“Văn Chương Là Tấc Lòng, Là Nghiệp” - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Đã nhiều năm, những câu thơ tài hoa của Đỗ Trung Lai đã được phổ biến rộng rãi: “Sao trời lọt qua mắt lưới/Rơi đầy xuống cả mặt sông” (Đêm sông Cầu), “Biết đem bùn hoang/ Làm nên quốc thổ” (Mũi Cà Mau), “Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ/ Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ” (Đá và cờ ở Đồng Văn) và tập thơ “Đêm sông Cầu” với những câu thơ lung linh như thế, từ năm 1994, đã giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Cũng năm đó, tập “Anh em và những người khác” của ông lọt vào chung khảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ với 2 tập thơ đó, Đỗ Trung Lai đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà không cần làm đơn. Nhưng 8 năm trước, từ giã một chức vụ không ít người mơ, Đỗ Trung Lai đã lui về với đời sống của một thi nhân, để từ đó đến nay, cho ra đời 9 đầu sách, trong đó có 4 cuốn dịch lại thơ Đường.
+ Sau 3 cuốn về Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, ông lại bắt tay dịch “100 nhà thơ Đường”. Ai cũng biết, đây không phải loại sách để thu lợi nhuận vì rất kén độc giả. Lý do nào khiến ông đầu tư tâm huyết và tiền của cho việc này?
Nhà thơ Đỗ Trung Lai (NT ĐTL): Thơ Đường là báu vật Trung Hoa, báu vật phương Đông, báu vật thế giới. Hơn 1.000 năm Bắc thuộc, cha ông ta học chữ Nho, viết chữ Nho, trước tác bằng chữ Nho. Khi ý chí độc lập đã thành, khi chữ nghĩa đã thạo, khi tư tưởng văn hóa đã rất đĩnh đạc, chúng ta mới cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm... Không có chữ Nho và thi ca Trung Hoa, đặc biệt là Đường thi, thì không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có. Chính từ cội nguồn ấy, cùng với tinh thần dân tộc mãnh liệt, cùng với sự chọn lọc, tiếp biến thông minh và tài ba của cha ông ta suốt lịch sử, mà ta mới dần có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, nhóm Thơ Mới và sau này là Hồ Chí Minh - nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới.
Khi nước ta còn dùng chữ Hán, cha ông ta đọc thẳng thơ Đường từ văn bản gốc, chỉ từ khi có chữ quốc ngữ, tức là từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mới có việc dịch thơ Đường. Nhưng khi đó, tiếng Việt còn thô sơ và hầu hết người dịch là nhà Hán học chứ không phải là nhà thơ, nên dù phần dịch nghĩa đã khá tốt thì phần dịch thơ, còn nhiều bài chưa đạt, khiến người đọc khó thấy hết cái hay, cái đẹp của Đường thi. Chỉ một số người dịch vốn là nhà thơ giỏi nên mới có những bản dịch hay, như là Phan Huy Vịnh, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà v.v... Vì thế, tôi chỉ mong, mình là kẻ sau, nếu thật cố gắng thì cũng có thể góp một chút công sức vào việc làm cho Đường thi ngày càng được “Việt hóa” hơn; làm cho nhiều thế hệ, vốn đứt mạch với Hán học lâu ngày (như tôi), đỡ bị thiệt thòi vì không được biết, không được đọc, không được học, không được yêu Đường thi như nó đáng được yêu, sớm hơn. Chỉ khi có thật nhiều bản dịch thơ Đường, thơ chữ Nho của cha ông ta thật hay, thật gần với thời nay, để “đám trẻ” của chúng ta cùng với “mấy ông già” đều yêu thích, thì ta mới có thể tiếp nối được truyền thống thi ca và thẩm mỹ dân tộc. Ta mới không đánh mất bản sắc Việt, không mất gốc phương Đông. Với lòng yêu kính Đường thi như vậy, với mục đích sâu xa như vậy, tôi mạo muội nhưng quyết tâm đem cái tài mọn của mình ra làm mấy cuốn sách này. Chắc chắn là sau tôi, còn có những người làm việc ấy. Ngọc càng biết mài càng sáng mà.
+ Thông thường, những người làm các cuốn sách hữu ích nhưng khó bán này phải tìm nơi đặt hàng...
NT ĐTL: Tôi tự đọc sách, tự chọn và tự dịch, chả có dự án, tiền ngân sách hay nơi nào đặt hàng. Khi in, đều do bạn bè và vợ tôi giúp đỡ. Quyển toàn Đường thi do Trung Hoa xưa xuất bản có hơn 48.000 bài thơ của hơn 2.300 thi sĩ. Tôi mới dịch được hơn 500 bài thơ của 103 tác giả. Tôi không thể làm ẩu. Bởi sau này, khi mình không còn nữa, hy vọng rằng vẫn còn có người đọc và thêm yêu thơ phương Đông.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai |
+ Ông làm thơ không nhiều, nhưng nhiều bài thơ của ông lại “ghim” trong tâm trí bạn đọc, như “Đêm sông Cầu”, “Khúc ngâm mùa thu”. Đặc biệt, nhiều nhà văn bày tỏ sự ngưỡng mộ ông về cả sức lao động lẫn cái tâm với nghiệp viết, như nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Ông ấy nói rằng: “Phẩm chất thiên tài làm nên thi sĩ Đỗ Trung Lai, nhưng đã làm cho anh long đong”. Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình?
NT ĐTL: “Thiên tài” là một khái niệm quá lớn nhưng mơ hồ. Cứ hữu ích là được. Làm cái gì cũng hết lòng là điều tôi rút ra được qua việc đọc và viết. Không tâm đắc thì đừng làm, đó là nguyên tắc viết của tôi. Có câu: “Nhà thơ không phải là người có thể viết ra những câu thơ, mà nhà thơ là người không thể không viết ra những câu thơ”. Có người bảo, ngày nào cũng làm thơ, rồi cả tháng bỏ hết đi cũng được dăm bài. Tôi không làm được kiểu đó. Làm thơ, chăm chỉ là một phần, thậm chí, khi không có cảm hứng thì càng chăm càng hỏng. Có khi cả năm tôi chả sáng tác bài nào, nếu tôi chưa thích. Phải sống cho đến khi tri thức và cảm hứng đầy ắp trong người, không thể im được nữa, thì mới viết. Tôi tôn thờ câu của Trần Tử Ngang: “Văn chương là tấc lòng gửi vào thiên cổ, đâu phải chuyện tài hoa phấn sức một lúc một thời”. Ấy vậy mà còn chưa chắc đã có được chút gì. Ai coi văn chương là việc trang trọng, trang nghiêm thì hãy cầm bút, không thì thôi, còn làm vì “thương hiệu” một lúc, một thời là vớ vẩn. Mà đã vì nghiệp thì không cầu những thứ khác. Không nên lấy một vài bài thơ đi khoe, đi dọa nhau để tìm kiếm danh vọng hay tiền bạc. Bao nhiêu người đã bỏ chức vụ chứ không riêng tôi. Lý Bạch cũng từ quan đi lang thang mới thành nhà thơ. Đỗ Phủ cả đời nghèo khổ, con còn chết đói, lang thang đào củ mà ăn, mới thành nhà thơ được. Bạch Cư Dị làm quan nhưng suốt đời đứng về phía dân nghèo, chống lại sự hà khắc, thối nát của quan lại triều đình. Vương Tích cũng từ quan, chỉ ở nhà uống rượu làm thơ... Điều quan trọng là, cái tâm của người làm thơ phải nghiêng về con người. Mà con người thì khổ nhất, đông nhất lúc nào cũng là người nghèo. Những thi sĩ ấy có lý tưởng, có tín điều cao đẹp về thi ca chứ không phải vì vinh thân phì gia.
+ Những cuốn sách về Đường thi của ông là những tác phẩm quí với nhiều phản hồi tốt đẹp. Trong dư âm ấy, với ông, ấn tượng nhất là gì?
NT ĐTL: Đây, bức thư pháp treo trên tường nhà tôi là một kỷ niệm. Vào một ngày, có 5 người tìm đến nhà tôi, hỏi mua mấy bộ sách của tôi về 3 nhà thơ lớn của Đường thi là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị do NXB Giáo dục in. Thì ra, họ là các tiến sĩ và thạc sĩ ở Viện Hán Nôm. Nhưng lúc này tôi chỉ còn một bộ, đành hẹn photocopy cho họ. Khi đến lấy, họ mua liền rồi viết tặng tôi bài “Xuân hiểu” (Sớm xuân) của Mạnh Hạo Nhiên lên đó. Mạnh Hạo Nhiên là nhà thơ tao nhã vào bậc nhất trong các nhà thơ Đường và bài “Xuân hiểu” lại là bài tao nhã vào bậc nhất của Mạnh Hạo Nhiên. Với tôi, đó là một kỷ niệm đẹp, vì chỉ những người yêu cổ văn mới trân trọng giá trị của những cuốn sách này.
+ Đã có những tập sách về các nhà thơ khổng lồ của Đường thi, ông mãn nguyện chưa, hay vẫn còn những dự định mới? Ông có chuẩn bị xuất bản tập thơ nào trong năm 2015?
NT ĐTL: Tôi đang viết cuốn “Thơ Đường và lời bình”, chọn những bài thơ Đường xuất sắc nhất trong những bài xuất sắc này, kèm lời bình, dự kiến khoảng 1.000 trang. Về sáng tác, tôi không có dự định cụ thể nào, mà cứ khi nào đủ bài thì in. Tôi không đợi đến ngày kỷ niệm hay dịp lễ, Tết để in, mà khi nào quả chín thì hái, đủ bài thì in sách, chứ không làm kế hoạch để chính mình lại có thể phải làm ép, làm non.
+ Cảm ơn ông đã trò chuyện!
Nhà thơ Đỗ Trung Lai. Làm thơ, dịch thơ và vẽ tranh, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có phòng thơ, phòng tranh riêng và nhiều tác phẩm được xuất bản: “Đêm sông Cầu”, “Anh em và những người khác”, “Thơ và tranh”, “30 Đỗ Trung Lai”, “Ơ thờ ơ”; 4 cuốn tuyển dịch: “Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng”, “Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng”, “Bạch Cư Dị - những bài Đường thi nổi tiếng”, “100 nhà thơ Đường” v.v... |
Từ khóa » Tấc Lòng Là Gì
-
'tấc Lòng' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Tấc Lòng - Từ điển Việt - Tratu Soha
-
Tấc Lòng Nghĩa Là Gì?
-
'tấc Lòng' Là Gì?, Từ điển Việt - Pháp - Dictionary ()
-
Từ điển Việt Anh "tấc Lòng" - Là Gì?
-
Tấc Lòng Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Tấc Lòng Trong Tiếng Pháp Là Gì? - Từ điển Số
-
Từ Điển - Từ Tóc Cơ Căn Vặn Tấc Lòng Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
TẤC LÒNG
-
Từ Tóc Cơ Căn Vặn Tấc Lòng Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
Truyện Kiều Chú Giải, 1953 — Page 94
-
Truyen Kieu (0573-0804)