Ý Tưởng Nuôi Cá Bống Mú - Chat Master

1. Ý tưởng:

Mải miết đi tìm những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông tôi phát hiện ra con cá bống mú.

Bong mu

Cá bống mú (danh pháp khoa học: Gobio gobio) là một loại cá thuộc họ cá chép sống ở môi trường nước lợ và nước mặn. Ở Việt Nam, là loài thủy sản ở vùng biển phía nam, cá phân bố dọc theo bờ biển từ Nam Trung bộ đến Hà Tiên, Phú Quốc.

Cá có kích thước vừa, thường nặng gần 1 kg/con, nhưng cũng có con nặng trên 10 kg, trung bình mỗi con nặng từ vài ba kg trở lên.

Cá bống mú có thịt ngon, dai, chắc, ngọt và bổ dưỡng, có tác dụng giải nhiệt, giàu khoáng chất như calcium, photpho, sắt, vitamin … có tác dụng bổ trung ích khí, ngừa cholesterol trong máu và nhất là tốt cho da.

Thức ăn cho bống mú trong môi trường nuôi nhốt là cá phân (một loại cá nhỏ), cá ít bị bệnh. Cá bống mú có hai loại: Cá bống mú đỏ và cá bống mú đen.

Là một loài thủy sản nuôi trồng có giá trị kinh tế ở Việt Nam, loại cá này thuộc dạng dễ nuôi nhưng quá trình chăm sóc cũng rất công phu. Ngoài thức ăn cho cá bống mú là cá phân, cứ 15 ngày là phải thay nước ao nuôi theo qui cách bơm ra ngoài khoảng phân nửa nước hiện có trong ao, rồi bơm nước mới từ bên ngoài vào ao với thể tích tương đương như vậy mới thích nghi được cho cá.

Giá cá bống mú (năm 2010) trên thị trường là 180.000 đồng/kg. Ở Bình Thuận, các hộ nuôi cá bống mú tiêu thụ trung bình 5 tấn cá tươi làm mồi nuôi cá bống mú.

Cá bống mú được chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá bống mú hấp xì dầu, cháo cá bống mú, cá bống mú chưng tương cuốn bánh tráng, cá bống mú chiên giòn, cá bống mú đỏ hấp với nấm khô và xốt rượu, cá bống mú hấp kiểu Hồng Kông, cá bống mú chưng chanh muối …

Để mô hình nuôi cá bống mú thật sự đạt hiệu quả bạn phải biết kết hợp với mô hình nuôi các con vật cung cấp thức ăn cho cá. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp bạn giảm giá thành sản phẩm, chủ động về nguồn thức ăn. Ngoài ra, để phát triển lớn mạnh bạn phải sản xuất ra được con giống, xây dựng được mạng lưới tiêu thụ rộng lớn.

Mô hình này đặc biệt thích hợp với những người sống gần biển (lợi dụng vùng nước mặn, nước lợ để làm bè, đầm nuôi cá). Nếu bạn đang thất bại với mô hình nuôi tôm nước lợ thì đừng ngần ngại chuyển đổi sang mô hình nuôi cá chẽm, cá bống mú … Ông bà ta có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo …”. Cá sinh trưởng rất nhanh, ít bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cao … Sẽ lí tưởng hơn nữa khi bạn kết hợp giữa chăn nuôi – trồng trọt – du lịch thành một cụm. Đây là một mô hình phát triển bền vững trong tương lai.

2. Hoàn cảnh khách quan:

“Cá bống mú sống ở môi trường nước lợ và mặn. Dọc theo bờ biển từ Nam Trung bộ đến Hà Tiên – Phú Quốc khá nhiều cá bống mú. Cá bống mú thường nặng chừng 1 kg/con trở lại, nhưng cũng có con nặng trên 10 kg.

Bạn có thể mua cá bống mú nhỏ từ 0,7 kg đến 1kg/con, đem về rửa sạch, đánh vảy, móc bỏ ruột, xẻ một lằn dài bên hông rồi ướp tiêu, tỏi, bột ngọt, hạt nêm … Hành tây xắt lát nhuyễn cùng với nấm mèo, bún tàu đã ngâm vừa mềm phủ trùm lên mình cá, rưới một ít dầu mè, để vào xửng hấp, chưng cách thủy. Cá chín, rưới, đổ một chung rượu vang hoặc rượu trắng vào rồi đậy nắp lại một chút. Khi nhìn thấy thịt cá trắng màu, da cá nứt ra, mùi thơm bốc lên, vớt cá ra sắp lên dĩa có lót rau cần. Phủ vài lát ớt sừng trâu xắt mỏng và ít bông ngò rí lên mặt. Đậu phộng giã nhỏ rải đều khắp đĩa cá. Cá bống mú hấp bún nấm chấm với xì dầu, nước Magi chế tương ớt rất hấp dẫn. Có thể ăn với cơm gạo dẻo hay bún hoặc bánh hỏi. Du khách sẽ ngất ngây, hít hà với vị thơm, ngọt, béo và khó quên. Tại các nhà hàng ở Bà Rịa –  Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang … Cá bống mú hấp bún nấm (một con) chừng 4 người ăn, giá khoảng 150.000 đồng.

Còn có loại cá mú biển con to từ 1,5 kg trở lên dùng để nấu cháo ăn rất “đã”. Loại cá này rất nhiều ở bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Bình Châu, Hồ Cốc. Cá mú biển được mua về rửa sạch, thái mỏng nhỏ chừng hai ngón tay, ướp tiêu, tỏi, đường, bột ngọt, trộn với hành lá sắc nhuyễn để trong tô, đĩa cho thấm. Bắc nước nấu cháo với gạo vo sạch, chừng nửa lon gạo cho 4 người ăn. Gừng băm nhuyễn để riêng. Tiêu sọ đâm giập vừa phải. Ớt sừng trâu xắt lát thật mỏng. Rau má, rau đắng, giá sống, rau ghém để riêng ngoài mâm. Cháo chín, trụng cá, chín tới đâu ăn tới đó. Rau nhúng trụng dốt dốt hay nhừ tùy ý thích. Chấm với nước mắm biển ngon hoặc muối ớt vắt chanh pha ít bột ngọt. Cháo cá mú rất ngon, ăn nóng xuất mồ hôi “giải nghễ” rất tốt cho sức khỏe. Một cái lẩu cháo giá từ 60.000 – 120.000 đồng cho 4 người ăn”.

……………………..

“KTNT – Khi đất ruộng nằm trong vùng bị nhiễm phèn, mặn, trồng lúa cho năng suất thấp, có lúc anh đã muốn buông xuôi. Nhưng khi có cơ hội, dù là mong manh, anh sẵn sàng trải nghiệm để tìm ra lối thoát cho đồng đất quê mình và đã thành công với mô hình nuôi cá bống mú. Đó là anh Vương Thành Dũng, ngụ tại ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên (thị xã Hà Tiên – Kiên Giang).

Hôm chúng tôi đến, anh Dũng đang hì hục đặt máy bơm nước trong vuông ao để chuẩn bị thả nuôi cá bống mú đợt 2. Anh cho biết, gia đình có 4.700 m2 đất bị nhiễm phèn, trồng lúa, lúa cho năng suất thấp và rất bấp bênh. Thấy đồng đất khó khăn như vậy, bao lần anh định bỏ hoang, tìm việc khác để mưu sinh. Năm 1998, thấy một số nơi bà con thả nuôi tôm sú đạt hiệu quả, anh cũng bắt chước làm theo nhưng đều thất bại.

Một thời gian dài anh luôn trăn trở không biết bằng cách nào để ruộng tôm này lột xác. Năm 2007, có người bà con ở xã Bình An (Kiên Lương – Kiên Giang) mách nên nuôi cá bống mú, anh Dũng bèn thử nghiệm. Đầu tiên anh thuê người đào 5 ao, mỗi ao dài 78m. Sau khi xử lí nước xong, anh bắt đầu đi đặt hàng các ngư dân trên địa bàn, nếu bắt được cá bống mú con thì bao nhiêu anh cũng mua. Do cá con không đồng đều nên anh chia ra nhiều ao để tiện việc chăm sóc, theo dõi tình hình sinh trưởng của cá.

Tính từ ngày đầu thả nuôi đến khi thu hoạch là 10 tháng. Mặc dù loại cá này thuộc dạng dễ nuôi nhưng quá trình chăm sóc cũng rất công phu. Ngoài thức ăn cho bống mú là cá phân (cá nhỏ), cứ 15 ngày phải thay nước ao nuôi một lần theo qui cách: Bơm ra ngoài khoảng phân nửa nước hiện có trong ao, rồi bơm nước mới từ bên ngoài vào với thể tích tương đương như vậy. Sau 10 tháng thả nuôi, anh Dũng đã thu hoạch mấy ao cá bống mú trước sự ngỡ ngàng của bà con. Với tổng số 5 ao thả nuôi, anh Dũng thu được 1,7 tấn, sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng. “Đầu tháng 9 tới, tôi tiếp tục thả nuôi đợt 2, nếu bà con trên địa bàn muốn chuyển đổi nuôi cá bống mú, tôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm”, anh Dũng bộc bạch”.

…………………….

“(VTV Cần Thơ) – Đẩy mạnh nghiên cứu và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mới trong nuôi trồng thủy sản đang là mục tiêu được ngành nông nghiệp tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thực hiện. Việc làm này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn làm đa dạng, phong phú các mô hình sản xuất trong nông nghiệp. Trong chuyên mục Nông dân thời hội nhập sáng nay, nhóm phóng viên Miền Tây ngày mới xin giới thiệu đến qúi khán giả “Mô hình nuôi cá bống mú” tại tỉnh Bạc Liêu – một trong những mô hình sản xuất mới đang được ngành nông nghiệp địa phương này tích cực nhân rộng cho nông dân cùng thực hiện.

Tác giả của mô hình nuôi cá bống mú là kĩ sư Long Văn Nghĩa Trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Năm 2004, xuất phát từ đề tài tốt nghiệp của người bạn về “Nuôi thử nghiệm cá bống mú thương phẩm trong ao đất”, anh Nghĩa đã nảy sinh ra ý định áp dụng thử nghiệm vào thực tế. Bằng kinh nghiệm của một kĩ sư nhiều năm trong nghề, cộng thêm kiến thức học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, anh Nghĩa đã bắt tay vào thực hiện mô hình dễ dàng. Nhờ nắm vững kĩ thuật nuôi từ cách chọn giống, xử lí nguồn nước, thức ăn … đã giúp cá tăng trọng nhanh, phát triển tốt. Do đó, từ diện tích thả nuôi ban đầu chưa đến 0,5 ha, giờ đã lên gần 6 ha. Theo anh nghĩa, mô hình này rất dễ thực hiện nhất là đối những hộ nuôi tôm.

Đối với cá bống mú khâu chăm sóc quan trọng nhất là giữ nước sạch, thường xuyên thay nước cho ao. Là loại cá vốn thích ứng nước mặn, nên rất thuận lợi với điều kiện của nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp tại đây. Ngoài ra, nguồn thức ăn của cá bống mú là cá phi cũng rất dễ kiếm. Mau lớn, ít dịch bệnh là điểm nổi bật của loại cá này. Đặc biệt, giá thành của nó luôn giữ ở mức cao từ 250.000 – 300.000 đồng/ kg. Thấy mô hình dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế anh Nghĩa đã mạnh dạn nhân rộng cho bà con trong tỉnh.

Thông qua mô hình nuôi cá bống mú trừ chi phí mỗi năm trung bình kĩ sư Long Văn Nghĩa thu lãi gần 200 triệu đồng/1 ha. Năng suất, chất lượng cá đã đạt được và đầu ra cho sản phẩm cũng được người kĩ sư này tính đến. Đó là việc làm rất cần thiết, nhằm giúp người nông dân vừa có một mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao vừa phát triển theo hướng bền vững. Việc mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng mô hình nuôi cá bống mú của kĩ sư Long Văn Nghĩa sẽ giúp bà con có thêm sự chọn lựa khi đầu tư nuôi thuỷ sản, chứ không chỉ chú trọng vào con tôm như trong suốt thời gian qua”.

…………………….

“Ông vua bống mú

10 năm trước, chỉ mình ông Mười Nhật mua cá bống mú con làm bè thả nuôi, ai cũng lắc đầu bảo dở hơi và chờ ông thất bại. Hôm nay, dân đảo gọi ông là “Vua cá bống mú” khi nghề nuôi cá bống mú bè do ông khởi xướng là một trong những thế mạnh kinh tế của đảo Phú Quý.

Cả bao đời nay dân đảo Phú Quý không có khái niệm nuôi cá, cả vùng ngư trường rộng lớn đánh bắt quanh năm đủ các loại sản vật từ biển. Những loại cá ngư dân đánh bắt được, cá lớn bán giá cao hoặc xuất đi nước ngoài, cá nhỏ giá rẻ mạt hoặc chỉ để làm mắm. Đời sống dân đi bạn xem ra cũng khá bấp bênh, tuỳ thuộc vào con nước, nguồn cá. Dân nghèo theo nghề biển làm công cũng chỉ đủ ăn, không có của dư của để. Nhưng từ khi có mô hình nuôi cá bống mú bè do ông Mười Nhật khởi xướng, dân đi bạn nay đã có cơ hội đổi đời, trở thành tỉ phú nhờ vào nghề nuôi cá bống mú.

Nhờ một lần thất nghiệp

Đến đảo Phú Quý, hỏi cá bống mú ai cũng nhắc tên ông Mười Nhật – người được gọi là ông vua cá bống mú của huyện đảo. Ông Mười kể chuyện làm “vua” của mình: “17 tuổi, tui theo ghe đi bạn đánh bắt xa bờ. Đến năm 86, tui cùng 20 bạn đi 2 chiếc ghe sang Philippines câu cá mập thì bị bắt. Hai chiếc ghe bị tịch thu, tui cùng 20 bạn bị nhốt một năm sau mới được thả. Hồi ở trại, mỗi sáng ra tập thể dục trên cầu thấy dưới xa người ta vây lưới, cắm cọc, biết làm vậy nuôi cá chứ không biết đó là cá gì. Về Việt Nam, tay trắng, tui ra hòn Tranh theo hợp tác xã chăn nuôi heo bò và làm rẫy đúng một năm, HTX giải thể, thất nghiệp, đi lang thang ra bãi, gặp bè cá do người Hồng Kông làm chủ, chuyên gom cá mú của dân biển về thả vô bè chờ xuất sang Trung Quốc. Nhớ lại chuyện nuôi cá bên Phi, thấy tận mắt cái bè, trong đầu nảy sinh chuyện đóng bè nuôi cá”.

Từ lúc nảy sinh ý tưởng, ông lập dự án, ôm mớ giấy tờ xin vay vốn, xin phép nuôi cá, chẳng ngân hàng nào dám cho vay, chẳng cơ quan nào chấp thuận chuyện ông nuôi cá. Mất gần một năm trời, giấy phép nuôi cá được cấp. Ông gom sạch vốn liếng, làm một bè 4 ô diện tích 3 x 3 m thả cá ở bãi biển Lạch Dù xã Tam Thanh. Khi đó, cá bống mú lớn 600g trở lên bán cho lái Hồng Kông, 300 –  400g bán lại cho dân đảo ăn với giá rẻ. Ông Mười Nhật đứng ra thu gom bống mú nhỏ, thả vào 4 ô của bè mình nuôi. Vừa nuôi vừa thử nghiệm, rút tỉa kinh nghiệm dần dần.

Dân đi bạn thấy ông Mười nuôi cá thành công, lại không bán cá con cho ông nữa, mà gửi nuôi giùm, cá lớn bán, ông Mười hưởng 10% số tiền thu được. Vốn tính thoải mái, ông Mười kiêm luôn dịch vụ này, và mỗi năm, số ô trên bè cá dần nới rộng. Những ngư phủ gửi cá bống mú con bắt được cho ông nuôi, khi bán có lời cũng ra lập bè nuôi riêng. Mười năm trước, mình ông Mười Nhật một bè 4 ô, nay bè đó lên 47 ô, cả đảo Phú Quý có 68 bè nuôi cá bống mú như thế với diện tích hơn 14 hecta. Đa phần các chủ bè đều có khởi đầu từ bè ông Mười Nhật. Thời ông Mười, vay vốn ngân hàng nuôi cá bống mú, không ai cho. Bây giờ, ngân hàng đến gõ cửa ngư dân mong họ vay vốn nuôi cá bống mú. Nhiều ngư dân nghèo, nay đã có bè cá riêng, có của ăn của để, mua được đất xây nhà, cuộc sống dần đi lên. Ngay cả những ngư dân Trung Quốc cũng sang thăm bè cá của ông Mười Nhật học theo mô hình này.

Đổi đời

Mỗi hộ dân nghèo trên đảo muốn nuôi cá bống mú, đến ngân hàng vay vốn mỗi người thấp nhất cũng 100 triệu để mua con giống, thuê bè cá để nuôi. Chú Chừ – ngư dân xã Long Hải theo nghề biển từ nhỏ, nhưng mãi vẫn không khá nổi – khi thấy mô hình cá bống mú bè phát triển, chú mạnh dạn đi vay 100 triệu, mướn ô trên bè chú Mười Nhật nuôi cá. Giờ đã xây được nhà mới, mua đất xây nhà cho con, tuy chưa đủ vốn lập bè cá riêng nhưng cuộc sống cũng đã khá lên rõ rệt. Cứ 100 triệu vốn, mỗi năm người nuôi cá bống mú bè ở Phú Quý thu lãi từ 20 – 30 triệu đồng.

Mỗi ô nuôi cá bống mú trên bè, thả được khoảng 350 con bống mú giống sau 18 tháng nuôi thì thu hoạch, trừ hết đi các chi phí người nuôi thu lại tối thiểu từ 5 – 6 triệu đồng. Nói như chú Mười Nhật: “Dân đảo đâu ai nuôi cá có một ô, ai cũng vài ô đến vài chục ô, tui mà đủ vốn, tui làm 100 ô luôn”. Nuôi cá bống mú bè ở đây chủ yếu hai loại: Cá mú đỏ, và mú đen. Nhờ rặng san hô bao quanh, cả khu vực nuôi cá bống mú bè ở xã Tam Thanh có nguồn nước rất tốt, cá ít bị bệnh, được sống trong môi trường thiên nhiên, ăn thức ăn thiên nhiên là các loại cá do ngư dân quanh vùng đánh bắt về. Nhờ vậy chất lượng cá bống mú ở đây không khác gì cá đánh bắt trong môi trường tự nhiên. Nguồn cá cung cấp cho thị trường đều đặn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc với giá 160 nghìn đ/kg. Trong 9 tháng đầu năm, Phú Quý đã xuất được 192,5 tấn cá mú cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Chú Mười Nhật năm nay đã 64 tuổi, đứng trước bè cá mừng ra mặt nói: “Đâu có ngờ hồi tui liều nuôi đại, giờ thành công không chỉ cho tui mà cho nhiều bà con dân đảo nữa”. Nuôi cá bống mú bè trong môi trường biển ở Phú Quý khá dễ dàng, thả cá giống, rồi ngày ngày theo bữa lấy cá tươi, dùng kéo cắt cho cá bống mú ăn. Một đặc điểm nhận dạng người nuôi cá bống mú trên đảo là vết chai ở ngón tay cái do cầm kéo cắt cá mỗi ngày tạo nên. Việc chăm sóc cá đơn giản, không mất nhiều thời gian, không mất công coi sóc. Hôm ra thăm bè cá, ông Mười Nhật chỉ cho thấy nhiều bè cá bạc tỉ, vắng không bóng người. Ông Mười Nhật bảo: “Trên đảo không có chuyện trộm cắp, cứ thả cá đó, đến bữa ra cho ăn, chờ ngày cá lớn là xuất…”.

Thế mạnh của đảo Phú Quý là loại cá mú chấm đỏ. Đây là loại cá xem như hàng độc chỉ có Phú Quý mới có. Mỗi con giống, dân đi bạn đánh bắt được 50g bán cho bè cá với giá 100 nghìn. Khi nuôi lớn, con cá bán với giá 450 nghìn đ/kg.

Mỗi ngày, làng bè tiêu thụ trung bình 5 tấn cá tươi làm mồi nuôi cá bống mú. Nguồn cá từ bạn chài Bình Thuận, Phan Thiết, Phú Quý, Hàm Tân, Vũng Tàu, Quảng Nam … cung cấp. Các loại cá nhỏ làm mắm trước chỉ một nghìn đ/kg, nay đã lên đến 6 nghìn đ/kg. Ngư dân được lợi, người nuôi cá cũng vui vì có nguồn thực phẩm tươi sống cho cá”.

Kết luận: Rõ ràng đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những người sống ven biển, vùng ngập mặn. Không có điều gì khó nếu bạn chịu học hỏi thì sẽ làm được. Có bất cứ thắc mắc nào về mô hình này vui lòng liên hệ tác giả để biết thêm chi tiết.

3. Điều kiện cần và đủ:

Sau đây là những điều kiện tối thiểu cần và đủ để bạn có thể thực hiện thành công ý tưởng này:

+ Bạn cần có vốn khoảng 150 triệu VND và một diện tích mặt nước lợ/mặn để khởi nghiệp. Số vốn này bạn sẽ dùng để tạo dựng cơ sở hạ tầng để nuôi cá, mua cá giống …; lập trang web, quảng cáo, giao dịch …

+ Bạn phải nắm được kĩ thuật phát triển mô hình này.

+ Bạn phải kiên nhẫn đủ để theo đuổi ý tưởng.

+ Bạn phải am hiểu về internet, thiết kế web, logo, slogan, banner và có khiếu chọn hình ảnh, viết bài đăng trên web.

+ Bạn phải là người có khiếu giao tiếp, chịu khó …

+ Bạn phải là người cầu tiến, chu toàn, quản lí chặt chẽ tiền bạc …

4. Khó khăn và thuận lợi:

Kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng có khó khăn và thuận lợi, nếu như bạn cảm thấy mình không thể vượt qua những khó khăn liệt kê dưới đây thì tốt nhất không nên chọn thực hiện ý tưởng này. Sau đây là một số khó khăn và thuận lợi điển hình khi bạn quyết định theo đuổi ý tưởng này:

Khó khăn:

+ Về kĩ thuật phát triển mô hình: Khi nghĩ ra ý tưởng tác giả đã nghĩ ra kĩ thuật phát triển mô hình để thành công, do đó bạn nên liên hệ với tác giả để biết cách thực hiện.

+ Về việc lập web: Nhiều người cứ cho rằng lập web không có gì khó, thật ra để có một trang web thú vị lôi cuốn khách hàng là điều không hề dễ dàng. Ngoài cách trình bày, chọn lọc hình ảnh, nội dung … thì khó khăn nhất chính là viết bài. Người quản lí web phải viết bài sao cho thật hay, ý nghĩa, phù hợp tâm lí người đọc, đúng đắn, thiết thực … Bạn phải biết rằng đối tượng khách hàng của bạn là ai để khi viết bài bạn phải nêu bật lí do tại sao họ nên chọn sản phẩm, dịch vụ của bạn. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó đối với những ai không có khiếu văn chương.

+ Về việc quản lí tiền bạc: Để làm nên sản nghiệp lớn bạn phải học cách quản lí chặt chẽ tiền bạc, đây là một yêu cầu không thể thiếu ở người làm giàu.

+ Về việc tuyển dụng, quản lí nhân sự: Đừng coi thường tính chuyên nghiệp ngay từ đầu. Nhân viên phải có những đức tính giống người chủ, phải được huấn luyện đầy đủ và chấp hành nội qui làm việc … Đối với những bạn đã từng đứng ở cương vị quản lí có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ nhân sự thì không nói làm gì, nhưng đối với những bạn mới ra đời sẽ rất lúng túng. Cái gì cũng phải học, rèn luyện từ từ, nếu có quyết tâm thì bạn sẽ làm tốt thôi.

Thuận lợi:

+ Đây là một ý tưởng kinh doanh khả thi, thiết thực.

+ Rủi ro thấp.

+ Nhu cầu nhiều, lợi nhuận cao.

+ Qui mô phát triển rộng lớn.

+ Thị trường tiềm năng.

+ Hợp xu thế phát triển.

5. Cách thức chuẩn bị và thực hiện:

Liên hệ Chat Master Club qua địa chỉ E-mail bên dưới để được hướng dẫn cụ thể:

chatmasterclub@yahoo.com

6. Duy trì và phát triển:

Liên hệ Chat Master Club qua địa chỉ E-mail bên dưới để được hướng dẫn cụ thể:

chatmasterclub@yahoo.com

Chat Master Club

17/01/2013

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thức ăn Nuôi Cá Bống Mú