037 | Trục Nhật Phi

Trục nhật phi

Hiếu sự lưu giữ những entry trên blog 360 của Cao Tự Thanh tiên sinh
  • Home
  • About
RSS Tag Archives: 037

Từ nguyên 2

06 Mar

Ngoài mảng từ Việt Hán được tiếp nhận qua con đường văn tự, tiếng Việt còn có một mảng từ vựng được tiếp nhận qua con đường khẩu ngữ mà ở đây gọi là mảng từ Hoa Hán được Việt hóa. Trên tất cả các phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách, mảng từ này đều có những khác biệt với mảng từ Việt Hán đồng thời hiện ra trong tiếng Việt như một hệ thống phức thể song ngữ và song văn hóa vô cùng phức tạp, tình hình này thể hiện đặc biệt rõ nét trong tiếng Việt trên địa bàn từ Quảng Nam vào phía nam mà nhất là trong phương ngữ Nam Bộ. Cùng với hệ công cụ – kỹ thuật và phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… của các nhóm di dân người Hoa du nhập vào Nam Bộ từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, hệ thống này đã thật sự là một yếu tố góp phần vào việc xác lập diện mạo văn hóa của cộng đồng Việt Nam ở Nam Bộ, còn trong phạm vi ngôn ngữ – phương ngữ nếu chưa nghiên cứu về mảng từ Hoa Hán được Việt hóa này thì chưa thể coi là có hiểu biết có hệ thống về lịch sử tiếng Việt ở địa phương. Chẳng hạn sự du nhập cách đọc theo Minh âm, Thanh âm đã đưa tới việc đọc chệch so với Đường âm ở các cặp từ Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ mà trước nay nhiều người vẫn ngộ nhận là do kiêng húy các vua chúa (xem thêm entry a02), hay chính vì trong một số trường hợp ranh giới Việt Hán – Hoa Hán được Việt hóa bị xóa nhòa mà trong một thời gian dài người ta đã đọc lầm tên nữ diễn viên Hương Cảng Trịnh Bội Bội thành Trịnh Phối Phối. Những điều nói trên cho thấy một phần nguy cơ đang đe dọa sự phát triển của tiếng Việt, bởi vì việc không nắm vững tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán và Hoa Hán được Việt hóa luôn luôn là mảnh đất dọn sẵn cho thói vọng ngoại về cả tư duy lẫn ngôn ngữ, mặt khác sự hạn chế về phương tiện ngôn ngữ như vậy cũng dẽ khiến người ra khó tiếp cận được rồi từ đó chán ngán, thậm chí quay lưng với các giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nhiều năm qua tôi đã để ý tìm hiểu mảng từ Hoa Hán được Việt hóa trong phương ngữ Nam Bộ, nhưng về mặt từ nguyên cũng chỉ mới công bố được vài bài viết nhỏ chưa thành hệ thống. Bởi vì trong phương ngữ Nam Bộ mảng từ Hoa Hán được Việt hóa chiếm một tỷ lệ khá lớn, nhưng phát triển một cách tự phát trong môi trường ngữ âm tiếng Việt, chúng đã ít nhiều bị biến dạng tới mức có nhiều từ gần như không thể phục nguyên. Sau đây là trích từ một bảng tra nguồn gốc, ý nghĩa một số từ Hoa Hán được Việt hóa trong phương ngữ Nam Bộ mà tôi đang thực hiện, trước là để mọi người giải trí, sau cũng là để nhân dịp này nhận được sự chỉ chính của các bậc thức giả gần xa.

客 住Các chú: âm Việt Hán là khách trú, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, chỉ những người Hoa qua Việt Nam sinh sống nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc, được quản lý theo các quy chế hành chính và tư pháp riêng. Có lẽ vì cái âm chú này mà người Việt ở Nam Bộ trước kia thường gọi đàn ông người Hoa là chú Ba hay chú Ba Tàu, từ đó cũng gọi chung phụ nữ người Hoa bằng từ xẩm theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông (âm Việt Hán là thẩm, nghĩa là thím).

Từ khách nói trên nếu đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu là chệt, Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị ghi âm từ này bằng mã chữ Hán chiết (bẻ).

Cắc: âm Việt Hán là giác, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, chỉ một phần mười của một đồng. Tiền tệ Việt Nam thời Nguyễn có đơn vị là quan, gồm 600 hoặc 360 tiền (tiền kẽm) theo hệ đếm 12 chứ không phải là đồng và cắc (miền Trung gọi là giác, miền Bắc gọi là hào) theo hệ đếm 10 như dưới thời Pháp thuộc. Nhưng theo Quốc tệ điều lệ của nhà Thanh thì thời gian này ở Trung Hoa có ba loại tiền bằng bạc, đồng và kẽm, đều lấy bạc làm chuẩn, đổi ngang được 6 tiền 4 phân 8 ly bạc ròng gọi là một viên, trong đó ngân viên (tiền bằng bạc) có bốn hạng một viên, nửa viên, hai giác và một giác, cứ một ngân viên ăn mười ngân giác. Do quan hệ mua bán giữa hai nước mà đồng ngân viên của Trung Hoa đã du nhập vào Gia Định từ đầu thế kỷ XIX cùng với tên gọi như trên. Bài Văn đĩ tế chệc ngụy bằng chữ Nôm sau 1835 của một tác giả khuyết danh ở Gia Định thác lời một gái thanh lâu than khóc để mỉa mai các khách thương người Hoa tham gia cuộc binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi có câu “Thiếp dầu một cắc cũng nên hai cắc cũng nên, coi nhau bằng ngọc; Hia có năm tiền cũng vậy ba tiền cũng vậy, trọng nghĩa như vàng” đã có chữ cắc này.

Chẩu: âm Việt Hán là chửu hay trửu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là khuỷu tay, trong phương ngữ Nam Bộ từ này biến âm thành chỏ. 咒 夭 Chù ẻo: âm Việt Hán là chú yểu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là rủa cho chết non chết sớm, trong phương ngữ Nam Bộ từ này biến âm thành trù ẻo.

一 流Dách lầu: âm Việt Hán là nhất lưu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là hạng nhấ t, loại một. Người Nam Bộ trước đây hay khen ngợi bằng từ số dách (tính ra là hạng nhất – số đây vốn là động từ chứ không phải danh từ) cũng chính là theo ý nghĩa này.

Ếm: âm Việt Hán là yểm, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, có nghĩa là nằm mơ thấy bị bóng đè, cũng có nghĩa là dùng tà thuật làm hại tính mạng người ta. Ghe: âm Việt Hán là kha hay ca, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, chỉ một loại thuyền vận tải lớn ở Hoa Nam, có lẽ đã theo chân các di thần phản Thanh phục Minh du nhập vào Nam Bộ thế kỷ XVIII với tên gọi như trên. Cần nói thêm là trong phương ngữ Nam Bộ có từ ghe chài nhưng không mang ý nghĩa làm nghề chài lưới như thuyền chài mà là “ghe manh chở” (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quấc âm tự vị), xem ra có thể từ chài ở đây là biến âm của từ tải (chở) mà âm Hoa Hán giọng Quan thoại đọc là zài.

蝦 餃 – 水 餃 – 臘 腸 – 扠燒Há cảo, sủi cảo, lạp xưởng, xá xíu: âm Việt Hán là hà giảo, thủy giảo, lạp trường, xoa thiêu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Giảo chỉ chung bánh nhân thịt vo viên hấp lên, hà là tôm, hà giảo là bánh nhân thịt tôm xay. Thủy giảo lại chỉ thịt vo viên dùng với nước, có khác với hà giảo về từ pháp (tương tự người Việt nói Ăn cơm với cá kho – Ăn cơm với cá bống, thì cá kho nhấn mạnh cách chế biến, cá bống nhấn mạnh cái được chế biến, cá kho và cá bống nằm trên hai trường ngữ nghĩa khác nhau vì từ pháp khác nhau). Lạp là thịt muối nói chung (người Hoa ở Nam Bộ có món thịt vịt ướp muối cũng gọi là vịt lạp), trường là ruột, lạp trường tức ruột heo nhồi thịt muối. Xoa là cái xiên, thiêu là nướng, xoa thiêu là (thịt heo) xiên đem nướng.

Thực đơn gốc Hoa của cư dân Nam Bộ rất phong phú, trong đó phổ biến nhất có hủ tíu, mì hoành thánh (vằn thắn), bánh màn thầu, xá xíu vân vân, đi tìm từ nguyên của tất cả những từ này là một chuyện khó khăn, nhất là chúng đều ít nhiều thay đổi âm đọc theo thời gian. Nói thật tôi định tổ chức một tháng ẩm thực Việt Hoa, la cà qua các quán ăn nhà hàng của người Hoa trong thành phố để chép lại thực đơn mang về nghiên cứu cho có hệ thống mà chưa có mánh, các võng hữu thông cảm.

幸 – Hên, xui: âm Việt Hán là hạnh và tai, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là may và rủi. Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi sai từ hên bằng mã chữ Hán hưng (hưng thịnh), nên có người nghiên cứu phương ngữ Nam Bộ nhưng không biết chữ Hán và tiếng Hoa đã suy diễn hên xui là hưng suy! Trong phương ngữ Bắc từ xui này biến âm thành xúi, như xúi quẩy (tai quỷ).

Hù: âm Việt Hán là hao, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa đen là tiếng cọp gầm rống, dùng chỉ việc thị uy, dọa nạt. Từ này trong phương ngữ Nam Bộ có ý nghĩa tương đương với dọa trong phương ngữ Bắc.

Ké: âm Việt Hán là ký, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là gởi gắm, nhờ vả. Nhưng ké trong phương ngữ Nam Bộ là một từ độc lập, có thể dùng để tạo từ nên phải tuân thủ ngữ pháp tiếng Việt như ăn ké, ngủ ké, khác với ký trong mảng từ Việt Hán theo ngữ pháp Hán ngữ như ký sinh, ký túc xá. Điều này cũng xảy ra ở tất cả các từ đơn âm khác trong mảng từ Hoa Hán du nhập vào tiếng Việt, ví dụ tiếng Việt có tiệm rượu, tiệm cơm, tiệm đây tức điếm (quán bán hàng) trong Hán ngữ đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa lả hoàn toàn giống như quán rượu, quán cơm trong phương ngữ Bắc.

利 巿 Lì xì: âm Việt Hán là lợi thị, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa đen là Buôn bán có lời, là lời chúc tụng buôn may bán đắt, kèm theo một tờ giấy bạc mới tặng biếu nhau trong dịp đầu năm, tiền ấy được gọi là tiền lì xì. Đây là một phong tục của cư dân thương nghiệp Hoa Nam, có lẽ được du nhập vào Nam Bộ từ thế kỷ XVIII.

馬 刀 Mã tấu: âm Việt Hán là mã đao, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là đao đi ngựa, chỉ loại đao chuôi ngắn cài bên yên ngựa dùng để chặt cành lá lúc đi rừng. Mánh: âm Việt Hán là văn, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là đồng tiền, sau mở rộng chỉ tiền bạc nói chung. Chạy mánh trong phương ngữ Nam Bộ trước kia chỉ có ý nghĩa như chạy tiền trong phương ngữ Bắc, nhưng rủi ro là từ mánh gốc Hoa này lại đồng âm với mánh (lới) trong tiếng Việt, nên dần dần từ chạy mánh đã mang một ý nghĩa ít nhiều thiếu lương thiện.

飲 酒Nhẩm chẩu: âm Việt Hán là ẩm tửu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, có nghĩa là uống rượu. Có lẽ qua quá trình phát triển trong môi trường ngữ âm lè nhè của đám bợm rượu người Việt, nhẩm chẩu đã bị chập và biến dạng (nh+ẩm+ch+ẩu = nh+ẩu) đồng thời rớt dấu giọng (thanh điệu) thành nhậu. Cùng với sự giao lưu ngôn ngữ sau tháng 4. 1975 và nhất là sự phát triển kinh tế xã hội trong đó có văn hóa ẩm thực Việt Nam từ thời mở cửa, từ nhậu này đã vượt khỏi giới hạn địa phương vốn có mà bước vào kho từ vựng của tiếng Việt toàn dân.

Quá: âm Việt Hán là ngã, đây là theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu, còn nếu theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông thì là ngộ, là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít. Trong các văn bản chữ Nôm Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chữ này thường được ghi âm đơn thuần là Quá hay Hóa, nhưng Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895 – 1896 đã ghi bằng mã chữ Qua (ngọn giáo), phần giải thích bằng chữ quốc ngữ latinh cũng ghi là Qua, rõ ràng vào tiếng Việt từ này đã thay đổi về thanh điệu. Bài thơ Ngồi trăng của Nguyễn Văn Lạc tức Học Lạc mở đầu bằng câu “Quá An Nam lứ các chú”, tự xưng là quá mà gọi đối phương là lứ, theo đó đủ biết người Hoa đánh bạc bị bắt đóng trăng chung với ông là một người Triều Châu.

Có một câu chuyện bịa ra để cười liên quan tới từ qua này, đại thể một ông già phân trần với người hàng xóm về việc lỡ hẹn không tới nhậu như đã hứa rằng “Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua tại vì con Qua là cháu ngoại qua nó về chơi thành qua không qua được”. Cái tràng qua qua nghe ù cả tai ấy có tất cả bốn từ qua khác nhau, một là qua đại từ nhân xưng gốc Triều Châu nói trên, một là qua tính từ trong hôm qua, một là qua động từ, một là Hoa danh từ bị biến âm thành Qua theo ngữ âm Nam Bộ trước kia…

歲 家 Sui gia: âm Việt Hán là tuế gia, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, chỉ nhà thông gia.

打 火Tá hỏa: âm Việt Hán là đả hỏa, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông và biến thanh tả thành tá theo tập quán phát âm của nguời Hoa. Từ này có hai nghĩa, một là đánh lửa, như đả hỏa cơ (máy đánh lửa, tức cái bật lửa), hai là thấy nháng lửa, tức bị ngã hay bị đánh trúng đầu trúng mặt choáng váng, phương ngữ Bắc gọi là nổ đom đóm mắt.

Tẩu: âm Việt Hán là đẩu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, tức yên đẩu, nghĩa là cái ống điếu hút thuốc (ống vố).

Xài: âm Việt Hán là chi, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là chi tiêu tiền bạc, về sau mở rộng chỉ việc sử dụng của cải vật chất nói chung như xài xe tốt, xài hàng sang, thậm chí nói đùa về người ly dị lấy vợ nhiều lần cũng có lối nói Thằng đó xài hao vợ lắm vân vân.

Xào: âm Việt Hán là sao, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa đen là rang, chiên. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng của người Việt từ này lại có hai ý nghĩa khác nhau, như sao thuốc sao trà thì không có dầu mỡ và nhằm làm cho khô, nhưng xào rau xào thịt thì có dầu mỡ và nhằm làm cho chín. Nhu cầu phân biệt chức năng ở đây do đó được thể hiện qua hai cách đọc khác nhau nói trên trong tiếng Việt, vì từ góc đô văn tự – ký hiệu thì không thể phân biệt được hai chức năng này. Nhưng người Hoa thì dường như không phân biệt những chức năng, sao, xào, chiên của từ này, ví dụ thực đơn trong các nhà hàng quán ăn của người Hoa đều viết món Cơm chiên Dương Châu là Dương Châu sao phạn.

Xấp: âm Việt Hán là tập, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là hơp nhiều vật lại một chỗ chất lên, thường dùng với những vật bằng giấy vải, như một xấp giấy, một xấp tiền. Đáng nói là cả hai từ này đều bị biến âm trong tiếng Việt như tập => tệp, xấp => xếp.

十四十五 Xập xí xập ngầu: âm Việt Hán là Thập tứ thập ngũ, đây là theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu, nghĩa đen là mười bốn mười lăm, nghĩa bóng là mười bốn cũng như mười lăm. Có người cho rằng câu này ý nói trăng đêm mười bốn âm lịch hàng tháng cũng tròn như đêm mười lăm, có người cho rằng đó là ý nói con gái mười bốn cũng như con gái mười lăm tuổi, đều đã có thể gả chồng (Trung Quốc xưa có tục tảo hôn), rất khó biết thuyết nào là đúng. Nhưng căn cứ vào thực tế sử dụng thì có thể hiểu từ này chỉ thái độ cẩu thả qua quít hay nhập nhằng gian vặt, tức coi mười bốn cũng như mười lăm. Từ hột xí ngầu chỉ xúc xắc cũng có nguồn gốc từ hai chữ tứ ngũ nói trên.

仙 草 Xiên xáo: âm Việt Hán là tiên thảo, đây là theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu, nghĩa đen là cỏ tiên, chỉ một loại cỏ nấu thành thạch ăn để khử độc giải nhiệt, qua sự sử dụng của người Việt ở Nam Bộ dần dần bị biến âm thành sương sáo, tức cái mà phương ngữ Bắc gọi là thạch đen. Theo đường hướng này có thể giả định sương sâm (thạch) là xiên sâm (tiên sâm = sâm tiên), còn sương sa (thạch trắng) nghe nói nấu bằng rau câu thì tôi chưa tìm ra được sa là loại rong rêu gì!

Xình: âm Việt Hán là trình hay sinh, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa gốc là mắc bệnh vì rượu, say một ngày mới tỉnh, lại có nghĩa là say mà vẫn biết. Từ này du nhập vào vào tiếng Việt ở Nam Bộ tạo ra từ xình xoàng tức trạng thái say ngà ngà, ngoài ra trong quá trình sử dụng còn nảy sinh một biến âm mang ý vị trào lộng rất phổ biến là xỉn.

推,催Xui: âm Việt Hán đều là thôi, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, có nét nghĩa gần nhau là xô đẩy, thúc giục. Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị ghi từ xui này bằng mã chữ Hán xuy (thổi) tuy có thể đọc thành chữ Nôm là xui nhưng đúng về âm chứ chưa chính xác về nghĩa. Trong tiếng Việt, từ xui này còn có biến âm là xúi.

Xăm: âm Việt Hán là thiêm, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là mảnh giấy có đánh dấu hay cái thẻ tre dùng để bói toán. Trong tiếng Việt từ này có hai âm đọc với hai nghĩa khác nhau, một là thăm (rút thăm, bỏ thăm), một là xăm (xin xăm).

十 三 Xập xám: âm Việt Hán là thập tam, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là mười ba, chỉ một lối chơi bài mười ba lá, xếp bài thành ba chi 5 – 5 – 3 theo thứ tự từ dưới lên trên rồi so lớn nhỏ, thắng được hai chi trở lên là thắng. Tiếp nhận lối chơi bài này, người Việt cũng tiếp thu hệ thống “thuật ngữ” của nó như thùng (đồng), tức đồng hoa, ví dụ một chi có năm lá bài cùng là cơ hay rô chuồn bích, sảnh (tính) tức sát nhau, liền nhau, ví dụ một chi có năm lá bài ba bốn năm sáu bảy, mậu thầu (một đầu) tức ba lá trên cùng rời rạc không có đôi vân vân. Chơi loại bài này gọi là binh, có lẽ âm Việt Hán là bình, tức sắp xếp, bày ra thành các chi.

Xỉu: âm Việt Hán là tiểu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nghĩa là nhỏ. Trong phương ngữ Nam Bộ từ này biến âm thành xíu và còn trở thành một yếu tố tạo từ như nhỏ xíu, xíu xìu xiu.

Xỉu: âm Việt Hán là hưu, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, có mấy nghĩa như nghỉ ngơi, chết, đây dùng chỉ trạng thái giống như chết, tức ngất đi. Trong quá trình sử dụng của người Việt, từ này còn phát sinh môt biến âm mang ý vị trào lộng là xìu.

Tháng 3. 2008

14 Comments

Posted by Trục nhật phi on March 6, 2008 in Uncategorized

Tags: 037

  • Search
  • Pages

    • About
  • Archives

    • May 2015
    • April 2015
    • January 2015
    • June 2014
    • July 2009
    • June 2009
    • May 2009
    • April 2009
    • March 2009
    • February 2009
    • January 2009
    • December 2008
    • November 2008
    • October 2008
    • September 2008
    • August 2008
    • July 2008
    • June 2008
    • May 2008
    • April 2008
    • March 2008
    • February 2008
    • January 2008
    • December 2007
  • Categories

    • Uncategorized (187)

Blog at WordPress.com.

Entries (RSS) and Comments (RSS)

Privacy & Cookies: This site uses cookies. By continuing to use this website, you agree to their use. To find out more, including how to control cookies, see here: Cookie Policy
  • Subscribe Subscribed
    • Trục nhật phi
    • Sign me up
    • Already have a WordPress.com account? Log in now.
    • Trục nhật phi
    • Customize
    • Subscribe Subscribed
    • Sign up
    • Log in
    • Report this content
    • View site in Reader
    • Manage subscriptions
    • Collapse this bar
Design a site like this with WordPress.comGet started

Từ khóa » Dách Lầu Nghĩa Là Gì