Vị Thuốc Từ Cây đậu Săng - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Cây đậu săng còn gọi là đậu cọc rào, có tên khoa học là Cajanus cajan ( L.) Millsp, thuộc họ Ðậu - Fabaceae.

Cây đậu săng cao từ 1-3m. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, nguyên, có lông, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa màu vàng hay điểm những đường sọc tía, mọc thành chùm ở nách lá. Quả đậu dẹt, với 2-3 vết lõm chạy chéo trên quả. Hạt hình cầu, màu vàng nâu, nâu hay đỏ nhạt, tuỳ thứ. Mùa hoa quả tháng 1-3.

Lá đậu săng

Người dân thường trồng đậu săng để làm cây chủ thả cánh kiến đỏ và lấy hạt làm thực phẩm, chăn nuôi gia súc, hoặc trồng làm hàng rào, làm cây tạo bóng, cây phân xanh và cây cải tạo đất. Rễ dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng và chứng hay đái đêm. Hạt cũng dùng như rễ; còn dùng chữa ho, cảm, nhức mỏi gân cốt. Lá dùng để gây nôn khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, nấu tắm trị bệnh ngoài da và cũng dùng uống trị lỵ.

Theo Đông y, đậu săng có vị đắng, tính mát; có tác dụng ấm phế, trợ tỳ, tiêu thực, làm thông huyết mạch. Dưới đây là là những bài thuốc chữa bệnh từ đậu săng:

- Trị cảm sốt, mụn nhọt và trẻ em lên sởi ho: Dùng rễ đậu săng (15g), sài đất và kim ngân hoa (mỗi vị 10g), sắc nước uống.

- Trị các loại ban trái có kèm theo các chứng no hơi, sình bụng, tiêu chảy, gốc ban dây dưa: Dùng lá lá đậu săng (100g), lá bạc hà (100g), củ bồ bồ (100g), hoa kinh giới (100g), trần bì lâu năm (100g), lức cây (100g). Hương phụ sao (100g), hậu phác sao (100g), củ sả (100g). Các vị hoà chung, tán bột nhuyễn. Mỗi lần uống 1 muỗng cà phê, trẻ em nửa liều; ngày uống 2-3 lần

- Trị ho, cảm, cổ họng sưng đau: Dùng bột rễ đậu săng, bột rễ xạ can, thêm phèn chua, hoà nước sôi để nguội ngậm không nuốt nước; hoặc dùng hạt đậu săng sao vàng sắc uống.

- Giải khát, thanh nhiệt: Rang đậu săng cho vàng rồi nấu nước uống.

Từ khóa » Công Dụng Lá đậu Săng