Việt Nam Và Biển Đông Trong Cuộc Cạnh Tranh Mỹ – Trung

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đưa ra phân tích về ứng xử của Mỹ – Trung trước các vấn đề nóng cũng như cơ hội cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2022.

– Theo ông, đâu là điểm nóng, là khúc mắc trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại?

– Khúc mắc lớn nhất trong quan hệ 2 nước là cuộc đấu về ngôi vị và trật tự thế giới. Trong đó, mỗi bên đều mong muốn theo mô hình của mình. Đây là thách thức lớn bởi trật tự thế giới phụ thuộc vào việc ai nắm quyền chi phối.

Thứ hai là hệ giá trị giữa lúc hệ giá trị dân chủ nhân quyền và kinh tế thị trường của phương Tây đang bị xói mòn. Ba là quản trị các điểm nóng. Tôi cho rằng cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ tập trung lớn nhất vào châu Á – Thái Bình Dương, trong đó câu chuyện về an ninh biển là chủ đạo.

– Mỹ – Trung ứng xử với các điểm nóng này ra sao?

– Thứ nhất về Biển Đông, điểm lớn nhất mà người ta quan tâm là những hành vi cứng rắn của Trung Quốc trong áp đặt yêu sách đường lưỡi bò. Họ thực hiện việc này trên nhiều lĩnh vực, cả trên thực tế và về mặt luật pháp, ví dụ như luật Hải cảnh, luật Giao thông trên biển.

Mỹ và châu Âu cũng như các nước khác nhận thấy rằng, Trung Quốc không chỉ nêu đòi hỏi của mình mà còn thách thức trật tự an ninh trên biển, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Hoa Đông. Chính quyền Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với tuyên bố về Biển Đông của Ngoại trưởng Pompeo tháng 7/2020. Nghĩa là, đây là chính sách của lưỡng đảng Mỹ về Biển Đông.

Trong khi đó, nội hàm của Mỹ về vấn đề Biển Đông có những điểm mới: Nhấn mạnh tự do an ninh, an toàn hàng hải Biển Đông; nhấn mạnh luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật Biển và điểm thứ ba rất mới là bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Thứ tư là chỉ trích những hành vi áp đặt của Trung Quốc với các nước khác ở Biển Đông. Cuối cùng là ủng hộ quyền với vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế phù hợp với Công ước Luật biển của các quốc gia khác.

Mỹ và hầu hết nước khác bao gồm Đức, Pháp, Anh, Australia đều nhấn mạnh luật pháp quốc tế, thậm chí là cả phán quyết của Tòa trọng tài. Đây là những điểm rất mới và Trung Quốc nếu nói về mặt dư luận thì đang chịu cô lập trong câu chuyện này. Chính việc áp đặt phi lý của Trung Quốc đã tạo ra sự hiện diện ngày một nhiều của tàu bè các nước trên Biển Đông nhằm thể hiện việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không.

– Nằm trong khu vực là trọng tâm cạnh tranh Trung – Mỹ, giữa thực tế với nhiều diễn biến mới và rất phức tạp như hiện nay, ứng xử của Việt Nam như thế nào, thưa Đại sứ?

– Tại châu Á – Thái Bình Dương trong năm qua, có những điểm lưu ý. Đầu tiên là đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả các nước, khiến cho chính sách đối nội, đối ngoại đều phải thay đổi để ứng phó và nỗ lực thoát khỏi đại dịch, phục hồi kinh tế.

Cạnh tranh nước lớn Mỹ – Trung quyết liệt trên mọi mặt, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ, quốc phòng nhưng đồng thời không dẫn tới đổ vỡ, biệt lập về hai tuyến. Hai bên vẫn cần tranh thủ nước khác nên thách thức sẽ là phải tránh bẫy cạnh tranh nước lớn, tránh phải chọn bên.

Song cạnh tranh ấy cũng đem lại cơ hội, đó là nhiều sáng kiến đưa ra, nước lớn cũng cần tranh thủ nước khác trong khu vực, nhất là ASEAN. Thứ ba là đại dịch cùng cạnh tranh nước lớn tạo ra đứt gãy về chuỗi cung ứng. Nhiều công ty, tập đoàn phương Tây tính đến phương án chuyển dịch chuỗi cung ứng, đem lại cơ hội đầu tư cho nước khác.

Với ASEAN và Việt Nam, đầu tiên phải làm sao kiểm soát và vượt qua đại dịch. Cạnh tranh nước lớn trong năm qua cũng cho thấy giá trị địa chiến lược của ASEAN, của Việt Nam ngày càng tăng lên, có điều kiện để “chơi” được cả với Mỹ và Trung Quốc. Muốn làm được thì phải tự cường, độc lập, đa dạng hóa.

Trong cuộc chơi ở khu vực vẫn nổi lên 2 xu hướng: Hòa bình, hợp tác, liên kết và chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự dựa trên luật lệ. Đây là mặt thuận cho Việt Nam.

Việt Nam và ASEAN đứng trước thách thức khi 2 đối tác quan trọng nhất với khu vực lại cạnh tranh nhau, nên cần tính toán rất nhiều để không phải chọn bên để chọn lựa, nhất là các sáng kiến mà cả hai bên đưa ra, đồng thời giữ vững vai trò trong khu vực. Cá nhân tôi cho rằng, trong năm nay, với Việt Nam và cả ASEAN, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, dù thách thức phức tạp.

– Quay trở lại câu chuyện Biển Đông, Đại sứ có dự báo gì về những diễn biến trong năm 2022?

– Về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, năm qua, các nước đều rất quan tâm, nhất là trước những hành vi của Trung Quốc nên 2022 sẽ tiếp tục xu thế này.

Thứ hai, trong khu vực có những tranh chấp và đòi hỏi chủ quyền nhưng làm sao để quản trị những tranh chấp đó, không để xảy ra xung đột. Dù có đòi hỏi nhưng cũng phải kiềm chế, nên chắc chắn sức ép về mặt công luận sẽ phải gia tăng hơn nữa khi Trung Quốc không từ bỏ việc áp đặt yêu sách phi lý ở Biển Đông. Việc nhấn mạnh luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển, rồi các nước cùng phải lên tiếng khi có hành vi xâm phạm đều phải được thúc đẩy.

Thứ ba, do có xung đột, tranh chấp trên biển như vậy, nên các nước phải gia tăng đối thoại để xây dựng lòng tin và không để tình hình xấu đi. 2022 sẽ là dịp 20 năm kỷ niệm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Người ta rất mong muốn Trung Quốc và ASEAN tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC) tốt và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Luật Biển để quản trị tốt hơn vấn đề Biển Đông, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định.

Chưa rõ quan điểm của ASEAN và Trung Quốc có tiến lại gần nhau và dựa trên nguyên tắc đó hay không, nội hàm sẽ quyết định chứ không phải vấn đề thời gian. Nếu muốn các cuộc đối thoại, trong đó có đối thoại COC, được tiến hành thuận lợi và trôi chảy, rõ ràng phải tạo ra môi trường xây dựng và lòng tin, không thể vừa thương lượng nhưng ngoài biển vẫn cứ có hành vi xâm phạm.

Tôi suy nghĩ rằng, Biển Đông với những yêu sách của Trung Quốc sẽ còn phức tạp, nhưng điều mà các nước quan tâm là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; là luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển; là yêu cầu kiềm chế, không làm phức tạp tình hình sẽ là chiều hướng gia tăng.

– Vào giữa tháng 11, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trực tuyến. Theo Đại sứ, những trao đổi của lãnh đạo hai nước hàng đầu thế giới cho thấy thông điệp gì trong quan hệ Trung – Mỹ cũng như ứng xử của họ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay?

– Thông điệp lớn nhất trong cuộc hội đàm trực tuyến, đó là hai bên hiểu nhau, hiểu hai bên sẽ là cạnh tranh chiến lược và mặt cạnh tranh sẽ nhiều hơn. Nhưng hiểu rõ như vậy nên họ đều mong muốn quản trị để không đổ vỡ quan hệ hay dẫn đến xung đột.

Thứ hai, hai bên đối thoại về những khác biệt mà không thể giải quyết một sớm một chiều, ví dụ về giá trị dân chủ, kinh tế thị trường, khoa học công nghệ, kinh tế, thương mại và các vấn đề toàn cầu khác. Họ cũng nhắc đến những mặt có thể hợp tác như biến đổi khí hậu, y tế, dịch bệnh, Trung Đông, hay về bán đảo Triều Tiên.

Họ nhắc đến những câu chuyện cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ, đặc biệt là vấn đề eo biển Đài Loan. Dường như hiểu biết chung vẫn là duy trì thực trạng như hiện nay và không được áp đặt hay đơn phương thay đổi thực trạng này.

Câu chuyện an ninh trên biển vẫn là vấn đề rất được quan tâm, bao gồm cả Biển Đông và Hoa Đông. Dù hai bên có khác biệt nhưng vẫn nhấn mạnh đến tính quản trị không để xảy ra xung đột. Hai bên đã nhận thức được rõ, cạnh tranh cần được quản trị ở cấp cao nhất để không đổ vỡ, giữ bình ổn chiến lược.

Điểm thứ ba được Mỹ nhấn mạnh rất nhiều và khác với thời kỳ Trump. Đó là nếu có hợp tác như về biến đổi khí hậu, nước Mỹ cũng không đánh đổi hay nhân nhượng.

Theo VIETNAMNET 

Từ khóa » Cạnh Tranh Mỹ Trung ở Biển đông