Vì Sao Đông Quyết định Gỡ Bỏ Flappy Bird? - VietNamNet

- Khoảng 2h sáng ngày 10/2, trò Flappy Bird của nhà phát triển game người Việt có tên Nguyễn Hà Đông đã chính thức bị gỡ bỏ khỏi 2 hệ thống cung cấp ứng dụng cho iOS và Android.

Báo Tây xin lỗi vì đã chỉ trích Flappy Bird Siêu kỷ lục chơi Flappy Bird khiến người xem choáng váng Điện thoại cài sẵn Flappy Bird "hét giá" nghìn đô Hãng Nintendo lên tiếng về game gây sốt Flappy Bird Báo Tây lý giải vì sao Flappy Bird cho Nintendo 'hít khói' Ai được lợi nhất từ Flappy Bird? 'Gỡ bỏ Flappy Bird là quyết định thông minh của Hà Đông'
{keywords}
Lúc 2h sáng ngày 10/2, Flappy Bird đã bị gỡ bỏ ra khỏi bảng xếp hạng của App Store và Google Play.

Trò game nhái theo Flappy Bird là Ironpans thậm chí còn leo lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí của App Store toàn cầu.

Tác giả Nguyễn Hà Đông đã đưa ra lời giải thích khi thông báo sẽ gỡ bỏ Flappy Bird sau 22 giờ vì “không thể chịu được nữa”, “Không có lý do nào liên quan tới các vấn đề pháp lý”, “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của bản thân. Nhưng nó cũng phá hủy cuộc sống giản đơn của tôi. Vậy nên giờ tôi ghét nó.” Dù tác giả đã viết như vậy trên Twitter từ mấy ngày trước. rất nhiều người vẫn tò mò và hoài nghi về những lý do khác khiến tác giả Flappy Bird quyết định gỡ bỏ game. Vậy đâu có thể là lý do chính dẫn đến quyết định này?

Vấn đề vi phạm bản quyền?

Sau khi thông tin Flappy Bird có thể đem về cho tác giả cả tỷ đồng mỗi ngày, một số tờ báo (chủ yếu ở Việt Nam chứ không phải quốc tế) đưa tin rằng có “tin đồn” hãng Nintendo của Nhật Bản có thể kiện tác giả Flappy Bird vì vi phạm bản quyền hình ảnh ống nước ở trò game Mario nổi tiếng, và số tiền bồi thường có thể lên tới hàng tỷ đô la.

Rất nhiều chuyên gia công nghệ cả trong nước và quốc tế đã phản bác rằng tin đồn này hoàn toàn thiếu cơ sở. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies cho rằng điều này khó xảy ra vì “game Flappy Bird là một trò chơi có kịch bản và cách chơi hoàn toàn khác với Mario, không gây nhầm lẫn và không gây ảnh hưởng gì tới trò Mario cũng như Nintendo”. “Giả sử Nintendo muốn kiện, họ còn phải chứng minh được thiệt hại trực tiếp gây ra bởi cái ống khói trong Flappy Bird đối với game Mario của họ. Trong trường hợp này, giả sử có chứng minh được và thuyết phục được tòa, thì thiệt hại cũng là rất nhỏ. Hai trò chơi khác nhau hoàn toàn và được sử dụng ở hai môi trường không hề có sự cạnh tranh lẫn nhau.”

Một số nhà phát triển quốc tế bình luận trên diễn đàn reddit.com về sự kiện Flappy Bird bị gỡ bỏ cũng đồng tình rằng “chẳng có gì trong Flappy Bird là sao chép từ game của Nintendo. Chúng có sự tương đồng về kiểu cách (style – giao diện, cách chơi), nhưng kiểu cách là thứ bạn chẳng bao giờ sao chép được. Tôi nghĩ chẳng có gì liên quan tới Nintendo”. “Có thể Mario đã tạo nên nguồn cảm hứng cho tác giả Flappy Bird, nhưng điều đó chẳng làm tổn hại gì tới Nintendo cả”.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam viết trên trang Facebook của mình: "Nếu Mr. Honda không 'xẻ thịt' cái xe máy Babetta mua ở Tiệp và cho vào vali mang về Nhật nghiên cứu, làm sao nước Nhật biết làm xe máy? Nếu Samsung không 'xẻ thịt' các sản phẩm của Apple, làm sao họ biết làm Galaxy? Nếu Trung Quốc không ăn cắp công nghệ, làm sao có nền công nghiệp Trung Quốc bây giờ đưa được người lên mặt trăng và làm ra được vô vàn sản phẩm công nghiệp khác?,". "Mình thấy nhiều người quá vô duyên và thiếu tính xây dựng trong chuyện này. Có hay không có vi phạm bản quyền là việc của những người đòi bản quyền và toà án, không phải việc của dân ta, những người đồng hương của bạn Đông."

Nhiều chuyên gia công nghệ còn cho rằng kể cả trong trường Nintendo có ý định kiện Flappy Bird vi phạm bản quyền, thì bây giờ vẫn chưa phải thời điểm phù hợp, mà cần phải chờ cho đến khi Flappy Bird thành công và phát triển thành một “con đại bàng” trong làng game thế giới, với tài sản công ty lên tới hàng tỷ đô la.

Tờ Washington Post còn thẳng thắn nhận định chàng trai Flappy Bird đã “xuất sắc vượt qua 5195 chuyên gia lập trình game đẳng cấp thế giới và được ‘trang bị tận răng’ của Nintendo”. "Có vẻ như Nintendo đã không thể tiêu hóa được học thuyết "trăm nói không bằng một làm", "vạn suy nghĩ không bằng một lần triển khai".

Sự soi mói của truyền thông, cơ quan thuế?

Nguyễn Hà Đông cũng đã chia sẻ trên Twitter trước khi gỡ bỏ Flappy Bird rằng “báo chí đã đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đây là điều tôi chưa bao giờ mong muốn. Xin cho tôi chút bình yên”.

Thông tin chú chim Flappy của Đông có thể kiếm 50 ngàn USD/ngày quả thực đã khiến nhiều tờ báo trong nước đứng ngồi không yên, điều phóng viên tìm tới tận nhà của Đông và túc trực liên tục để lấy thông tin, hỏi người thân trong gia đình, bạn bè để tìm kiếm các thông tin đời tư. Khi cuộc sống đơn giản đời thường của Đông bị đảo lộn và liên tục chịu sức ép săn đuổi của truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế, quyết định “im lặng” bằng cách gỡ bỏ game sẽ là một giải pháp hiệu quả tức thì, giúp Đông lấy lại thăng bằng để ổn định lại cuộc sống của mình thì mới có thể tiếp tục công việc lập trình game như trước.

Việc lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phải “bắt tay ngay vào rà soát để tránh thất thu thuế, đảm bảo sự công bằng với những người đang nộp thuế khác” cũng nhận được khá nhiều ý kiến chế giễu trên các diễn đàn và mạng xã hội bởi sự vội vàng và “đếm cua trong lỗ”.

Doanh thu quảng cáo của Google và Facebook ở Việt Nam hiện cũng rất lớn, cũng như rất nhiều người chơi game Angry Birds và Candy Crush tại Việt Nam đã trả tiền để chơi game trên điện thoại và máy tính bảng. Lẽ ra đó mới là những đối tượng cần cơ quan thuế của Việt Nam “bắt tay ngay vào rà soát”, chứ không phải một trò chơi nhỏ vừa nhen nhóm lên hy vọng phát triển ra toàn cầu cho các nhà phát triển game di động ở Việt Nam nói riêng và cho ngành công nghệ thông tin nước nhà nói chung.

Phản ứng tiêu cực từ người nghiện Flappy Bird?

Trong những dòng tweet trước khi gỡ bỏ trò game, Đông cho biết anh không muốn người chơi download Flappy Bird về máy điện thoại thêm nữa. Điều này có thể xuất phát từ việc người chơi phản ứng thái quá và giận dữ vì trò game quá khó chơi, đồng thời lại nghiện tới mê mẩn và chơi ở mọi lúc mọi nơi.

Nhiều tờ báo của Mỹ đã gọi Flappy Bird là “trò game khiến bạn muốn đập điện thoại nhất”, dẫn chứng những trường hợp có người bỏ cả công việc, chồng con, gia đình, thuê phòng ở khách sạn để chơi Flappy Bird. Trên YouTube cũng có vô số clip về những người chơi cáu giận, bực tức cay cú vì không điều khiển được chú chim Flappy như ý, thậm chí là cả clip lấy búa đập vỡ điện thoại sau khi chơi trò game này.

Play

Trên Twitter của mình, Đông cũng chia sẻ rằng phản ứng nghiện Flappy Bird và cay cú thái quá của người chơi là điều mà anh không mong muốn. Có lẽ chính vì thế, Đông không muốn người dùng điện thoại tải thêm trò game.

Một quyết định dũng cảm

Dù là với lý do gì, hiện tại Nguyễn Hà Đông cũng đang cảm thấy quyết định của mình là đúng và hài lòng với điều đó. Có người cho rằng Đông sợ bị truy thu thuế, nhưng với 10 đồng kiếm thêm được, anh ta chỉ phải đóng thuế thu nhập 1 đồng thì đó cũng không phải là lý do có thể khiến chàng trai 29 tuổi có kinh nghiệm phát triển game hơn 6 năm này phải "lo sợ".

Một điều khác ít người biết là Nguyễn Hà Đông đã từng làm việc cho một hãng sản xuất game nổi tiếng của Mỹ ngay từ khi đang học đại học, nên kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển game không phải là ít. Flappy Bird không đơn thuần chỉ là sự may mắn, mà theo chia sẻ của tác giả thì còn là cả sự học hỏi rất nhiều từ các trò game nhỏ và đơn giản của Nhật Bản, vốn có thể chơi ở mọi lúc mọi nơi nhưng lại không hề nhàm chán.

Đó cũng có thể là lý do khiến Đông đưa ra được quyết định gỡ bỏ Flappy Bird vào thời điểm trò chơi đang nằm ở vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng toàn cầu ở cả 2 nền tảng iOS và Android. Đó là một quyết định không hề dễ dàng khi một người trẻ tuổi đang ở đỉnh cao của thành công .

Tuy nhiên, với sự săn lùng thái quá của giới truyền thông trong và ngoài nước, phản ứng tiêu cực từ những người nghiện game thái quá, hành động gỡ bỏ Flappy Bird của Đông khỏi Google Play và App Store là thực sự cần thiết và rất sáng suốt. Đông có thể bình tâm trở lại với cuộc sống của mình để tiếp tục phát triển game, giới truyền thông cũng sẽ bớt sôi sục chạy đua trong việc đào bới các thông tin đời tư của anh.

Những người nghiện Flappy Bird tới mức thái quá, có lẽ là lý do lớn nhất, sẽ như được dội một gáo nước lạnh để tỉnh lại, rằng đó chỉ là một trò game giải trí mini trên điện thoại, không đáng để họ phải tức giận, phá hủy những gì đang có trong cuộc sống, hay chỉ đơn giản như việc quăng chiếc điện thoại vào tường vì trò game này cũng là không đáng.

  • Huy Phong

Từ khóa » Gỡ Ghẻ Trò Chơi