Vợ, Chồng Phải Cùng Giải Quyết Nợ Nần Khi Ly Hôn? - LuatVietnam

Giải quyết nợ nần ngay trong đơn ly hôn?

Khoản 14 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Hiện nay, ly hôn có hai hình thức:

- Nếu vợ, chồng thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, tài sản, nuôi dưỡng con cái… thì cùng ký tên vào đơn ly hôn thuận tình và yêu cầu Tòa án công nhận việc ly hôn của hai vợ, chồng.

- Nếu một trong hai vợ, chồng yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân, không hòa giải được, yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Theo đó, mặc dù có hai hình thức ly hôn nhưng về cơ bản, khi viết đơn ly hôn, nội dung đơn sẽ bao gồm:

- Yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ, chồng;

- Giải quyết quyền nuôi con và cấp dưỡng (nếu hai người có con chung);

- Phân chia tài sản chung vợ chồng (nếu hai người có tài sản chung hoặc tài sản chung với gia đình);

- Phân chia công nợ, nợ nần, nghĩa vụ tài sản… của vợ, chồng với người khác (nếu có).

Do đó, vợ, chồng có thể yêu cầu giải quyết nợ nần khi ly hôn ngay trong đơn. Khi đó, nếu xét thấy yêu cầu không trái quy định của luật, đảm bảo quyền lợi cho vợ, con hoặc theo thỏa thuận của hai vợ, chồng thì Tòa án sẽ giải quyết.

Xem thêm: Cách viết đơn ly hôn chi tiết nhất

Sau khi ly hôn, có phải cùng nhau trả nợ nữa không?

Khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 khẳng định:

Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

Căn cứ quy định này, nêu vợ, chồng ly hôn nhưng trong đơn ly hôn không đưa nội dung về các khoản nợ với người thứ ba vào và chưa được Tòa án giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì các khoản nợ mà vợ, chồng có trong thời kỳ hôn nhân vẫn còn hiệu lực sau khi ly hôn.

Đặc biệt, chỉ trong trường hợp vợ, chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác như chấm dứt nghĩa vụ trả nợ hoặc chuyển nghĩa vụ trả nợ cho một trong hai vợ hoặc chồng… thì khi đó, sau khi ly hôn, vợ chồng mới không còn phải cùng nhau trả nợ.

Trong đó, khoản nợ của vợ, chồng với người thứ ba phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:

- Do cả hai vợ, chồng cùng đứng ra vay vốn hoặc phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường;

- Khoản nợ do vợ hoặc chồng thực hiện cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Khoản nợ từ việc bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định cha mẹ phải bồi thường…

Như vậy, hai người dù đã ly hôn nhưng vẫn phải cùng trả các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân có mục đích duy trì cuộc sống chung của vợ, chồng, gia đình hoặc do thỏa thuận là nợ chung… và trước đó không có thỏa thuận khác về việc giải quyết các khoản nợ này.

Xem thêm: Trường hợp nào vợ chồng không phải cùng nhau trả nợ?giai quyet no nan khi ly hon Giải quyết nợ nần khi ly hôn thế nào? (Ảnh minh họa)

Có phải liên đới trả nợ riêng của vợ/chồng khi đã ly hôn?

Như phân tích ở trên, chỉ khi các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, phục vụ vì nhu cầu của vợ, chồng và gia đình chung… thì vợ, chồng mới phải cùng nhau trả nợ nếu sau khi ly hôn không có thỏa thuận khác.

Về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng trong việc trả nợ, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới với khoản nợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc các khoản nợ được hình thành từ các trường hợp đã nêu ở mục trên.

Do đó, để xác định vợ hoặc chồng có phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ cho người còn lại không thì phải căn cứ vào mục đích vay. Nếu thuộc các trường hợp đã nêu ở mục trên thì vợ, chồng có nghĩa vụ liên đới trả nợ với nhau dù chỉ có một người vay nợ.

Đến khi ly hôn, nghĩ vụ trả nợ của vợ, chồng sẽ không mặc định mất đi. Khi vợ, chồng có thỏa thuận sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Nếu không có thỏa thuận, dù ly hôn, vợ, chồng đang phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ này.

Xem thêm: Chồng ôm nợ về nhà, vợ có phải trả?Trên đây là quy định về việc giải quyết nợ nần khi ly hôn thế nào? Về các vấn đề khác liên quan đến tài sản vợ, chồng, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Chia tài sản khi ly hôn: Cần biết gì để không bị thiệt?

Từ khóa » Nợ Sau Ly Hôn