Vi Bằng Là Gì? So Sánh Vi Bằng Với Văn Bản Công Chứng?

Vi bằng là gì? So sánh vi bằng với văn bản công chứng?

  1. Căn cứ pháp lý

      Nghị định 08/2020/NĐ-CP

  1. Vi bằng là gì? Giá trị pháp lý của Vi bằng?

Vi bằng là bằng chứng về hành vi, sự việc, sự kiện do thừa phát lại (có thể gọi là chấp hành viên) thuộc Văn phòng thừa phát lại lập theo yêu cầu của khách hàng: Để ghi nhận, mô tả về việc đã tồn tại một hành vi, sự kiện nào đó.

Giá trị pháp lý của Vi bằng là được dùng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài hoặc các giao dịch khác mà pháp luật quy định. Nội dung đã được ghi nhận trong Vi bằng – Đương nhiên được xem là đã tồn tại, đã xảy ra mà không cần chứng minh. Trừ khi có một bằng chứng đủ mạnh, để chứng mình rằng Vi bằng đã bị giả tạo.

Ví dụ: Anh A có xích mích với anh B, nên A đã nhiều lần đăng bài nhục mạ, chửi bới, xúc phạm danh dự của B; nay B muốn kiện A vì có hành vi xúc phạm mình; Muốn khởi kiện được A thì B cần phải có bằng chứng, chứng cứ chứng minh việc ông A có hành vi đó. Chính vì vậy, để có chứng cứ pháp lý B cần yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập một văn bản, trong đó ghi nhận lại hết sự việc mà A đã đăng tải bài viết xúc phạm B. Văn bản được Văn phòng thừa phát lại lập này chính là Vi bằng.

  1. Bản chất của Vi bằng so với Văn bản công chứng
  • Bản chất pháp lý của Vi bằng

Vi bằng là văn bản do chấp hành viên thuộc Văn phòng Thừa phát lại lập theo yêu cầu của khách hàng, để ghi nhận, mô tả về một hành vi, sự việc đã, đang xảy ra. Nhiệm vụ của chấp hành viên là ghi nhận, mô tả đầy đủ, chính xác về một hành vi, sự việc được yêu cầu lập Vi bằng. Còn nội dung (Hành vi, sự việc) đó có đúng pháp luật hay không, Chấp hành viên không cần quan tâm.

Ví dụ: Ông H muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông N, yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập Vi bằng cho việc chuyển nhượng này. Thì nhiệm vụ của Chấp hành viên trong trường hợp này đơn giản chỉ là lập Vi bằng, ghi nhận thời gian, địa điểm, sự việc ông H chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông N và việc Ông N đã giao tiền cho ông H; còn Chấp hành viên không cần quan tâm đến giao dịch của các bên có phù hợp và đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật hay không. Đây chính là điểm khác biệt so với Văn bản công chứng

  • Bản chất pháp lý của Văn bản công chứng

Văn bản công chứng là văn bản do Công chứng viên thuộc Văn phòng/Phòng công chứng lập theo yêu cầu của khách hàng nhằm chứng nhận cho giao dịch dân sự của các bên là hợp pháp.

Như vậy, Văn bản công chứng ghi nhận 2 vấn đề:

  1. Có tồn tại giao dịch dân sự
  2. Giao dịch mà các bên đã thiết lập là đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật.

Ví dụ: Ông H muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông N, ông H yêu cầu Công chứng viên lập Văn bản chứng nhận cho việc chuyển nhượng này. Thì nhiệm vụ của công chứng viên lúc này sẽ là:

  1. Kiểm tra năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia giao dịch
  2. Kiểm tra về pháp lý của Nhà đát
  3. Kiểm tra về quyền của Chủ sở hữu

Kết luận, Công chứng viên khi muốn chứng nhận một hợp đồng giao dịch là phải kiểm tra hết mọi thứ xem giao dịch đó có đúng với quy định của pháp luật không thì mới tiến hành lập Văn bản công chứng. Còn Chấp hành viên thuộc Văn phòng thừa phát lại, khi lập Vi bằng, chỉ ghi nhận, mô tả có sự tồn tại sự kiện, hành vi đó mà thôi, không cần quan tâm tới những vấn đề khác.

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới

Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.

Xin chân thành cảm ơn!

Trân trọng.

Từ khóa » Ví Dụ Về Vi Bằng Và Văn Bản Công Chứng