'Việt Nam đến Năm 2025 Kiểm Soát Béo Phì' - VnExpress Sức Khỏe

Đây là một trong năm mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 do Bộ Y tế ban hành ngày 19/5. Trong đó, đến năm 2025, tỷ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn dưới 10%, dưới 19% đối với nhóm 5-18 tuổi, dưới 20% với người trưởng thành; lượng muối tiêu thụ trung bình dưới 8 g một ngày...

Bộ Y tế cho biết tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh ở mọi lứa tuổi, ghi nhận cả ở thành thị và nông thôn. Trong đó, nhóm trẻ dưới 5 tuổi, gần 10% ở thành thị và hơn 5% ở nông thôn bị thừa cân, béo phì, tăng cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận vào năm 2010. Ở nhóm người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì là gần 16% theo thống kê năm 2015 và tiếp tục gia tăng; hơn 4% bị tiểu đường và hơn 30% bị mỡ máu.

Số người thừa cân, béo phì tại Việt Nam không được công bố.

Trong khi đó, công tác dinh dưỡng chưa được người dân và nhiều địa phương quan tâm đúng mức, theo đánh giá của Bộ Y tế về thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020. Người dân còn thiếu hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý. Người dân dễ tiếp cận thực phẩm và đồ uống không lành mạnh hơn vì có thêm cửa hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn giá rẻ. Những nguyên nhân này được cho là góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì trong nước.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, béo phì là tình trạng tăng cân do tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, ví dụ gây mất cân đối, nặng nề, chậm chạp, đi lại khó khăn, trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng... Người béo phì thường có lượng cholesterol cao, gây xơ hóa lòng mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều loại bệnh khác liên quan.

Ngoài mục tiêu về kiểm soát béo phì, Bộ Y tế còn đặt ra bốn mục tiêu khác để thực hiện đến năm 2025 gồm: Chế độ ăn đa dạng, hợp lý, an ninh thực phẩm cho mọi người, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, bệnh nhân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, chú trọng vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng ban hành tháng 1.

Bác sĩ khám béo phì cho trẻ em. Ảnh: Nutrihome

Bác sĩ khám béo phì cho trẻ em. Ảnh: Nutrihome

Chi Lê

Từ khóa » Thống Kê Béo Phì ở Việt Nam