Vui Mùa Thu Hoạch Tôm Hùm - Báo Nhân Dân

TwitterFacebook

Là vật nuôi có giá trị cao, tôm hùm trở thành nguồn kinh tế chủ lực tại nhiều địa phương ven biển của Phú Yên. Riêng thị xã Sông Cầu, mỗi năm thả nuôi hơn 80 ngàn lồng, đạt sản lượng 800-1.200 tấn, được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam. Năm nay vụ tôm được mùa, đạt sản lượng cao, giá ổn định khiến hàng ngàn người nuôi tôm phấn khởi.

Năm nay thời tiết thuận lợi tôm hùm khỏe mạnh, sản lượng cao

Vui được mùa, được giá

Đang vào chính vụ thu hoạch tôm hùm, tại các vùng nuôi tôm của thị xã Sông Cầu như xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, phường Xuân Đài, Xuân Thành… nằm ven vịnh Xuân Đài những ngày này tất bật, vui nhộn hẳn lên.

Năm nay thời tiết thuận lợi, tôm nuôi lớn nhanh, bán được giá hơn các năm trước, người nuôi có lãi cao.

Đáng mừng hơn, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, toàn thị xã Sông Cầu đã dỡ bỏ lệnh cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 15/8, việc thu hoạch, mua bán tôm của người dân được thuận lợi hơn.

Có mặt tại xã Xuân Thịnh, vùng trọng điểm nuôi tôm của thị xã Sông Cầu từ sáng sớm, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương, gấp gáp của hàng trăm người từ làng trên, xóm dưới trong vụ mùa thu hoạch.

Ông Trương Hồng Phong, Trưởng thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh cho biết, một ngày làm việc của người nuôi tôm hùm ở đây bắt đầu từ phiên chợ đầu mối chuyên bán thức ăn cho tôm. Chợ chỉ họp trong thời gian từ 4 giờ rưỡi đến hơn 7 giờ sáng để người mua kịp về chế biến cho tôm ăn.

Theo ông Phong,  mỗi phiên chợ như vậy có trung bình 150 – 200 tấn thức ăn tươi sống tôm, cua, ghẹ, sò, ốc bươu vàng...và các loài cá tạp từ các tỉnh chở đến bán đến bán. Chợ hình thành từ nhiều năm nay và trở thành chợ đầu mối bán thức ăn cho tôm khắp vùng.

Cách chợ đầu mối thức ăn không xa, chỉ một rặng dừa là bãi nuôi tôm, gia đình ông Huỳnh Ngọc Hóa ở thôn Vịnh Hòa và các hộ khác trong thôn đang thu hoạch. Đối với người nuôi tôm hùm, ngày thu hoạch được xem là một ngày trọng đại trong năm, vì bao công sức, tiền của đổ ra trong 12 tháng nuôi tôm, hôm nay có một ngày thu về.

Ngoài những người trong gia đình, hôm nay ông Hóa còn huy động thêm nhiều người trong xóm hỗ trợ. Tôm hùm được nuôi xa bờ khoản 1-2 km, sâu 4-5m dưới mặt nước, được vớt lên bỏ vào từng chiếc lồng vuông nhỏ dùng ca-nô chở vào bờ.

Trên bờ, người mua đã chuẩn bị sẵn các xe đông lạnh, với đội ngũ hàng chục người để sơ chế ban đầu. Giá tôm đã được thỏa thuận từ trước và công việc thu hoạch tôm cũng diễn ra rất nhanh chóng, vui vẻ.

“Tôm sáng nay bán với giá 660 ngàn/kg, so với năm trước, tôm được giá hơn nhiều. Gia đình tôi nuôi 80 lồng tôm thịt thu hoạch đợt này chắc khoảng 5 tạ, nói chung là tôm năm nay đạt hơn, có lãi cao hơn so các năm.”Ông Huỳnh Ngọc Hóa chia sẻ.

Ông Võ Văn Thạch, người thu mua tôm ở thị xã Sông Cầu cho biết, so các năm thì việc đi lại có khó khăn hơn, nhưng nhờ Nhà nước mình đã tạo điều kiện liên kết theo chuỗi, cửa khẩu thông thương nên việc mua bán tôm cũng không bị gián đoạn. Giá thị trường xuất khẩu có tăng và ổn định hơn các năm trước.

Theo đồng chí Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, toàn xã có 941 hộ nuôi tại hai khu vực nuôi là đầm Cù Mông và Vũng Chào xã Xuân Phương.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, số lồng nuôi giảm nhiều, nếu như năm 2020 là 21.400 lồng thì năm nay chỉ còn 15.600 lồng, mỗi lồng 300 con. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn tôm giống nhập từ các nước giảm hẳn, chỉ bằng 25-30% các năm trước.

Tuy nhiên, bù lại tôm đạt sản lượng cao, giá tăng từ 50.000-100.000 đồng/kg người nuôi có lãi cao. Vụ này tôm thương phẩm chủ yếu là tôm xanh, bình quân 45 kg/lồng (các năm trước chỉ 30 kg/lồng). Toàn xã đã thu khoảng 150 tấn, đạt khoảng 35% tổng số lồng đến kỳ thu hoạch.

"Năm nay nuôi tôm không lãi thì không có năm nào lãi cả!” Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh nói.

Nói chuyện với các cụ cao niên trong xã, được biết, bốn thôn của xã Xuân Thịnh là Phú Dương, Vịnh Hòa, Từ Nham, Hòa Hiệp, do đặc thù là vùng bãi ngang, không có đất nông nghiệp để sản xuất lương thực, chỉ duy nhất một nghề chài lưới ven đầm, nhà nào cũng đông con cho nên cuộc sống khá khó khăn.

Trước đây từng có thời điểm cả làng có đến 80% số hộ nghèo. Nhiều người bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhưng con tôm hùm đã níu chân họ lại, nguồn lợi từ con tôm đã làm thay đổi cuộc sống của bao người…

Từ nguồn thu nhập ổn định, người nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn giúp bà con xóm làng cùng phát triển kinh tế. Mỗi năm, bà con tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng cho việc xây dựng giao thông nông thôn, mở rộng mạng lưới điện, xây trường học, tạo quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Trao đổi với đồng chí Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chúng tôi được biết, cho đến nay thị xã Sông Cầu vẫn được xem là "thủ phủ" tôm hùm cả nước.

Với xấp xỉ 80 ngàn lồng nuôi, nhờ điều kiện tự nhiên của mặt nước đầm Cù Mông và vịnh Xuân Ðài rất phù hợp với điều kiện sống, phát triển của con tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm ở đây phát triển mạnh, quy mô đầu tư ngày càng lớn, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân tỷ phú, những làng tỷ phú ven biển Nam Trung Bộ.

Sản lượng tôm hùm thương phẩm năm nay vào khoảng 1.200 tấn, chiếm gần 80% sản lượng của toàn tỉnh. Doanh thu từ nghề này của thị xã Sông Cầu khoảng 700 đến 800 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 hộ dân ven biển.

Nhiều vùng nghèo khó bao đời nay như Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Ðài, Xuân Thành thật sự chuyển mình chỉ trong vòng vài ba năm nhờ nuôi tôm hùm.

Em Huỳnh Ngọc Hảo và các bạn trẻ như không biết mệt khi lặn bắt tôm và vận chuyển vào bờ

Em Huỳnh Ngọc Hảo và các bạn trẻ như không biết mệt khi lặn bắt tôm và vận chuyển vào bờ

An toànvùng nuôi tôm

Đang bắt đầu vụ thu hoạch tôm hùm cũng là lúc Phú Yên xuất hiện dịch Covid-19 và lây lan nhanh trên diện rộng. Khắc phục khó khăn trong lúc toàn tỉnh đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, tại các điểm thu mua tôm hùm cũng được hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng dịch.

Như tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu tổ công tác hướng dẫn xe thu mua tôm lần lượt đi từng chiếc, xe này đầy di chuyển đi, xe khác mới tiếp tục vào.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, Phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu đợt này xuất bán hơn một tấn tôm hùm sau 8 tháng thả nuôi với giá 660 ngàn đồng/kg.

Theo bà Tuyết, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng bán được tôm, giá cả ổn định là điều mơ ước của gia đình bà cũng như nhiều người dân tại địa phương.

“Dù dịch Covid diễn biến phức tạp nhưng địa phương vẫn tạo điều kiện cho mình bán tôm. Xe mua tôm xuống từng đợt, mỗi đợt một chiếc vào. Bà con đều giữ khoảng cách 2m, nên mình yên tâm vô bán tôm.”- Bà Nguyễn Thị Tuyết -

Đồng chí Nguyễn Thành Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, Phú Yên cho biết năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên số lượng tôm hùm bị thiệt hại do bệnh sữa giảm đáng kể.

Tôm phát triển tốt, nên một ký tôm hùm thương phẩm hiện được thương lái thu mua ở mức 670 ngàn đến 700 ngàn đồng, cao hơn các năm trước. Điều quan trọng là việc tiêu thụ được tôm hùm vào lúc này giúp bà con có thêm tiền đầu tư cho vụ nuôi tiếp theo.

Theo đồng chí Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, hiện tại thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho bà con thu hoạch, đến nay đã thu hơn một nửa số lồng nuôi, với khoảng 650 tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tôm phát triển tốt, nên một ký tôm hùm thương phẩm hiện được thương lái thu mua ở mức 670 ngàn đến 700 ngàn đồng, cao hơn các năm trước.

Tôm phát triển tốt, nên một ký tôm hùm thương phẩm hiện được thương lái thu mua ở mức 670 ngàn đến 700 ngàn đồng, cao hơn các năm trước.

Hiện tại thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho bà con thu hoạch.

Hiện tại thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho bà con thu hoạch.

Năm nay người nuôi và người mua tôm chở đi bán cũng là người địa phương thị xã Sông Cầu, nên việc mua bán cũng thuận lợi, có sự chia sẻ lẫn nhau.

Chính quyền địa phương cũng chỉ đạo, hướng dẫn bà con tiến hành thu hoạch toàn bộ số lượng tôm hùm trước mùa mưa bão năm nay để tránh rủi ro thiệt hại.

Hiện nay thị xã Sông Cầu đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đang trong vụ mùa thu hoạch, nhiều phương tiện và số lượng người mua bán tập trung đông tại các điểm thu mua tôm. Do vậy, địa phương vận động, hướng dẫn mọi người bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch.

Ngoài việc bố trí thời gian cho các thương lái đưa xe đến vùng nuôi thu mua tôm một cách khoa học, hợp lý bảo đảm an toàn dịch bệnh, địa phương còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhắc nhở người dân tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Bởi an toàn cho người nuôi trồng cũng chính là cách duy trì chuỗi sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương khu vực Nam Trung bộ.

Một góc chợ thức ăn tôm hùm xã Xuân Thịnh có bảng tuyên truyền phòng chống Covid-19

Đồng chí Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho biết, thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, người nuôi tôm có khó khăn, vất vả hơn, mọi người dân phải hạn chế ra ngoài. Trong khi đó nhiều gia đình nuôi tôm số lượng nhiều, việc chăm sóc, cho tôm ăn hằng ngày khá vất vả.Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân tự giác chấp hành, nên xã vẫn duy trì được mục tiêu kép, an toàn trong dịch và đời sống sản xuất của nhân dân ổn định.

Trở về nhandan.vn

TRÌNH KẾ - XUÂN BÁCH - KHÁNH GIANG - PHAN ANH

TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » đầu Ra Tôm Hùm