[Văn Mẫu Học Sinh Giỏi] Phân Tích Bài Thơ Tây Tiến Của Quang Dũng

[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm

– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc,…nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca.

– “Tây Tiến” là một hồi tưởng rất đẹp những kỉ niệm đầy sống động về người chiến sĩ. Vẻ đẹp của Tây Tiến là vẻ đẹp lãng mạn hòa cùng chất bi tráng, nương tựa, nâng đỡ nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ.

2. Thân bài

LĐ1: Khái quát

Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội.

– Xuyên suốt bài thơ là mạch cảm xúc, tâm trạng của cái tôi trữ tình được viết ra trong những nỗi nhớ da diết về đồng chí, đồng đội, những kỉ niệm của đoàn quân gắn liền với thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng.

LĐ2: Nội dung phân tích

– Đoạn1: Những cuộc hành quân gian khổ và khung cảnh miền Tây hình vĩ, hoang sơ, dữ dội, thơ mộng

+ Nỗi nhớ về những cuộc hành quân gian khổ và khung cảnh miền Tây hình vĩ, hoang sơ, dữ dội, thơ mộng.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

+ Nỗi nhớ da diết, miên man, lơ lửng, bâng khuâng, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

=> Khẳng định chí khí và quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm cao.

– Đoạn 2: Những kỉ niệm đẹp về tình quân trong đêm liên hoan và cảnh sống nước miền Tây thơ mộng

+ Bức tranh hiện thực: “Anh bạn giãi dầu không bước nữa/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. “Không bước nữa” là kiệt sức không thể bước tiếp, “bỏ quên đời” là hi sinh.

+ Bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây với vẻ đẹp thơ mộng, mĩ lệ, trữ tình.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Trong khoảnh khắc đó, người lính Tây Tiến lãng quên cảnh chiến trường khốc liệt để tâm hồn tự do thăng hoa, chìm đắm, rạo rực, bốc men say, an hưởng cảnh thái bình

+ Cảnh chiều sương giăng mắc trên sống nước mênh mông mang dấu ấn của cuộc giã từ Châu Mộc.

– Đoạn 3: Chân dung người lính Tây Tiến

+ Vẻ đẹp hào hoa, bi tráng.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

+ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Hình ảnh “mắt trừng” vừa bộc lộ lòng căm thù và khát vọng giải phóng, vừa thể hiện sự oai phong, lẫm liệt của trang nam nhi thời loạn.

+ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hình ảnh “áo bào”, “sông Mã” hiện lên thật bi tráng. Trong âm hưởng vừa dữ dội vừa hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến tuy có bi nhưng không lụy. Ngược lại thấm đẫm chất anh hùng ca của thời đại anh hùng.

=> Đoạn thơ như dựng lên bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cõi sống và cả cõi hi sinh đều bi tráng, lãng mạn, hào hùng.

– Đoạn 4 (đoạn kết): Hình tượng Tây Tiến luôn hướng tới cái cao cả, phi thường.

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

+ Đây là ý chí, tư thế, là lời thề sắt đá của Tây Tiến và cũng là của tất cả các anh vệ quốc quân trong hồi đầu kháng Pháp.

+ Thái độ dứt khoát “một đi không về”, “không hẹn ước” quyết hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là lí tưởng cao đẹp của “chí làm trai” thời đại Cách mạng.

LĐ3: Đặc sắc nghệ thuật

3. Kết bài

Khái quát, tổng kết lại vấn đề.

phan tich bai tho tay tien - [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Phân tích bài thơ Tây Tiến

Bài văn tham khảo

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc,…nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca. Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, “Tây Tiến” là một hồi tưởng rất đẹp những kỉ niệm đầy sống động về người chiến sĩ. Cho nên, khác với các bài thơ cùng thời, vẻ đẹp của Tây Tiến là vẻ đẹp lãng mạn hòa cùng chất bi tráng, nương tựa, nâng đỡ nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ.

Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới phía Tây. Năm 1948, Tây Tiến giải thể để thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này.

Xem thêm: Tả hình ảnh mẹ lúc em bị ốm

Xuyên suốt bài thơ là mạch cảm xúc, tâm trạng của cái tôi trữ tình được viết ra trong những nỗi nhớ da diết về đồng chí, đồng đội, những kỉ niệm của đoàn quân gắn liền với thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng.

Bài thơ là dòng hồi ức nên những kỉ niệm được tái hiện một cách tự nhiên. Kỉ niệm này gọi thức kỉ niệm kia, ào ạt, dạt dào từng đợt sóng nhung nhớ, yêu thương.

Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ về những cuộc hành quân gian khổ và khung cảnh miền Tây hình vĩ, hoang sơ, dữ dội, thơ mộng.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh và tăng chiều sâu của cảm xúc. Con sông Mã là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong nỗi nhớ. Nhớ sông Mã vì con sống là bạn, là nhân chứng đã theo suốt bước chân quân hành, chứng kiến bao vui buồn, bao mất mát hi sinh của đoàn quân Tây Tiến. Bên cạnh nỗi nhớ sông Mã là nỗi nhớ Tây Tiến, nỗi nhớ đồng đội, nhớ tình đồng chí một thời chinh chiến. Đặc biệt ở đây ta chú ý đến cách dùng từ “chơi vơi” dường như đã khắc họa được cái hồn cho cả bài thơ. “Chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, lơ lửng, bâng khuâng, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Trước hết là miền Tây Bắc hiện lên bởi con đường hành quân gian nan, vất vả, thời tiết sương mù lạnh lẽo nhưng cũng thật trữ tình:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Trên đỉnh Sài Khao, sương dày đến độ “lấp” cả đoàn quân. Chữ “mỏi” làm hiện lên trước mắt ta hình ảnh một đoàn quân mệt mỏi rã rời. Tuy vậy, họ vẫn thấy con đường hành quân thật đẹp, thật thơ mộng, hùng vĩ và tráng lệ. Đi qua địa danh Mường Lát vào ban đêm làm bạn với loài hoa nở ngát hương, đi trong đêm sương tỏa khắp không gian huyền ảo, mơ màng. Cái hay của nhà thơ là không nói hoa nở mà nói “hoa về”, không nói đêm sương mà nói “đêm hơi”. Chính cách dùng từ ngữ này đã cho thấy sự lãng mạn, đào hoa của những người lính Tây Tiến.

Nếu bốn câu thơ đầu với những nét vẽ lướt, thoáng nhẹ, dạt dào bao cảm xúc nhớ nhung qua các vần ơi, chơi vơi, hơi,…thì sang đến bốn câu thơ sau nhịp thơ chuyển sang nét vẽ gân guốc, chắc khỏe, tạo âm hưởng trầm hùng

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Một loạt từ láy, những thanh trắc kết hợp với hai động từ ngược hướng “lên– xuống”, các từ chỉ số nhiều: ngàn thước – ngàn thước gợi ra hình khe thế núi cao vút, đổ gập, khúc khuỷu, quanh co, trùng điệp, hiểm trở,…tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên miền Tây thật hùng vĩ.

Câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” mang đến cho người đọc sự mới lạ, có chút gì rất hóm hỉnh đùa vui kiểu lính. Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên hình ảnh “súng ngửi trời” vừa tinh nghịch vừa giàu chất thơ, mang vẻ đẹp và cảm hứng lãng mạn. Nó khẳng định chí khí và quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm cao.

Anh bạn giãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Quang Dũng không hề né tránh hiện thực. Trong số những người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân gian khổ ấy đã có người ngã xuống vì kiệt sức, vì gian khổ nắng mưa, đói khát. “Không bước nữa” là kiệt sức không thể bước tiếp, “bỏ quên đời” là hi sinh. Cách nói giảm nói tránh về cái chết vừa xót xa mà cũng đầy ngạo nghễ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Vần thơ nói đến cái mất mát, hi sinh nhưng không chút bi lụy, thảm thương bởi nó đã được nâng đỡ bởi đôi cánh của lí tưởng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Cách nói “chiều chiều”, “đêm đêm” gợi thời gian khắc nghiệt với biết bao nguy hiểm rình rập. Âm thanh thác gào hoang dã “gầm thét” rồi “cọp kêu người” đã tô điểm vào bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vốn đã hùng vĩ, tráng lệ nay lại càng thêm bí ẩn hoang sơ. Đây chính là đặc trưng riêng của chốn rừng thiêng nước độc.

Sau chặng đường dài hành quân mệt mỏi, các chiến sĩ có dịp dừng chân lại ở một bản làng với tên gọi hết sức thân thương cùng cảm xúc bồi hồi thiết tha như khúc tâm tình, như tiếng hát của một bài ca hoài niệm:

Xem thêm: “Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người”, bằng các tác phẩm văn học hãy chứng minh ý kiến trên

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Cả đoạn thơ là một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến với sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn làm nổi bật hình ảnh chiến sĩ can trường và lạc quan.

Nối tiếp mạch cảm xúc, sang đoạn thơ hai Quang Dũng tiếp tục dựng lên bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây với vẻ đẹp thơ mộng, mĩ lệ, trữ tình.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Thi sĩ lãng mạn bị hút hồn trước những vẻ đẹp mang màu sắc bí ẩn của con người và cảnh vật xứ lạ. Cảnh ấy, người ấy được tái tạo trong một khoảnh khắc biến hóa của thời chiến làm nổi bật nét lung linh, huyền ảo, thơ mộng. Đó là cảnh đêm liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa Tây Tiến và đoàn thanh niên địa phương, cảnh chia tay Mộc Châu trong một chiều sương giăng mắc khắp không gian sông nước. Cảnh đêm liên hoan được miêu tả bằng những chi tiết rất thực và thơ mộng:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Kỉ niệm tươi mới, dư âm như vẫn còn đâu đây không khí của buổi giao lưu hiếm có. Cả doanh trại háo hức, rộn ràng chuẩn bị. Khi màn đêm buông xuống, không gian giao lưu tưng bừng, lung linh lửa đuốc vui như đêm hội. Âm thanh tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt, mơn man theo điệu nhảy, điệu múa của những cô gái xiêm áo lộng lẫy sắc màu. Trong khoảnh khắc đó, người lính Tây Tiến lãng quên cảnh chiến trường khốc liệt để tâm hồn tự do thăng hoa, chìm đắm, rạo rực, bốc men say, an hưởng cảnh thái bình.

Cảnh chiều sương giăng mắc trên sống nước mênh mông mang dấu ấn của cuộc giã từ Châu Mộc. Cuộc vui nào cũng có hồi kết, Tây Tiến lại tạm biệt những bản sương giăng, những đèo mây phủ để lên đường

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Không gian sông nước mênh mang đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nổi bật trên dòng nước lũ cuồn cuộn trôi ấy là dáng người uyển chuyển mềm mại điều khiển con thuyền độc mộc. Đôi bờ bông lau, hoa cỏ đong đưa như làm duyên, như vẫy chào tiễn biệt người đi.

Chỉ vài nét chấm phá mà tinh tế, tài hoa, Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Cảnh thiên nhiên hoang sơ bỗng chốc như có hồn. Cảm xúc của cái tôi thi sĩ lãng mạn thấm tràn vào cảnh vật tạo nên những cảm xúc rất riêng của người lính Tây Tiến.

Đọc đoạn thơ, ta thấy như “lạc vào thế giới của cái đẹp, thế giới của cõi mơ, của âm nhạc. Bốn câu thơ ngân nga như tiếng hát, tiếng nhạc điệu cất lên tự tâm hồn ngây ngất, say mê của những người lính Tây Tiến”. Bốn câu thơ sau “chất thơ chất nhạc hòa quyện với nhau tới mức khó tách biệt” (Trần Đình Sử). Đoạn thơ thấm đẫm kí ức về cảnh, về người miền miền Tây và cảm xúc nhớ nhung của cái tôi thi sĩ.

Chân dung người lính Tây Tiến ẩn hiện xuyên suốt bài thơ. Nhưng đến đoạn thơ này, nó là đối tượng chính được mô tả trực tiếp trên bức tranh thơ. Vẻn vẹn chỉ có tám câu mà hiện lên từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách thái độ trước sự sống và cái chết của người lính Tây Tiến. Ở thái cực nào thì chân dung người lính vẫn toát lên vẻ đẹp hào hoa, bi tráng.

Quang Dũng đã tinh lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để tạo nên bức tượng đài tập thể, khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân. Cái bi và cái hùng là hai chất liệu chủ yếu tạo nên vẻ đẹp bi tráng của bức tượng đài.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Hình ảnh “đoàn binh không mọc tóc”, “quân xanh màu áo giữ oai hùng” hiện lên thật dữ dằn. Hai chữ “Tây Tiến” được đảo lên đầu nhấn mạnh niềm tự hào, kiêu hãnh của cả đoàn binh. Cụm từ “không mọc tóc” khắc họa hình ảnh kì dị của người lính vì những khó khăn gian khổ trong chiến đấu, bị căn bệnh sốt rét làm rụng tóc. Quang Dũng không hề che dấu cũng như né tránh sự thực nghiệt ngã này. Có điều khác với các nhà thơ, Quang Dũng miêu tả căn bệnh quái ác dưới cái nhìn đậm màu sắc lãng mạn: sốt rét làm rụng tóc, thiếu máu làm da xanh. Sự thật nghiệt ngã biến người lính Tây Tiến thành những anh “vệ trọc” hình hài kì dị, khác thường. Nhưng những “quân xanh” ấy lại được khắc họa đầy dũng khí: “dữ oai hùm”. Hình ảnh khỏe khoắn kết hợp với âm điệu trầm hùng làm toát lên vẻ đẹp của một chúa sơn lâm dũng mãnh.

Xem thêm: Phân Tích Khổ Thơ Thứ 3 Trong Bài Đây Thôn Vĩ Dạ Của Hàn Mạc Tử

Vẻ đẹp bi tráng ấy được tác giả tiếp tục khắc họa qua hai câu thơ:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Đây là hai câu thơ được đánh giá là đẹp nhất, hay nhất, vẽ thành công chân dung người lính Tây Tiến đầy hào hùng, hào hoa, lãng mạn. Hình ảnh “mắt trừng” vừa bộc lộ lòng căm thù và khát vọng giải phóng, vừa thể hiện sự oai phong, lẫm liệt của trang nam nhi thời loạn. Ý chí mạnh mẽ nhưng tâm hồn cũng thật mộng mơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Quang Dũng đã diễn tả rất tinh tế, biện chứng tâm hồn người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng và người lính trong cuộc chiến tranh li tán nói chung. Bởi trong các anh, ai cũng có một trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương, một trái tim biết căm thù quân xâm lược. Thật hào hùng và lãng mạn.

Trong bài thơ, hơn một lần Quang Dũng nói về cái chết, sự hi sinh của người lính nhưng mỗi khi cảm hứng ấy xuất hiện thì ngay lập tức lại được nâng đỡ bằng đôi cánh lí tưởng đầy chất bay bổng. Hình ảnh những nấm mồ rải rác nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo, cô quạnh gợi cho người lính nỗi bi thương, sợ hãi. Nhưng bằng việc sử dụng những từ Hán việt: biên cương, viễn xứ, áo bào lại mang màu sắc cổ kính, trang trọng có tác dụng làm giảm đi nỗi bi thương:

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hình ảnh “áo bào”, “sông Mã” hiện lên thật bi tráng. Trong âm hưởng vừa dữ dội vừa hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến tuy có bi nhưng không lụy. Ngược lại thấm đẫm chất anh hùng ca của thời đại anh hùng.

Đoạn thơ như dựng lên bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cõi sống và cả cõi hi sinh đều bi tráng, lãng mạn, hào hùng. Giọng điệu thơ trang trọng thể hiện tình cảm đâu thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.

Khép lại bài thơ là hình tượng người lính Tây Tiến luôn hướng tới cái cao cả, phi thường.

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Dường như đây là ý chí, tư thế, là lời thề sắt đá của Tây Tiến và cũng là của tất cả các anh vệ quốc quân trong hồi đầu kháng Pháp. Thái độ dứt khoát “một đi không về”, “không hẹn ước” quyết hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là lí tưởng cao đẹp của “chí làm trai” thời đại Cách mạng. Giọng thơ thoáng buồn pha chút bâng khuâng nhưng vẫn toát lên vẻ hào hùng đầy khí phách của người lính Tây Tiến.

Có thể nói Tây Tiến là bài thơ thể hiện đa phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Cảm hứng lãng mạn kết hợp với cảm hứng bi tráng, bút pháp hiện thực quyện hòa bút pháp lãng mạn trữ tình. Ngôn ngữ trong thơ giàu chất họa, chất nhạc. Hình ảnh thơ vừa sắc nét lại vừa huyền ảo, thơ mộng. Giọng thơ khi da diết khi trầm hùng, khi man mác buồn nhưng chủ đạo vẫn là giọng bi tráng…Tất cả làm nên một Quang Dũng tài hoa, một Tây Tiến – kiệt tác sống mãi với thời gian.

Nhà phê bình Phong Lan nhận định “Tây Tiến một tượng đài bất tử về người lính vô danh”. Bất tử chính bởi vẻ đẹp lãng mạn hòa cùng chất hào hùng, bi tráng này. Và do vậy, người lính Tây Tiến qua bài thơ cùng tên của Quang Dũng sẽ sống mãi trong cõi vĩnh hằng và trong thế giới nhân sinh.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Có thể bạn quan tâm

  • Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
  • [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
  • Tuyển tập những đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ đặc sắc
  • Giáo án theo chủ đề :Truyện hiện đại Việt Nam lớp 11
  • Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi
  • [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
  • [Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
  • Nghị luận bàn về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay

Từ khóa » Cảm Nhận đoạn 2 Tây Tiến Học Sinh Giỏi