Vì Sao Màng Nhĩ Dễ Bị Thủng? - Tuổi Trẻ Online

Vì sao màng nhĩ dễ bị thủng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: doktordanhaberler.com

Thính giác là một trong những giác quan đóng vai trò hết sức quan trọng trong mối liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh.

Màng nhĩ là một "mắt xích" không thể thiếu trong hệ thống dẫn truyền âm thanh nhưng lại mang một vóc dáng rất "liễu yếu đào tơ" nên rất dễ bị tổn thương.

Màng nhĩ chắn ngang tạo sự ngăn cách hoàn toàn giữa ống tai ngoài và tai giữa, cho nên nếu một ai đó mà… "xì khói" được ra tai thì chứng tỏ người đó đã bị thủng màng nhĩ…từ lâu. Màng này mỏng, bán trong suốt có hình elip và hơi lõm vào trong.

Kích thước màng nhĩ với chiều cao khoảng 9mm, rộng khoảng 8mm và dày khoảng 0,1mm. Phần trước - dưới của màng nhĩ hơi nghiêng vào trong tạo với đáy của ống tai ngoài một góc khoảng 45-500.

Màng nhĩ có cấu tạo 3 lớp, lớp thượng bì ở ngoài, lớp tổ chức sợi ở giữa và lớp niêm mạc ở trong. Thêm vào đó, nó được tăng cường bởi các vòng sợi phụ tạo gờ riềm quanh màng nhĩ.

Chức năng của màng nhĩ là tiếp nhận sóng âm thanh từ bên ngoài vào để tạo nên rung động rồi dẫn truyền nó thông qua chuỗi xương con đến với tế bào cảm nhận ở tai trong. Từ đây rung động cơ học sẽ được biến thành xung điện truyền lên não bộ. Để làm tốt chức năng truyền âm đó, màng nhĩ phải luôn nguyên vẹn, giữ được độ mỏng và độ đàn hồi cần thiết.

Do màng nhĩ rất mỏng nên khi ngoáy tai, ráy tai hoặc lấy dị vật trong tai nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ làm thủng màng nhĩ. Khi phẫu thuật xương bàn đạp trong tai, hoặc trong chấn thương có nứt xương sọ thái dương cũng có thể làm rách màng nhĩ.

Thậm chí trong trường hợp áp lực không khí thay đổi đột ngột khi máy bay chuyển đổi độ cao cũng có thể làm tổn thương màng nhĩ của những hành khách nếu những hành khách đó đang bị viêm tắc vòi tai.

Trong chấn thương có va đập mạnh trực diện vào vùng cửa tai (như trường hợp bị trái banh đập vào khi chơi bóng đá, bóng chuyền, tenis hoặc trong trường hợp bị tát mạnh vào đúng vùng tai), gây tăng đột ngột áp lực khí ở ống tai ngoài làm phá rách màng nhĩ.

Ngoài nguyên nhân bị rách do chấn thương, màng nhĩ còn có thể bị thủng trong viêm mủ tai giữa. Khi tai giữa bị viêm, mủ tích tụ càng lúc càng nhiều, đến một lúc nào đó "thân hình mong manh yếu đuối" của màng nhĩ và hệ mao mạch của tai giữa không trụ được với áp lực mủ quá cao khiến cho màng nhĩ cũng như thành mao mạch của tai giữa bị đè nén và căng mỏng gây ra thiếu máu cục bộ, thiếu oxy tổ chức dẫn đến hoại tử làm thủng màng nhĩ và mũ sẽ thoát ra từ lỗ thủng đó.

Đấy là diễn tiến "thuận" dẫu rằng màng nhĩ thủng "tự do" vì "sức tàn lực kiệt" như thế sẽ khó mà tự lành lại được, ngược lại nếu màng nhĩ "kiên cường bất khuất" quá, không thể phá vỡ được thì mủ sẽ "đi chơi" ở chỗ khác, sâu hơn (như vào tai trong, vào nội sọ) và tất nhiên là mức độ tàn phá sẽ nặng nề hơn và nguy hiểm hơn.

Vì vậy, ngay ở giai đoạn tụ mủ tai giữa, nếu ta đi khám kịp thời thì thầy thuốc chuyên khoa sẽ chủ động chích rạch màng nhĩ để "xả lũ" mủ, giữ an toàn cho "cơ quan đầu não". Thế…số phận của màng nhĩ bây giờ ra sao? Thầy thuốc đã làm rách nó rồi?!... Xin thưa rằng, hãy yên tâm đi vì vết rạch này sẽ tự lành lại khi tai giữa không còn mủ.

Màng nhĩ giữ một "khâu" quan trọng trong "dây chuyền" thính giác cho nên để bảo vệ nó, trước tiên cần phải hạn chế thói quen ngoáy tai và tự lấy ráy tai cũng như phải "phản ứng nhanh" để tránh được những cú đập "không mong muốn" vào chỗ "treo khuyên". Khi thấy triệu chứng tắc vòi nhĩ, ù và đau trong tai thì phải đi khám để được điều trị kịp thời, tránh "cái họa" viêm mủ tai giữa gây biến chứng mà chí ít cũng là thủng màng nhĩ lâu lành.

Từ khóa » Vị Trí Màng Nhĩ