Vì Sao Thủy Sản Vẫn Chưa được EU Gỡ 'thẻ Vàng' Sau ... - Vnbusiness

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp... Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo "thẻ vàng" sẽ được gỡ bỏ.

Thưa ông, việc chưa gỡ được "thẻ vàng" ở thị trường EU đang khiến ngành thủy sản Việt Nam gặp phải những khó khăn gì?

-Năm 2020, ngành thủy sản đã đạt được sản lượng khai thác và nuôi trồng là 8,45 triệu tấn, trong đó khai thác đạt 3,85 triệu tấn (tăng 2,06% so với năm 2019), còn lại là nuôi trồng; xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD.

Năm 2020 có rất nhiều khó khăn. Ngoài dịch COVID-19 còn bị ảnh hưởng lũ chồng lũ, bão chồng bão, biến đổi khí hậu, mưa lũ, giông lốc ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến thủy sản, nhưng chúng ta đã đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Bước sang năm 2021, chúng ta đã có Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy sản 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045, đặt mục tiêu đến 2030 đạt sản lượng thủy sản sản xuất trong nước là 9,8 triệu tấn, trong đó khai thác 2,8 triệu tấn, nuôi trồng 7 triệu tấn, xuất khẩu thủy sản đạt từ 14 - 16 tỷ USD.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang đứng trước nhiều khó khăn. Cụ thể về khai thác, Việt Nam bị EU rút thẻ vàng" từ ngày 23/10/2017 đến nay đã gần 4 năm. Cũng trong thời gian này có 21 quốc gia bị rút "thẻ vàng", đã có 14 quốc gia gỡ được, còn lại 7 quốc gia trong đó có Việt Nam; 6 quốc gia bị rút "thẻ đỏ", có 3 quốc gia được gỡ được.

Đây là những khó khăn, thách thức, bởi "thẻ vàng" ảnh hưởng đến tín chỉ, tăng thêm các thủ tục hành chính, kiểm soát thủy sản vào EU và các thị trường khác. Như chúng ta đã biết, Mỹ đang điều trần Việt Nam có phải vì ảnh hưởng "thẻ vàng" mà thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm đi và phần này lại xuất sang Mỹ hay không? Việt Nam đã có giải trình tường tận. Việc này cũng xảy ra với các quốc gia khác chứ không riêng Việt Nam.

Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân vì sao đến nay chúng ta chưa được EC gỡ "thẻ vàng", ngành thủy sản đã và đang làm gì để gỡ "thẻ"?

-Trong thời gian qua, việc tổ chức khai thác hải sản, thủy sản trên biển theo hướng phong trào lên tới 110 nghìn tàu, sau khi cơ cấu lại xuống còn 96 nghìn tàu, và hiện con 94.572 tàu, cường lực khai thác quá lớn so với trữ lượng của Việt Nam. Sắp tới đây, thực hiện Luật Thủy sản 2017, tiếp tục rà soát và giao hạn ngạch, giảm cả công suất, số lượng, đặc biệt là vùng động và bờ, và tăng cường vùng khơi để vừa khai thác được thủy sản hiệu quả vừa đảm bảo được quốc phòng an ninh.

Về hạ tầng thủy sản, trong rất nhiều năm với kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD, khai thác lên đến 3,9 triệu tấn, nhưng lại không được đầu tư đúng mức và thỏa đáng. Do đó, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, bến cá, hậu cần nghề cá xuống cấp nghiêm trọng, đây là việc rất khó cho việc quản lý đội tàu, không để tàu vi phạm.

Cùng với đó, chúng ta phải truy xuất được nguồn gốc. Muốn làm được việc này, tàu khi khai thác về thì cá phải lên cảng phân loại được, giảm thất thoát sau thu hoạch. Hiện thất thoát sau thu hoạch từ 14-35%. Không truy xuất được nguồn gốc, không quản lý được đội tàu, không thực thi pháp luật tốt thì sẽ rất khó có thể gỡ được "thẻ vàng".

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém. Tàu nhỏ, khoang cũng nhỏ mà chỉ bảo quản bằng mỗi đá, thất thoát sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo, truy xuất khó.

Về nguồn nhân lực, một tỷ lệ rất lớn người làm nghề khai thác là cha truyền con nối, ít được đào tạo, không có nhiều kiến thức, trong khi Luật Thủy sản 2017 quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn của máy trưởng như thế nào, thuyền trưởng ra sao, tuy nhiên, chúng ta mới tập huấn được trong thời gian ngắn.

Luật Thủy sản 2017 hướng tới ngành thủy sản có trách nhiệm, nhưng thời gian triển khai Luật còn có giới hạn, thông tin tuyên truyền dù tích cực, nhưng nhận thức hiểu biết chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Vậy, trong thời gian tới, liệu rằng Việt Nam có gỡ được "thẻ vàng" không, thưa ông?

-Như tôi đã nói ở trên, liên quan đến vấn đề "thẻ vàng" còn 4 thách thức lớn. Thứ nhất là xây dựng luật pháp. Chúng ta đã tranh thủ ý kiến của EU trong Luật Thủy sản 2017, các điều khoản EU thấy rằng rất cần thiết và Việt Nam mong muốn xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững để thế hệ sau không còn khai thác tận diệt và tận dụng tối đa. Khi xây dựng 2 Nghị định và 8 Thông tư đã tham vấn châu Âu, nhưng có những điểm họ chưa đồng thuận cao, ví dụ mức phạt. Tuy nhiên, với mức phạt đó, trong hành vi với hoàn cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế Việt Nam mình cho là đúng. 

Thứ hai là quản lý đội tàu, những tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn xảy ra 32 vụ với 56 tàu vi phạm. Việc này nếu không làm tốt thì rất khó có thể gỡ được "thẻ vàng" mà thậm chí là bị "thẻ đỏ". EU cho biết nếu còn tàu vi phạm thì không nói đến chuyện gỡ "thẻ vàng".

Về truy xuất nguồn gốc, EU sẽ thanh tra việc đánh bắt cá ở vùng biển nào, kinh độ, vĩ độ ra sao, thời gian nào, mang cá về cảng phân loại ra sao, mang về kho chế biến xuất khẩu đi những thị trường nào, còn tồn bao nhiêu kg. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng còn rất khó khăn, nguồn nhân lực về truy xuất nguồn gốc cũng đang là bài toán khó.

Thứ tư, việc thực thi pháp luật, thông tin tuyên truyền của chúng ta về Luật Thủy sản, về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng đã triển khai tương đối nhưng còn phải triển khai sâu rộng hơn để người dân nhận thức được. Đến nay, có những tỉnh đã xử phạt nhiều tiền, nhưng có địa phương chỉ nhắc nhở, có địa phương chỉ lập biên bản. Việc này dẫn đến các đội tàu chuyển từ nơi xử phạt nặng sang địa phương chỉ nhắc nhở để hoạt động trái phép, làm cho công tác quản lý đội tàu càng thêm phức tạp.

Để gỡ được thẻ vàng thì 4 yếu tố này phải triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh thành có biển phải vào cuộc và để giải quyết vấn đề này. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có công văn số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, theo đó chỉ đạo các tỉnh thành ven biển vào cuộc tích cực và đồng bộ. Điều này kỳ vọng trong thời gian không xa thì chúng ta sẽ được EC gỡ "thẻ vàng".

Để gỡ "thẻ vàng" thì một trong những điều kiện cần là thay đổi hạ tầng nghề cá, vậy nguồn lực và kế hoạch của Bộ ra sao?

-Ở nhiệm kỳ trước, Bộ đã có Nghị quyết của Ban cán sự về nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021- 2025, việc này đang trình Bộ KH&ĐT để trình lên Quốc hội Khóa XV.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản, riêng để thực hiện kế hoạch hành động của ngành tôm là Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ thì đang bàn với Bộ KH&ĐT vay vốn của ADB.

Như vậy, nếu các nguồn vốn được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ có những hạ tầng cơ sở phát thủy sản bền vững.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thy Lê (ghi)

Từ khóa » Eu Rút Thẻ Vàng Với Thủy Sản Việt Nam