay vẫn chưa nhất trí sử dụng một bộ quy tắc thống nhất nào cả. Một số ngân hàng, chẳng hạn, các ngân hàng ở các nước Ả Rập chỉ phát hành bảo lãnh và chấp nhận bảo lãnh đối ứng tuân thủ theo luật quốc gia của mình, bất kể luật quốc gia đó có điều chỉnh giao dịch bảo lãnh hay không, trong khi một số ngân hàng khác sử dụng URDG hay UNCITRAL (United Nations Convention on Independent Guarantees and Letters of Credit – Công ước Liên hiệp quốc về thư tín dụng dự phòng và bảo lãnh độc lập); các ngân hàng ở Mỹ và một số quốc gia khác – nơi thư bảo lãnh không được sử dụng – thường sử dung LC dự phòng như một công cụ bảo lãnh và quy tắc áp dụng có thể là UCP 600, ISP98, UNCITRAL.

Các bảo lãnh dẫn chiếu luật/quy tắc điều chỉnh là quốc gia hay một nguồn luật/quy tắc không được phổ biến rộng rãi rất dễ không được người thụ hưởng chấp nhận, nhất là khi người thụ hưởng không rành hoặc không biết nguồn luật/quy tắc đó quy định như thế nào về bảo lãnh. Do vậy, việc các ngân hàng hướng tới sử dụng một nguồn luật hay một quy tắc thống nhất, chẳng hạn như URDG 758, để điều chỉnh giao dịch bảo lãnh là cần thiết.

URDG 758 (Bản sửa đổi 2010) nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong số các ngân hàng, người sử dụng và tất cả các thành viên của cộng đồng bảo lãnh và được đánh giá là bộ quy tắc rõ ràng hơn, chính xác hơn, toàn diện hơn, bảo đảm cân bằng hợp lý về lợi ích của các bên, do vậy, so với các nguồn luật/quy tắc khác, chắc chắn URDG 758 sẽ tiếp tục chứng tỏ là một nguồn luật điều chỉnh đáng tin cậy và được sử dụng rộng rãi hơn khác trong hoạt động bảo lãnh quốc tế.

Với URDG 758 các bên tham gia giao dịch bảo lãnh đều có thể hưởng lợi từ sự cân bằng về lợi ích mà bộ quy tắc mới này mang lại, đó là:

Người thụ hưởng có quyền nhận được thanh toán khi xuất trình yêu cầu đòi tiền hợp lệ mà không cần bên bảo lãnh phải hỏi xin ý kiến chấp thuận của bên có nghĩa vụ.

Bộ quy tắc mới cũng khắc phục tình huống không công bằng đối với người thụ hưởng trong trường hợp ngày chấm dứt hiệu lực rơi vào ngày mà hoạt động kinh doanh của bên bảo lãnh bị gián đoạn do sự kiện bất khả kháng.

Vai trò độc lập của bên bảo lãnh được diễn tả bằng những từ ngữ rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn, và quan trọng hơn, nó được diễn tả bằng ngôn ngữ chứng từ. Bộ quy tắc mới kỳ vọng bên bảo lãnh sẽ hành động cẩn trọng. Chẳng hạn, bên bảo lãnh chỉ có thể từ chối một yêu cầu đòi tiền bất hợp lệ trong vòng 5 ngày làm việc của ngân hàng bằng cách gửi một thông báo từ chối nêu tất cả các bất hợp lệ; nếu không thì bên bảo lãnh sẽ bị mất quyền tuyên bố yêu cầu đòi tiền bất hợp lệ và buộc phải thanh toán.

Bộ quy tắc mới cũng ghi nhận quyền được thông báo của bên có nghĩa vụ về diễn biến của các gia đoạn chính trong chu kỳ hiệu lực của bảo lãnh.

Vì những lợi ích nêu trên, người viết bài này khuyến nghị các ngân hàng Việt Nam và các bên tham gia bảo lãnh nên lựa chọn URDG 758 là bộ quy tắc điều chỉnh giao dịch bảo lãnh./.

———————————– Tài liệu tham khảo: – Những thay đổi chính thức của URDG 758 – Phòng Tổng hợp Thanh toán Vietcombank – DCInsight Vol. 16 No.2 April – June 2010 – Uniform Rules for Demand Guarantees 2010 Revision (URDG 758) – www.nordea.com – Bank Guarantees in Interrnational Trade

Từ khóa » định Nghĩa Của Bảo Lãnh Theo Urdg 758