Vi Phạm Hành Chính Nhiều Lần Là Gì? Cho Ví Dụ Cụ Thể.

Chia sẻ
  • Facebook

 Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.

Vi phạm nhiều lần phạt nhiều lần

Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“d)  Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

(Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính cần biết để tránh)

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng

thế nào là vi phạm hành chính nhiều lần
thế nào là vi phạm hành chính nhiều lần

Vi phạm hành chính nhiều lần – Phạt một lần

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì hành vi vi phạm nhiều lần là tình tiết tăng nặng. Do quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính không thống nhất, Điều 3 thì quy định vi phạm nhiều lần xử phạt từng lần, nhưng Điều 10 lại quy định vi phạm nhiều lần là tình tiết tăng nặng, nên trong quá trình áp dụng người có thẩm quyền xử phạt từng lần đối với từng hành vi cũng đảm bảo theo Luật hoặc xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng để có lợi hơn cho cá nhân/tổ chức vi phạm.

(Tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần bị xử lý như thế nào?)

         Ví dụ: Tháng 1/2019, Nguyễn Văn A có hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng tại vị trí A chưa bị lập biên bản vi phạm hành chính, đến tháng 2/2019, Nguyễn Văn A tiếp tục xây dựng công trình  nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng tại vị trí B (gần vị trí A), đến tháng 3/2019, Nguyễn Văn A tiếp tục xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng tại vị trí C. Lúc này, người có thẩm quyền mới phát hiện hành vi xây dựng không phép của A và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với cả 3 lần xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là 2 năm nên còn thời hiệu xử phạt, 3 hành vi đều chưa bị lập biên bản và xử phạt hành chính nên thuộc trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm
xử phạt xây dựng không phép

Trường hợp này nếu áp dụng điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể xử phạt đối với cả 3 hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nay là Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng). Mức phạt cho cả 3 lần vi phạm có thể lên tới 75 triệu đồng.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ xử phạt 1 lần với 1 hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng và áp dụng tình tiết tăng nặng thì mức phạt tối đa mà Nguyễn Văn A phải chịu là 30.000.000đ.

Trangtinphapluat.com cho rằng trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần người có thẩm quyền xử phạt chỉ nên xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng để tăng mức phạt đối với cá nhân/ tổ chức vi phạm là phù hợp hơn phạt từng hành vi và đảm bảo nguyên tắc có lợi hơn cho cá nhân/tổ chức vi phạm hành chính.

Để đảm bảo pháp luật được áp dụng được thống nhất, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 (Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm) và Điểm b, Khoản 1, Điều 10 (Tình tiết tăng nặng: Vi phạm hành chính nhiều lần) Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Rubi

Từ khóa » Ví Dụ Phạt Hành Chính