1. Những Mã Chữ Nôm Thuần Tuý Ghi âm Nam Bộ

Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2008
Đỗ Thị Bích Tuyển
94. Về một số mã chữ Nôm ghi âm Nam bộ trong vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên (TBHN 2008)

Cập nhật lúc 19h06, ngày 23/11/2010

VỀ MỘT SỐ MÃ CHỮ NÔM GHI ÂM

NAM BỘ TRONG TUỒNG HÁT BỘI

KIM THẠCH KỲ DUYÊN

ĐỖ THỊ BÍCH TUYỂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Kim Thạch kì duyên là tác phẩm hát bội của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), người tỉnh Cần Thơ. Vở tuồng này gắn với tên tuổi của ông và chỉ thế thôi cũng đủ làm cho người Nam Bộ không bao giờ quên tên ông Thủ khoa này. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, Kim Thạch kì duyên tuy là tác phẩm của loại hình sân khấu nhưng do mang nặng tính bác học trong lối viết, bố cục kịch bản rườm rà, âm điệu khó hát nên chỉ để đọc, để ngâm, để ngẫm chứ không diễn trên sân khấu được. Do vậy mà tác phẩm nặng tính văn học thuần túy hơn là một tác phẩm sân khấu.

Vở tuồng có ba hồi, mỗi hồi lại chia thành nhiều cảnh, mỗi cảnh lại gồm nhiều lớp theo lối tuồng cổ.

Hiện trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi tìm thấy một bản Kim Thạch kì duyên chép tay, ghi bằng chữ Nôm, kí hiệu AB.598. Sách không ghi tên tác giả cũng như niên đại. Song do tác phẩm này khá nổi tiếng, từng được giới nghiên cứu quan tâm, dịch ra tiếng Việt, tiếng Pháp, nên chúng tôi không khảo cứu vấn đề tác giả ở đây. Trong khuôn khổ của một bài Thông báo Hán Nôm học, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào nhiều vấn đề như thể loại, việc sử dụng điển tích như một số nhà nghiên cứu trước đây đã làm, chỉ xin giới thiệu về một số mã chữ Nôm ghi âm Nam Bộ trong tác phẩm này.

1. Những mã chữ Nôm thuần tuý ghi âm Nam Bộ

Do đặc trưng của loại hình hát tuồng gắn với sân khấu trình diễn nên bên cạnh những lời văn vần mang tính văn chương ra, lời văn trong văn bản mang nhiều yếu tố của văn nói. Chính phần lời dẫn và phần ngoài lề đàm thoại này đã ghi được nhiều âm mang tính chất địa phương Nam bộ. Chẳng hạn:

+ Qua : nghĩa là đến

- Bẩm ông, có quan binh bị qua thăm ông (tr.11)

Qua nói nghe này (tr.8)

+ Thiệt : thật

- Tao nói thiệt: Loài tây khấu quần trung

Chém giết thì bây chém! Tao nói thiệt (tr.50)

- Bà Nhất phẩm phu nhân khôn thiệt mà (tr.17)

+ Ủa : từ cảm thán! Xuất hiện nhiều lần trong văn bản

- Ủa! Của cải sao mà thiếu đi (tr.62)

+ Biểu : bảo

- Ủa! Ai từng cắt ruột,

Mi biểu đành lòng. (tr.12)

+ Ông sui : ông thông gia

Oai phong đà lớn mặt ông sui. (tr.59)

+ Bệnh ngặt 病歹: bệnh nặng

- Phu nhân bệnh ngặt bệnh ngặt!

+ Thằng chả 尚諸: thằng cha

- Bảo mấy đứa chúng bây

Theo nắm đầu thằng chả. (tr.17)

2. Một số mã chữ Nôm viết lái theo cách phát âm Nam Bộ

2.2. Viết dấu ~ thành dấu (dấu ngã thành dấu hỏi)

Điều này liên quan đến vấn đề thanh điệu. Ngôn ngữ nói Bắc Bộ có sáu thanh điệu rất rõ ràng. Người miền Nam khi phát âm không có sự phân biệt giữa thanh hỏi và thanh ngã. Chính vì vậy, trong văn bản việc dùng âm hải để ghi âm hãy là hiện tượng dễ hiểu.

- Gái thuyền quyên, đương hãy kén chồng (tr.2)

- Ấu nhi đà lớn tác

Sư phạm hãy thiếu người. (tr.19)

- Hãy đến đó, mặc già biện liệu (tr.13)

Tất cả các chữ hãy đều viết là hải theo âm của người Nam Bộ.

+ Dùng âm nãi để ghi âm nải:

- Khi nải (nãy) còn hơi ấm (tr.19)

Hiện tượng này cũng thấy xuất hiện trong chuyện Lục Vân Tiên như sau:

- Nhớ câu trọng ngải (ngãi) khinh tài

- Tiểu đồng vội vả (vã) ra đi...

2.2. Về phụ âm cuối

+ -t thành -c: dùng úc để ghi út:

- Tố Châu là gái út (tr.1)

Mặc dù vậy, ở đoạn sau, chữ út vẫn được viết đúng theo cấu tạo chữ Nôm

- Con ni là gái út tôi. (tr.16)

Hiện tượng này cũng thấy xuất hiện trong Lục Vân Tiên như sau: dùng chữ Nôm tự tạo mắt để ghi âm mắc

- Chẳng hay mình mắc việc chi.

- Tại ta không mắc nợ đời

+ -n thành -ng: dùng chữ Nôm mần răn để ghi mần răng. Hiện tượng này xuất hiện nhiều lần trong văn bản. Đây là mã chữ Nôm ghi âm miền Trung. Tuy nhiên ngay cả khi ghi âm miền Trung thì những mã chữ này vẫn mang dấu ấn Nam Bộ.

- Dầu bát cạn mần răng

Của nhiều ít trám miệng. (tr.28)

+ Dựa vào nguyên âm a để đọc ă: dùng âm hán để ghi hắn:

- Lúc về nhà, hắn vấn thuốc pha trà

- Rày nghe hắn bệnh đau.

v.v...

Lời kết:

Những mã chữ Nôm chúng tôi sơ qua ở trên, phần lớn là những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán để ghi âm Nôm theo cách phát âm của người miền Nam, mặc dù không ít trường hợp đã dùng chữ Nôm tự tạo để ghi âm đọc. Đây có phải là nét đặc trưng của những văn bản Nôm Nam Bộ hay không, hay phải chăng là một lối viết sai tự dạng theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân: Không làm gì có cách viết chữ Nôm riêng của miền Nam mà chỉ có những chữ Nôm đã bị những người miền Nam viết sai tự dạng theo cách phát âm của họ mà thôi, cũng như cách viết sai chính tả chữ quốc ngữ trước đây của người miền Nam .

Tuy nhiên, mềm mỏng hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng đó là sự phản ánh ngữ âm của từng vùng, từng địa phương vào chữ viết. Hơn nữa, chữ Nôm cũng như chữ Hán là một loại văn tự đã không còn được dùng trong xã hội đương đại, do vậy việc tìm hiểu chúng qua các văn bản cổ để lại thuộc các vùng miền đất nước cũng là những điều lý thú. Và nhìn nhận một cách khách quan thì thấy rằng, ngày nay ở miền Nam, những cách phát âm như đã dẫn ở trên không phải chỉ là chuyện của lịch sử, của quá khứ, mà nó vẫn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đại đa số quần chúng.

Tìm hiểu và khai thác vấn đề chữ Nôm địa phương là những công cụ rất cần thiết với những người nghiên cứu ngôn ngữ trẻ, và cần phải có nhiều thời gian khảo sát. Điều đó rất có ích cho việc phiên âm một cách chính xác các văn bản Nôm cổ mang tính địa phương. Đây là một nét khác biệt với cái gọi là ngôn ngữ toàn dân. Chẳng hạn như một số trường hợp, văn bản viết là phúc mà người Nam bộ đọc là phước, nhân đọc nhơn, chân đọc chơn... thì người miền Bắc nhìn văn bản vẫn đọc là phúc, là chân, là nhân. Như các nhà thơ, nhà văn xưa, cho dù họ là người miền Bắc, Trung, Nam, nhưng ngôn ngữ mà họ sử dụng trên đại thể vẫn dựa trên nền tảng của ngôn ngữ toàn dân. Như trường hợp Nguyễn Du là người Nghệ An, vậy mà trong Truyện Kiều để đời của ông, người ta chỉ đếm được bảy từ địa phương. Nếu so sánh như vậy thì quả thật là khiếm nhã, chúng tôi không có ý định làm việc đó. Tuy nhiên, với những người nghiên cứu chữ Nôm, quan tâm đến chữ Nôm thì những văn bản Nôm của người Nam bộ vẫn luôn là đề tài hấp dẫn cần được khai thác. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát để làm rõ hơn vấn đề này.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb. KHXH, 1989, tr.71.

2. Hoàng Dũng - Nguyễn Tiến Mậu - Đinh Văn Thiện: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngôn ngữ số 4/1982.

3. Nguyễn Thị Lâm: Chữ Nôm với ngữ âm địa phương Nam Bộ,

4. Đoàn Ánh Loan: Về việc chú thích điển cố trong Kim Thạch kì duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Tạp chí Hán Nôm.

5. Nguyễn Quảng Tuân: Mấy nhận xét về cách viết chữ Nôm ở miền Nam trong truyện Lục Vân Tiên, Hội nghị Nôm học, Đại học Temple, 2008./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.1061-1066

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Chữ Hán Nôm Duyên