Xung đột Xã Hội Và Biểu Hiện Của Nó ở Việt Nam Hiện Nay

1. Mở đầu

Xung đột xã hội là một hiện tượng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử. Lịch sử xã hội loài người, nhất là khi xã hội phân chia thành các giai cấp, luôn luôn diễn ra các cuộc xung đột xã hội. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tính chất, đặc điểm của xung đột xã hội sẽ khác nhau .

Đã có rất nhiều lý thuyết khác nhau lý giải về xung đột xã hội. Chẳng hạn, T. Parsons (1902-1979), nhà lý luận xã hội học người Mỹ, coi xung đột xã hội là căn bệnh, là sự dị thường của một xã hội lành mạnh. Kozer thì cho rằng, xung đột xã hội có chức năng tăng cường tính thích ứng của tổ chức xã hội, bảo đảm tính liên tục của xã hội (nói cách khác, Kozer thừa nhận tính tích cực của xung đột xã hội). R. Darendorf thì cho rằng, đời sống xã hội luôn có xung đột xã hội, nếu xã hội không có xung đột xã hội thì đó là điều không bình thường [7, tr.20-23]. Theo C.Mác, nguyên nhân của mọi xung đột xã hội là mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội về mặt lợi ích. Còn nhiều lý thuyết khác nữa về xung đột xã hội. Bài viết phân tích những đặc điểm cơ bản của xung đột xã hội, những biểu hiện của xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay.

2. Xung đột xã hội

Khái niệm “xung đột” được sử dụng rộng rãi với nhiều nghĩa. Trong sách báo, người ta thường nói đến xung đột ý thức hệ, xung đột kinh tế, xung đột văn hóa, xung đột tôn giáo, xung đột giao thông, xung đột môi trường, xung đột chính trị,  xung đột (không tương thích nhau) của các hệ điều hành, các phần mềm, xung đột trong tự nhiên, xung đột trong xã hội, xung đột giữa các nhóm xã hội, xung đột giữa các tổ chức xã hội, xung đột giữa các hệ thống tổ chức xã hội, chức năng xã hội, xung đột về lợi ích, xung đột về địa vị xã hội, xung đột về tâm lý xã hội [4, tr.50].

Theo “Từ điển sơ lược xã hội học”, xung đột xã hội là giai đoạn phát triển cao nhất của mâu thuẫn trong hệ thống các quan hệ giữa con người, các tập đoàn xã hội, các thiết chế xã hội, xã hội nói chung; được đặc trưng bằng sự đẩy mạnh các khuynh hướng và lợi ích đối lập nhau giữa các cộng đồng xã hội và các cá nhân với nhau. Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, xung đột là sự va chạm, đánh nhau, tranh giành giữa những nhóm người, tập đoàn người hay giữa các quốc gia, dân tộc vì những mâu thuẫn đối địch về tư tưởng, ý thức hệ, về quyền lợi vật chất, về tôn giáo, về chủng tộc hay lãnh thổ. Xung đột xã hội là hình thức đấu tranh giữa các lực lượng xã hội đối lập nhau (những tập hợp cộng đồng người hình thành một cách tự phát như dòng họ, tộc người, dân tộc, địa phương, quốc gia, giai cấp, đảng phái, hội đoàn, v.v.). Xung đột xã hội gay gắt hơn tranh chấp, ganh đua, cạnh tranh hòa bình, có thể kịch liệt đến mức vượt mọi quy tắc, pháp luật như bạo loạn, chiến tranh, v.v.. Cuốn “Từ điển xã hội học Oxford” [1] tuy không có khái niệm xung đột xã hội, nhưng lại có khái niệm xung đột công nghiệp. Theo đó, xung đột công nghiệp là mọi biểu hiện của sự bất mãn trong mối quan hệ lao động giữa công nhân và giới chủ, nhất là những bất mãn liên quan đến hợp đồng lao động [1, tr.654]. Theo “Từ điển Bách khoa Britannica”, xung đột là sự đấu tranh do những nhu cầu, xung năng, ước muốn, hoặc đòi hỏi không tương hợp hoặc đối lập nhau. Xung đột giữa cá nhân với nhau là sự tranh đấu như thế giữa hai hoặc nhiều người, trong khi xung đột bên trong là sự đấu tranh tâm lý [3, tr.3030]. Trong bài viết này, xung đột xã hội được hiểu là một tình huống xã hội hay quá trình xã hội xuất hiện khi có mâu thuẫn không thể điều hòa giữa các cá nhân, các nhóm, tầng lớp, lực lượng với nhau về lợi ích, nhận thức, văn hóa, giá trị, nhu cầu, mục đích. Theo cách hiểu này, xung đột xã hội có các đặc điểm cơ bản sau.

Thứ nhất, xung đột xã hội xuất hiện khi một trong các bên đối lập nhau có các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm ngăn trở bên kia và bên kia có hành vi đáp trả. Xung đột xã hội có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên, đột xuất, nhanh chóng kết thúc trong những tình huống hay hoàn cảnh nhất định. Xung đột xã hội cũng có thể là một quá trình xã hội kéo dài về thời gian, về không gian. Bất cứ xung đột xã hội nào cũng xuất phát từ những mâu thuẫn, nhưng xung đột chỉ xảy ra khi mâu thuẫn trở nên không thể điều hòa. Những mâu thuẫn có thể điều hòa, có thể hóa giải thì không dẫn đến xung đột xã hội. Đây là điểm để phân biệt xung đột xã hội với sự khác biệt, sự đối lập, sự bất đồng, sự cạnh tranh, sự tranh chấp, sự đấu tranh (những hiện tượng này chỉ là tiền đề của xung đột xã hội, chứ chưa phải xung đột xã hội). Xung đột xã hội xảy ra giữa các lực lượng xã hội khác nhau. Các lực lượng tham gia xung đột cản trở lẫn nhau đạt đến mục tiêu nào đó, ngăn chặn đối phương thỏa mãn nhu cầu hoặc buộc đối phương thay đổi quan điểm và khuynh hướng xã hội nhất định. Xung đột xã hội gây ra sự tổn thương cho các bên tham gia xung đột, đồng thời tác động đến đời sống xã hội nói chung. Xung đột xã hội thường gây ra những biến đổi xã hội, gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, thậm chí gây ra những cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng. Đây là sự khác biệt về bản chất của xung đột xã hội với sự cạnh tranh, sự tranh đua, sự tranh chấp (vì những hiện tượng này không thể tạo ra sự khủng hoảng xã hội).

Thứ hai, xung đột xã hội có ít nhất hai bên, (hai lực lượng) xung đột với nhau. Một số cuộc xung đột xã hội có nhiều bên cùng tham gia. Xung đột càng có nhiều lực lượng tham gia thì càng phức tạp tính về chất, quy mô, càng có phạm vi rộng và tất nhiên càng có hậu quả lớn.

Thứ ba, xung đột xã hội một mặt là hiện tượng khách quan, tất yếu, mặt khác là kết quả của hoạt động có chủ đích của con người. Theo đó, những lực lượng xã hội chủ đích tạo ra xung đột xã hội để hướng đến những mục đích và lợi ích khác nhau.

Thứ tư, xung đột xã hội có tính chất “lây lan”. Xung đột xã hội tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh, tác động đến các lực lượng xã hội khác nhau, các khu vực khác nhau. Xung đột xã hội ở khu vực này, quốc gia này có thể ảnh hưởng, kích động đến xung đột ở khu vực khác, quốc gia khác. Xung đột ở lĩnh vực này có thể tạo nên xung đột ở lĩnh vực khác.

Thứ năm, xung đột xã hội gây ra biến đổi xã hội, mất ổn định xã hội, hoặc nghiêm trọng hơn, gây ra khủng hoảng xã hội. Xung đột xã hội có tính chất hai mặt, đó là tích cực và tiêu cực. Đây cũng có thể xem là một đặc điểm nữa của xung đột xã hội. Biến đổi của xã hội do xung đột xã hội gây ra ở một phương diện này có tính tiêu cực, nhưng ở phương diện khác lại có thể là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, góp phần tạo nên sự tiến bộ xã hội. Xã hội luôn vận động không ngừng. Không có vận động thì không có phát triển. Xung đột xã hội tích cực loại bỏ cái lạc hậu, cái kém phát triển, cái lỗi thời, qua đó cái ưu trội, cái mới thắng thế và tồn tại. Trong quá trình xảy ra xung đột, có sự cạnh tranh, đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng tham gia xung đột; các lực lượng này phải tự hoàn thiện mình, củng cố tính ưu trội của mình, củng cố sức mạnh của mình. Chính quá trình này cũng  thúc đẩy xã hội phát triển. Xung đột xã hội giữa các tầng lớp, giai cấp cơ bản của xã hội thúc đẩy toàn xã hội vận động. Thông qua giải quyết xung đột xã hội, các lực lượng tham gia xung đột có điều kiện để nhận thức lại mình, điều chỉnh nhận thức, hành vi, vai trò, vị trí, các mối quan hệ xã hội của mình. Việc giải quyết xung đột xã hội có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm xã hội vận động theo hướng phát triển hơn.

Thứ sáu, xung đột xã hội có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, đó là: nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân không chủ yếu, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân kinh tế (những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, lao động, việc làm…), nguyên nhân chính trị (những mâu thuẫn về quan điểm chính trị, tư tưởng chính trị, về quyền lực chính trị, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố), nguyên nhân văn hóa (sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, quan điểm, nhận thức, tệ phân biệt chủng tộc), nguyên nhân tâm lý (stress, căng thẳng, áp lực tâm lý, khủng hoảng tâm lý, bạo lực tình dục, bất bình đẳng về giới), nguyên nhân môi trường (thiên tai, hạn hán, sóng thần, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên), nguyên nhân xã hội (bất bình đẳng xã hội, phân hóa, phân tầng xã hội). Nguyên nhân chung nhất của xung đột xã hội là mâu thuẫn không thể điều hòa về lợi ích (lợi ích theo nghĩa rộng bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích văn hóa, lợi ích tinh thần). Bên cạnh mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về văn hóa cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Đó là nguyên nhân do những khác biệt về văn hóa, lối sống, quan điểm, giá trị, tôn giáo, v.v.. Mỗi loại xung đột xã hội2 có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó mâu thuẫn không thể điều hòa về mặt lợi ích đóng vai trò như là nguyên nhân sâu xa, còn các nguyên nhân cụ thể khác đóng vai trò như những nguyên nhân trực tiếp. Xác định đúng nguyên nhân của xung đột xã hội là một yêu cầu quan trọng, bởi có xác định đúng đắn nguyên nhân của xung đột xã hội thì chúng ta mới có thể đưa ra cách giải quyết đúng đắn.

3. Biểu hiện của xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay

3.1. Nhận dạng xung đột xã hội

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội, trong đó có xung đột xã hội. Xung đột xã hội đang gia tăng ở Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực, tính chất của các xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay cũng phức tạp hơn nhiều.

Trong số các lĩnh vực của đời sống xã hội, lĩnh vực kinh tế đang xuất hiện nhiều xung đột xã hội nhất. Chẳng hạn, đó là xung đột giữa giới doanh nhân và giới công nhân (biểu hiện bằng các cuộc tranh chấp, xô xát giữa hai giới này), xung đột do tranh chấp đất đai (giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cộng đồng, nhóm người với nhau về giải tỏa, đền bù). Trong lĩnh vực xã hội, các chính sách, chế độ xã hội không hợp lý hoặc không được thực hiện một cách nghiêm túc cũng dẫn đến các cuộc xung đột xã hội. Những xung đột này thường xảy ra giữa các cá nhân, các nhóm dân cư, các nhóm xã hội với các cơ quan thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều vụ xung đột xảy ra tại các trạm thu phí BOT (ở Cai Lậy, Tiền Giang; Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Bình). Thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều xung đột trong lĩnh vực y tế (giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với bác sĩ, với cơ quan y tế). Nhiều xung đột cũng xảy ra giữa các cộng đồng dân cư (làng, xóm, dòng họ…) với các cơ quan thực thi quyền lực. Trên lĩnh vực giao thông, xung đột xảy ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn (do mật độ giao thông đông, người sử dụng phương tiện giao thông chưa có ý thức, văn hóa thấp kém của người tham gia giao thông, tình trạng tắc đường).

Trong gia đình, nhà trường có nhiều cuộc xung đột giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em. Cuộc sống nhiều áp lực, căng thẳng khiến con người dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, bị ức chế, dễ dẫn đến xung đột xã hội. Những xung đột xã hội ở cấp độ cá nhân, gia đình đang có phạm vi ngày càng mở rộng.

Trong lĩnh vực văn hóa, các xung đột diễn ra trong các lễ hội (như lễ hội đền Trần, lễ hội đền Gióng…). Những vụ việc tranh chấp, xô xát liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo không phải là ít. Xung đột trong lĩnh vực tôn giáo chủ yếu do ở nguyên nhân tranh chấp về đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự, truyền đạo trái pháp luật, vi phạm luật pháp hiện hành về tôn giáo, chứ không phải do nguyên nhân xung đột về niềm tin tôn giáo. Mặc dù có xung đột trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng ở Việt Nam không có xung đột giữa các tôn giáo với nhau, cũng không có xung đột sắc tộc - tôn giáo như ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Xung đột sắc tộc - tôn giáo đang diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Đây là một loại xung đột xã hội rất phức tạp, có thể kéo dài từ hàng chục đến hàng trăm năm. Việc giải quyết xung đột sắc tộc - tôn giáo không đơn giản, thậm chí không thể giải quyết được, do có xung đột  từ niềm tin tôn giáo.

Trong lĩnh vực môi trường cũng có xung đột xã hội. Trước đây, lĩnh vực này hầu như không có xung đột xã hội. Cụ thể, những xung đột giữa các cộng đồng dân cư với các công ty, doanh nghiệp hủy hoại môi trường sống diễn ra ngày càng nhiều. Trong thời gian tới, dưới tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các thảm họa môi trường, thảm họa do thiên tai mang lại sẽ có nhiều hơn các cuộc xung đột xã hội trong lĩnh vực môi trường.

3.2. Tính chất của xung đột xã hội

Thứ nhất, xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay (phong phú về mức độ, tính chất, phạm vi, quy mô, loại hình) đang có chiều hướng gia tăng [7, tr.88]. Ở Việt Nam có cả những xung đột có tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng (như các cuộc xung đột ở Tây Nguyên những năm 2001, 2004…). Các cuộc xung đột xã hội này mặc dù có yếu tố tộc người (như xung đột ở Tây Nguyên, xung đột ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011), nhưng không phải là xung đột sắc tộc-tôn giáo. Thời gian gần đây có nhiều xung đột mang tính chất cá nhân (xung đột giao thông, xung đột trường học, xung đột trong sản xuất, kinh doanh có chiều hướng gia tăng mạnh). Những lĩnh vực nóng dễ xảy ra xung đột xã hội là đất đai, môi trường, sắc tộc, tôn giáo… 

Thứ hai, ở Việt Nam không có xung đột chính trị3. Tuy nhiên, không phải không có các xung đột mang màu sắc chính trị hay xung đột trong lĩnh vực chính trị. Các xung đột mang màu sắc chính trị là các cuộc xung đột ở Tây Nguyên năm 2001, 2004, vì ở đó có sự tham gia của các thế lực phản động kích động, chống phá nhằm mục đích thành lập Nhà nước Đề Ga. Kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975, ở Việt Nam hầu như không có các xung đột chính trị. Đây là một đặc thù ở Việt Nam khác với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới4.

Thứ ba,những xung đột xã hội có nội dung đấu tranh, đòi hỏi về dân chủ, công khai, công bằng trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ và chống quan liêu, tham nhũng, làm sai chính sách, pháp luật của một số cán bộ trong các tổ chức Đảng, chính quyền có chiều hướng tăng [7, tr.90]. Đây cũng là một hiện tượng có tính  tất yếu. Khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, trình độ nhận thức được nâng cao, khi Nhà nước tăng cường dân chủ, đẩy mạnh dân chủ, thì người dân sẽ ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình, đòi quyền của mình, tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát xã hội, phản biện xã hội. Khi sự đòi hỏi của người dân không được giải quyết một cách thỏa đáng thì có thể dẫn tới xung đột xã hội.

Thứ tư, một số cuộc xung đột xã hội ở Việt Nam có sự tham gia, xúi giục, tổ chức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn theo đuổi chiến lược “diễn biến hòa bình”, tìm mọi cách xúi giục, kích động biểu tình, bạo loạn, tạo cớ gây xung đột xã hội để can thiệp.

3.3. Nguyên nhân dẫn đến xung đột xã hội

Thứ nhất là nguyên nhân từ sự phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế thị trường đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần xã hội. Nhưng bên cạnh đó, kinh tế thị trường cũng có những mặt trái (như lối sống thực dụng, trọng vật chất, đạo đức truyền thống, văn hóa truyền thống bị suy thoái, v.v.). Đây chính là một trong những yếu tố tạo nên những xung đột xã hội. Những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế (xuất hiện nhiều hơn với mức độ, quy mô khác nhau, tính chất khác nhau) đã dẫn đến những xung đột xã hội không thể tránh khỏi. Đây là nguyên nhân phổ biến của các xung đột xã hội ở Việt Nam thời gian gần đây.

Thứ hai là nguyên nhân từ sự biến đổi về mặt xã hội. Ở Việt Nam đã xuất hiện và gia tăng tình trạng phân hóa, phân tầng xã hội, chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội. Sự phát triển kinh tế xã hội, sự gia tăng quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã phá vỡ những cấu trúc xã hội truyền thống (như cấu trúc làng, xã, cấu trúc gia đình…) cũng là nguyên nhân gây nên xung đột xã hội. Tâm lý xã hội khủng hoảng, bức xúc xã hội, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng là nguyên nhân dẫn đến xung đột xã hội. Bên cạnh đó, lối sống thực dụng, chủ nghĩa khủng bố (từ nước ngoài ảnh hưởng vào Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế) cũng tác động không nhỏ đến lối sống của con người Việt Nam, nhất là thanh niên. Ngoài ra, những hiện tượng tự nhiên tiêu cực (như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên) cũng đang chứa đựng những mầm mống gây xung đột xã hội. Gần đây, những xung đột xã hội có nguyên nhân từ môi trường đang ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Thứ balà nguyên nhân từ hệ thống chính trị. Sự yếu kém của các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở tại một số địa phương; sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ, cả cán bộ lãnh đạo, quản lý; tình trạng chính quyền quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, làm sai, cố ý làm sai chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; cách giải quyết những đòi hỏi, bức xúc, nguyện vọng của nhân dân không hợp tình, không hợp lý, không dứt điểm; sự sai sót trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong nội bộ nhân dân; sự lợi dụng, kích động của phần tử xấu; sự bất cập trong việc thực thi pháp luật; đó là một trong những nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột xã hội ở Việt Nam thời gian qua. Một số chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, lao động, an sinh xã hội, quản lý xã hội và bảo đảm quyền lợi cho người dân chưa được đồng bộ, nhất quán, còn bất cập, chồng chéo. Điều này cũng là một nguyên nhân gây ra xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay. 

3.4. Quan điểm để phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội

Thứ nhất, cần quan tâm, làm tốt công tác ngăn chặn, phòng ngừa xung đột xã hội. Mục đích của phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội là kịp thời phát hiện những mầm mống, nguy cơ, yếu tố có thể dẫn đến xung đột xã hội để hóa giải. Trong công tác này, cần đặc biệt quan tâm, lưu ý đến các điểm nóng (về đất đai, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa…); bởi các điểm nóng này luôn ẩn chứa những mầm mống xung đột xã hội.

Thứ hai, cần phải có cách giải quyết đúng đắn xung đột xã hội theo phương hướng hòa bình, hài hòa, dựa vào pháp luật; cần hạn chế giải quyết bằng bạo lực, nhưng đồng thời cần phải có quyết tâm chính trị giải quyết dứt điểm.

Thứ ba,cần đặt việc ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội trong mối tương quan với phát triển bền vững đất nước. Muốn phát triển bền vững thì phải giải quyết tốt xung đột xã hội và ngược lại, phát triển bền vững cũng góp phần ngăn chặn, hạn chế xung đột xã hội. Trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, cần tính đến yếu tố xung đột xã hội. Nói cách khác, chính sách phát triển kinh tế - xã hội không chỉ nhằm đến tăng trưởng kinh tế, mà còn chú ý đến phương diện ổn định xã hội, hài hòa xã hội, tránh việc tạo nên những bất ổn xã hội.

Thứ tư, cần coi việc ngăn chặn, phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội là nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, của cả hệ thống chính trị. Nói cách khác, cần nhìn nhận xung đột xã hội, giải quyết xung đột xã hội trong tổng thể của quản lý phát triển xã hội nói chung. Việc ngăn chặn, phòng ngừa, giải quyết xung đột xã hội phải gắn chặt với công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, cũng như an ninh quốc phòng. Ngăn chặn và giải quyết tốt xung đột xã hội không chỉ góp phần đảm bảo an ninh xã hội, mà còn làm thất bại âm mưu “chiến lược diễn biến hòa bình” của kẻ địch. Cần lưu ý rằng, xung đột xã hội rất dễ bị các thế lực phản động lợi dụng, chính trị hóa, quốc tế hóa.

3.5. Giải pháp phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội

Thứ nhất,cần phải tìm đúng nguyên nhân, dẫn đến xung đột. Có nhiều nguyên nhân gây ra xung đột xã hội, nếu không tìm đúng nguyên nhân thì chúng ta chỉ giải quyết được “phần ngọn” và xung đột vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Điều quan trọng là, cần xác định đúng nguyên nhân căn bản, nguyên nhân chủ yếu, bởi một xung đột có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ hai, cần chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, phát huy dân chủ.

Thứ ba, cần xây dựng đồng thuận xã hội, đoàn kết xã hội. Muốn xây dựng đoàn kết và đồng thuận xã hội, một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng được các mục tiêu chung, lý tưởng chung phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân cũng như lợi ích dân tộc, lợi ích của đất nước.

Thứ tư,cần tăng cường củng cố các thiết chế truyền thống của xã hội (như gia đình, các cộng đồng làng, xã); tăng cường xây dựng các mô hình xã hội có tính đồng thuận; tăng cường chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao giáo dục đạo đức, nhân cách, văn hóa, nâng cao ý thức người dân; xây dựng, củng cố mối quan hệ cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh - em, bạn bè, cấp trên - cấp dưới.

4. Kết luận

Khi xã hội phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, thì xung đột xã hội sẽ  xuất hiện nhiều hơn. Đó là hiện tượng có tính chất tất yếu, khách quan. Xung đột xã hội ở Việt Nam đang gia tăng trên nhiều phương diện, quy mô, phạm vi, tính chất; trong đó, xung đột mang tính chất cá nhân có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh. Có thể ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế xung đột xã hội tiêu cực nếu chúng ta huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong những năm qua, công tác ngăn chặn, giải quyết xung đột xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, về cơ bản, duy trì được sự ổn định xã hội, tạo điều kiện cho phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, việc dự báo xung đột vẫn còn hạn chế. Nếu làm tốt hơn nữa công tác dự báo nguy cơ xuất hiện xung đột xã hội, chúng ta sẽ sớm giải quyết, hóa giải những mầm mống gây xung đột xã hội.

Chú thích

2 Việc phân loại xung đột xã hội cũng có thể theo các cách khác nhau. Trong đó có phân loại xung đột xã hội theo các lĩnh vực, ví dụ như xung đột kinh tế, xung đột văn hóa, xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc, xung đột môi trường, v.v..

3 Từ góc độ nghiên cứu của mình, chúng tôi cho rằng xung đột chính trị là xung đột giữa các lực lượng, đảng phái, tầng lớp… trong việc giành, giữ quyền lực chính trị.

4 Điển hình ở khu vực Đông Nam Á là Thái Lan. Trong những năm gần đây, Thái Lan liên tục xảy ra các cuộc xung đột chính trị. Các đảng cầm quyền ở đó liên tục bị lật đổ, bị thay thế. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định chính trị, xã hội của Thái Lan.

Tài liệu tham khảo

[[1]]     Từ điển xã hội học Oxford, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2012.

[2]     Nguyễn Chí Tình (2012), Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

[3]     Từ điển Bách khoa Britannica, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.

[4]     Lương Văn Úc (Chủ biên) (2009), Giáo trình xã hội học, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

[5]     Võ Khánh Vinh (2009), “Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội”, Tạp chí Triết học, số 5.

[6]     Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2010), Xung đột xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[7]     Võ Khánh Vinh, Chu Văn Tuấn (2013), Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Từ khóa » Ví Dụ Xung đột Xã Hội