Vấn đề Chữ Quốc Ngữ - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
Có thể bạn quan tâm
Chữ quốc ngữ ra đời cách đây đã hơn ba thế kỉ. Nó là một công trình sáng chế tập thể của các giáo sĩ người Âu sang truyền đạo ở nước ta từ đầu thế kỉ XVII, với sự cộng tác của nhiều người Việt Nam vô danh. Các giáo sĩ đó hầu hết là người Ý (như Phơ-răng-xe-scô Bu-dô-mi, Cơ-ri-stô-phô-rô Bo-ri), người Bồ Đào Nha (như Ga-spa đơ A-ma-ran, An-tô-ni-ô Bác-bô-xa, Mác-xen Phe-ray-ra), người Pháp (như A-lếc-xăng đơ Rốt, Pi-nhô đờ Bê-hen, Ta-be). Ban đầu họ dùng lối chữ của nước họ phiên âm tiếng Việt để học tập và dạy cho nhau học tập tiếng Việt. A-lếc-xăng đơ Rốt, với quyển Tự điển Việt - La tinh - Bồ Đào Nha (1651) là người đầu tiên đã cố gắng chỉnh lí và hệ thống hoá những lối phiên âm tiếng Việt ấy, nhằm làm thành một lối chữ viết thống nhất. Từ đó về sau, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều phen sửa đổi, đến giữa thế kỉ XIX mới dần dần có được một thể thức nhất định. Chữ quốc ngữ hiện dùng là căn cứ theo quyển Tự điển Việt - La tinh của Ta-be, xuất bản năm 1838. Từ hơn một thế kỉ nay, chữ quốc ngữ gần như không thay đổi.
Chữ quốc ngữ là lối viết chữ ghi âm, dùng chữ cái La tinh. Về căn bản nó là một lối chữ giản tiện. Vì thế nên nó dễ học. Người Việt Nam chúng ta học chữ quốc ngữ không phải mất nhiều công phu.
Nhưng nói thế không có nghĩa là chữ quốc ngữ đã hoàn hảo. Chữ quốc ngữ đang còn có nhiều chỗ không hợp lí hoặc không tiện lợi.
Trước hết, trong chữ quốc ngữ có rất nhiều vần ghép không hợp lí. Điều này một phần vì các giáo sĩ người Âu, khi đặt ra chữ quốc ngữ, đã dựa vào các chữ viết của các tiếng Rô-manh (Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha) nên đã đưa vào chữ quốc ngữ một số những bất hợp lí của các chữ viết ấy (như để viết phụ âm k, khi thì dùng C: ca, co, cu; khi thì dùng K: ke, kê, ki; khi thì dùng Q: qua, que, qui; để viết phụ âm g, khi thì dùng G: ga, go, gu; khi thì dùng GH: ghe, ghê, ghi, v.v.). Nhưng một phần cũng vì khoa học về ngôn ngữ trước đây hai ba thế kỉ chưa phát triển, cơ sở nghiên cứu phân tích hệ thống ngữ âm của tiếng Việt chưa đầy đủ, và có khi có người ghép một số vần không hợp lí, nhưng về sau dùng thành quen đi (vì thế nên có những bất hợp lí, như: gia có thể đọc gi-a: gia đình, giạ lúa, mà cũng có thể đọc gi-ia: giặt gịa; viết in, im, it- với con chữ [1] I, nhưng lại viết yên, yêm, yết – với con chữ Y; cùng là UI, nhưng có giá trị khác hẳn nhau trong cui và trong qui; viết mi (mắt), kì (cọ), nhưng lại viết mỹ (thuật), kỳ (lạ), v.v.).
Hệ thống ngữ âm của tiếng Việt rất phong phú, nếu chỉ dùng chữ cái La tinh thì không đủ kí hiệu để ghi tất cả các âm thanh của tiếng Việt. Vì thế chữ quốc ngữ đã phải dùng rất nhiều con chữ ghép (như NG, CH, NH, TR, v.v.) và rất nhiều dấu phụ (dấu “á”, dấu “râu”, dấu “mũ”, các dấu giọng). Chữ quốc ngữ là lối chữ viết dùng chữ cái La tinh với nhiều dấu phụ nhất trên thế giới (36 trường hợp có một dấu phụ, như: ă, â, ê, à, ả, ã, á, ạ, v.v.; 30 trường hợp có hai dấu phụ, như: ề, ể, ễ, ế, ệ, v.v.). Điều đó làm cho chữ quốc ngữ không khỏi thành rườm rà, nhất là có một số dấu phụ không được giản tiện hoặc không được hợp lí.
Chữ quốc ngữ ra đời là để thay thế cho chữ Nôm. Chữ Nôm là lối chữ hình vuông, viết tách rời từng “chữ”; chữ quốc ngữ cũng viết tách rời từng “chữ” (theo âm tiết). Đây là một điều không hợp lí, vì tiếng Việt, nhất là tiếng Việt hiện đại, không phải “đơn âm” như nhiều người thường nói; không phải trong tiếng Việt bao giờ cũng mỗi âm tiết là một từ, mà trái lại có rất nhiều từ gồm hai hay nhiều âm tiết (vui vẻ, sung sướng, người ta, gia đình, xã hội, xã hội chủ nghĩa, v.v.).
Chữ quốc ngữ từ lâu không thay đổi, nó đã lạc hậu khá nhiều so với sự phát triển của tiếng Việt. Chữ quốc ngữ vẫn viết phân biệt d và gi, tuy rằng ngày nay trong cả nước có thể nói là không còn phát âm phân biệt d và gi nữa.
Tiếng Việt đang ở trong một giai đoạn phát triển hết sức mạnh mẽ, tiếp xúc rất nhiều với ngôn ngữ các nước ngoài, đòi hỏi phải dịch âm rất nhiều từ mượn của tiếng nước ngoài (trong các ngành khoa học, kĩ thuật, v.v.). Nhưng với những vần quốc ngữ hiện dùng, việc dịch âm đó có nhiều lúng túng, khó khăn.
Chữ quốc ngữ có những chỗ không hợp lí hoặc không tiện lợi như đã nói trên, nên từ lâu nhiều người đã thấy rằng chữ quốc ngữ cần được cải tiến.
* * *
Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, từ một thế kỉ nay, đã được xét về nhiều mặt khác nhau:
- Thay đổi các con chữ và sửa đổi các vần không hợp lí;
- Sửa bỏ các dấu phụ không giản tiện;
- Viết liền và bỏ gạch nối;
- Thêm một số vần mới để tiện việc phiên âm các tiếng nước ngoài.
Vấn đề được nêu ra đầu tiên là vấn đề thay đổi các con chữ và sửa đổi các vần không hợp lí.
Thực dân Pháp trước kia, sau khi xâm chiếm được đất nước ta rồi, đã dùng lối chữ viết ghi âm tiếng Việt - tức là chữ quốc ngữ - sẵn có, theo Tự điển Ta-be. Nhưng để cai trị nước ta, một số người Pháp (phần đông là quan lại cai trị, sĩ quan, giáo sĩ) bắt buộc phải học tập và nghiên cứu tiếng Việt: họ không thể không nhận thấy rằng chữ quốc ngữ có rất nhiều chỗ không hợp lí. Do đó, thỉnh thoảng lại có một vài người nêu ý kiến cần thực hiện một số sửa đổi cho chữ quốc ngữ. Năm 1868, Lơ Gơ-răng đơ la Li-ray, trong quyển Tự điển Việt-Pháp, đề nghị thay D bằng DZ, thay Đ bằng D, thay S bằng SH. Năm 1886, Ay-mô-ni-ê, trong tập Lối chữ viết ghi âm của chúng ta, sau khi phân tích nhiều chỗ bất hợp lí của chữ quốc ngữ, chủ trương nên cải tiến mạnh bạo. Đặc biệt Ay-mô-ni-ê đề nghị nên thay những con chữ phụ âm kép CH, NG, NH, KH, GI, v.v. bằng những con chữ đơn (đặt ra thêm nếu cần) và nên viết bản nguyên âm u trong oa, oai oe, uê, uy, v.v. bằng một chữ riêng, W: WA, WAI, WE, WÊ, WI. Những bất hợp lí của chữ quốc ngữ quá rõ rệt, nên năm 1902, Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn-đông, họp tại Hà Nội, không thể không đưa vấn đề chữ quốc ngữ ra bàn. Giữa Hội nghị đã có một cuộc thảo luận sôi nổi về bản đề án cải tiến chữ quốc ngữ của Tiểu ban phiên âm tiếng Việt (dùng K thay cho C, KW thay cho QU; dùng D thay cho Đ và Z thay cho D; dùng J thay cho GI, ẹ thay cho NH,Č thay cho CH; bỏ H trong GH). Hội nghị không đi đến một quyết nghị tích cực, mà chỉ “khuyên” Trường Bác cổ Viễn-đông nên nghiên cứu ấn định cho tiếng Việt một lối chữ “đơn giản và hợp lí”, nhưng chỉ “để dùng trong công tác khoa học”. Tuy vậy, vấn đề chữ quốc ngữ đã được dư luận chú ý. Năm 1906, người ta lại phải bàn đến vấn đề này tại Hội đồng cải lương học chính của Chính phủ Pháp ở Đông Dương, sau đó viên toàn quyền Pháp đã phải chuẩn y một bản cải tiến chữ quốc ngữ và kí một nghị định (ngày 16-5-1906), về việc dùng chữ quốc ngữ cải tiến trong các sách giáo khoa. Những người bảo thủ (như linh mục Ca-đi-e, linh mục Va-lô) đã biết lợi dụng một số điểm không hợp lí trong chữ quốc ngữ cải tiến này (thí dụ viết âm uy bằng vần UI), để công kích kịch liệt. Rốt cuộc nghị định trên đây không được thi hành. Năm 1910, Đuy-boa, trong quyển Tiếng Việt và tiếng Pháp lại đề cập đến vấn đề chữ quốc ngữ. Đuy-boa phân tích rằng thành phần viết bằng IÊ, UÔ, ƯƠ trong iêu, iên, uôi, uôt, ươi, ương, v.v. chính là các nguyên âm liền đôi ia, ua, ưa, và những nguyên âm liền đôi này Đuy-boa đề nghị nên viết IƠ, UƠ, ƯƠ. Từ 1910 về sau, vấn đề sửa đổi các vần quốc ngữ không còn được người Pháp bàn đến nữa. Nhiều người Pháp cho rằng “chữ quốc ngữ đã được thử thách; không thể nào sửa đổi nó...” (lời của Va-lô). Nhưng người Việt Nam chúng ta dần dần đã chú ý đến vấn đề này. Nguyễn Triệu Luật, trên tạp chí Tao-đàn (1939), và nhất là Ngô Quang Châu, trong Chữ của dân tộc (Hà Nội, 1946), Nguyễn Bạt Tuỵ, trong Chữ và vần Việt khoa học (Sài Gòn, 1950), đều chủ trương cần dựa trên sự nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt mà đặt vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lí hơn. Nhưng những nghiên cứu đó còn là mò mẫm, bước đầu, và có những ý kiến nêu ra có phần lập dị, thiếu căn cứ khoa học (như Nguyễn Triệu Luật chủ trương an viết AN, ăn viết ANT, ap viết AP, ăp viết APH; hoặc Nguyễn Bạt Tuỵ nghĩ rằng ap phải viết AB, ăp phải viết AP, ac phải viết AG, ăc phải viết AK). Điều rất đáng chú ý là những người cộng sản Việt Nam - đứng đầu là Hồ Chủ tịch - ngay từ đầu đã tỏ thái độ kiên quyết xoá bỏ một số những cái vô lí rõ rệt của chữ quốc ngữ. Trong những tài liệu tuyên truyền cách mạng từ trước 1930, trong những sách báo bí mật của Đảng cộng sản Đông Dương ngay từ ngày Đảng ra đời, trong những bút tích của Hồ Chủ tịch, người ta thấy đã áp dụng cho chữ quốc ngữ một số sửa đổi rất hợp lí. Thí dụ, trong bản điều lệ tóm tắt của Đảng cộng sản Đông Dương, in năm 1930, đã viết zai kấp (giai cấp), kông nghiệp (công nghiệp), zân kày (dân cày), v.v. Và cho đến bây giờ, nhiều người, nhất là trong cán bộ cách mạng, cũng thường viết chữ quốc ngữ với những sửa đổi đó, vì ai cũng thấy viết như thế hợp lí hơn, giản tiện hơn. Đồng chí Nguyễn Xiển, trong tập Toán học đại cương xuất bản trong thời kì kháng chiến, cũng đã dùng chữ quốc ngữ cải tiến như thế. Gần đây, nhà xuất bản Sự thật cũng bắt đầu dùng F thay cho PH trong một số trường hợp (như viết: Fơ-rê-đê-rích Ăng-ghen). Trên báo Nhân dân ngày 15-1-1960, vừa đăng một bài của đồng chí Trần Lực, trong đó dùng F thay cho PH, Z thay cho D và GI... Rõ ràng là vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ là một vấn đề hiện tại đang đòi hỏi phải được giải quyết, và trước hết nó là vấn đề thay đổi một số con chữ và sửa đổi một số vần cho hợp lí hơn.
Trong vấn đề chữ quốc ngữ, còn có vấn đề các dấu phụ. Các dấu phụ gây một số phiền phức nhất định, nhất là về mặt ấn loát. Năm 1919, trên tờ Trung-Bắc tân-văn, Phó Đức Thành nêu ý kiến nên dùng các con chữ B, K, L, D, Q viết sau đuôi chữ, khi viết các tên riêng, để thế cho các dấu chỉ giọng huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Mươi năm sau, vào khoảng cuối năm 1928, cũng trên tờ Trung-Bắc tân-văn, Nguyễn Văn Vĩnh lấy lại ý kiến đó của Phó Đức Thành và phát triển thêm, hô hào “cải cách chữ quốc ngữ” (nghĩa là bỏ các dấu phụ). Trong lối chữ quốc ngữ không dấu của Nguyễn Văn Vĩnh, dùng A, O, U, thế cho Ă, Ơ, Ư và dùng F, Z, W, Q, J viết sau đuôi chữ thế cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Dương Tự Nguyên, trên tờ Văn-học tạp-chí (1932) còn muốn đi xa hơn Nguyễn Văn Vĩnh, chủ trương làm cho chữ quốc ngữ “hoàn toàn sạch dấu” bằng cách dùng những con chữ nguyên âm kép để thay thế cho những con chữ nguyên âm có dấu phụ: dùng AA, EE, OO thay cho Â, Ê, Ô; dùng EA, OU, EU, thay cho Ă, Ơ, Ư; dùng IE, UO, UA, EUO thay cho IÊ, UÔ, UÂ, ƯƠ, v.v. Về sau, khi nói đến cải tiến chữ quốc ngữ, một số người chỉ nghĩ đến vấn đề bỏ các dấu; thậm chí người ta hoàn toàn không đếm xỉa gì đến nguyên tắc khoa học, chỉ cốt làm sao bỏ được các dấu phụ, đi đến đưa ra những lối viết kì quặc như: “hữu” viết thành HUUUZZ, “thường” viết thành THUUOONGW, “nhưỡng” viết thành NHUUOONGZZ! (Theo Vần Việt ngữ cải cách của Trần Văn Được, Pơ-nông Pênh, 1949). Từ sau Cách mạng Tháng Tám, ngành bưu điện có dùng trong việc đánh điện văn một “phương pháp viết chữ quốc ngữ không dấu” (dùng F, R, X, S, J viết sau đuôi chữ thay cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng; dùng AA, EE, OO, AW, OW, UW thay cho Â, Ê, Ô, Ă, Ơ, Ư). Nhưng lối chữ quốc ngữ không dấu này cũng chỉ để dùng riêng trong nội bộ ngành bưu điện mà thôi. Trong thời kì kháng chiến, đôi khi cũng dùng lối chữ quốc ngữ không dấu đó, nhưng chỉ là vạn bất đắc dĩ, khi đánh máy chữ. Đến nay, phải nói rằng những thí nghiệm bỏ các dấu phụ trong chữ quốc ngữ đều đã thất bại.
Bên cạnh vấn đề các dấu phụ, còn có vấn đề gạch nối. Chữ quốc ngữ ban đầu không dùng gạch nối, trừ trường hợp phiên âm tên người, tên đất. Về sau, nhất là từ 1920 trở đi, vì thấy viết rời từng chữ không hợp lí, nên dần dần người ta dùng gạch nối rất nhiều để viết các “từ kép” (gồm hai hay nhiều âm tiết). Nhưng dùng nhiều gạch nối thấy không tiện lợi, nên vài mươi năm lại đây, dần dần lại có xu hướng bỏ gạch nối, chỉ dùng để viết những từ kép mới lạ và để viết các tên người, tên đất. Có người chủ trương triệt để hơn: viết liền các từ kép. Nguyễn Háo Vĩnh, trong một số bài đăng trên Namphong năm 1913, là người đầu tiên đã thực hiện lối viết liền: “Cáchvật trí tri” “Chúthích Đạinam quốcsử diễn ca”. Về sau, Kinh Dinh trên tạp chí Tao Đàn (1939) Nguyễn Xuân Quang trong Tập kỉ yếu của Hội Khuyến học Nam Kỳ (1-1942) nêu lại vấn đề này, và lẻ tẻ có một vài người hưởng ứng, thí nghiệm dùng lối viết liền trong một đôi tác phẩm văn học (như nhà văn Phùng Tất Đắc) hoặc tác phẩm khảo cứu hay giáo khoa của mình (như các đồng chí Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển trong thời kì kháng chiến). Thật ra, có lẽ số người tán thành lối viết liền không phải là ít, nhưng nhiều người dè dặt vì thấy có một số khó khăn: giới hạn của từ trong tiếng Việt chưa có sự nghiên cứu quy định thật rõ ràng, nên có một số trường hợp không biết nên hay không nên viết liền; ngoài ra có một số ít trường hợp nếu viết liền thì sẽ có thể đọc hai cách khác nhau (“thịthành”, đọc thị thành hay đọc thịt hành?)
Vài mươi năm lại đây, đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt, người ta thấy xuất hiện một vấn đề mới: vấn đề thêm vần cho quốc ngữ. Từ trước, có những người vô danh đã ghép một vài vần mới, ngày nay đã thành thông dụng như OONG, OOC: ba toong, cái soong, bu loong, moóc-chi-ê, rơ-moóc v.v. Những vần này thật ra không viết những âm hoàn toàn mới lạ, mà chỉ viết một số âm sẵn có ở một số địa phương trong nước ta (từ giữa Trung Bộ trở vào phát âm on thànhoong, ot thành ooc).
Các học giả chuyên môn có phần mạnh bạo hơn. Năm 1941 - 1942, nhóm “Tạp chí Khoa học” chủ trương ghép một loạt vần mới để dịch âm các từ thuật ngữ khoa học, nhất là hoá học: AL (cal-ci), UL (sul-fu), BR (brôm), GL (glu-ci), CE (cel-lu-lốt), CY (cy-an-hyt-ric), v.v. Đồng thời, các con chữ F, Z, D được dùng để viết các phụ âm ph, d, đ: pa-ra-fin, va-zơ-lin, dy-na-mít. Việc thêm vần mới hồi đó đang còn trong thời kì mò mẫm, thí nghiệm. Ngay những người cùng trong nhóm “Tạp chí Khoa học” cũng chưa hẳn đã nhất trí với nhau về những vần mới cần thêm cho chữ quốc ngữ: Trong lúc Nguỵ Như Kontum viết can-xi, hy-drô, thì Hoàng Xuân Hãn viết cal-ci, hýt-rô. Điều đáng tiếc là nhóm Tạp chí Khoa học không để ý đến nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ quốc ngữ nên không định được trước những quy tắc thống nhất và một giới hạn nhất định cho sự thêm vần; họ chỉ tuỳ nghi mà làm nên việc thêm vần thường bị lạm dụng, có nhiều vần mới không hợp lí hoặc không cần thiết. Về sau Ngô Quang Châu, trong Chữ của dân tộc (1946) và trong Vấn đề bổ sung vần quốc ngữ (1955), có nêu lại vấn đề thêm vần. Và mấy năm gần đây, từ sau ngày trên báo Nhân dân (trong kháng chiến) lần đầu tiên dùng vần STA để viết tên Sta-lin, những vần STA, SMA, SLA, v.v. (chính ra là viết phụ âm x ghép trước một phụ âm khác) đã trở thành thông dụng. Vừa qua, Ban Khoa học cơ bản thuộc uỷ ban Khoa học Nhà nước, trong việc biên dịch các tập từ thuật ngữ khoa học, có đề nghị dùng thêm những con chữ F, J, W, Z và ghép thêm nhiều vần mới như CE, CI, CY, BRA, CLA, EL, AL, AD, OZ, v.v. (như viết cyprinus, aldehyd, glucoz, hypebol...). Ngày nay có thể nói rằng rất nhiều người tán thành việc thêm vần mới, vì đó là một đòi hỏi của sự phát triển của tiếng Việt và của chữ quốc ngữ. Nhưng chữ quốc ngữ hiện dùng đang có nhiều chỗ bất hợp lí, việc thêm vần mới do đó có nhiều khó khăn. Nếu thêm vần mới mà không có sự nghiên cứu cẩn thận thì kết quả sẽ làm cho chữ quốc ngữ càng thêm rắc rối. Kinh nghiệm là có một số vần mới thêm vào cho chữ quốc ngữ không được hợp lí. Trước khi thực hiện việc thêm vần mới, tốt hơn hết là nên cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lí hơn, giản tiện hơn. Không thể nghiên cứu vấn đề thêm vần mới tách rời khỏi vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ.
Trên đây chúng tôi đã trình bày một cách hết sức sơ lược những ý kiến từ một thế kỉ nay chung quanh vấn đề chữ quốc ngữ. Cũng có những ý kiến mà chúng tôi thấy không cần nhắc đến, vì hoặc là có tính cách lập dị, như ý kiến của Vi Huyền Đắc trong tập Việt-tự (1930): bỏ chữ quốc ngữ, đặt ra một lối chữ hoàn toàn mới, với những nét mượn của chữ Hán và chữ Nhật; hoặc là có tính cách nô lệ, như ý kiến của Nguyễn Công Hoà nào đó trong tập Dự án vần quốc ngữ mới (1907): sửa đổi các vần quốc ngữ cho na ná giống các vần chữ Pháp (!); hoặc là - đây là số nhiều - không có gì mới mẻ, vì cũng chỉ dựa theo những ý kiến của những người trước đã nêu ra.
* * *
Từ một thế kỉ nay, nhiều người đã thấy rằng chữ quốc ngữ cần phải cải tiến. Cải cách hoặc cải tiến chữ viết là việc phải do Chính phủ quyết định (đôi khi có thể cần hỏi ý kiến Quốc hội). Việc đó thường có ý nghĩa cách mạng, nên thường chỉ có Chính phủ cách mạng mới kiên quyết chủ trương cải tiến chữ viết. Chúng ta không lấy làm lạ nếu chính phủ Pháp trước kia, trong hơn 80 năm cai trị nước ta, không quan tâm đến vấn đề này, hoặc có khi bắt buộc phải chú ý đến, nhưng khoảng năm 1906 thì tỏ ra hoàn toàn bất lực.
Như ở trên đã nói, Đảng cộng sản Đông Dương, ngay từ ngày thành lập, đã tỏ thái độ đứng về phía cải tiến chữ quốc ngữ. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền thuộc về nhân dân ta, Ban chuyên môn Bình dân học vụ Trung ương có bắt đầu nghiên cứu một dự án cải tiến chữ quốc ngữ; Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam cũng có chuẩn bị đưa vấn đề này ra bàn tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (1946); đáng tiếc là vì tình hình hồi bấy giờ (kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ) nên Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất không họp bàn được. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, họp trong kháng chiến (1948), có cử ra một tiểu ban ngôn ngữ văn tự, và đồng chí Nguyễn Lân, thay mặt tiểu ban, có trình bày trước Hội nghị “Vài đề nghị về việc cải cách chữ quốc ngữ”. Lẽ tất nhiên, trong hoàn cảnh kháng chiến, vấn đề hồi ấy chưa thể nghiên cứu được kĩ; tuy vậy, cũng đã đề cập đến việc thay đổi một số con chữ không hợp lí và đến việc viết liền, bỏ gạch nối. Và mọi người đều biết rằng đặc biệt là Hồ Chủ tịch từ trước đến nay thường tỏ ra rất quan tâm đến việc cải tiến chữ quốc ngữ. Cho nên, nếu cho đến ngày nay chúng ta chưa thực hiện được việc cải tiến chữ quốc ngữ, thì điều đó chỉ vì hoàn cảnh chưa thuận tiện, chưa cho phép mà thôi.
Nhưng vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ càng ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết. Chúng tôi tưởng rằng đã đến lúc chúng ta nên cùng nhau nghiên cứu kĩ vấn đề này.
Cải tiến chữ quốc ngữ là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, vì cải tiến chữ quốc ngữ sẽ giúp rất nhiều cho việc phổ cập giáo dục, phổ cập văn hoá. Chữ quốc ngữ cải tiến sẽ trở thành giản tiện hơn và dễ học hơn. Điều đó sẽ tiết kiệm một phần không nhỏ công sức của nhân dân ta trong việc học chữ.
Cải tiến chữ quốc ngữ sẽ có tác dụng tốt đối với việc phát triển văn hoá, phát triển khoa học. Chữ quốc ngữ cải tiến và được bổ sung thêm một số vần mới cần thiết sẽ là một công cụ càng đắc lực hơn trong việc phổ biến và phát triển khoa học. Trong công tác khoa học của ta, một công việc phải tiến hành đầu tiên là biên soạn các tập từ thuật ngữ khoa học. Để khỏi ảnh hưởng đến công việc này, chữ quốc ngữ cần được cải tiến gấp.
Cải tiến chữ quốc ngữ sẽ tạo một điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số anh em, là một công tác hết sức quan trọng và cấp thiết hiện nay. Các dân tộc, Việt và thiểu số anh em, sống trên đất nước ta, là một khối đoàn kết chặt chẽ, thống nhất về mọi mặt quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hoá. Vì thế, xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số anh em nhất định phải dựa theo chữ quốc ngữ; nhưng một mặt khác, cũng nhất định phải tránh những bất hợp lí, ít nhất là những bất hợp lí quá rõ rệt, của chữ quốc ngữ. Việc xây dựng chữ viết đó đang tiến hành từng bước, nhưng gấp rút; nó không thể chờ đợi chúng ta cải tiến chữ quốc ngữ, trái lại, nó thúc đẩy chúng ta phải cải tiến gấp, nếu chúng ta muốn tránh nhiều phiền phức rắc rối về sau này. Cho nên nếu chữ quốc ngữ không được cải tiến, vẫn giữ nguyên những bất hợp lí của nó, thì thật là một trở ngại không nhỏ cho việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số anh em.
Có thể nói rằng cải tiến chữ quốc ngữ từ lâu là một yêu cầu chung của nhân dân ta trong cả nước. Việc cải tiến chữ quốc ngữ một cách hợp lí, thích đáng, nhất định sẽ được đông đảo nhân dân ta từ Nam chí Bắc hoan nghênh.
Ngoài ra, cải tiến chữ quốc ngữ sẽ có những ích lợi khác, tuy phụ nhưng cũng không phải là nhỏ. Chữ quốc ngữ cải tiến sẽ đơn giản hơn, do đó hàng năm sẽ tiết kiệm được một khoản khá lớn về giấy in và về công ấn loát. Chữ quốc ngữ cải tiến sẽ hợp lí hơn, do đó việc học tiếng Việt phần nào sẽ dễ dàng hơn đối với các bạn ta ở các nước ngoài (quan hệ quốc tế của ta càng phát triển thì số người nước ngoài muốn học tiếng Việt cũng ngày càng tăng).
Tóm lại, cải tiến chữ quốc ngữ chính là một yêu cầu của cách mạng ta hiện nay.
* * *
Nhưng làm thế nào để cải tiến chữ quốc ngữ được tốt? Qua kinh nghiệm từ trước đến nay, chúng ta thấy rằng trước hết cần phải thảo luận để thống nhất ý kiến với nhau trên một số vấn đề về nguyên tắc.
Như trên đã nói, chữ quốc ngữ là lối chữ viết ghi âm. Về căn bản nó là một lối chữ đơn giản, tiện lợi. Sở dĩ có những chỗ không hợp lí hoặc không tiện lợi là do nhiều nguyên nhân. Một mặt có một số con chữ và một số vần không hợp lí; đồng thời chữ quốc ngữ cũng đã lạc hậu nhiều so với sự phát triển của tiếng Việt hiện đại. Nhưng một mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng vì chữ quốc ngữ dùng chữ cái La tinh, nên có khá nhiều chỗ không hợp lí hoặc không tiện lợi của nó là do ở khuyết điểm của bản thân chữ cái La tinh. Chữ cái La tinh hiện nay có tính cách thông dụng quốc tế, nhưng không phải là một chữ cái hoàn hảo, lí tưởng. Chữ cái La tinh chỉ có một số ký hiệu rất hạn chế. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, muốn tiện lợi, chúng ta phải dùng chữ cái La tinh để viết tiếng Việt. Nhưng cũng chính vì thế mà có một số những chỗ không hợp lí hoặc không tiện lợi của chữ quốc ngữ chúng ta không thể tránh khỏi. Thí dụ việc dùng các con chữ phụ âm ghép (NG, NH, KH, v.v.) rõ ràng là một điều “không hợp lí”, việc dùng nhiều dấu phụ rõ ràng là một điều “không giản tiện”, nhưng chúng ta không có cách nào khác để bổ sung cho những thiếu sót nghèo nàn của chữ cái La tinh. Chúng ta không thể đặt thêm nhiều con chữ mới, vì như thế chỉ tự tạo cho mình nhiều sự rắc rối, phiền phức vô ích trong điều kiện thực tế hiện nay. Chúng ta cũng không nên vì muốn được “giản tiện” về một mặt nào đó mà bỏ tất cả các dấu phụ: lối chữ quốc ngữ không dấu của Nguyễn Văn Vĩnh - Dương Tự Nguyên sở dĩ đã thất bại, là vì nó không hợp lí, không khoa học. Dùng con chữ thay cho dấu phụ là việc không nên làm, vì con chữ và dấu phụ là hai loại kí hiệu khác hẳn nhau: một đằng là kí hiệu dùng để ghi âm tố, một đằng là kí hiệu dùng để ghi các biến đổi của âm tố và các thanh điệu. Tiếng Việt là tiếng nói có thanh điệu, đặc điểm đó cũng cần được biểu thị trên chữ viết bằng những kí hiệu đặc biệt. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng các dấu phụ trong chữ quốc ngữ, khi nào có điều kiện, chúng ta có thể nghiên cứu sửa đổi cho đơn giản và hợp lí hơn, nhưng không nên đặt vấn đề xoá bỏ.
Cải tiến chữ quốc ngữ phải nhằm làm cho nó hợp lí hơn và giản tiện hơn. Hợp lí, nhưng không giản tiện thì không được; mà giản tiện, nhưng không hợp lí thì cũng không nên. Tức là không thể đòi hỏi sự hợp lí triệt để hoặc sự giản tiện hoàn toàn.
Theo chúng tôi nghĩ, cải tiến chữ quốc ngữ phải theo hai nguyên tắc chính sau đây:
1- Dựa trên cơ sở nghiên cứu ngữ âm học về tiếng Việt hiện đại mà cải tiến chữ quốc ngữ, làm cho chữ quốc ngữ viết ghi âm tiếng Việt hiện đại được đúng hơn, hợp lí hơn, khoa học hơn.
2- Dựa trên cơ sở chữ quốc ngữ hiện dùng mà cải tiến chữ quốc ngữ từng bước, không đặt vấn đề “cải cách triệt để” chữ viết (thật ra cũng không cần thiết), không xáo trộn nhiều, làm thế nào cho những người đã quen với lối chữ cũ không phải bỡ ngỡ, không phải tốn công học tập lại, và sách vở cũ vẫn tiếp tục dùng được.
Hai nguyên tắc trên đây bổ sung cho nhau. Hiện nay việc nghiên cứu hệ thống ngữ âm của tiếng Việt hiện đại chỉ mới là bắt đầu, có rất nhiều vấn đề ta chưa nghiên cứu được tốt, điều đó tất nhiên có thể trở ngại đến việc cải tiến chữ quốc ngữ, nhưng cũng không phải vì thế mà ta không thể cải tiến được chữ quốc ngữ. Vì ta không đặt vấn đề cải cách triệt để, chỉ đặt vấn đề cải tiến từng bước, trong bước đầu có thể thực hiện những cải tiến nào thật hết sức cần thiết, xoá bỏ những chỗ không hợp lí hoặc không giản tiện nào lớn và quá rõ rệt. Còn những trường hợp không hợp lí hoặc không giản tiện khác, không quan trọng, không rõ rệt, chưa nghiên cứu được kĩ và chưa tiện xoá bỏ, thì có thể vẫn giữ lối viết truyền thống như từ trước đến nay. Sau này tuỳ điều kiện sẽ nghiên cứu thực hiện dần một số những cải tiến khác. Ngôn ngữ luôn luôn phát triển, chữ viết thì lại tương đối cố định, nên quy luật là chữ viết thường lạc hậu so với ngôn ngữ. Vì vậy, vấn đề cải tiến chữ viết là một vấn đề thỉnh thoảng phải đặt ra, sau từng giai đoạn lịch sử, không phải là việc có thể chỉ giải quyết một lần, triệt để và vĩnh viễn được.
Cùng với vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, có vấn đề thống nhất chính tả. Hiện nay, trong một số trường hợp, chúng ta chưa có những tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất. Thí dụ, nên viết theo dõi hay theo rõi, dông tố hay giông tố, qui luật hay quy luật, cộng sản hay cọng sản, v.v.? Khi viết danh từ riêng thì nên viết hoa và dùng gạch nối như thế nào, thí dụ nên viết Việt - nam hay là nên viết Việt-Nam hoặc Việt Nam, ý kiến cũng chưa nhất trí. Vấn đề này khá phức tạp, trước nay chúng ta nghiên cứu cũng ít. Ở đây chưa tiện đi sâu vào vấn đề này, chúng ta chỉ có thể nhân tiện nêu một vài điểm thuộc về nguyên tắc mà thôi.
Chữ quốc ngữ là một lối chữ viết ghi âm, nguyên tắc chính tả cơ bản của nó là nguyên tắc ngữ âm học, nói đơn giản nghĩa là chúng ta phát âm thế nào thì viết thế ấy. Vì vậy, cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt mà nghiên cứu vấn đề chính tả của chữ quốc ngữ. Muốn xác định tiêu chuẩn chính tả của chữ quốc ngữ, thì phải xác định tiêu chuẩn chính âm của tiếng Việt, nói cách khác, phải xác định cách phát âm tiêu chuẩn của tiếng Việt hiện đại. Mấu chốt của vấn đề này là ở đó. Theo quy luật phát triển của ngôn ngữ, khi định cách phát âm tiêu chuẩn của một ngôn ngữ, thường chọn cách phát âm của nơi trung tâm chính trị, xã hội, văn hoá phát đạt nhất của một nước, nơi trung tâm đó (thường là thủ đô) trước kia và hiện nay có ảnh hưởng rất lớn trong toàn bộ lịch sử của dân tộc. Đối với dân tộc ta, rõ ràng trung tâm đó là Hà Nội. Nhưng tình hình ngôn ngữ của ta có những đặc điểm của nó. Cách phát âm của Hà Nội, trong một số trường hợp, không những mâu thuẫn với cách phát âm trong một nửa nước, mà đồng thời cũng mâu thuẫn với chữ viết: Hà Nội không phát âm phân biệt ch-tr, x-s, r-d, iu-ưu, iêu-ươu, trong khi một số vùng ở Bắc Bộ và khắp Trung, Nam Bộ phát âm phân biệt rõ rệt và chữ quốc ngữ cũng viết phân biệt. Ở đây chúng ta thấy chữ viết có một tác dụng trở lại đối với ngôn ngữ: vì chữ quốc ngữ viết phân biệt ch-tr, x-s, v.v., nên chiều hướng chung là nhiều người, trong đó có cả một số người Hà Nội, tán thành phát âm phân biệt, theo Trung Bộ và Nam Bộ. Vì vậy, để định cách phát âm tiêu chuẩn của tiếng Việt, chúng tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là lấy cách phát âm của Hà Nội làm cơ sở, bổ sung thêm những âm nào mà Hà Nội không phát âm phân biệt, nhưng trong hơn một nửa nước phát âm phân biệt rõ rệt. Cách phát âm tiêu chuẩn đó là căn cứ để nghiên cứu vấn đề thống nhất chính tả. Đây là nói về nguyên tắc, còn thực tế thì vấn đề này còn có nhiều khía cạnh phức tạp mà ở đây chúng ta chưa tiện bàn đến.
Riêng có vấn đề d và gi cũng nên bàn qua một chút. Tiếng Việt ngày trước phát âm phân biệt d và gi, điều này chúng ta nghiên cứu về từ nguyên có thể thấy rất rõ. Nhưng tiếng Việt hiện đại không còn phát âm phân biệt d và gi. Có còn phân biệt chăng là chỉ ở một vài vùng rất nhỏ, không đáng kể, thuộc miền Trung Bộ. Vậy chữ quốc ngữ có nên vẫn viết phân biệt d và gi hay không? Chữ viết là để ghi ngôn ngữ, nó phụ thuộc vào ngôn ngữ, ngôn ngữ phát triển thì đòi hỏi chữ viết sớm hay muộn cũng phải có sự phát triển thích ứng. Tiếng Việt hiện đại đã không còn phát âm phân biệt d và gi, thì thiết tưởng hợp lí và giản tiện hơn hết là trong chữ quốc ngữ cũng không nên viết phân biệt.
Cuối cùng còn có vấn đề thêm vần mới cho chữ quốc ngữ. Vấn đề này đặt ra vì nhu cầu của việc dịch âm các từ thuật ngữ khoa học mượn của tiếng nước ngoài và phiên âm các tên người, tên địa phương.
Thêm vần mới thực tế là để viết một số âm mới lạ. Tiếng Việt, trong quá trình phát triển, có thể hấp thu một số thành phần ngữ âm của các ngôn ngữ khác. Nhưng việc hấp thu này là một quá trình dần dần, và không phải là không có những quy luật của nó. Vì vậy, cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu ngữ âm học về tiếng Việt hiện đại mà nghiên cứu vấn đề thêm vần mới cho chữ quốc ngữ. Việc thêm vần mới này cần thận trọng, nên hạn chế ở mức độ hết sức cần thiết.
Phải tôn trọng hệ thống ngữ âm của tiếng Việt hiện đại với những quy tắc cấu tạo âm tiết của nó. Những âm mới lạ, viết bằng những vần mới, phải là những âm mà nhân dân ta nghe sẽ không thấy “lạ tai” lắm, có thể dần dần phát âm được tương đối dễ dàng và có thể phân biệt dễ dàng với những âm sẵn có trong tiếng Việt. Vì vậy, theo chúng tôi nghĩ không nên cưỡng ép đưa vào trong tiếng Việt hiện đại làm gì những âm như os, oz, ad, id, al, ol, il.
Phải tôn trọng hệ thống chữ quốc ngữ với nguyên tắc chính tả cơ bản và những quy tắc tạo vần của nó. Một đặc điểm (và cũng là ưu điểm rất lớn) của chữ quốc ngữ là mỗi vần luôn luôn được dùng để viết một âm tiết nhất định, và mỗi âm tiết luôn luôn được viết bằng một vần nhất định (trừ một số rất ít ngoại lệ, như qui có thể viết QUI hoặc QUY - những ngoại lệ này chúng ta sẽ xoá bỏ khi cải tiến chữ quốc ngữ). Trong chữ quốc ngữ, nếu đã có những vần CA, KE, thì không có những vần KA, CE. Vì thế, những vần mới, thêm vào cho chữ quốc ngữ, nhất thiết phải là những vần viết một số âm tiết mới lạ, không nên thêm vần mới chỉ để thay thế cho một vài vần đã có sẵn trong chữ quốc ngữ. Trong khi chúng ta đã có những vần XE, XI, chúng tôi nghĩ rằng không nên thêm làm gì những vần như CE, CI và thậm chí CY. Làm như thế, chẳng khác nào chúng ta phá hoại hệ thống chữ quốc ngữ của chúng ta.
Có người nghĩ: nên viết “acid” (axit), “aldehyd” (anđêhit), “hypepol” (hipebon), để giữ “dạng chữ quốc tế” của những từ đó, hoặc để người ta hiểu rằng “acidoz” (axiđôdơ) là do ở từ “acid” mà ra. Như thế là muốn đưa thêm vào chữ quốc ngữ nguyên tắc chính tả từ nguyên học và nguyên tắc chính tả hình thái học. Một đặc điểm của tiếng Việt là các từ trong tiếng Việt không biến hình nhiều như trong các ngôn ngữ Âu châu. Trong tiếng Pháp chẳng hạn, không những có “grand” mà còn có “grande”, “grandir”, không những có “je rends”, mà còn có “nous rendons” “je rendais”, v.v., vì thế nên chữ Pháp, theo nguyên tắc chính tả hình thái học, mới viết “grand” và “ je rends” có con chữ D. Đem áp dụng nguyên tắc chính tả hình thái học đó vào cho chữ quốc ngữ là một điều hết sức vô lí. Còn nguyên tắc chính tả từ nguyên học, thì chính đó là một nguyên tắc chính tả đã làm rắc rối rất nhiều các chữ như chữ Pháp, chữ Anh. Chữ Pháp chẳng hạn, khi viết những từ mượn của tiếng La tinh hoặc của tiếng Hi Lạp, thường cố phản ánh cái “gốc” La tinh hoặc Hi Lạp đó, vì thế nên mới có những lối viết rắc rối: “tant”, “temps”, “psychologie”, “rythme”, v.v. Những thứ chữ như chữ Anh, chữ Pháp, từ mấy thế kỉ nay căn bản không thay đổi, không được cải tiến, đó là những chữ viết đã già cỗi, những rắc rối và bất hợp lí chồng chất ngày một nhiều, đến nỗi có những người Anh, người Pháp đã nói rằng chữ viết của họ là một “quốc nạn” đối với họ. Chữ quốc ngữ của chúng ta ra đời sau, là một chữ viết còn trẻ, nguyên tắc chính tả cơ bản của nó là nguyên tắc ngữ âm học, vì thế nên căn bản nó hợp lí, giản tiện. Chúng ta không nên chỉ vì dịch âm những từ mượn của tiếng nước ngoài mà làm tổn hại đến tính chất hợp lí và giản tiện quý báu của nó.
* * *
Vấn đề quốc ngữ là một vấn đề rất lớn và rất phức tạp. Chúng tôi rất tiếc rằng trong phạm vi một bài báo, không thể trình bày được vấn đề một cách đầy đủ hơn, chi tiết hơn. Những nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ mới là bước đầu, nhất định không tránh khỏi có nhiều chỗ sơ suất. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng: vấn đề này đã đến lúc nên nêu ra để chúng ta cùng nghiên cứu, bàn bạc. Vì thế, điều chúng tôi hết sức mong mỏi là sẽ được các đồng chí, các bạn xa gần trong cả nước, những người quan tâm đến sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc tham gia nhiều ý kiến để làm sáng tỏ thêm vấn đề, để chúng ta cùng nghiên cứu vấn đề, giải quyết vấn đề được tốt hơn.
Cuối cùng, để cụ thể hoá một số ý kiến về nguyên tắc đã trình bày ở trên, chúng tôi xin nêu tóm tắt dưới đây mấy điểm đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ trong bước đầu:
1) Bỏ H vô lí trong GH và NGH.
2) Dùng F thay PH; D thay Đ; Z thay GI.
3) Nhất luật viết phụ âm k bằng K trong mọi trường hợp, thay cho C (và nghiên cứu thay cả cho Q).
4) Nhất luật viết nguyên âm i bằng I trong mọi trường hợp: i (học), iêu (thương), iết (kiến), kì (lạ), mĩ (thuật). v.v. Chỉ dùng Y để viết bán nguyên âm i trong ay và ây.
5) Thêm W để viết bán nguyên âm u trong uy:uy, uya, uynh sẽ viết WI, WIA, WINH, và qui sẽ viết KWI (còn cui sẽ viết KUI).
Thêm W là để có thể bỏ vần bất hợp lí UY; đồng thời cũng để chuẩn bị để dần dần, trong bước sau, dùng W viết bán nguyên âm U đứng trước nguyên âm, thay cho các con chữ O và U: oa, oe, uê, ươ, uy viết WA, WE, WÊ, WƠ, WI.
6) Thực hiện viết liền những trường hợp rõ ràng là một từ (xãhội, káchmạng, chiếnsĩ, thiđua, chuẩnbị, fấnkhởi, vuivẻ, v.v.).
Nói chung, các danh từ riêng cũng viết liền, trường hợp là tên người thì viết rời tên và họ (Việtnam, Hànội, Nguyễn Du, Trần Hưngđạo).
7) Thêm:
- Những vần như PA, PE, v.v. (viết phụ âm p đứng đầu âm tiết).
- Những vần như XTA, XMA, v.v. (thay cho STA, SMA, v.v.), và những vần như GLA, PLA, BRA, KRA, v.v. (viết hai phụ âm ghép liền nhau).
Lẽ tất nhiên, đây chỉ mới là một vài ý kiến sơ lược, hơn nữa, cũng chỉ mới là những ý kiến cá nhân; nhưng chúng tôi mong rằng với sự tham gia ý kiến của các bạn quan tâm đến vấn đề, rồi đây chúng ta sẽ thật sự xây dựng được một bản đề án cải tiến chữ quốc ngữ hợp lí trong điều kiện hiện nay. Chúng tôi tin rằng đó là điều mong mỏi chung của chúng ta.
1960
Nguồn: HOÀNG PHÊ - Tuyển tập Ngôn ngữ học. NXB Đã Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2008.
[1] Từ chữ trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, và chúng ta thường nói: chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nga; chữ “xã”, chữ “hội”, chữ X, chữ A, v.v. Để chỉ nghĩa thứ ba này, chúng tôi không dùng từ chữ, mà dùng từ con chữ cho được rõ nghĩa: con chữ X, con chữ A, v.v. (H.P.).
Từ khóa » Trình Bày ưu điểm Và Nhược điểm Của Chữ Quốc Ngữ
-
Những ưu điểm Và Hạn Chế Của Chữ Quốc Ngữ Ra Sao - Hương Tràm
-
Những ưu điểm Và Hạn Chế Cơ Bản Của Chữ Quốc Ngữ
-
Cho Biết ưu điểm Của Chữ Quốc Ngữ? (Khái Quát Lịch Sử Tiếng Việt)
-
Ưu Nhược điểm Của Chữ Quốc Ngữ | Thảo Luận 247
-
Anh (chị) Hãy Cho Biết Cảm Nhận Của Mình Về Những ưu điểm Của ...
-
Văn 10 - Ưu Và Nhược điểm Tiếng Việt Từng Thời Kì - HOCMAI Forum
-
Chữ Quốc Ngữ- Khái Niệm - ưa điểm / Nhược điểm
-
Ưu Và Nhược điểm Chữ Nôm - Tieng Wiki
-
Chữ Quốc Ngữ Qua Những Biển Dâu
-
Soạn Bài Khái Quát Lịch Sử Tiếng Việt Văn 10: Những ưu điểm Của ...
-
Mấy Nhận Xét Về Chữ Quốc Ngữ - Free
-
Thăng Trầm Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ: Tìm Lối Viết 'đáp ứng Mọi Yêu Cầu'
-
Tuần 21. Khái Quát Lịch Sử Tiếng Việt - Ngữ Văn 10
-
Bất Hợp Lý Của Chữ Quốc Ngữ | .vn