Xử Lý Chất Thải Không Thể Tái Chế Phát Triển Kinh Tế Tuần Hoàn Trong ...

Tận dụng ưu thế sẵn có của hệ thống lò nung với nhiệt độ cao, có khả năng tiêu hủy các chủng loại chất thải, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã chủ trương triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng. Không chỉ biến rác thải, chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, chủ trương này còn giải quyết được nhu cầu bức thiết đặt ra về bảo vệ môi trường.

Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam đang xếp thứ 5 Thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga) và là một trong những nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn. Hiện, cả nước có 87 dây chuyền sản xuất xi măng, tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có định hướng sử dụng vật liệu tái chế theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, Thành viên HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) Phạm Văn Nhận cho biết, Vicem đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh thay đổi, nắm bắt, làm chủ công nghệ, triển khai thử nghiệm và thành công trong việc đưa tro, xỉ, chất thải công nghiệp, bùn thải vào làm nguyên, nhiên liệu thay thế sản xuất xi măng, clinker.

Cụ thể, năm 2020, Vicem đã triển khai xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 nhà máy xi măng (Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải; năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét. Dự kiến năm 2022, Vicem xử lý khoảng 86.000 tấn bùn thải. Việc sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế than cám trong sản xuất cũng được Vicem triển khai tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng xử lý gần 120.000 tấn (năm 2020); hơn 200.000 tấn (năm 2021) và kế hoạch năm 2022 là khoảng 276.000 tấn.

chất thải không thể tái chế

Quá trình sản xuất, đồng xử lý chất thải, chất thải nguy hại được điều khiển từ phòng CCR.

Ngoài ra, tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện cũng đang được ngành sản xuất xi măng đẩy mạnh tái chế làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng. Năm 2021, toàn Vicem sử dụng gần 2,6 triệu tấn tro, xỉ các loại; kế hoạch năm 2022 sử dụng trên 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 11,5%...

Là đơn vị triển khai thực hiện Chương trình đồng xử lý rác thải, bùn thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (tỉnh Hà Nam) Đỗ Tiến Trình chia sẻ, sau 2 năm triển khai tại Vicem Bút Sơn, Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, năm 2020 hiệu quả từ Chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 40,12 tỷ đồng và năm 2021 là 86,99 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Nhận, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, không chỉ giảm lượng chất thải mang đi chôn lấp, xử lý; việc đốt chất thải tại lò quay xi măng còn tận dụng được tối đa lượng nhiệt từ chất thải, rác thải khi đưa vào đốt kèm theo than trong lò nung, góp phần tiết kiệm được tối đa 25 - 90% nhiên liệu là tài nguyên không tái tạo như than đá, dầu khí và 5 - 10% nguyên liệu; góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính. Tính sơ bộ mỗi năm có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/1 dây chuyền sản xuất xi măng.

chất thải không thế tái chế

Ảnh: Chất thải không thể tái chế được tiền xử lý bởi MTAC

Chương trình đồng xử lý bùn thải, rác thải trong lò nung nhà máy xi măng hướng tới mục tiêu sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế cho than cám truyền thống (gồm cả rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt) đặt mục tiêu: Giai đoạn 1 đốt rác thay thế được 20 - 25% nhiệt lượng; giai đoạn 2 thay thế được 40 - 50% nhiệt lượng; giai đoạn 3 thay thế 50 - 60% nhiệt lượng và sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế đến 30% nguyên liệu sét tự nhiên, góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo.

Nguồn: Ximang.vn

Từ khóa » Xi Măng Tái Chế được Không