Vận Dụng Kế Toán Trách Nhiệm Vào Công Tác Quản Trị Doanh Nghiệp

Kế toán trách nhiệm (KTTN) là một nội dung cơ bản của Kế toán quản trị (KTQT). Không riêng ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, KTQT nói chung và KTTN nói riêng, đã được vận dụng và có những đóng góp đáng kể vào sự thành công của nhiều doanh nghiệp (DN), các Tổng công ty, Tập đoàn Kinh tế lớn. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các DN Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thất thoát, lãng phí và tiêu cực trong công tác quản lý kinh tế.

Những vấn đề này rất khó để tìm ra được đối tượng hay bộ phận chịu trách nhiệm, nếu KTTN không được hiểu đúng và vận dụng hiệu quả trong công tác quản lý ở các DN Việt Nam.

KTTN được hiểu như thế nào?

KTTN là một nội dung cơ bản của KTQT và là một quá trình tập hợp và báo cáo các thông tin có thể kiểm soát, được dùng để kiểm tra các quá trình hoạt động và đánh giá thực hiện nhiệm vụ ở từng bộ phận trong một tổ chức. Hệ thống KTTN là một hệ thống thông tin, sử dụng các thông tin tài chính và phi tài chính, trong phạm vi hệ thống kiểm soát của ban quản lý một tổ chức. KTTN chỉ thực hiện được trong đơn vị có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý phải có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng. Bản chất của KTTN là mỗi bộ phận được phân cấp quản lý trong bộ máy quản lý có quyền kiểm soát, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về những nghiệp vụ riêng biệt thuộc phạm vi phân cấp quản lý của mình.

KTTN gắn liền với các trung tâm trách nhiệm. Việc phân biệt rõ ràng các trung tâm trách nhiệm trong một đơn vị chỉ mang tương đối. Thông thường KTTN có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận và trung tâm đầu tư.

Thực tiễn công tác kế toán tại các DN

Nhằm làm rõ thêm về các trung tâm trách nhiệm trong công tác quản trị DN, tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số DN đã tổ chức KTTN có hệ thống phân công, phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng được hệ thống các trung tâm trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cho thấy, các DN chưa xây dựng mô hình KTTN một cách khoa học và cụ thể hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả nhận thấy thực tế mô hình KTTN theo các trung tâm trách nhiệm áp dụng tại các DN như sau:

Thứ nhất, Trung tâm chi phí: là trung tâm trách nhiệm mà nhà quản lý chỉ chịu trách nhiệm hoặc chỉ có quyền kiểm soát về chi phí không có quyền kiểm soát về doanh thu, lợi nhuận hay đầu tư. Trung tâm chi phí thường được hình thành từ các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Do đó, trung tâm chi phí tại các DN gồm các phòng ban thuộc văn phòng công ty, các phòng nghiệp vụ thuộc tổng kho, xí nghiệp và chi nhánh, trung tâm kiểm định chất lượng, kho, các cửa hàng bán lẻ, đội, xưởng. Tại đây, các nhà quản lý chỉ chịu trách nhiệm về chi phí phát sinh trực tiếp tại kho hay cửa hàng mình.

Thứ hai, trung tâm doanh thu: là trung tâm trách nhiệm mà người quản lý chịu trách nhiệm về doanh thu, không chịu trách nhiệm về lợi nhuận hay vốn đầu tư. Trung tâm doanh thu thường được phát sinh tại các bộ phận bán hàng. Do đó, trung tâm doanh thu tại các DN có thể là Phòng Kinh doanh, các cửa hàng bán lẻ. Tại đây, Trưởng phòng kinh doanh, cửa hàng trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về doanh thu tiêu thụ của cửa hàng, đơn vị mình quản lý và phải chịu trách nhiệm trước giám đốc.

Thứ ba, trung tâm lợi nhuận: là một phân khúc trong tổ chức mà người quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ từ doanh thu, chi phí đến kết quả hoạt động. Do đó, trung tâm lợi nhuận được xác định ở cấp công ty, xí nghiệp và các chi nhánh. Giám đốc công ty và giám đốc các đơn vị thành viên là những người chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về lợi nhuận tạo ra của công ty, đồng thời có thể phê duyệt các khoản chi phí liên quan đến lợi nhuận tạo ra.

Thứ tư, trung tâm đầu tư: là nơi nhà quản trị hoạch định, kiểm soát về toàn bộ hoạt động của đơn vị, quá trình đầu tư tài sản. Trung tâm đầu tư thường phát sinh tại phòng đầu tư, Ban giám đốc gắn với trách nhiệm là giám đốc DN, trưởng phòng đầu tư. Do đó, Giám đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của toàn DN.

Một số ý kiến đề xuất, nhằm hoàn thiện công tác KTTN tại các DN

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các thông tin do kế toán cung cấp cho quản trị DN còn hạn chế. KTQT chưa được quan tâm tương xứng với vị trí và vai trò của nó trong quản trị DN. Việc nghiên cứu, vận dụng KTQT nói chung và KTTN nói riêng cho các DN là một tất yếu khách quan. Để KTTN được vận dụng có hiệu quả vào công tác quản lý DN, tác giả đưa ra một số ý kiến đề xuất như sau:

Thứ nhất, về phía Nhà nước:

- Bên cạnh Thông tư 53/2006/TT- BTC, hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN, Bộ Tài chính cần ban hành các Thông tư hướng dẫn áp dụng KTQT phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động, từng ngành nghề cụ thể. Trong đó, bổ sung các nội dung về KTTN, quy định hệ thống báo cáo chi tiết.

- Bộ Tài chính giao cho Hội nghề nghiệp tổ chức cập nhật kiến thức thường niên về KTTN cho các kế toán viên hành nghề và tuyên truyền sâu rộng đến các nhà quản lý DN về vị trí, vai trò của KTTN.

- Tổ chức nhiều buổi Hội thảo, Tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của việc tổ chức hệ thống KTTN trong và ngoài nước.

- Thí điểm xây dựng, tổ chức thực hiện mô hình KTTN tại các tổng công ty, các tập đoàn lớn.

Thứ hai, về phía DN

- Cơ cấu lại tổ chức sản xuất và quản lý, tăng cường phân cấp để nâng cao trách nhiệm và quyền hạn quản lý. DN cần xây dựng hệ thống phân, chia phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo.

- Xóa bỏ lối suy nghĩ kế toán đơn thuần là phục vụ cho các cơ quan chức năng, cần hướng tới tư duy tích cực hơn là kế toán trước tiên vì DN.

- Chủ động xây dựng mô hình KTTN phù hợp với đặc điểm của DN mình. Xây dựng hệ thống các báo cáo, bảng biểu và các chỉ tiêu đánh giá... cụ thể cho từng phòng ban, tổ, đội. Việc phân quyền trách nhiệm phải cụ thể và rõ ràng tất cả các bộ phận. Xây dựng hệ thống báo cáo hữu ích cho các bộ phận.

- Mỗi DN tự xác định các trung tâm trách nhiệm chi phí, trung tâm trách nhiệm doanh thu, trung tâm trách nhiệm lợi nhuận và trung tâm trách nhiệm đầu tư phù hợp với DN mình.

- DN cần xây dựng định mức, dự toán chi phí, khoán doanh thu cho từng bộ phận.

- Quy định rõ nhiệm vụ kế toán của từng trung tâm trách nhiệm, cụ thể như: Trung tâm chi phí có nhiệm vụ kiểm soát chi phí so với định mức. Lập các báo cáo chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm theo yêu cầu nhà quản lý. Trung tâm doanh thu có nhiệm vụ lập báo cáo về doanh thu bán hàng. Phân tích doanh thu và kết quả bán hàng từng mặt hàng doanh thu theo từng mặt hàng, từng địa điểm, từng thị trường,....

- Tạo điều kiện cho các trưởng bộ phận, kế toán, giám đốc tham gia học tập nghiên cứu về KTTN.

Thứ ba, về phía các cơ sở đào tạo

- Đưa nội dung KTTN thành một nội dung quan trọng trong nội dung đào tạo KTQT.

- Đưa nội dung KTQT nói chung, KTTN nói riêng vào chương trình đào tạo bắt buộc cho sinh viên chuyên ngành kế toán và sinh viên trong khối kinh tế không thuộc chuyên ngành kế toán.

- Xây dựng mô hình KTTN ảo cho sinh viên thực hành, kết hợp đưa sinh viên tới các DN tiếp cận với các mô hình KTQT thực tế tại các DN.

- Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên vững lý luận, giàu kinh nghiệm trong công tác KTQT. Kết hợp mời các chuyên gia giỏi đến từ các DN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên.

- Cập nhật thường xuyên các nội dung về hệ thống KTTN theo hướng tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

  1. Thông tư 53/2006; 200/2014; 202/2014 của Bộ tài chính
  2. PGS., TS. Nguyễn Quang Ngọc (2010) “KTQT DN” - NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
  3. TS. Nguyễn Hữu Phú ( 2014) “Tổ chức KTTN trong các Tổng công ty xây dựng thuộc bộ Giao thông vận tải ".

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Ths. Đặng Thị Bắc * Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Từ khóa » Hệ Thống Kế Toán Trách Nhiệm Là Gì