Vị Bộ Trưởng đặt Những Viên Gạch đầu Tiên Cho Nền Hành Chính Vì Dân

VietNamNet trân trọng giới thiệu những nội dung chính của bài viết này:

Ngược dòng lịch sử cách đây 76 năm, ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cơ cấu gồm 13 Bộ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong những ngày tháng đầu tiên khi nước ta mới giành được độc lập.

{keywords}
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung cùng đoàn Đại biểu Bộ Nội vụ chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước vào năm 2005

Ngay khi nhận trọng trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã bắt tay ngay vào thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia như tham gia xây dựng các thể chế cho nền hành chính dân chủ và pháp quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu cao cả là vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân.

Không phụ sự ủy thác, tin cậy và giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi” trong những ngày đầu tiên của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, lại ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền hành chính vì dân

Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong khoảng thời gian hơn 6 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946) nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tham gia xây dựng thể chế hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính ông ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành/lĩnh vực.

Với khối lượng công việc đồ sộ trong khoảng thời gian ngắn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm khi đó, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt, tín nhiệm và giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp chính là người đã tham gia đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng nền hành chính vì hạnh phúc của người dân Việt Nam!

Thứ nhất, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I

Không đầy một tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập, Chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử trên cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, trong lịch sử của các dân tộc vừa đấu tranh giành độc lập, chưa bao giờ một sắc lệnh về Tổng tuyển cử được ban hành sớm như thế. Trước hết, đây là lòng tin của Đảng vào tinh thần yêu nước, vào trình độ giác ngộ của nhân dân.

Tổng tuyển cử sẽ là một cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc để một Quốc hội do nhân dân chính thức cử ra, một Chính phủ chính thức thành lập theo đúng nguyên tắc dân chủ sẽ có đủ uy tín, danh nghĩa và sức mạnh động viên tinh thần, lực lượng của nhân dân để kháng chiến kiến quốc, để giao dịch với nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, kiện toàn hệ thống chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương.

{keywords}
Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Tổng tuyển cử, được sự tin cậy, giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 14, ngày 8/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sắc lệnh số 14 đặt nền móng cho việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này là minh chứng sinh động, hùng hồn cho niềm hạnh phúc lớn lao, vô bờ bến của nhân dân Việt Nam - những người từ thân phận lầm than, mất nước - nay đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, thực sự trở thành chủ nhân của đất nước, không phân biệt là trai hay gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử vào Quốc dân đại hội.

Tại Kỳ họp thứ nhất (ngày 2/6/1946) Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, công nhận Kháng chiến ủy viên hội do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, công nhận Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 thành viên.

Việc công nhận Chính phủ chính thức và các thành viên của Chính phủ, Quốc hội khóa I đã mở đường cho việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, vì dân - nền tảng để chăm lo cho cuộc sống ấm no về vật chất, đầy đủ về tinh thần, vì hạnh phúc của người dân Việt Nam. Trong tiến trình đó, một phần công lao to lớn thuộc về Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp.

Cùng với tổ chức Tổng tuyển cử, một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ mà Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp phải làm bằng được là kêu gọi những người hiền tài ra giúp nước theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với sự nỗ lực của ông, sau cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ chính thức với đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức tiêu biểu đã tham gia.

Việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I là thắng lợi của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có công lao của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Nhìn trên phương diện này, ông là người có công lớn trong việc tham gia xây dựng nền hành chính vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, phụ trách việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp, đưa tới sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946

Tiếp tục tinh thần thượng tôn “thần linh pháp quyền” cũng như thực hiện Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban Soạn thảo đã hoàn thành dự thảo và trình Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp năm 1946 - luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Điều thứ 1 của Hiến pháp năm 1946 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Hiến pháp là một thực thể gắn kết chặt chẽ với chế định dân chủ, bởi vì một xã hội không có Hiến pháp thì ngư­ời dân không thể đ­ược hưởng quyền tự do, dân chủ hay mưu cầu hạnh phúc. Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp luật đầu tiên góp phần quan trọng trong việc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền còn non trẻ, là cơ sở để xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền với nền hành chính vận hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Nền hành chính dựa trên nền tảng dân chủ đó là nền hành chính vì hạnh phúc của người dân. Với công lao to lớn trong việc làm ra bản Hiến pháp năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho nền hành chính vì hạnh phúc của người dân.

Thứ ba, ký ban hành Sắc lệnh số 07 ngày 5/9/1945

Là người luôn thấu hiểu và rất linh hoạt trong việc hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã tập trung vào vấn đề cấp bách lúc bấy giờ là chống “giặc đói”, cũng có nghĩa là chăm lo cho đời sống vật chất của người dân - một khía cạnh phản ánh cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã ký ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 07 ngày 05/9/1945.

Sắc lệnh số 07 ngày 5/9/1945 đã góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán thóc gạo, chống lại nạn đầu cơ, tích trữ lương thực trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành dữ dội khi đó. Nhờ sắc lệnh số 07 mà việc buôn bán, chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, Chính phủ cần thóc gạo sẽ mua thẳng của tư gia.

Còn đối với những người có hành vi đầu cơ, tích trữ gạo mà làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thì sẽ bị nghiêm phạt theo luật và bị tịch thu gia sản.

Việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp kịp thời ký ban hành Sắc lệnh số 07 chính là việc làm thiết thực, kịp thời của Chính phủ, phản ánh sinh động một thực tế rằng, nền hành chính dân chủ non trẻ buổi đầu ấy đã luôn biết đặt lợi ích, nhu cầu của người dân Việt Nam lên trên hết, biết vì hạnh phúc của người dân bắt đầu từ những điều dung dị nhất là cơm ăn, áo mặc.

Thứ tư, ký ban hành Sắc lệnh số 17, số 19 và số 20 ngày 8/9/1945

Ngày trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ  ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, trong đó, việc chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Để chăm lo cho hạnh phúc lâu dài của nhân dân thì nhất thiết phải lo xóa nạn mù chữ.

Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 17 ngày 08/9/1945. Sắc lệnh số 17 thực sự là “cú hích” mạnh mẽ làm bùng lên phong trào “Bình dân học vụ” diễn ra rộng khắp từ thành thị đến nông thôn; những lớp học chữ mọc lên khắp mọi nơi, người biết chữ làm giáo viên không lương, người dân đi học để thoát cảnh không thể viết tên mình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cũng đã ký ban hành Sắc lệnh số 19 ngày 8/9/1945 với nội dung gồm 3 khoản, trong đó, khoản II quy định: “Trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng đã phải là một lớp học dạy được ít nhất là ba mươi người”. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp còn ký ban hành Sắc lệnh số 20 về việc thiết lập những lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền; trong đó quy định “bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải mất tiền cho tất cả mọi người”.

Kết quả của phong trào Bình dân học vụ vượt trên cả sự mong đợi. Theo sách Việt Nam chống nạn thất học của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1980, chỉ trong một năm (8/1945 - 8/1946), phong trào Bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Sau 5 năm (đến 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ.

Có thể khẳng định rằng, Sắc lệnh số 17, Sắc lệnh số 19 và Sắc lệnh số 20 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời ngày 8/9/1945 là những văn bản pháp lý hành chính rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy cuộc chiến chống “giặc dốt” thời bấy giờ, đồng thời, đặt nền móng cho việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí rất quan trọng của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, vì hạnh phúc của người dân.

Bằng tài năng xuất chúng, bằng mưu lược tinh thông và trên hết là cái tâm sáng chỉ biết vì nước, vì dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền pháp chế hành chính vì dân, chủ động tham mưu cho Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành một loạt các sắc lệnh, văn bản hành chính...

Từ đó góp phần từng bước đưa công tác tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính đi vào ổn định, nền nếp, có căn cứ pháp lý và dựa trên quy trình hành chính chặt chẽ; dần khẳng định được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính vì hạnh phúc của người dân.

Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch... Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”. 

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Một trong những điểm mới lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là vấn đề “quản trị quốc gia”. Đảng ta chủ trương: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Bên cạnh đó, cùng với quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…; để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”; đồng thời “Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”.

Có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước rất tin tưởng, giao phó cho ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng trọng trách nặng nề - song cũng là sứ mạng thiêng liêng, cao cả là  xây dựng, vận hành nhịp nhàng, thông suốt nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, hướng đến mục tiêu tối thượng vì hạnh phúc của nhân dân.

Trên hành trình đó, việc tiếp thu, kế thừa, tiếp tục phát huy những di sản về một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà Cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có công xây dựng, bồi đắp chắc chắn sẽ mang lại những giá trị cao đẹp và nhân văn sâu sắc, những bài học hữu ích cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội vụ hiện nay.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021) là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Đại tướng với Đất nước, với Dân tộc, với Quân đội nhân dân Việt Nam và với cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên.

Với tâm nguyện “ôn cố tri tân”, những di sản tinh thần vô giá mà cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp để lại cho các thế hệ cán bộ, công chức hôm nay và muôn đời sau sẽ luôn lan tỏa mạnh mẽ, trở thành động lực thôi thúc mỗi chúng ta nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó!

Toàn văn bài viết của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phạm Thị Thanh Trà

(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Nguyên Bộ trưởng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được 'trả lại tên cho em'

Nguyên Bộ trưởng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được 'trả lại tên cho em'

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung kể lại những lần tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lãnh đạo, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được "trả lại tên cho em", lập lại Bộ Nội vụ.

                                                   

Từ khóa » đặt Những Viên Gạch đầu Tiên Là Gì