Vốn điều Lệ Công Ty Cổ Phần Theo Luật Doanh Nghiệp 2020

Hiện nay, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp thường được lựa chọn thành lập ở Việt Nam bởi ưu điểm của nó là phạm vi hoạt động rộng và vốn điều lệ lớn. Vốn điều lệ là một trong những thông tin được hiển thị trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, muốn đăng ký thành công loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần; cần phải nắm rõ những quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần. Vậy định nghĩa về vốn điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020 như thế nào? Hình thức và thủ tục góp vốn điều lệ ra sao? Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát nhất về vấn đề này; Luật sư X xin được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp 2020

Có thể bạn quan tâm

Quy định về giấy phép kinh doanh như thế nào?

Tải mẫu đăng ký mẫu dấu công ty

Không nộp hồ sơ khai thuế ban đầu bị phạt thế nào?

Thế nào là công ty cổ phần?

Theo Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020; công ty cổ phần là doanh nghiệp mà trong đó có:

  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Như vậy, công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt của loại hình công ty cổ phần với các loại hình doanh nghiệp khác; đó là vốn điều lệ được chia nhỏ thành các phần bằng nhau; dưới tên gọi là cổ phần.

Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?

Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn.

Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn; bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.

Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

Xác định mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần

Cá nhân; tổ chức có quyền thành lập công ty cổ phần khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành; cá nhân; tổ chức tự do quyết định mức vốn điều lệ cụ thể khi đăng ký thành lập công ty.

Cá nhân, tổ chức có thể xác định vốn điều lệ của công ty dựa trên các căn cứ sau:

  • Khả năng tài chính của mình;
  • Phạm vi, quy mô hoạt động của công ty;
  • Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập; vì vốn điều lệ của công ty để sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập
  • Dự án ký kết với đối tác…

Việc xác định vốn điều lệ còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà công ty dự định hoạt động.

Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ; thì vốn điều lệ của công ty phái đáp ứng điều kiện của pháp luật. Cụ thể như sau:

Ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định

Vốn pháp định là số vốn tối thiểu để công ty được thành lập theo quy định của nhà nước. Chỉ một số ngành nghề cụ thể nhà nước quy định vốn pháp định mới phải áp dụng.

Khi công ty đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định; thì vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó. Nhà nước không quy định mức vốn tối đa.

Ngành nghề kinh doanh yêu cầu ký quỹ

Vốn ký quỹ khi đăng ký thành lập công ty là số vốn trong vốn bắt buộc. Tuy nhiên doanh nghiệp của bạn phải có một khoản tiền ký quỹ thực tế trong ngân hàng; nhằm đảm bảo sự hoạt động của công ty.

Theo đó; khi đăng ký kinh doanh những ngành nghề yêu cầu ký quỹ thì công ty phải có tài liệu chứng minh đã ký quỹ số tiền mà pháp luật quy định.

Nhà nước quy định mức ký quỹ cụ thể đối với từng ngành nghề tại các văn bản pháp luật.

Thủ tục góp vốn điều lệ công ty cổ phần

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày; kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trừ trường hợp Điều lệ công ty; hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu; thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát; đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Nếu sau thời hạn quy định; cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:

  • Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
  • Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết; nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán. Không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
  • Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.

Hình thức góp vốn

Hình thức góp vốn điều lệ công ty cổ phần được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020.

Sau khi đăng ký thành lập công ty; thành viên có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản.

Đối với hình thức góp vốn bằng tiền mặt; thành viên có thể thực hiện góp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua phương thức chuyển khoản vào tài khoản của công ty; sau khi công ty đăng ký tài khoản tại các ngân hàng thương mại.

Đối với hình thức góp vốn bằng tài sản; thành viên công ty phải tiến hành thủ tục góp vốn bằng tài sản vào công ty theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi thường gặp

Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là gì?

Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua. ( Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020)

Thời hạn góp vốn điều lệ trong bao lâu?

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Tài sản góp vốn gồm những gì?

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam; ngoại tệ tự do chuyển đổi; vàng; quyền sử dụng đất; quyền sở hữu trí tuệ; công nghệ; bí quyết kỹ thuật; tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam (Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020)

Có được góp vốn vào công ty trong cùng tập đoàn hoặc cùng công ty mẹ không?

Theo Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì:Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vốn điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X hãy liên hệ 0833102102

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Cách Tính Vốn điều Lệ Theo Luật Doanh Nghiệp 2020