Vướng Mắc Về Thời Hạn Tạm Giam Theo Thông Tư Liên Tịch 04/2018

Vướng mắc về thời hạn tạm giam theo Thông tư liên tịch 04/20183/29/2022 3:14:18 PMTạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Căn cứ, thẩm quyền và các thủ tục đối với biện pháp ngăn chặn này được quy định cụ thể Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Về thời hạn tạm giam đối với từng loại tội phạm, được quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể như sau:

Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Tuy nhiên trong thực tế không phải đối với vụ án, bị can nào cũng xác định được chính xác ngay từ khi khởi tố bị can, bị can phạm vào tội nào, điều khoản nào. Rất nhiều vụ án sau khi điều tra, xác định bị can phạm vào tội nhẹ hơn hoặc nặng hơn tội danh đã khởi tố; phạm vào điều khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn điều khoản đã khởi tố, do đó việc tạm giam cũng phải được thay đổi theo loại tội này. Do đó tại Điều 14 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Điều 14. Tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự, bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn, khởi tố, điều tra bổ sung về một tội phạm khác

1. Trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì thời hạn điều tra của vụ án và thời hạn tạm giam bị can được tính theo tội nặng nhất đã khởi tố đối với bị can. Thời hạn điều tra được tính từ ngày khởi tố vụ án đầu tiên.

2. Trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật và trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó.

3. Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất. Tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự; tổng thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng không vượt quá thời hạn điều tra.

4. Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh, thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nhẹ hơn. Ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn.

Như vậy, trong quá trình điều tra xác định bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố; phạm vào khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn khoản đã khởi tố, Thông tư 04 đã có quy định hướng dẫn về việc tính thời hạn tạm giam theo nguyên tắc: Bị can phạm vào loại tội nào thì tạm giam theo thời hạn của loại tội đó. Nếu trước đó bị can đã bị khởi tố, tạm giam theo thời hạn của tội danh nhẹ hơn, khoản nhẹ hơn mà quá trình điều tra xác định bị can phạm tội nặng hơn, khoản nặng hơn thì thời hạn tạm giam tính theo tội danh và điều khoản nặng hơn. Ngược lại nếu trước đó bị can bị khởi tố, tạm giam về tội danh, điều khoản nặng hơn nhưng quá trình điều tra xác định bị can phạm tội nhẹ hơn thì thời hạn tạm giam tính theo tội danh và điều khoản nhẹ hơn. Song trong thực tế, không có cách thức nào để “chuyển” được Lệnh tạm giam đã ban hành sang thời hạn phù hợp với tội danh, điều khoản được xác định sau đó. Chúng ta xem xét hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Ngày 01/01/2021 Nguyễn Văn A bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, A bị tạm giam thời hạn 02 tháng kể từ 01/01/2021 đến ngày 02/03/2021. Đến ngày 01/20/2021 Cơ quan điều tra xác định hành vi của A phạm vào tội Giết người, nên đã ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A. Với các Quyết định thay đổi này, thời hạn điều tra của vụ án đương nhiên được xác định là 04 tháng. Và theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04 thì thời hạn tạm giam đối với A được xác định là 04 tháng. Tuy nhiên với Lệnh tạm giam đối với A trước đó, hiện nay không có quy định nào, hay nói cách khác, không có “cơ chế” nào để thay đổi, bổ sung hoặc hủy được nó để ban hành Lệnh mới có thời hạn tương tứng với tội danh đã được thay đổi. Lệnh tạm giam này vẫn phải được thực hiện đến hết ngày 02/3/2021 và sau đó biện pháp tạm giam được tiếp tục thực hiện bằng quyết định mới và cũng chỉ có thể thực hiện bằng Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ nhất. Kể từ thời điểm này thời hạn tạm giam đối với bị can mới được xác định theo tội danh đã được thay đổi chứ phải được xác định từ thời điểm thay đổi quyết định khởi tố bị can trước đó.

Trường hợp thứ hai: Ngày 01/01/2020 Phạm Văn B bị khởi tố về hành vi Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự, B bị tạm giam thời hạn 04 tháng kể từ ngày 01/01/2020. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định B gây thương tích cho bị hại thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh nên đã thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự, thuộc loại tội ít nghiêm trọng. Thời hạn điều tra được xác định là 02 tháng. Không có căn cứ để hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với B. Cũng như trường hợp trên, pháp luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định nào được thay đổi, bổ sung hoặc hủy lệnh tạm giam cũ để ra lệnh giam mới với thời hạn tương ứng với tội danh được thay đổi. Như vậy B tiếp tục bị tạm giam thời hạn 04 tháng theo Lệnh giam cũ và thời hạn “ dư ra” của Lệnh giam này được sử dụng vào thời hạn gia hạn điều tra (nếu vụ án được gia hạn) hoặc thời hạn truy tố. Về bản chất, thời hạn tạm giam đã không “tương thích” với tội danh mà bị can bị khởi tố sau này.

Như vậy có thể thấy, mặc dù Thông tư 04 quy định việc xác định thời hạn tạm giam đối với các trường hợp quá trình điều tra xác định bị can phạm tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội phạm đã bị khởi tố theo nguyên tắc: Loại tội nào thì áp dụng thời hạn tạm giam đó. Song trên thực tế, không có quy định nào để thay thế, bổ sung Lệnh tạm giam đã ban hành trong trường hợp này, mà vẫn phải thực hiện Lệnh tạm giam đầu tiên cho đến khi hết thời hạn được ghi trong Lệnh (trừ trường hợp thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng biện pháp khác). Trường hợp bị can bị thay đổi sang tội danh (hoặc khoản) nặng hơn sau khi hết thời hạn tạm giam được ghi trong Lệnh giam, việc tạm giam tiếp theo được thực hiện bằng Quyết định gia hạn thời hạn tạm giam, thời hạn tạm giam trong Quyết định gia hạn tạm giam được xác định tương ứng với loại tội đã thay đổi. Trường hợp bị can bị thay đổi sang tội danh (hoặc khoản) nhẹ hơn thì Lệnh tạm giam ban đầu tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn gia hạn điều tra (nếu gia hạn điều tra) hoặc sử dụng tiếp trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên trong trường hợp này, nếu không cần thiết phải tạm giam, nên xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can.

Trong những năm gần đây, sau khi Thông tư 04 được ban hành và có hiệu lực, thời hạn tạm giam khi xác định bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố vẫn là một trong những quy định vẫn còn khiến các Cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng khi áp dụng. Để các quy định của Thông tư thực sự rõ nghĩa, dễ áp dụng, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có việc sơ kết, tổng kết đối với Thông tư, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn đối với một số quy định nói chung và quy định về thời hạn tạm giam nói riêng như đã phân tích ở trên./.

Bùi Thị Thảo – Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

Từ khóa » Cách Tính Lệnh Tạm Giam Của Tòa án