Viếng Lăng Bác - Tác Giả, Nội Dung, Bố Cục, Tóm Tắt, Dàn ý - Haylamdo
Có thể bạn quan tâm
Viếng lăng Bác - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Viếng lăng Bác Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả - tác phẩm Viếng lăng Bác trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Viếng lăng Bác
Niềm xúc động thiêng liêng thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác. Mạch cảm xúc vận động theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác: Cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng → Cảm xúc về dòng người bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác → Cảm xúc khi vào trong lăng nhìn thấy Bác đang yên giấc → Niềm mong ước thiết tha khi sắp phải trở về miền Nam.
B. Đôi nét về tác phẩm Viếng lăng Bác
1. Tác giả
- Viễn Phương (1928 – 2005) tên khai sinh là Phan Thanh Viễn quê ở An Giang.
- Thơ Viễn Phương thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm và chất mơ mộng trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt ở chiến trường.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác.
Bài thơ được in trong tập “Như mây mùa xuân” xuất bản năm 1978.
b. Bố cục
Bài thơ được chia làm 4 khổ:
+ Khổ 1: Cảm xúc khi đến lăng Bác.
+ Khổ 2: Cảm xúc khi hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác.
+ Khổ 3: Cảm xúc khi ở trong lăng.
+ Khổ 4: Cảm xúc khi rời lăng.
c. Thể thơ: tự do
d. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
e. Giá trị nội dung
Bài thơ “Viếng lăng Bác” thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
g. Giá trị nghệ thuật
- Giọng điệu trang trọng và tha thiết.
- Nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm.
- Ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.
C. Sơ đồ tư duy Viếng lăng Bác
D. Đọc hiểu văn bản Viếng lăng Bác
1. Cảm xúc khi đến lăng Bác
Câu thơ đầu tiên giản dị như một lời thông báo → tâm trạng xúc động, sau bao năm mong mỏi mới được ra viếng Bác
+ Cách xưng hô “con - Bác” theo phong cách Nam Bộ → vừa gần gũi, thân thương, vừa trân trọng, thành kính như tình cảm của người con với cha lâu ngày gặp lại.
+ Cách nói giảm, nói tránh “thăm” thay cho “viếng” → giảm nỗi đau thương mất mát, đồng thời khẳng định Bác còn sống mãi trong tâm tưởng của mọi người.
- “Hàng tre bát ngát” là hình ảnh thực, hết sức quen thuộc, thân thương của làng quê đất nước Việt Nam.
- Hàng tre “xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” là hình ảnh ẩn dụ biểu tượng của dân tộc Việt Nam với vẻ đẹp thanh cao và sức sống bền bỉ, kiên cường.
+ Thành ngữ “bão táp mưa sa”: những khó khăn, gian khổ nhân dân ta đã vượt qua trong hành trình dựng nước và giữ nước
+ “đứng thẳng hàng”: tinh thần đoàn kết, phẩm chất kiên cường, vững vàng vượt qua mọi thử thách
+ “Ôi!”: từ cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào trước hình ảnh hàng tre, trước vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam.
→ Hàng tre ấy như đội quân danh dự bảo vệ giấc ngủ cho Người.
=> Thể hiện những xúc cảm chân thành của nhà thơ, của nhân dân đối với Bác.
2. Cảm xúc khi hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác
Có hai cặp câu với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi độc đáo:
- Hình ảnh thực “mặt trời trên lăng” được nhân hóa “ngày ngày đi qua” chiêm ngưỡng “mặt trời trong lăng”.
+ Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng”: Nếu mặt trời tự nhiên vĩ đại, bất diệt, mang lại sự sống cho muôn loài thì với dân tộc Việt Nam, Bác đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc, là vị lãnh tụ vĩ đại sống mãi trong trái tim mọi người.
+ “rất đỏ”: là ẩn dụ cho phẩm chất cách mạng cao đẹp của Bác, cả một đời vì nước vì dân.
- Hình ảnh thực “dòng người đi trong thương nhớ”: ngày ngày dòng người vào lăng viếng Bác trong lòng tiếc thương kính cẩn.
+ Đó còn là hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác gợi một không gian tràn ngập nỗi nhớ thương.
+ Hình ảnh ẩn dụ độc đáo: “dòng người - tràng hoa” → không chỉ là tràng hoa được kết nên bởi dòng người vào lăng viếng Bác, còn là hoa của lòng nhớ thương, biết ơn, thành kính… hoa của cuộc đời đã nở dưới ánh sáng của Bác… tất cả đang thành kính dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”
+ Hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” lại chứa đựng bên trong một hình ảnh ẩn dụ đẹp (mùa xuân) → Cuộc đời của Bác đẹp như những mùa xuân.
+ Phép ẩn dụ, điệp ngữ “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cõi trường sinh, vừa gợi tấm lòng biết ơn, thành kính không nguôi nhớ Bác.
=> Khổ thơ vừa là lời ngợi ca sự vĩ đại, bất tử của Bác Hồ vừa thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính và biết ơn vô hạn của nhân dân, đối với Bác.
3. Cảm xúc khi ở trong lăng
Niềm biết ơn thành kính đã chuyển sang niềm xúc động nghẹn ngào.
- Hai câu đầu:khung cảnh, không khí trang nghiêm, thanh tĩnh
+ Cách nói giảm: “giấc ngủ bình yên” gợi sự bất tử của Bác và lòng kính yêu Người.
+ Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”: diễn tả đúng ánh sáng dịu nhẹ của không gian trong lăng vừa gợi liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.
- Hai câu sau: Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau xót không thể kìm nén.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” khẳng định: Bác bao dung, vĩ đại và trường tồn cùng thời gian.
+ Dù vẫn tin như thế nhưng không thể đau xót vì sự ra đi của Người. Nỗi đau xót đã được nhà thơ biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp “mà sao nghe nhói ở trong tim!”.
+ Cấu trúc đối lập (vẫn biết – mà sao) + câu cảm thán → nỗi đau quặn thắt, tê tái trong đáy sâu tâm hồn, lòng xót thương vô hạn không thể nguôi ngoai.
+ Nhịp thơ đột ngột ngắt 4/3 như một tiếng nấc đau đớn, nức nở, nghẹn ngào.
4. Cảm xúc khi dời lăng
Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên Bác.
- “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” giản dị như một lời giã biệt.
+ “trào nước mắt”: lòng thương nhớ kìm nén đến lúc này vỡ òa thành nước mắt.
- Biết rằng sắp phải rời lăng Bác, tác giả ước “Muốn làm con chim ... trung hiếu chốn này” → Luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa Bác, ước nguyện được hóa thân, hòa nhập vào cảnh vật bên lăng để được ở mãi bên Bác.
- Hình ảnh cây tre xuất hiện ở đầu bài thơ được khép lại cuối bài với một nét nghĩa bổ sung “cây tre trung hiếu” tạo kết cấu đầu cuối tương ứng.
- Nhân hóa - ẩn dụ “cây tre trung hiếu” → niềm tin và tình cảm thủy chung son sắt của cả dân tộc ta quyết đi theo con đường mà Người đã chọn.
- Điệp ngữ “muốn làm” cùng phép liệt kê tăng cấp và nhịp thơ dồn dập thiết tha gợi tâm trạng lưu luyến, ước muốn hoá thân, sự tự nguyện chân thành của tác giả. Ước nguyện thành kính của Viễn Phương cũng là mong ước chung của những người đã hoặc chưa một lần gặp Bác.
- Hình ảnh hàng tre xuất hiện ở khổ đầu và câu cuối cùng của bài thơ.
+ Ở khổ đầu, hình ảnh hàng tre được gợi lên với cả hình dáng, màu sắc, sức sống và mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Hàng tre vừa thực vừa ảo, lung linh trong tâm tưởng. Đó là hình ảnh cây cối mang màu đất nước tụ về đây canh giữ giấc ngủ cho Bác, vừa là ẩn dụ cho dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, bền bỉ, trung thành bên Bác.
+Trong câu thơ cuối, hình ảnh hàng tre lặp lại nhưng có sự đổi mới về nghĩa, tạo kết cấu đầu cuối tương ứng, gây ấn tượng đậm nét. Không còn là cây tre - khách thể nữa mà đã tan hòa vào chủ thể, tượng trưng cho tấm lòng, ước nguyện, ý chí của nhà thơ, của dân tộc: trung hiếu với Bác, mãi đi theo con đường của Bác, mãi bên Bác.
E. Bài văn phân tích Viếng lăng Bác
Có những tình cảm trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng với tâm hồn mỗi người. Đó là tình yêu ruột thịt, là tình bạn bè, anh em, đồng chí. Những tưởng không có sợi dây nào gắn kết những con người tưởng chừng xa lạ, nhưng luôn ấm áp tình thương. Ấy là người con miền Nam- Viễn Phương với trái tim thành kính hướng về người cha già. Người cha không cùng một dòng máu nhưng Người là cha chung của toàn dân tộc Việt Nam. Viếng lăng Bác ra đời là tấm lòng người con gửi đến cha.
Bài thơ được sáng tác năm 1976 tại một thời điểm rất đặc biệt. Đây là năm đánh dấu sự kiện lăng Bác được hoàn thành và những người con miền Nam trong đó có Viễn Phương, lần đầu được đến thăm, gặp gỡ người cha già của cả dân tộc. Với bốn khổ thơ tự do, một chỉnh thể không quá dài nhưng tất cả là kết tinh cho niềm yêu, nỗi nhớ, sự kính trọng khôn cùng của người con miền Nam dành cho Bác.
Khổ thơ đầu của bài là khung cảnh quanh lăng Bác hiện lên trong nỗi niềm xúc động bồi hồi của nhà thơ:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Người con giới thiệu mình với cha: con ở miền Nam. Trong lời thơ ấy còn chất chứa bao tâm tình. Sau 1975, đất nước mới hoàn toàn thống nhất và đến giờ con mới có dịp thăm cha. Từ xa, người con xúc động hướng về nơi Bác nằm. Nơi đó là thiên nhiên thanh bình với “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát’. Viễn Phương đã đến lăng Bác từ rất sớm phải chăng vì không muốn chậm dù chỉ một phút giây ngắn ngủi gặp cha. Vì lẽ đó mà sương sớm vẫn còn mờ ảo hiện lên trên khung cảnh quanh lăng. Nhưng có lẽ nhà thơ cũng như bao người con miền Nam, sự hồi hộp phút giây đầu gặp gỡ là điều chẳng thể tránh khỏi, và con như đang vịn vào khung cảnh kia để giữ lòng mình khỏi bồi hồi. Tình thái từ “Ôi’ vang lên đầy xúc động, nhà thơ nhìn ngắm hàng tre xanh mà lòng bao tự hào khôn xiết. Hàng tre xanh thực sự đã trở thành chủ thể tinh thần đặc biệt vì nó là “tre xanh Việt Nam”- biểu trưng cho con người, tâm hồn, khí phách Việt Nam. Với hoán dụ “bão táp mưa sa” dùng để ám chỉ những gian nan, vất vả, nhà thơ nhằm tô điểm “đứng thẳng hàng”. Dáng tre đứng thẳng hay lòng người mãi hiên ngang, mãi trường tồn. Cây tre kết tinh trong mình nó những giá trị đẹp, và khi tre được trồng tại lăng chủ tịch, tầm vóc, khí phách ấy càng làm say lòng người. Tre trở thành người bạn quê hương đón tiếp lớp lớp người con Việt Nam vào thăm Bác trong niềm hân hoan khôn cùng. Tình cha con thắm thiết được nâng lên, được mở rộng trở thành tình cảm lớn lao ấy là tình quần chúng dành cho lãnh tụ cao cả.
Tình cảm ấy không chỉ quyện hòa mà còn lắng đọng trong niềm xúc cảm của người con xa. Khổ thơ thứ hai trở thành điểm tựa để Viễn Phương bày tỏ trực tiếp chân tình trước hình ảnh lớn lao của người cha:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Khổ thơ được tạo dựng bởi những hình ảnh thực cùng hình ảnh ẩn dụ thật đẹp. Hai câu thơ đầu thông qua ẩn dụ “mặt trời”, Viễn Phương ngợi ca công lao to lớn của Bác. Mặt trời của tự nhiên trong câu thơ đầu là nguồn sống cho muôn loài và đảm nhiệm nhiệm vụ lớn lao “ngày ngày” duy trì sự sống. Mặt trời ấy quan trọng, quý giá và chỉ có duy nhất. Mặt trời tự nhiên lại bắt gặp một mặt trời nữa cũng đẹp, cũng sáng. Ấy là “mặt trời trong lăng”- ẩn dụ chỉ Bác Hồ với những hi sinh lớn lao dành cho dân tộc. Và đâu chỉ có Viễn Phương, Bác cũng luôn lồng lộng như ánh dương ấm áp trong ngòi bút Tố Hữu: “Bác như trời đất của ta”. Với câu thơ của mình, nhà thơ bên cạnh việc khẳng định công lao bất tử, sức sống của Bác với dân tộc Việt Nam thì còn muốn nói lên lòng biết ơn, sự tôn kính dành cho người cha già của cả dân tộc.
Yêu thương, kính trọng Bác là vô bờ. Đó đâu chỉ là tình cảm cá nhân riêng tư của nhà thơ. Hai câu tiếp trong khổ thơ khẳng định tình yêu của cả dân tộc dành cho người:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Nhịp thơ ở đây trôi đi thật chậm. Điệp từ thời gian “ngày ngày” lần nữa được sử dụng với dụng ý khẳng định tính chất thường xuyên liên tục. Quả đúng là vậy. Đoàn người vào lăng viếng Bác nối nhau thành “dòng”. Và tất cả “dòng người” đều chung một nỗi niềm, cảm xúc ấy là thương yêu Bác. Thông qua nghệ thuật ẩn dụ, dòng người nối tiếp nhau kết thành “tràng hoa” dâng lên Bác hiện lên thật đẹp. Viễn Phương mượn ẩn dụ “bảy mươi chín mùa xuân” để nói về Bác. Nói về độ tuổi của Bác. Bác ra đi nhưng luôn sống mãi ở độ tuổi bảy mươi chín với sức xuân tràn ngập. Viễn Phương cô đọng, kết tinh tình cảm để cảm ơn người cha đem đến mùa xuân cho đất nước, con người Việt Nam.
Một quãng đường đi chầm chậm và rồi cuối cùng người con đã được gặp trực tiếp người cha già. Khung cảnh trong lăng hiện lên trong nỗi xót thương vô hạn của nhà thơ:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Ánh mắt người con hướng về Người và quan sát Người trong niềm thành kính. Giấc ngủ của người trong đôi mi khép chặt, người con không bỏ quên dù nhỏ bé. Và Người ngủ bình yên. Phải chăng, đây là giấc ngủ bình yên hiếm hoi trong “bảy mươi chín mùa xuân” mà người mải mê cống hiến cho dân tộc và quê hương. Hiểu điều đó, cả thiên nhiên và đất trời đều đồng lòng với giấc ngủ của Người. “Vầng trăng sáng dịu hiền” ở câu thơ hay chính là ẩn dụ cho khung cảnh thanh bình- lí tưởng mà cả đời Bác luôn theo đuổi. Trăng tô điểm cho giấc ngàn thu của Bác. Cả cuộc đời Bác, Bác cũng dành tình yêu của mình cho trăng: khi thì “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”, khi thì “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Tất cả đều đẹp vô cùng.
Trong khung cảnh yên bình mà ta tưởng chừng không gian, thời gian đều ngưng đọng, tâm trạng và cảm xúc trong lòng người càng thêm rạo rực thiết tha. Đây là hai câu thơ trực tiếp thể hiện tâm trạng của tác giả: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao đau nhói ở trong tim”. Bác là trời xanh, là mùa xuân vĩnh hằng mãi với không gian, thời gian vô cùng vô tận, nhưng Bác cũng là người cha bình thường không thoát khỏi quy luật sinh tử của tự nhiên. Và trong tâm trạng người con, Viễn Phương cũng như đồng bào Việt Nam, tất cả chúng ta đều chung nỗi đau thương nhớ khôn nguôi dành cho Bác: Mà sao nghe nhói ở trong tim. “Nghe nhói” là nỗi đau cảm giác được, nỗi đau ấy không vô hình mà hiện hữu đau đáu trong tâm can. Nỗi đau mất Bác là nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai dẫu thời gian có chảy trôi vô cùng vô tận: Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa.
Kết thúc bài thơ là một sự thương nhớ khác, sự thương nhớ ấy là niềm bâng khuâng, lưu luyến của Viễn Phương với Bác. Những câu thơ cuối cũng là kết tinh cao nhất của tình cảm và tâm trạng trong lòng người con phải nói lời tạm biệt cha:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Viễn Phương vẫn đang đứng trong lăng Bác, vẫn đang cận kề bên Bác, nhưng nỗi nhớ vẫn chẳng thể nguôi khi nghĩ về cảnh chia xa “Mai về miền Nam”. Vì biết phải chia li, nên buồn thương ấy là không thể tránh khỏi. Cảm xúc bịn rịn trực tiếp được bộc lộ “trào nước mắt”. Niềm thương, tình cảm của người con chẳng còn xúc động, bùi ngùi mà nhân lên thành giọt nước đau thương. Và tình cảm lúc này chỉ có thể đọng lại thành lời yêu thương, thành nguyện ước dẫu tưởng chừng phi lí: làm chim, làm hoa, làm cây tre. Mong ước của Viễn Phương được diễn tả qua một loại điệp từ “muốn làm”. Nhịp điệu trong khổ thơ trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết. Những nguyện ước nhỏ bé, giản dị của Viễn Phương làm ta chẳng thể không xúc động. Ước mong làm chú chim trên bầu trời tự do để ngày ngày ca vang lời ca ngợi, lời yêu Bác sâu đậm. Và rồi tô điểm cho vẻ đẹp của mái nhà Bác ở qua nguyện ước làm “bông hoa tỏa hương thơm” say lòng người. Những gì đẹp nhất, những gì tinh túy nhất đều được Viễn Phương dành tặng cho Bác. Đặc biệt, ta càng yêu tấm lòng nhà thơ vì một ước ao cuối chân thành giản dị: làm cây tre trung hiếu. Hình ảnh cây tre với những đức tính tốt đẹp mở đầu bài thơ và cũng kết thúc bài thơ một cách thật sự nhiên. Cây tre mang bao vẻ đẹp của đất nước, con người và con nguyện hiến dâng để làm đẹp nơi Người an nghỉ. Viễn Phương chân thành và thắm thiết với người cha già.
Với một loạt hệ thống hình ảnh thơ giàu tính biểu cảm, những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, Viễn Phương đã minh chứng cho người đọc một tình cảm thiết tha sâu nặng mà người con muốn dành tặng người cha dù bao xa cách trở. Tình cảm kính yêu, sự tự hào, niềm thương, nỗi nhớ ấy luôn sống mãi cùng thời gian và bạn đọc mọi thế hệ hôm nay.
Từ khóa » Tìm Hiểu Về Bài Viếng Lăng Bác
-
Viếng Lăng Bác - Lý Thuyết Ngữ Văn 9
-
Văn Bản: Viếng Lăng Bác - Viễn Phương | Ngữ Văn 9
-
Viếng Lăng Bác - Viễn Phương - Ngữ Văn 9 - HOC247
-
Viếng Lăng Bác - Viễn Phương
-
Cảm Nhận Viếng Lăng Bác Siêu Hay (21 Mẫu) - Văn 9
-
Bài Thơ Viếng Lăng Bác - Tác Giả Tác Phẩm (mới 2022) | Ngữ Văn Lớp 9
-
Tìm Hiểu Bài Thơ "Viếng Lăng Bác" Của Viễn Phương | Học Văn 9
-
Viếng Lăng Bác
-
Viếng Lăng Bác - Viễn Phương | Tác Giả - Tác Phẩm Văn 9
-
Khái Quát Viếng Lăng Bác
-
Phân Tích Bài Thơ Viếng Lăng Bác Của Viễn Phương
-
Nghị Luận Về Bài Thơ Viếng Lăng Bác - Thủ Thuật
-
Dàn ý Phân Tích Bài Thơ Viếng Lăng Bác - Thủ Thuật
-
Tìm Hiểu Về Phân Tích Bài Thơ Viếng Lăng Bác - Sen Tây Hồ