VÀI NÉT VỀ HÁN NÔM HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XX TRỊNH KHẮC MẠNH PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trải hàng ngàn năm lịch sử, ông cha ta đã sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác trước thuật; để ghi chép các công văn hành chính, ngoại giao, giấy tờ, sách vở, v.v..; để khắc trên các bia đá, chuông đồng biển gỗ, v.v… Những thư tịch, tài liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đó, ngày nay chúng ta thường gọi là di sản Hán Nôm. Khoa thi Hội cuối Nhà nước phong kiến Việt Nam vào năm 1919 đã chấm dứt một nghìn năm lịch sử khoa cử Việt Nam bằng chữ Hán. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất vai trò sử dụng chính thống trong đời sóng văn hóa xã hội Việt Nam; nhưng việc tự học, việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong nhân dân vẫn kéo dài cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, thậm chí cho tới ngày này (nhưng rất hãn hữu). Kể từ đầu thế kỷ XX, người Việt Nam chuyển sang sử dụng chữ cái La tinh, nay thường gọi là chữ Quốc ngữ. Như vậy, rõ ràng là, người Việt Nam thế kỷ XX có sự cách biệt về chữ viết với ông cha mình các thế kỷ trước, đại đa số người dân Việt Nam hôm nay đã không đọc được chữ Hán và chữ Nôm, nên không hiểu được văn hóa thành văn trước đây của ông cha đã để lại những gì. Để góp phần giải quyết vấn đề quan trọng này, ngành Hàn Nôm học Việt Nam đã ra đời, nhằm sưu tầm, bảo quản và phiên dịch, khai thác di sản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm. Di sản Hán Nôm, đại diện cho nền văn hóa thành văn của Việt Nam trong quá khứ, bao gồm Kinh, Sử, Tử, Tập theo cách phân loại truyền thống của các nước chữ khối vuông (chữ biểu ý); hay bao gồm Hiến chương, Thơ văn, Truyện ký, Phương kỹ theo các phân loại của Lê Quý Đôn (1726-1784); hoặc bao gồm Hiến chương, Kinh sử, Thơ văn, Truyện ký theo cách phân loại của Phan Huy Chú (1782-1840). Với cách nhìn hiện nay của các nhà Hán Nôm học Việt Nam thì di sản Hán Nôm bao gồm các tác phẩm và tài liệu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau, mà chủ yếu là khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Di sản Hán Nôm ra đời trong những thời kỳ mà học thuật ở Việt Nam chưa triệt để phân ngành, các tác phẩm Hán Nôm thương có tính tổng hợp, đa ngành: “văn, sử, triết bất phân”. Mặt khác di sản Hán Nôm còn là sản phẩm của giao lưu văn hóa với các nước sử dụng chữ biểu ý đặc biệt là văn hóa Hán (Trung Quốc); trong khi đó xét về địa lý, thì Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Đây là nét đặc thù của giao lưu văn hóa ở Việt Nam. Di sản Hán Nôm ở Việt Nam, nếu chỉ tính từ thời kỳ độc lập tự chủ với bài Dự đại phá Hoằng Thao chi kế (Kế đánh tan quân Hoằng Thao) mà sử sách truyền là của vua Ngô Quyền (899-944) hay bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận (915-990), tới tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã có tới hơn một nghìn năm lịch sử. Ở mọi thời đại, ông cha ta đều có những thành tựu về mọi mặt trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước; trong mỗi lĩnh vực đều có những đỉnh cao mãi mãi tự hào, và điều may mắn là các tác phẩm Hán Nôm của các bậc thiên tài ấy một phần còn giữ được đến ngày nay. Đánh giá tổng quát di sản Hán Nôm của dân tộc Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã từng nhận định: “Ngô Quyền: quân sự học; Trần Hưng Đạo: quân sự học; Nguyễn Trãi: quân sự học, chính trị học và văn học; Lương Thế Vinh: toán học; Nguyễn Bỉnh Khiêm: triết học và văn học; Lãn Ông: y học; Lê Quý Đôn: văn học, khoa học; Quang Trung: quân sự học, chính trị học; Ngô Thì Nhậm: chính trị học, quân sự học và văn học; Nguyễn Du: văn học; Phan Huy Chú: sử học; Cao Bá Quát: chính trị học và văn học; Nguyễn Đình Chiểu: chính trị học; v.v.. Những thiên tài như thế mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam làm vẻ vang cho giống nòi”(1). Do vậy, bảo tồn lâu dài và khai thác có hiệu quả kho di sản Hán Nôm, là để phục vụ cho sự nghiẹp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65, ngày 23-11-1945, về Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, như: đình, chùa, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, v.v.. có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử(2). Bác Hồ là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Bác còn là một nhà Hán học, là người rất quan tâm đến việc kế thừa và phát huy những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, nhất là trong việc gìn giữ và khai thác các tư liệu Hán Nôm. Từ những tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngành Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX có thêm sức mạnh để vững bước triển khai các mặt công tác của mình, mặc dù đất nước trong những điều kiện phải thường xuyên chống giặc ngoại xâm và còn nhiêu khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực sự, Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác các văn bản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm. Về sưu tầm di sản Hán Nôm: Di sản Hán Nôm còn lại đến ngày nay không còn được nguyên vẹn như nó vốn có trong lịch sử, mà bị mai một mất mát trải qua đời này đến đời khác, với nhiều lý do khác nhau, như: do thiên tai và khí hậu, do chiến tranh tàn phá, do con người thiếu cẩn thận, do sự lão hóa theo thời gian v.v.. Cách đây 200 năm, nhà khoa học Lê Quý Đôn khi nghiên cứu thư tịch Hán Nôm đã từng than tiếc: Nước Nam nổi tiếng là nước văn hiến, từ hai triều nhà Lý, nhà Trần đến bản triều (triều Lê), các bậc tiền bối trước tác cũng nhiều, nhưng lâu ngày bị mai một, sách vở còn lại không được bao nhiêu, nhũng sỹ phu say mê về việc đời cổ không dựa vào đầu mà khảo cứu được(3). Nhà sử học thế kỷ XIX, Phan Huy Chú cũng đau lòng nói: Từ khi Lý - Trần dấy lên, văn vật đã thịnh… đến đời Hồng Đức nhà Lê vận hội càng mở mang, trước thuật nảy nở, điển chương rất nhiều. Cho nên sách vở đầy rẫy, thực là thịnh. Nhưng trải nhiều phen biến loạn, nên các sách mất mát đi, tiếc rằng nay không còn mấy(4). Như vậy, một thực tế lịch sử là di sản Hán Nôm Việt Nam đã trải qua một thời kỳ mất mát rất nghiêm trọng và ngành Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX đã đặt công tác sưu tầm các tư liệu Hán Nôm là một vấn đề cấp bách và rất quan trọng. Công việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm trước hết phải kể đến những đóng góp của Trường Viễn đông Bác cổ (Pháp) tại Hà Nội vào những năm đầu của thế kỷ này, Trường đã thu gom, sao chép được khá nhiều sách Hán Nôm và đã hình thành kho báu sách Hán Nôm có ký hiệu A hiện nay. Cùng với việc điều tra, sưu tầm sao chép các sách Hán Nôm, Trường Viễn đông Bác cổ (Pháp) còn tiến hành in rập các tư liệu văn khắc Hán Nôm trên các bia đá, chuông đồng, biển gỗ, v.v.. trong phạm vi toàn quốc. Số lượng thác bản thu về là khá lớn, khoảng 11.600 đơn vị tài liệu với khoảng 22.000 mặt thác bản. Năm 1954, khi Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp không tiếp tục hoạt động ở Việt Nam nữa, và những tài liệu Hán Nôm quí giá nêu trên được chuyển giao cho Việt Nam. Vào những năm 1958-1960, chúng ta tiếp tục thu nhận các kho sách Hán Nôm khác như: thư viện Long Cương, thư viện Hoàng Xuân Hãn, thư viện Hội Khai trí tiến đức, thư viện Văn Miếu, v.v.. Trong nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức tài trợ quốc tế; Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương để mua và photocopy sách Hán Nôm, ghi chép các hoành phi câu đối và làm bản rập bia, chuông, khánh, biển gỗ, v.v.. tại các di tích lịch sử văn hóa trong toàn quốc. Một khối lượng tư liệu Hán Nôm khá lớn đã được thu thập về kho lưu trữ của Viện, trong đó có những tư liệu Hán Nôm rất có giá trị đã được bổ sung vào kho di sản Hán Nôm. Có thể kể như: Viện đã sưu tầm được nhiều tư liệu Hán Nôm mới như: hơn 2.000 sách Hán Nôm của các dân tộc ít người (Tày, Nùng, Dao, v.v..), hơn 30 văn khắc thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV), hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến (một cảng buôn bán nổi tiếng ở Việt Nam thế kỷ XVI-XVII tức thị xã Hưng Yên ngày nay) và rất nhiều tư liệu Hán Nôm mới, có giá trị và bổ sung cho kho sách. Ngoài ra, tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ ở các thư viện, như thư viện Quốc gia, thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, thư viện Viện Sử học, thư viện Viện văn học, v.v.. và một số thư viện khác trong toàn quốc. Về đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm: Trước hết phải kể đến các vị Hán học được học tập chữ Hán và chữ Nôm từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp đã gây dựng nên nền Hán học Việt Nam. Chúng ta tự hào mỗi khi nhắc đến các thế hệ Hán học, như: GS. Đặng Thai Mai, GS. Cao Xuân Huy, GS. Phạm Thiều, GS. Đào Duy Anh, GS. Hoàng Xuân Hãn, GS. Nguyễn Đổng Chi, GS. Đinh Gia Khánh, GS. Hà Văn Tấn, GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Phan Huy Lê, cụ Hoa Bằng, cụ Trần Văn Giáp, cụ Ca Văn Thỉnh, cụ Nam Trân, cụ Đỗ Mộng Khương, cụ Cao Huy Giu, cụ Phan Huy Tiếp, cụ Đỗ Ngọc Toại, cụ Đào Phương Bình, cụ Trần Duy Vôn, v.v.. và các thế hệ tiếp theo đã có công lớn trong đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm cũng như trong việc phiên dịch, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm Việt Nam. Sau này, các lớp đào tạo đội ngũ Hán Nôm học được triển khai, như lớp Đại học Hán học (1965-1968) và lớp chuyên tu Hán Nôm trên đại học (1972-1975) của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia); từ năm 1972 trường Đại học Tổng hợp Hà Nọi (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh bậc đại học chuyên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Sư phạm và một số Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc các cơ quan văn hóa cũng dạy chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt là vào năm 1970, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thành lập Ban Hán Nôm, sau đó năm 1979 Chính phủ thành lập Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia. Đây là một cơ quan lớn nhất ở Việt Nam với đầy đủ chức năng nhiệm vụ là sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác các tư liệu Hán Nôm và đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm bậc sau đại học. Về phiên dịch, nghiên cứu và công bố tư liệu Hán Nôm Di sản Hán Nôm còn lại đến nay phần nhiều là sách chép tay, vì nghề in ở Việt Nam phát triển muộn. Số lượng các bộ sách sưu tập là nhiều hơn cả, nội dung và cơ cấu cuốn bộ sách không tuân theo một trật tự nhất định, thơ văn, sử địa, kinh truyện, y dược nhiều khi lẫn lộn trong một quyển sách. Hơn nữa, các yếu tố để xác định một tác phẩm, như tên sách, tác giả, niên đại, v.v.. thường là không đầy đủ. Do vậy, ngày nay, khi tiến hành phiên dịch và công bố các tư liệu Hán Nôm thì công tác thư mục học, văn bản học, phải được thực hiện với một tinh thần khoa học nghiêm túc đối với những nhà Hán Nôm học. Giới Hán Nôm học Việt Nam, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX đã tiến hành phiên dịch, nghiên cứu và công bố đã giám định, phiên dịch và công bố nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị ra tiếng Việt hiện nay. Có thể nêu ra như sau: Những bộ sử đồ sộ và rất có giá trị khi tìm hiểu lịch sử Việt Nam, như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt thông sử, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều tạp kỷ, Việt sử cương mục tiết yếu, Đại Nam thực lục, v.v.. là những công trình biên soạn lịch sử Việt Nam thời kỳ phong kiến của nhiều nhà sử học nổi tiếng Việt Nam. Những bộ địa dư cỡ lớn, như Dư địa chí, Đồng Khánh dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống dư đồ, v.v.. ghi chép địa giới và bản đồ Việt Nam trải qua các triều đại phong kiến. Những bộ sưu tập thơ văn nổi tiếng, nói lên niềm tự hào dân tộc, như: Thơ văn Lý-Trần, Nguyễn Trãi toàn tập, Thơ văn Lê Thánh Tông, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn toàn tập, Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Thơ văn Cao Bá Quát, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, v.v.. đều là những áng văn chương của các tác gia Hán Nôm lỗi lạc. Những tác phẩm tư tưởng triết học, như Thiền uyển tạp anh, Thiền tông bản hạnh, Thượng sỹ ngữ lục, Khóa hư lục, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, v.v.. và nhiều tác phẩm thơ, văn của các tác gia, như Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, v.v.. đã thực sự góp pầhn nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Bộ sách tổng hợp Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có thể coi là bộ bách toàn thư đầu tiên ở Việt Nam. Những bộ sách giới thiệu văn khắc Hán Nôm Việt Nam cũng đã được chú ý, như Thư mục văn bia Việt Nam, Tuyển tập văn bia Hà Nội, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Bia Văn Miếu Hà Nội, Văn Khắc Hán Nôm thời Lý (1010-1225), Văn Bia thời Mạc (1527-1677), v.v.. Về các tác phẩm viết bằng chữ Nôm, đã phiên âm và chú thích những tập thơ Nôm và truyện Nôm rất có giá trị, như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Thiên Nam minh giám, v.v.. và nhiều áng thơ văn Nôm khác đã nức lòng mỗi người dân Việt Nam. Việc biên soạn sách lý luận và sách công cụ nhằm giúp ích cho mọi người tiếp cận kho di sản Hán Nôm cũng đánh dấu một bước phát triển của ngành Hán Nôm Việt Nam, có thể kể như: Từ điển Hán Việt, Bảng tra chữ Nôm, Tự điển chữ Nôm, từ điển Truyện Kiều, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Di sản Hán Nôm – Thư mục đề yếu, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Thư mục văn bia Việt Nam, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Một số vấn đề về chữ Nôm, Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt, v.v.. đã lần lượt giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc. Đáng chú ý là, một số đề tài hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế nhằm giới thiệu tư liệu Hán Nôm với văn hóa thế giới cũng được chú ý, như Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu hợp tác với EFEO (Cộng hòa Pháp), Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san (Đài Loan), Truyền kỳ mạn lục và Bia Văn Miếu Hà Nội (Tổ chức ACCT), Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam, hợp tác 3 bên gồm Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam với EFEO (Cộng hòa Pháp) và Đại học Trung Chính (Đài Loan); điều này đã thể hiện mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Hán Nôm học Việt Nam với Hán Nôm học quốc tế ngày càng được mở rộng. Rất tiếc là, hiện nay chúng tôi chưa có được con số thống kê chính xác số lượng những tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm đã được phiên dịch và công bố. Một thành tựu khác mà ngành Hán Nôm Việt Nam thế kỷ XX đạt được là công tác tin học Hán Nôm ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Trong những năm qua, Viện nghiên cứu Hán Nôm đã bước đầu ứng dụng công nghệ tin học vào việc bảo quản và khai thác di sản Hán Nôm. Trước hết phải nói đến một công việc có ý nghĩa quốc tế là việc tham gia xây dựng bảng mã chuẩn chữ biểu ý trong khu vực châu Á, đến nay Viện đã đưa được gần 10.000 chữ Nôm Việt Nam vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO. Viện đã hoàn thành những sản phẩm đĩa CD-ROM sao lưu hàng vạn trang ảnh số hóa của nhiều bộ sách Hán Nôm thuộc các chủng loại: văn học, sử học, địa lý, bản đồ, luật lệ, khoa cử, v.v.. Những đĩa CD-ROM này, vừa hàm chứa một phiên bản điện tử trung thực của bản gốc để lưu trữ đồng thời cũng là một chương trình quản lý độc lập các dữ liệu thư tịch Hán Nôm. Viện đã sử dụng nhiều chương trình sử lý chữ Hán khác nhau trong công tác hàng ngày để nhập dữ liệu hoặc xuất bản những công trình khoa học đòi hỏi phải thể hiện những thông tin đặc thù của chuyên ngành Hán Nôm. Gần một thế kỷ qua, Hán Nôm học Việt Nam đã làm được khá nhiều việc để gìn giữ và khai thác di sản Hán Nôm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam vạch rõ một trong những nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam “…Bảo tồn và các di sản văn hóa dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; khai thác các kho tàng văn hóa cổ truyền…”(5). Đây chính là phương hướng của Hán Nôm học Việt Nam thời đại ngày nay, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vững bước tiến vào thế kỷ XXI. Chú thích: 1. Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.171. 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 4), Nxb Chính tị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.504. 3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977, tr.13-14. 4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb, KHXH, H, 1992, tr.20. 5. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.115. Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.257-??? |